Saturday, May 28, 2011

27/05 Những mảnh đời được hồi sinh

PN - Hôm nay, 27/5/2011, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của việc xâm hại và buôn bán vì mục đích bóc lột tình dục ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn II (5/2008 - 6/2011) tại TP. Cần Thơ.

Báo Phụ Nữ ghi lại những câu chuyện về những số phận được thay đổi nhằm phản ánh nỗ lực không ngừng của những người làm công tác Hội.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…

N. ngồi trong căn phòng nhỏ, ngập ngừng trò chuyện với tôi. Đã hai năm trôi qua kể từ ngày N. bị lừa bán sang Malaysia, giờ N. đã là một nhân viên tham gia công tác xã hội, nhưng quá khứ đau buồn ấy vẫn là nỗi ám ảnh của cô. N. quê ở cù lao Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, nơi từng được mệnh danh là “đảo Đài Loan”. Khi N. vừa tròn 20 tuổi, cô nghe lời một người phụ nữ trong xóm “đi bán quán” để kiếm tiền. Qua nhiều chặng đường dài, nhiều lần được giới thiệu, sang tay, khi đặt chân đến Malaysia cũng là lúc cô nhận ra mình đã lọt vào một ổ mại dâm khét tiếng. Để bảo toàn mạng sống, N. chấp nhận “tiếp khách” dưới sự chăn dắt, kiềm kẹp của đám ma cô. Thân yếu, thế cô, sau ba tháng trôi nổi ở xứ người, một hôm, nhân lúc chủ sơ hở, N. bỏ trốn đến một đồn cảnh sát mà cô đã từng ghi nhớ trên đường “đi làm”. Không visa, không giấy tờ, cô bị tạm giam trước khi được bảo lãnh về nước.

Được đưa về sinh sống ở Trung tâm Trợ giúp phụ nữ - trẻ em có hoàn cảnh khó khăn TP. Cần Thơ (TT AAT Cần Thơ), N. học lại văn hóa và học nghề đầu bếp tại một nhà hàng nổi tiếng. Hàng ngày, cô được giao đi chợ, hướng dẫn các thành viên đang sinh sống tại TT tổ chức bữa ăn và tham gia làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để kiếm thêm thu nhập. N. trầm lặng, ít nói, nhưng quyết lòng theo học bổ túc văn hóa và đang nỗ lực làm việc để theo đuổi ước nguyện được làm nhân viên công tác xã hội lâu dài.


Những thủ phạm buôn bán phụ nữ trước vành móng ngựa

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, chuyện của N. được xem là may mắn so với rất nhiều nạn nhân bị buôn bán khác. Không chỉ mang nỗi bất hạnh của những nạn nhân bị buôn bán, H.T.D., quê ở Hậu Giang còn gánh nỗi đau riêng bởi cô bị chính anh trai mình mang bán với giá năm triệu đồng.

Cùng đi với D. có đến gần chục cô gái ở các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL. D. nhớ lại: “Lúc tới Campuchia, em hoang mang quá nên đòi về, bà Nga, chủ đường dây ra điều kiện: Muốn về thì phải trả cho bà ấy 1.000 USD. Đó là chi phí đi lại, ăn uống và là tiền “mua” tụi em từ tay người khác”. Đến Malaysia, D. buộc phải “đi khách”. Nhiều người kháng cự thì bị đánh đập, bỏ đói hoặc “đày” đi đến nơi khác dã man hơn nên đành phải chịu bán dâm. Tiền khách cho bao nhiêu bị chủ lấy hết để “trừ nợ”. Trong một lần tiếp khách, D. bị cảnh sát Malaysia bắt giữ và sau đó được đưa về Việt Nam.

Bình yên cho em

Theo số liệu chưa đầy đủ, từ tháng 6/2008 - 5/2011, TT AAT Cần Thơ đã tiếp nhận gần 100 chị em là nạn nhân của hoạt động buôn bán người ở các tỉnh ĐBSCL. Tại TT, các nạn nhân được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, học nghề, giới thiệu việc làm... để tái hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, công việc không dừng lại ở đây. Bà Huỳnh Thúy Trinh, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Để giúp các em tìm được sự bình yên trong cuộc sống tiếp theo của mình tại quê nhà, trước khi tiếp nhận các em, chúng tôi phối hợp với TT AAT Cần Thơ tìm đến nhà của nạn nhân chia sẻ, động viên tinh thần người thân của họ để chuẩn bị tâm lý tiếp nhận, đồng thời lắng nghe và chia sẻ những khó khăn, bức xúc của các em nơi xứ người, nguyện vọng của các em khi trở về địa phương. Qua đó nắm tâm tư, nguyện vọng của các em để giải quyết từng trường hợp cụ thể cho phù hợp, giúp cho các em dễ hòa nhập và tự tin làm lại cuộc đời”.

Hai chị em H.T.T.M. và H.T.T.L., huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đều là nạn nhân bị lừa bán vào một tụ điểm mại dâm ở Trung Quốc. Người chị T.M. trước đó đã có gia đình, sau khi thoát khỏi địa ngục trần gian đã được Hội LHPN tỉnh Hậu Giang hỗ trợ một số vốn nho nhỏ để bán quán cà phê tại nhà. T.L. được học nghề tại TT AAT Cần Thơ, nhưng vì cha mẹ em quá nghèo, căn nhà nát cũng được cất nhờ trên đất của người khác nên em muốn về quê để làm thuê giúp gia đình. Biết nguyện vọng của T.L., Hội LHPN tỉnh Hậu Giang đã vận động hỗ trợ cho hai chị em gần tám triệu đồng từ chương trình giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng của Bộ Tư pháp. Không dừng lại ở đó, các chị lại tiếp tục vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ gia đình T.L. xây một căn nhà nhỏ.

Trường hợp của chị em T.M. và T.L. là những nạn nhân bị buôn bán được sự hỗ trợ nhiệt tình và có hiệu quả của các cấp Hội. Tuy nhiên, bà Huỳnh Thúy Trinh cũng cho biết, nhiều trường hợp các em được học nghề nhưng khi “ra đời” công việc lại không phù hợp với hoàn cảnh thực tế, nhiều em không chịu nổi áp lực dư luận nên chọn con đường bỏ xứ đi xa. Vì vậy, việc giúp các nạn nhân cần phải được tiếp tục cho đến khi các em thật sự được bình yên trong ngôi nhà và quê hương của mình.

Hiền Dung

No comments:

Post a Comment