Wednesday, March 2, 2011

27/02 10 thứ 'đốt' tiền của người Mỹ

Chủ nhật, 27/02/2011, 09:39
Khảo sát của 24/7 Wall St. cho thấy người Mỹ chi đến 15% tổng thu nhập của gia đình vào những thứ không cần thiết chỉ để mua vui.

Danh sách vừa được đưa ra dựa trên việc nghiên cứu thay đổi thói quen tiêu dùng trong 20 năm (năm 1989 và 2009). Tất cả những chi phí được coi là cần thiết để duy trì một cuộc sống bình thường đã được loại bỏ. Số liệu được lấy từ Cục thống kê Lao động Mỹ.

10. Các sản phẩm và dịch vụ cho trang phục

Chi phí của một hộ gia đình: 249 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: 0,5%

Khoản này bao gồm những việc không cần thiết như thuê và cất giữ quần áo, giặt khô, sửa đồ trang sức, đồng hồ. Sửa chữa quần áo, giày dép thường hiếm khi bị coi là lãng phí, nhưng ở đây chúng lại chiếm một tỷ lệ tương đối. Chi phí trung bình của một hộ gia đình cho khoản này là 249 USD, giảm nhẹ so với năm 1989 (266 USD).

9. Thuốc lá

Chi phí của một hộ gia đình: 380 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: 0,8%

Một gia đình bình thường ở Mỹ chi đến hơn 380 USD/năm cho các sản phẩm thuốc lá và những thứ đi kèm như xì gà, tẩu và thuốc lá nhai. Con số trên bao gồm cả những gia đình không tiêu dùng thuốc lá. Tuy nhiên, tỷ lệ thuốc lá chiếm trong ngân sách chi tiêu của một gia đình là 0,8%. Con số trên còn lớn hơn chi phí người Mỹ dùng cho hoa quả và sữa gộp lại. Một người hút một bao thuốc mỗi ngày ở New York sẽ tiêu đến 4.000 USD một năm, chiếm khoảng 10% thu nhập trung bình của người Mỹ trước thuế.

8. Thiết bị và dịch vụ giải trí

Chi phí của một hộ gia đình: 400 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: 0,8%

Các sản phẩm trong mục này gồm xe đạp, nhà lưu động, thiết bị cắm trại, đi săn, câu cá, thiết thị thể thao, bơi thuyền, chụp ảnh. Chi phí trung bình cho những thiết bị này là 400 USD. Những gia đình có cha mẹ và một con lớn từ 6 – 17 tuổi tiêu nhiều nhất – 870 USD. Ở những nhà chỉ có cha mẹ đơn thân và ít nhất một đứa con dưới 18 tuổi thì chi phí chỉ là 188 USD. Năm 1989, chi tiêu cho khoản này ít hơn một chút là khoảng 369 USD.

7. Rượu

Chi phí của một hộ gia đình: 435 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: .0,9%

Năm 2009, một gia đình bình thường ở Mỹ chi khoảng 435 USD cho bia, rượu và các loại đồ uống mạnh. Con số này lớn hơn số tiền dành cho các loại đồ uống không cồn gộp lại. Mặc dù giá đồ uống ở nhà hàng và quán rượu thường cao hơn, nhưng phần lớn chi phí cho đồ uống có cồn lại là trong gia đình. Một gia đình chỉ gồm hai vợ chồng trung bình tốn khoảng 582 USD, nhiều hơn 400 USD so với gia đình chỉ có cha mẹ đơn thân. Chi tiêu cho rượu đã tăng 35% so với năm 1989. Tuy nhiên, tổng chi phí cho đồ uống thì gần như không thay đổi: 1% năm 1989 và 0,9% năm 2009.


6. Phí vào các nơi công cộng

Chi phí của một hộ gia đình: 628 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: 1,3%

Năm 2009, trung bình một gia đình Mỹ tốn 628 USD cho vé vào dự các sự kiện thể thao, xem phim và hòa nhạc. Một gia đình tốn nhiều tiền bạc hơn vào khoản này so với một cá nhân. Người dân ở phía đông bắc nước Mỹ chi đến 780 USD, nhiều hơn 370 USD so với miền nam. Chi phí trung bình hàng năm cho khoản phí này gần gấp đôi so với năm 1989. Tại thời điểm đó, giá một vé xem phim là khoảng 4 USD, chỉ bằng một nửa hiện nay.


5. Phòng trọ, nhà nghỉ mát, khách sạn

Chi phí của một hộ gia đình: 672 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: 1,4%

Tại Mỹ, một gia đình bình thường tốn hơn 670 USD cho nhà nghỉ mát và khách sạn. Tuy 20 năm trước, con số này chỉ là 485 USD, nhưng trên thực tế, so với tổng chi phí hàng năm, họ lại tiêu ít hơn: 1,7% năm 1989 và 1,4% năm 2009. Những gia đình có thu nhập hơn 70.000 USD một năm chi nhiều hơn so với một gia đình bình thường – 1.511 USD năm 2009. Những gia đình ở phía đông bắc nước Mỹ dành đến 924 USD cho nhà nghỉ mát và khách sạn, gần gấp đôi so với những nhà ở miền nam.


4. Thú nuôi, đồ chơi và thiết bị cho sân chơi

Chi phí của một hộ gia đình: 690 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: 1,4%

Một gia đình bình thường dành đến gần 700 USD cho thú nuôi, đồ chơi và các loại thiết bị cho sân chơi. Gần 80% chi phí cho khoản này là dành cho thú nuôi, bao gồm thức ăn và chăm sóc thú y. Đồ chơi và trò chơi chỉ chiếm 140 USD. Những gia đình có ít nhất một trẻ dưới 6 tuổi chỉ tốn 670 USD. Trong khi đó, những nhà có con lớn hơn 18 tuổi lại chi đến 1.200 USD. Có sự khác biệt trên đa phần là do chênh lệch trong chi phí chăm sóc thú y. Các gia đình ở miền tây nước Mỹ tốn 800 USD cho khoản này, nhiều hơn vùng trung tây đến 20%. So với tổng chi tiêu hàng năm, chi phí đã tăng từ 0,9% năm 1989 lên 1,4% năm 2009.


3. Tivi, đài và thiết bị âm thanh

Chi phí của một hộ gia đình: 975 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: 2%

Năm 2009, một gia đình bình thường ở Mỹ tiêu tốn 975 USD cho tivi, đài và thiết bị âm thanh, bao gồm truyền hình cáp, trò chơi điện tử và đầu đĩa. Năm 1989, chi tiêu cho khoản này là 429 USD. Trong khi đó, số tiền dành cho tài liệu đọc chỉ có 109 USD. Nhóm dân cư chi mạnh tay cho khoản này nhất (2,5%) là những nhà kiếm được từ 5.000 USD – 9.999 USD một năm. Trái lại, nhóm gia đình có thu nhập cao nhất lại là nhóm dè sẻn nhất. Những gia đình thu nhập từ 70.000 USD một năm trở lên chỉ tốn 1,7% tổng chi tiêu cho khoản này.


2. Quà tặng

Chi phí của một hộ gia đình: 1.067 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: 2,2%

Dẫu người Mỹ tốn nhiều tiền cho những thú tiêu khiển không cần thiết của cá nhân, họ cũng dành không ít tiền bạc để mua quà cho người khác. Năm 2009, chi phí trung bình cho quà cáp (bao gồm vật dụng trong nhà, đồ trang trí và các loại đồ giải trí) của một gia đình là 1.607 USD. Năm 1989, con số trên là 887 USD. Những gia đình có thu nhập ít hơn 5.000 USD một năm tiêu khoảng 479 USD, trong khi những nhà thu nhập từ 5.000 – 9.999 USD lại chi ít nhất – 261 USD.


1. Thức ăn bên ngoài

Chi phí của một hộ gia đình: 2.619 USD/năm

Tỷ lệ so với tổng chi tiêu hàng năm: 5,3%

Các loại thức ăn bên ngoài bao gồm đồ ăn nhanh, đồ ăn mang về, chi phí vận chuyển, nhà hàng, chi phí khi mua hàng ở máy bán đồ ăn tự động và xe bán đồ ăn. Năm 2009, một gia đình bình thường tốn 2.619 USD cho thức ăn bên ngoài, năm 1989 là 1.762 USD. Nhóm gia đình chi nhiều nhất cho khoản này (6,2% tổng chi tiêu) là nhóm kiếm được ít hơn 5.000 USD một năm. Nhóm có thu nhập từ 5.000 – 9.999 USD một năm chỉ tốn 4,7% tổng chi tiêu.


Theo An Lâm

VnExpress

28/02 Người giàu ngày càng thông minh hơn (phần 2)

Thứ 2, 28/02/2011, 14:20
Số người giàu lên nhờ ca hát hay đá bóng là rất nhỏ so với những người giàu và có ảnh hưởng nhờ vào trí tuệ.

Mọi loại tài năng đều được tưởng thưởng

Bất bình đẳng sẽ bớt căng thẳng nếu những người giàu kiếm được từ đúng những gì họ làm ra.

Steve Jobs là tỷ phú bởi mọi người yêu thích các sản phẩm của Apple; kho tiền của J.K.Rowling thì đầy những đồng galleon vàng (1 loại tiền trong Harry Potter) bởi hàng triệu người đã mua bộ truyện Harry Potter.

Nhưng người dân sẽ phẫn nộ hơn nhiều khi mà các ngân hàng được thưởng vì những thất bại của họ hay khi sự giàu có được tạo ra từ việc tìm kiếm đặc lợi chứ không phải từ các công ty.

Ở những quốc gia tham nhũng nhất, các nhà cầm quyền chỉ đơn thuần giúp đỡ bản thân họ bằng tiền công quỹ. Ở những chế độ dân chủ tiến bộ hơn, quyền lực được lạm dụng theo những cách tinh vi hơn nhiều.

Ví dụ tại Nhật Bản, các quan chức về hưu thường nhận được những việc làm hấp dẫn tại những công ty mà họ từng quản lý, một thực trạng được gọi là amakudari (nghĩa là "hạ cánh từ thiên đường").

Hãng tin Kyodo năm ngoái đã cho biết tất cả 43 người đứng đầu trong quá khứ và hiện tại của 6 tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi doanh thu xổ số của chính phủ đã bảo đảm việc làm của họ bằng cách này.

Tương tự như vậy tại Hoa Kỳ, các cựu chính trị gia thường nhận được chức vụ giám đốc béo bở khi họ nghỉ hưu. Có thể là do họ rất tài năng.

Nhưng một nghiên cứu bởi Amy Hillman của Đại học bang Arizona đã chỉ ra rằng các công ty Mỹ trong những ngành bị kiểm soát chặt chẽ như là viễn thông, thuốc men hay đánh bạc sẽ thuê nhiều các cựu chính trị gia làm giám đốc hơn những ngành ít bị kiểm soát.

Những người xuất thân khiêm tốn đôi khi lại vươn lên hàng đầu. Barack Obama được nuôi dưỡng bởi một người mẹ độc thân. Lloyd Blankfein, ông chủ của Goldman Sachs, là con của một thư ký. Những người như vậy thường có một điểm chung là có trí tuệ nổi trội.

Mọi loại tài năng đều được tưởng thưởng.

Nhưng số người giàu lên nhờ ca hát hay đá bóng là rất nhỏ so với những người giàu và có ảnh hưởng nhờ vào trí tuệ. Những ngành hấp dẫn nhất như luật, y học, công nghệ và tài chính, tất cả đều đòi hỏi khả năng đầu óc trên mức trung bình.

Một nhà môi giới trái phiếu không cần phải cảm thụ văn chương của Proust nhưng phải có đầu óc tính toán. Một luật sư không cần phải hiểu cuốn "Lịch sử của thời gian" (sách khoa học của Stephen Hawking) nhưng cần phải biết lập luận logic.

Trái Đất sẽ về tay người thông minh

Khi công nghệ phát triển, phần thưởng cho sự thông thái cũng tăng lên. Máy tính đã tăng đáng kể sự sẵn có của thông tin, làm tăng nhu cầu về những người có đủ khả năng để sử dụng nó.

Vào năm 1991 lương trung bình cho một lao động nam người Mỹ với bằng cử nhân cao gấp 2.5 lần so với một người học hết cấp 3; và hiện tỷ lệ này là 3 lần. Khả năng nhận thức được đánh giá cao và do thế họ nhận được thu nhập khác nhau.

Các phụ huynh đã tốt nghiệp đại học cũng có nhiều khả năng nuôi con học hết đại học hơn so với các bậc cha mẹ chưa tốt nghiệp.

Điều này hoàn toàn đúng ở khắp các quốc gia nhưng rõ rệt hơn ở Mỹ và Pháp so với Israel, Phần Lan hay Hàn Quốc, theo OECD. Bản chất (gene), sự nuôi dưỡng và chính trị đều có vai trò riêng.

Trẻ nhỏ có thể thừa hưởng gene về thông minh bẩm sinh. Trí tuệ căn bản đó của chúng sau đó có thể được nuôi dưỡng tốt hơn ở một số gia đình so với các gia đình khác.

Những cha mẹ ham đọc sách thường đọc nhiều hơn cho con của họ, dùng vốn từ vựng rộng hơn khi nói chuyện và thúc con họ làm bài tập ở nhà. Những phụ huynh có giáo dục thường kiếm nhiều tiền hơn, do đó họ có thể cho con họ đi học những trường tư ở gần những trường công tốt.

Ở Hoa Kỳ, sự phân biệt tầng lớp dân cư rất lớn, các trường công tốt nhất có toàn những học sinh phấn đấu vào đại học trong khi những trường dở nhất thì cần máy dò kim loại. Cải tổ trường học cũng đã góp phần thay đổi tinh hình nhưng không thể san bằng sân chơi.

"Sự kết đôi tương hợp" càng làm tăng thêm sự bất bình đẳng. So với thế hệ trước thì hiện những người đàn ông có học vấn cao thường chọn cưới những người phụ nữ có trình độ như họ.

Vào năm 1970 chỉ có 9% số người có bằng cử nhân tại Mỹ là nữ giới, vì thế phần lớn nam giới với những bằng cấp như vậy sẽ cưới những người phụ nữ không có bằng cấp.

Hiện tại thì số nam và nữ có bằng cấp đã xấp xỉ nhau (thực tế nữ giới đang có nhiều bằng cấp hơn) và mọi người có xu hướng chọn bạn đời với mức học vấn tương tự mình.

Nữ giới cũng đã có những bước tiến lớn tại nơi làm việc. Ví dụ như vào năm 1970, chưa đến 5% luật sư Mỹ là nữ. Hiện tại con số này là 34% và gần nửa số sinh viên luật là nữ.

Vì thế mà những cặp vợ chồng có học vấn cao, cả hai vợ chồng cùng kiếm được tiền hiện đang ngày càng phổ biến.

Con cái của những người này có mọi lợi thế, nhưng tiếc là số lượng chúng lại không nhiều. Chỉ số sinh con của những người học hết cấp 3 ở Mỹ là 2.4; với những phụ nữ có bằng cấp cao hơn là 1.6.

Một phụ nữ với mức thu nhập 200,000$/năm có chi phí cơ hội của việc nuôi con cao hơn nhiều so với một phụ nữ chào đón khách hàng tại Wal-mart. Và nuôi dạy những đứa con ưu tú là rất tốn kém. Một cặp vợ chồng luật sư có thể dễ dàng chi trả cho một đứa con của họ vào Yale nhưng 4 đứa thì có lẽ không.

Chi phí của giáo dục đại học cũng góp phần làm sụt giảm tỷ lệ sinh đẻ ở những nước giàu có khác.

Thành viên Đảng Xanh có lẽ sẽ vui mừng với bất kỳ điều gì làm giảm mức tăng trưởng dân số, nhưng các tác động của những xu hướng này đang gây không ít phiền toái.

Nhân khẩu học khiến việc những người có xuất phát điểm thấp kém trèo lên cao trở nên khó khăn hơn. Và điều đó cũng có những hệ quả chính trị của riêng mình.

Minh Tuấn
Theo Economist

27/02 Người giàu ngày càng thông minh hơn (phần 1)

Chủ nhật, 27/02/2011, 09:52
Thật bất công nếu lấy tiền của những người đã lao động chăm chỉ, sáng tạo để cho những người cả đời chỉ biết ngồi lỳ một chỗ.

Một nhân viên ngân hàng nổi tiếng nói rằng khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, những người phụ nữ mà ông biết đã ngừng đeo đồ trang sức. "Đó không chỉ vì họ biết nghĩ về sự phô trương mà còn do đeo chúng chẳng còn là việc hay."

Ông cho biết: "Có những blog có tên tôi, tên gia đình tôi và cả địa chỉ. Còn có cả những lời đe dọa giết người. Bạn có thể cho rằng đó chỉ là đứa trẻ ranh nào đó ngồi trong xó nhà nhưng John Lennon đã gặp một đứa trẻ như thế và anh ta đã bị đứa trẻ đó bắn."

Các vụ phá sản hàng loạt đã gây nên một làn sóng giận dữ trong công chúng đối với các nhà tài chính và toàn bộ những người giàu có nói chung. Bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng ở hầu hết các nước giàu có nên tranh luận về chúng cũng vì thế mà trở nên căng thẳng hơn.

Người giàu ngày càng giàu hơn

Ví dụ như tại Hoa Kỳ vào năm 1987 top 1% những người đóng thuế nhiều nhất nhận 12.3% tổng số thu nhập trước thuế. 20 năm sau, con số này đã lên tới 23.5%, gần gấp đôi so với trước. Tỷ lệ này của nửa dưới những người đóng thuế giảm từ 15.6% xuống 12.2%.

Jan Pen, một nhà kinh tế học Hà Lan qua đời năm ngoái, đã đưa ra một cách rất ấn tượng để hình dung về bất bình đẳng.

Giả dụ chiều cao con người tỷ lệ thuận với thu nhập, do đó một người với chiều cao trung bình sẽ có thu nhập trung bình. Bây giờ tưởng tượng rằng toàn bộ dân số trưởng thành của Hoa Kỳ đi qua bạn trong một giờ theo thứ tự thu nhập tăng dần.

Những người đi qua đầu tiên là những chủ doanh nghiệp thua lỗ và họ vô hình bởi đầu họ nằm dưới mặt đất. Sau đó là tới những người thất nghiệp và những lao động nghèo khổ - những người lùn.

Sau nửa tiếng thì đoàn người đi qua vẫn chỉ cao tới eo bạn bởi thu nhập mức giữa của Hoa Kỳ chỉ bằng nửa mức thu nhập trung bình. Phải mất tới gần 45 phút thì những người có kích thước bình thường mới xuất hiện.

Nhưng sau đó ở những phút cuối cùng, những người khổng lồ ầm ầm băng qua. Trong vòng 6 phút toàn những người cao 12 feet (~3.66m). Khi 400 người cao nhất đi qua vào lúc cuối cùng, mỗi người cao đến hơn 2 dặm.

Thước đo bất bình đẳng phổ biến nhất là hệ số Gini. 0 điểm tương ứng với mức bình đẳng tuyệt đối: mọi người có thu nhập như nhau. 1 điểm bằng với việc một người có tất cả mọi thứ.

Chỉ số Gini của Hoa Kỳ đã tăng từ 0.34 (những năm 1980) lên 0.38 (giữa những năm 2000). Chỉ số này của Đức đã tăng từ 0.26 lên 0.3 và Trung Quốc từ 0.28 lên 0.4. Chỉ một nước lớn duy nhất là Brazil có chỉ số này giảm từ 0.59 xuống 0.55.

Đáng ngạc nhiên là trong cùng lúc đó, bất bình đẳng toàn cầu đã giảm từ 0.66 xuống 0.61, theo số liệu của Xavier Sala-i-Martin, một nhà kinh tế học tại Đại học Columbia. Đó là bởi những nước nghèo hơn, như là Trung Quốc, đã tăng trưởng nhanh hơn các nước giàu.

Bất bình đẳng chẳng phải chuyện nhỏ

Bất bình đẳng giàu ảnh hưởng đến đâu? Rất nhiều là câu trả lời của Richard Wilkinson và Kate Pickett, hai tác giả của cuốn "The Spirit Level: Tại sao bình đẳng tốt cho tất cả mọi người".

Cuốn sách của họ đã gây xôn xao tại Anh bằng cách chỉ ra rằng bất bình đẳng có liên quan tới mọi tệ nạn xã hội với những biểu đồ và số liệu phong phú.

Sau khi so sánh các quốc gia và những tiểu bang không bình đẳng ở Mỹ với những nước và tiểu bang bình đẳng hơn, các tác giả kết luận rằng sự bất bình đẳng lớn hơn sẽ dẫn tới nhiều tội phạm hơn, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao hơn, dân cư phát phì hơn, tuổi thọ thấp hơn, nhiều thiếu niên mang thai hơn, phân biệt đối xử với nữ giới nhiều hơn, v.v… Họ thậm chí còn rút ra là những nước bình đẳng hơn sẽ cách tân hơn, thể hiện ở số bằng sáng chế trên đầu người.

Ông Wilkinson và bà Pickett cho rằng những xã hội bình đẳng phát triển tốt hơn bởi loài người tiến hóa trong những nhóm nhỏ săn bắn - hái lượm chia sẻ thức ăn.

Những xã hội hiện đại bất bình đẳng đều rất căng thẳng bởi ý thức cơ bản về bình đẳng của con người bị xâm phạm. Các tác giả kêu gọi tăng cường sở hữu chung tại các công ty và đánh thuế cao hơn vào những người giàu. Các học giả cánh tả rất hoan nghênh ý tưởng này nhưng những người còn lại thì không chắc.

Ông Peter Saunders từ cơ quan nghiên cứu trung hữu Policy Exchange tại London, cho rằng những kết luận dựa trên thống kê trong cuốn sách hầu hết là vớ vẩn. Ông đã chỉ ra một số điểm sai sót.

Đầu tiên là ông Wilkinson và bà Pickett không loại trừ những ngoại lệ từ mẫu của họ.

Do đó, ví dụ khi họ nói rằng các nước bất bình đẳng có tỷ lệ giết người cao hơn những nước bình đẳng, tất cả những gì họ quan sát chỉ là các vụ giết người ở Mỹ xảy ra thường xuyên hơn ở những các nước giàu có khác, có thể là bởi họ được trang bị vũ khí dễ dàng hơn. Đối với phần còn lại của mẫu, không có liên hệ chặt giữa bất bình đẳng và giết người.

Tương tự như vậy, phát hiện của họ về tuổi thọ trung bình lại dựa vào Nhật Bản, đất nước có tuổi thọ cao có lẽ là do chế độ ăn uống hợp lý chứ không phải do phân phối thu nhập đồng đều.

Và những phát hiện về mang thại vị thành niên, vị thế nữ giới và sự cách tân lại dựa vào Scandinavi, một khu vực với nền văn hóa hòa nhã và vừa phải, có thể thấy rất rõ ở những người gốc Scandinavi sống tại Mỹ.

Những nhân tố ngoài sự bất bình đẳng thường tương quan lớn với những vấn đề nêu ra trong cuốn sách.

Ông Saunders nói rằng ví dụ tại các bang của Mỹ, chủng tộc là một yếu tố dự đoán chuẩn xác hơn nhiều cho việc giết người, bỏ tù hay tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong.

Ông cũng phê phán các tác giả vì bỏ qua các nước không phù hợp với giả thuyết của họ và lờ đi những vấn đề xã hội như ly dị và tự sát, hiện đang tồi tệ hơn ở các nước bình đẳng hơn.

Giàu, đơn giản vì họ giỏi

Cuộc tranh luận này có lẽ sẽ không bao giờ được giải quyết. Những vấn đề được thống kê đã đủ rắc rối.

Nếu đo lường bất bình đẳng trong tài sản thay cho thu nhập, trật tự thế giới sẽ thay đổi. Theo cách đo lường này, Thụy Điển sẽ bất bình đẳng hơn so với Anh, bởi rất ít người Thụy Điển có lương hưu tư nhân.

Và nếu đo lường mức tiêu thụ thì thế giới dường như bình đẳng hơn nhiều. Những người nghèo ở các nước giàu thường tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm ra bởi họ được hưởng phúc lợi và sử dụng dịch vụ công cộng.

Những người rất giàu thường chỉ chi một phần nhỏ trong thu nhập của họ. Bill Gates giàu gấp hàng triệu lần một người bình thường nhưng ông ta không ăn hàng triệu bữa trong một ngày.

Các vấn đề về triết lý thậm chí còn phức tạp hơn. Ông Saunders lưu ý rằng dường như là bất công khi những cầu thủ bóng đá, các giám đốc ngân hàng và những nhà tài phiệt kiếm được nhiều hơn những gì họ làm trong khi những người thất nghiệp và những ông bố bà mẹ độc thân phải vật lộn để trả tiền nhà.

Tuy nhiên cũng có vẻ là không công bằng nếu lấy tiền từ những người làm việc vất vả để cho những người lười biếng hay là lấy đi lợi nhuận của những người đã liều lĩnh khoản tiết kiệm cả đời để mang tới một phát minh mới cho thị trường nhằm giúp cho những người mà đã không mạo hiểm gì cả.

Những xã hội khác nhau sẽ chọn các cách khác nhau để xử lý xung đột này.

Rất khó để đánh giá người dân sẽ phản đối bất bình đẳng mạnh tới mức độ nào. Một cuộc thăm dò gần đây của BBC, một đài truyền hình có ngân sách từ tiền đóng thuế, đã phát hiện ra rất nhiều người ở Anh nghĩ rằng các thủ quỹ, trợ lý chăm sóc khách hàng nên được trả lương cao hơn và những giám đốc điều hành cùng với các ngôi sao bóng đá thì ít đi.

Tuy vậy rất ít người Anh bo cho những người thủ quỹ, tẩy chay những hãng có những ông chủ kếch xù hay xem những đội bóng ở giải hạng hai.

Dự án thái độ toàn cầu Pew Global Attitudes Project phỏng vấn nhiều người ở các nước khác nhau xem quan điểm của họ có phải là "hầu hết mọi người đều sống tốt hơn trong một nền kinh tế thị trường tự do, thậm chí một vài người giàu và một vài người nghèo."

Ở Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Mỹ và thậm chí cả Thụy Điển hầu hết mọi người đều đồng ý, nhưng tại Nhật Bản và Mexico phần lớn lại phản đối. Người dân ở những nước mới mở cửa gần đây và hiện đang bùng nổ là đồng tình nhất: 79% người Ấn Độ và 84% người Trung Quốc đồng ý với quan điểm đó.

Minh Tuấn
Theo Economist