Saturday, June 4, 2011

31/05 Băng sex của Jennifer Lopez sắp bị phát hành



Thứ Ba, 31/05/2011 20:35


Nữ ca sĩ đã nhận được tin xấu từ tòa án Los Angeles khi người chồng cũ, Ojani Noa, được phép công bố đoạn băng ghi cảnh giường chiếu nóng bỏng của hai người.

Những thước phim này được thực hiện trong thời gian ngắn ngủi Jennifer Lopez sống cùng Ojani Noa (năm 1997). Ojani đã nhiều lần đe dọa sẽ tiết lộ cuộn băng sex này và J.Lo phải nhờ đến tòa án can thiệp. Nữ giám khảo American Idol từng thắng kiện vì trước đây, cô đã ký hợp đồng cấm chồng cũ công bố những hình ảnh riêng tư của hai người.

Jennifer Lopez và Ojani Noa khi còn là vợ chồng
Tuy nhiên, gần đây, Ojani Noa đã tìm được một kẽ hở để phát hành đoạn phim nóng. Anh ta bán cuốn băng cho bạn gái hiện tại, Claudia Vazquez, và cô gái này đang lên kế hoạch phát hành thước phim một cách hợp pháp. Claudia lập luận rằng, cô có quyền chia sẻ cuốn băng với công chúng vì nó gây đau khổ cho cuộc sống hiện tại của cô.

Ed Meyer, giám đốc sản xuất liên quan tới dự án phát hành cuốn băng, chia sẻ: "Claudia Vazquez đã được phép tiết lộ video giường chiếu của Ojani và Jennifer. Cô ấy sẽ gặp chúng tôi để thảo luận vào ngày 31/5 và hy vọng mọi việc sẽ được triển khai sớm".

J.Lo đang có gia đình hạnh phúc với Marc Anthony và hai con - Ảnh: Fame.
Nếu băng sex được tung ra, hình ảnh của nữ ca sĩ tài năng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngôi sao 41 tuổi đang có cuộc sống hạnh phúc với Marc Anthony và cặp song sinh 3 tuổi, cùng sự nghiệp âm nhạc ngày càng tỏa sáng.
Vài năm trước, J.Lo từng kiện Ojani khi anh ta cố tình viết một cuốn sách phơi bày cuộc sống vợ chồng của hai người và làm phim về cô. Chồng cũ của J.Lo đã thua kiện và phải bồi thường 545.000 USD.

Theo Ngôi sao

Bình luận (1)

FootBall
Người ta hành động cao cả - vì tình yêu. Người ta hành động đồ tể - do tình yêu. Đốn mạt thay là Chồng cũ của Jennifer Lopez...
hoangminhnam  (hoangminhnam@gmail.com) (08:00 01/06/2011)

04/06 “Đột nhập” nhà Jennifer Lopez


Thứ Bảy, 04/06/2011 08:48


Dinh thự của Jennifer Lopez được miêu tả là mang đúng phong cách của cô - lãng mạn, sang trọng, xa hoa.

Nhà của vợ chồng Jennifer Lopez trang hoàng
với những tông màu nhã nhặn, tươi sáng

Hoa tươi có ở khắp nơi

Phòng khách trang nhã, thanh lịch

Phòng bếp rộng, sáng và sạch bóng

Một phòng khách khác với nhiều ghế sofa màu kem lịch sự

Phòng ngủ ngọt ngào và ấm áp. Hầu hết các căn phòng
đều có đèm chùm đắt giá

Nhà có trẻ con nhưng không hề bừa bộn

Ngôi nhà thể hiện gu thẩm mỹ tinh tế của chủ nhân

Nhiều vật lưu niệm được trưng bày ở khắp nơi trong ngôi nhà
khiến nhà của J.Lo càng giống một viện bảo tàng

 Một chiếc váy của Jennifer Lopez được trưng như vật lưu niệm trong nhà

Vợ chồng Marc Anthony - Jennifer Lopez.

Theo Dân Trí

27/05 Người Mỹ không còn biết tới thơ! (Bài kết)



Thứ Sáu, 27/05/2011 08:38


(TT&VH Cuối tuần) - Những học sinh Mỹ bình thường hầu như không biết về thơ ca nói chung. Chỉ vài trường hợp hiếm hoi, thường do giáo viên dạy họ thích thơ, khuyến khích, thì họ mới đụng đến vài bài thơ.

Điều này hoàn toàn khác với nhiều nền văn hóa có truyền thống rõ nét về thơ. Tại Pháp, các học sinh phổ thông đều có thể thuộc thơ Baudelaire. Hầu như người Tây Ban Nha nào cũng biết rõ về cuộc đời của Frederico Garcia Lorca. Tương tự như vậy, học sinh Việt Nam được yêu cầu phải học các giáo trình căn bản về “lịch sử và thi pháp thơ”. Và có vẻ như, ngay cả những học sinh rất bình thường thì cũng biết về Truyện Kiều của Nguyễn Du; hay thế kỷ 20 thì phải thuộc vài bài thơ của Tố Hữu hay Xuân Diệu. Tại Mỹ, đây là chuyện xa lạ, hoặc chỉ thuộc các trường hợp cá biệt.

Ngay cả ở mức độ tiên tiến, học sinh trung học Mỹ cũng chỉ tiếp xúc với Canterbury Tales của Chaucer, Sonnetcủa Shakespeare, và có lẽ, The Raven của E.A.Poe (ít nhất là ở New York, trong hệ thống trường công). Trong trường hợp hiếm hoi, họ có thể học vài bài thơ đơn giản của Robert Frost hoặc Wallace Stevens. Nói chung, thơ được coi là thứ “cao cấp”, chỉ phù hợp với các khóa học cấp đại học, thậm chí, sau đại học, thuộc các chuyên ngành văn chương. Hầu hết người Mỹ không hiểu gì về công việc của Walt Whitman, Emily Dickinson, T.S.Eliot hay Ezra Pound. Ngay cả những sử thi lớn nhất trong ngôn ngữ tiếng Anh, như Thiên đường đã mất của John Milton cũng chỉ dành cho các hội thảo cao cấp ở đại học.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thơ hiện đại Mỹ, chẳng hạn như trường phái Black Mountain hay thơ L = A = N = G = U = A = G = E, nói chung là không thể mua được ở các hiệu sách. Những tác phẩm này thường xuất bản trên máy in cá nhân với số lượng hạn chế; phần lớn, thường chỉ có trên mạng, thông qua các bản chụp lại. Các tác phẩm của Bruce Andrews thì chỉ có trong ngăn kéo riêng của các nhà thơ. Ngay cả The Maximus Poems của C.Olson cũng chỉ được tìm thấy trong hiệu sách ở trường đại học, theo chỉ dẫn và yêu cầu của giáo sư. Chúng được coi là “sách giáo khoa” cho các chuyên ngành văn học cấp cao.

Tại sao như vậy? Có lẽ, một phần do truyền thống thơ tiếng Anh không dễ để tiếp cận với người đọc. Những người Mỹ bình thường cũng không dành nhiều thời gian đọc sách, hoặc dành riêng cho thơ. Họ dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để xem tivi và đôi khi đọc New York Times Bestseller hoặc sách do MC Oprah chọn, về các tác giả đại loại kiểu như Dan Brown hoặc John Grisham. Họ thấy thơ ca, đặc biệt thơ hiện đại, là quá mịt mù, quá khó khăn để đọc hiểu hoặc giải khuây.

Điều này có lẽ đúng. Ngay cả với kiệt tác Lá cỏ hay Đất hoang cũng vậy, nó đòi hỏi phải có kiến thức và sự am hiểu sâu sắc về Anh ngữ. Vốn từ dành cho thơ thường vượt xa mức bình thường của người Mỹ, đó là chưa nói, khi đọc, phải có kiến thức về triết học, ngôn ngữ học, nghệ thuật và truyền thống văn học cổ điển. Với các trường học bình thường, học sinh sẽ không có đủ vốn từ vựng để đọc thơ. Không giống như các ngôn ngữ khác, tiếng Anh giao tiếp hàng ngày thường khá đơn điệu về vốn từ, chỉ dùng một phần nhỏ số từ có trong từ điển Oxford. Cho nên, thật tồi tệ cho thơ Mỹ, khi mà, thơ có vẻ là lĩnh vực chỉ dành cho các học giả hoặc những con mọt sách cao cấp.

Alec Schachner (nghiên cứu sinh, ĐH Columbia)

24/05 “Nước thơ” cũng khủng hoảng thơ



Thứ Ba, 24/05/2011 07:07
Thơ đang sống kiểu gì 
Khoảng một thập niên qua, trên thế giới và tại Việt Nam, thơ đang “sống” (sáng tác, phát hành…) như thế nào là một câu hỏi thật khó trả lời rốt ráo. Nhưng có thể nhìn thấy một điểm chung: đang sa sút.
Tại Việt Nam, có hơn 1.000 nhà thơ là hội viên từ trung ương đến địa phương, trong đó Hội Nhà văn Việt Nam có khoảng 300 nhà thơ. Đó là chưa nói những nhà thơ không là hội viên, càng đông hơn gấp bội. Thế nhưng, làm sao để kìm hãm sự khủng hoảng của thơ và xốc lại vị thế của nhà thơ trong xã hội hiện nay là một vấn đề nan giải. 
Chuyên đề này đề cập vài nét đến đời sống của thơ/nhà thơ tại Việt Nam, Mỹ và Pháp. 
Tổ chức chuyên đề: VĂN BẢY

(TT&VH Cuối tuần) - Việt Nam lâu nay, dù không chính thức, vẫn được xem là “nước thơ”, vì gần như ai cũng có khả năng đọc một câu thơ để bày tỏ quan điểm, tình cảm, cách nhìn... của mình. Hơn nữa, với khoảng 24 triệu học sinh các cấp và gần 1/3 dân số đang đi học (theo thống kê năm 2010), phải học văn, thuộc thơ là chuyện đương nhiên. Nền tảng là như vậy, nhưng thử nhìn lại đời sống của nhà thơ và tác phẩm thơ hiện nay, có vẻ như đang khủng hoảng trầm trọng.

Thừa thơ, thiếu người đọc

Trong vai trò Phó chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Inrasara thẳng thắn rằng trong khoảng 300 nhà thơ là hội viên, “tôi chỉ đọc được 15 người. Khoảng 15 người nữa tôi có đọc nhưng đã… quên. 270 nhà khác, tôi hoàn toàn chưa đọc. Vì không có cơ hội đọc”.

Không phải ngẫu nhiên, mà 15 năm qua, kể từ khi nữ sĩ Wislawa Szymborska (Ba Lan) thắng giải Nobel năm 1996 về thơ, dù đề cử năm nào cũng khá nhiều nhà thơ, nhưng Nobel vẫn cứ làm lơ với thơ. Năm 2005, giải từng trở lại với Harold Pinter, nhưng ở địa hạt kịch nghệ, trong diễn văn, họ tuyên dương các vở kịch, không đề cập đến các bài thơ của văn sĩ này.
Rất đông người tới hội thơ nhưng mua thơ thì… không !
(Ảnh tư liệu tại Hội thơ Ngàn năm Thăng Long)
Ngay sau giải Nobel, trong khi các nhà văn (chủ yếu là tiểu thuyết) sẽ được dịch ồ ạt ra các thứ tiếng, tiền bản quyền mà tác giả thu về là rất nhiều; thì với các nhà thơ, việc dịch diễn ra chậm chạp, nhỏ lẻ, vì thơ khó dịch một chuyện, vì khó tìm độc giả lại là chuyện khác, thực tế hơn.

Năm 2007 có hơn 1.000 tập thơ được cấp phép ở các nhà xuất bản tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có 3 tập thơ ra đời. Phần lớn thơ này là để tặng người quen và để bán giao hữu, vì “kênh” và “đất” dành cho việc phát hành thơ ngày càng thu hẹp. Đây được xem là một biểu hiện của khủng hoảng thừa.

Đầu tiên, sự khủng hoảng được nhìn thấy ngay từ các tờ báo Xuân (vốn hay in văn thơ), mấy năm gần đây, thơ cũng dần dần bị loại ra khỏi mục lục. Những nhật báo trước đây có chuyên mục dành cho thơ, bây giờ cũng dẹp luôn. Ngay cả đài phát thanh, truyền hình… thì cũng năm thì mười họa, vì rất khó tìm kiếm khán thính giả cho chương trình đọc thơ. Các báo, tạp chí văn học của các hội thì số lượng phát hành rất ít và ngày càng ít hơn, chủ yếu phát cho các hội viên và độc giả cũ, tìm độc giả mới rất khó.

Các nghiên cứu về thơ cho thấy, môi trường lý tưởng để ươm mầm, nuôi dưỡng thơ chính là sự rảnh rỗi về thời gian và các biến cố về tâm hồn.
Ngay cả các nhà thơ cũng ít khi nào mua thơ, nên cũng ít khi nào đọc thơ của người khác, nhất là những phong cách thơ khác mình. Khi đi các tiệm sách cũ, thấy rất nhiều quyển thơ được tặng (với tên người nhận là văn nghệ sĩ nổi tiếng) nằm ở đó, đủ hiểu phần nào tình hình đọc thơ hiện nay.

Đa phương tiện lèo lái

Các nghiên cứu về thơ cho thấy, môi trường lý tưởng để ươm mầm, nuôi dưỡng thơ chính là sự rảnh rỗi về thời gian và các biến cố về tâm hồn. Xã hội tiêu dùng thì có vẻ như đi ngược lại hai yếu tố đó, khi mọi nhu cầu bề nổi luôn được đáp ứng, các giá trị thực dụng thì “ru ngủ”, đúng hơn xô kéo, khiến tâm hồn đứng ra ngoài quỹ đạo và mối ưu tư của nó.

Kỷ nguyên mạng và tiện ích như website, các diễn đàn, blog, các trang xã hội, các liên kết, thậm chí điện thoại di động… đã làm cho các giá trị về sáng tạo và thưởng lãm thay đổi cực độ. Điều này dễ dàng được nhìn thấy thông qua việc một bài thơ “độc”, bài văn “lạ”, ca khúc “hiểm”, video “khủng”… sau khi được post lên mạng, các liên kết đã mau chóng được xác lập, có khi lên đến cả chục nghìn, thậm chí cả triệu page-view hưởng ứng. Thơ sống trong bối cảnh này, đương nhiên phải chịu những ảnh hưởng nhấn định; đương nhiên phải thay đổi cả phương cách sáng tác, xuất bản và phát hành, nếu không, sẽ lạc “rơ”.

Sự lạc lõng cũng dễ nhìn thấy ở cách ứng xử với việc công bố tác phẩm, trong khi nhiều tác giả bảo thủ thì ra sức bảo vệ cách xuất bản truyền thống (sách in), thì các tác giả trẻ lại chọn hướng trực tuyến, liên mạng. Nhìn lại dư luận thơ 5 năm qua, phần lớn các nhà thơ trẻ định hình tên tuổi của mình từ trực tuyến; sau khi cọ xát đủ đầy, họ chọn ra những bài ưng ý để in thành sách. Việc xuất bản vốn tốn kém, trong khi việc phát hành thì gần như vô vọng, các tác giả trẻ, vì ít quan hệ, chọn xuất bản online cũng là đúng thời cuộc.

Chính hấp lực của thời đa phương tiện, trong mấy năm qua, thơ Việt cũng đã cựa quậy bằng nhiều hình thức, từ trình diễn cho đến tự xuất bản. Mà trình diễn, đâu chỉ có nhà thơ trẻ, những thế hệ tiền bối như Dương Tường, hoặc thế hệ U70, U60… đều có tham gia sôi nổi. Việt Nam cũng đã lập nên Ngày thơ, với mong ước dành cho thơ một ngày riêng và hy vọng thơ lấy lại được phong độ của mình. Ngay cả các tác giả đã thành danh như Trần Dần, Hoàng Cầm, Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Phan Thị Vàng Anh… thì các tuyển tập thơ được xuất bản trên giấy vẫn “ồn ào” trên mạng nhiều hơn.

Một vấn đề khác cũng cần đề cập, là dù còn được bao cấp một phần với các hội liên hiệp, với các quyền lợi cụ thể, nhưng vai trò và vị thế của các nhà thơ (đang là hội viên) cũng đã thay đổi rất nhiều. Ngày trước, khi trí thức còn được đồng nghĩa với thơ văn, thì vị trí nhà thơ trong xã hội còn được nể trọng. Ngày nay, khi có quá nhiều giới “sĩ” xuất hiện, tại các quan hệ cộng đồng, ca sĩ, nhạc sĩ (viết ca khúc), nghệ sĩ biểu diễn… đã lấn át vị thế của nhà thơ. Đến mức, việc xưng danh mình là nhà thơ đã không được chính những người làm thơ trẻ thường xuyên thể hiện. 

Cho nên, thật khó để trả lời xác đáng câu hỏi: Vị thế của nhà thơ trong cuộc sống hiện thời như thế nào? Nhưng có thể thấy, thời hoàng kim của thơ đã tạm thời đi qua và có vẻ như, còn lâu mới quay trở lại.

Ra đời tháng 4/2008, sau hai năm hoạt động, giải thưởng thơ Bách Việt đã nhận được gần 1.000 tập thơ dự thi. Lê Thanh Huy (GĐ Bách Việt) chia sẻ: “Chúng ta nên có cái nhìn thực tế và phân biệt được rằng: đời sống của một loại hình văn hóa (thơ) không nhất thiết đồng nghĩa với đời sống thương mại của sản phẩm văn hóa đó. 
Tôi nghĩ trong đời sống hiện đại, người ta có nhiều thứ phải quan tâm hơn nên sự ưu ái dành cho thơ không còn được như trước, chứ không hẳn thơ đã mất đất sống. Ngay từ phía người sáng tác, cũng là tính chuyện viết một cuốn sách, nhưng người ta sẽ nghĩ đến truyện ngắn hay tiểu thuyết nhiều hơn, vì dễ in hơn, nhuận bút cũng khá hơn. Còn viết một tập thơ, không ai đảm bảo là viết nhanh, lại dễ xuất bản hoặc nhận được nhuận bút, hoặc có số lượng bản in nhiều. 
Đó là chưa kể tình trạng “người người làm thơ”, ai cũng có thể vỗ ngực xưng danh là nhà thơ, có tiền là in thơ, gây nhiễu loạn. Tôi đã gặp không hiếm tình trạng “thơ phường”, “thơ tổ hưu”… gửi đến Bách Việt “đòi” xuất bản vì đã được in trên một vài tờ báo địa phương, báo ngành. Tình trạng này dần dần làm mất sự chú ý của độc giả với thơ chân chính, vì cái cảm giác dễ dãi, vàng thau lẫn lộn. Điều này cũng khiến họ dè chừng, “khắt khe” hoặc dửng dưng với thơ, khi mà họ hay gặp “hàng dỏm”. Trước tình thế như vậy, tôi nghĩ về lâu dài, thơ cũng nên thay đổi “chiến lược” của mình”.

Bài 2 - Chuyện nước Mỹ: Ai dám vỗ ngực mình nhà thơ?
Văn Bảy

25/05 Chuyện nước Mỹ: Ai dám vỗ ngực mình nhà thơ?



Thứ Tư, 25/05/2011 07:07


(TT&VH Cuối tuần) - Tôi bắt đầu câu chuyện này bằng nỗi nhớ Brian, bạn thơ đầu tiên tôi gặp ở Mỹ. Đã nhiều lần buồn buồn tôi bảo Helen quay trở lại cái thảm cỏ xanh và thềm sân đầy nắng trong Thư viện công cộng Colonial Heights của thành phố Sacramento để tìm Brian, nhưng anh đã biến mất, chỉ còn lại một đốm vàng mỉm cười cao chót vót trên tầng cây cuối Thu đầu Đông trong thơ Ý Nhi, lấp láy lấp la…

Brian và tôi, và bao nhiêu số phận lãng mạn của các nhà thơ khác ở nước Mỹ!

Nếu như nhà thơ ở Việt Nam, có bài thơ… giống thơ là có thể kiếm Đông kiếm Đoài ra một tờ báo để in và có nhuận bút đàng hoàng, thì ở Mỹ các nhà thơ cứ làm thơ, nếu không có tên tuổi gì, rất khó để được in thơ ở các nhà xuất bản, các tạp chí thơ - vốn 3 tháng một số, một năm hai số và rất phổ biến một năm một số. Báo ngày rất ít khi đăng thơ. Thông thường các tạp chí, mỗi khi chuẩn bị ra số mới, biên tập thường chọn… mời nhà thơ gửi bài, chứ rất hiếm khi nhà thơ tự gửi đến!

Bởi nếu không tên tuổi, có gửi cũng không đăng. Nhưng được đăng thì hầu hết không có nhuận bút, có thể trừ những trường hợp đặc biệt như nhà thơ đoạt giải Nobel hoặc Pulitzer, hoặc hoàn cảnh nào đó (mà tôi không biết), còn tôi chưa một lần được nhuận bút của bất kỳ một tạp chí thơ nào, mặc dầu tôi cũng đã được đăng thơ kha khá.
Nguyễn Đỗ và Paul Hoover đọc thơ Nguyễn Trãi ở Santa Rosa. Ảnh: Helen Nguyễn
Được đăng thơ, ví dụ trên The New Yorker (vốn là tuần báo, nay một năm 47 số, tổng hợp văn hóa, nghệ thuật và bình luận chính trị) hay The American Poetry Review (2 tháng một số) là một mơ ước của tất cả các nhà thơ bé hay nhớn trên toàn thế giới. Thậm chí, có một nhà thơ “cày cuốc” thơ có lẽ sâu và bẫm nhất thế giới, Tim Kahn, phụ trách Trung tâm Thơ thành phố Sacramento, thủ phủ bang California, hầu như 2 ngày thì tôi nhận được một email của anh thông báo về một buổi đọc thơ đâu đó do anh phụ trách, có lần anh nói với tôi một cách ghen tị: “Tao thấy mày có thơ đăng ở New American Writing (tạp chí thơ mỗi năm một số do vợ chồng bạn tôi Paul Hoover và Maxine Chernoff phụ trách), tao hy vọng sẽ có ngày được đăng ở đấy”.

Vậy thì nhan nhản các nhà thơ khác làm sao công bố thơ?

Nếu muốn đăng, một số tạp chí sẽ nhận đăng nhưng bạn phải đóng tiền, từ 10 đô cho đến 50 đô một bài. In một tập thơ kiếm một nhà xuất bản nào đó trả tiền cho họ, còn không tự lập web và đăng thơ mình trên web.

Còn có cách “đăng” thơ khác, không dễ một chút nào là phổ biến thơ mình bằng cách đọc thơ. Nhưng đọc ở đâu?

Các nhà thơ Mỹ thường phân làm 3 dạng: được mời đọc thơ có trả tiền (gọi là honorari), thậm chí cả tiền chi phí chuyến đi, trường hợp này thường dành cho các nhà thơ nổi tiếng hoặc các nhà thơ tham gia các sự kiện quan trọng. Nhà thơ Paul Hoover phụ trách chương trình thơ thứ Sáu mỗi tháng cho bảo tàng nghệ thuật danh tiếng “de Young Musium”, San Francisco, chương trình hiếm hoi có bán vé vào cửa và người đọc thơ được trả nhuận đọc rất cao. Tôi không hỏi những nhà thơ khác được trả bao nhiêu nhưng có lần đọc thơ ở đấy với chương trình một tiếng đồng hồ tôi được nhận 400 đô. Trong khi đó một lần khác, tôi được mời đọc thơ trong một chương trình nghe rất oách “Vòng quanh thế giới trong một giờ” do Thư viện Thành phố và chính quyền thành phố San Francisco bảo trợ, hàng trăm nhà thơ mỗi người đại diện cho một ngôn ngữ lên đọc thơ 4 phút, xong, tôi được trả 25 đô! Vậy nhưng như thế là còn may, còn hầu hết các cuộc đọc thơ khác đều chỉ có “nhuận” nước, nhuận bánh, nhuận kẹo (sang hơn chút có đồ ăn nhẹ với bia và rượu vang), và có biết bao nhiêu nhà thơ khác quanh năm suốt tháng chỉ được mời… đi nghe thơ, được vỗ tay, được cười cười nói nói, hỏi han nhau, và được vét ví mua một cuốn sách của bạn thơ! 

Thông thường ở Mỹ các tạp chí, mỗi khi chuẩn bị ra số mới, biên tập thường chọn… mời nhà thơ gửi bài, chứ rất hiếm khi nhà thơ tự gửi đến. Bởi nếu không tên tuổi, có gửi cũng không đăng. Nhưng được đăng thì hầu hết không có nhuận bút.
Các nhà thơ Mỹ hầu hết sống bằng nghề khác, hiếm ai được ăn lương nhà nước như các hội văn nghệ địa phương và nhất là Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Mỹ sống vững vàng thì dạy học (kiếm tháng mươi ngàn đô) như Paul Hoover (GS Đại học San Francisco, bang California) hoặc Robert Hass (Đại học Berkeley); sống kiếm ăn vất vả như James Brook thì viết quảng cáo thuê; Franz Wright (giải Pulitzer 2004) là nhân viên một bệnh viện tâm thần… Và Brian Lendo… mỗi khi nhớ đến anh là tôi ân hận ứa nước mắt. Không biết bây giờ anh sống chết ở đâu. 

Năm 1999, mới sang Mỹ được mấy tháng thì phải sống một mình, vũ khí duy nhất của tôi để cho thiên hạ Mỹ biết mình - ta đây cũng là trí thức - là mở oang oang radio nhạc cổ điển và tự chỉ vào ngực mình là nhà thơ, mặc dầu chả ai hỏi. Khác với nhà thơ Mỹ gốc Do Thái - Nga Iosif Brodsky, giải Nobel 1987, bị tòa Liên Xô kết án 5 năm vào trại lao động khổ sai về tội lười lao động, giả vờ làm nhà thơ để ăn bám xã hội. Ra tòa, tòa hỏi: “Ai gọi mày là nhà thơ, ai xếp mày vào hàng ngũ nhà thơ?”. Ông ngạo nghễ: “Chẳng ai cả, vì tôi xếp tôi vào hàng ngũ con người!”. 

… Và một tối như mọi tối, tôi lại đến Thư viện công cộng Colonial Heights để dùng computer, vì tôi không có. Tôi vào một trang web có đăng bài thơ tiếng Anh đầu tiên của mình (nhờ Nguyễn Hoàng Nam - khi đó là phóng viên tuần báo Mercury News, dịch), ngắm nghía nó như là tấm huân chương vĩ đại nào đó, bỗng một anh chàng ngồi bên cạnh, da trắng sáng sủa, ánh mắt rừng rực nhướng sang tôi hỏi: “Mày cũng là nhà thơ hả”; “Ừ, tao là nhà thơ”, tôi sung sướng hơn bắt được vàng gật đầu khua chân múa tay thay miệng lia lịa vì tiếng Anh ậm oẹ. Brian liền chỉ cho tôi: “Mày xem thơ tao trên cái web đó này…”, tôi nhìn sang, chao ôi, tôi có một mà nó có mấy chục! Đây là cái trang web có tên rất kêu “poetry.com” chuyên mở các cuộc thi thơ với quảng cáo giải thưởng cực kỳ cao, giải nhất lên đến mươi ngàn đô. Tôi thấy quảng cáo, liền nhờ bạn dịch hộ, được mấy ngày thấy nó gửi thư cực kỳ trang trọng bảo đã chọn đăng trên web, tôi sướng đến són cả mồ hôi bụng, ra thư viện mở web thấy thơ mình chễm chệ nằm kiêu hãnh với những vành nguyệt quế trang trí xung quanh. Có thế chứ! Sống rồi! Nhưng chưa hết, ngày hôm sau lại nhận tiếp một “công văn” cực kỳ nồng nàn nhưng mẫu mực trang nghiêm thông báo rằng bài thơ của tôi đã được ban chung khảo đưa vào bán kết, trước mắt, đề nghị tôi gửi tiền để mua tuyển tập thơ của các nhà thơ đã vào đến bán kết, chỉ 50 đô, bìa cứng mạ vàng. Họ gửi mẫu bìa, có mục lục tên tôi ngự trị trong đó cho tôi xem trước. 

Tôi sướng đến phát điên, ngay lập tức gọi về Việt Nam cho những bạn thơ thân nhất như Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Nhật Lệ… báo tin vui (!). 

Quay trở lại chuyện Brian, ngay tối hôm đó bọn tôi rủ nhau đi uống bia. Brian hỏi, mày có việc làm không, không à, nhưng mày có xe à, thế sáng mai 6 giờ mày đến chỗ tao, tao và mày cùng đi làm. Tôi hỏi làm gì, Brian bảo, cứ sáng mai sẽ biết. Cả đêm tôi không nuốt nổi lấy một phút ngủ, 6 giờ đến chỗ hẹn, ngay đằng sau thư viện. Té ra, Brian ngủ trong buồng lái của một cái xe tải hỏng, nhỏ, rách rưới, đậu ngay trước vườn nhà người vợ cũ mà hắn đã ly dị được gần 10 năm. Hắn cười tươi như hoa, bảo tôi theo nó ra phía sau vườn, lôi ra một cái máy cắt cỏ cũng nát y như cái xe tải kia, tống lên cái xe Camry 84 già nua của tôi. 

Chúng tôi phom phom băng lên hướng Đông Bắc của thành phố Sacramento, nơi có những đồi cỏ mênh mông và toàn dân Mỹ trắng khá giả trú ngụ. Chúng tôi dừng xe bên một góc phố, Brian phăng phăng kéo tôi đến trước cửa bất kỳ một căn nhà nào có sân cỏ phía trước và cốc cốc tự tin gõ cửa: “Xin chào, tôi là nhà thơ Brian Lando, còn đây là nhà thơ Nguyễn Đỗ, xin xem thơ chúng tôi đây này”; nói rồi, Brian không cho chủ nhà khép bớt mi mắt ngạc nhiên và tôi càng ngạc nhiên hơn khi hắn rút trong túi ra một xấp thơ, mà bài nào cũng được viền bằng cành nguyệt quế, một bài của tôi và một đống bài của nó. Hàng chục chủ nhà từ chối sau khi nghe màn tự giới thiệu hấp dẫn và câu ngỏ lời tiếp theo của Brian rằng ông hay bà có cần cắt cỏ hay quét rác dọn vườn không, chúng tôi chỉ lấy tiền công chút đỉnh thôi! 

Vậy mà cuối cùng, một bà sồn sồn cũng đồng ý thuê chúng tôi dọn sạch vườn cùng cái hàng rào bằng một loại cây như cây duối Việt với tiền công 200 đô. 

Hạnh phúc dâng lên bất ngờ, mặc dầu bụng đói đến mức rất có thể đã chảy máu dạ dày mà không biết. Thế nhưng phút vui ngắn chẳng bằng chiều dài cái bánh mì. Với cái máy cắt cỏ ọc ạch và cái cuốc cũ chủ nhà cho mượn, tôi cuốc rách cả tay, khi mây chiều đã phật phờ xám xịt trên đầu mà vẫn chưa được một phần ba. Chúng tôi xin phép bà chủ ra về sáng mai làm tiếp. Brian xin ứng tiền, bà chủ đưa trước 100 đô, mắt nó long lanh miệng huýt sáo lanh lảnh, nhờ bà chủ giữ dùm cái máy cắt cỏ thế kỷ 3 trước Công nguyên rồi hai chúng tôi lao vào hiệu sách Barnes And Noble gần đấy để nó cạo râu cùng lau người (vì nó không bao giờ được chính thức tắm, không nhà, ngủ xe bất kể Đông hay Hè, vệ sinh thì vào hiệu sách hay thư viện). Xong, hai thằng 2 vại bia tươi, rồi nó ngồi xuất bản thơ miệng, hết bài này sang bài khác, khi mà số tiền kia chỉ còn vài chục… 

Sáng hôm sau, tôi đã không trả lời điện thoại Brian vì phần thì bàn tay sưng vù, phần thì sợ cái hàng rào kia. Sự đớn hèn này với những câu nhắn tin tha thiết của Brian đã làm tôi đau đớn đến tận bây giờ. 

Nhưng đấy là hai số phận nhà thơ trong hàng vạn số phận khác có khi còn bi đát hơn trên cái đất nước mà chỉ cần tổng thu nhập một công ty có thể bằng tổng thu nhập của cả một quốc gia nào đó. 

Và tôi không biết bây giờ, còn ai dám vỗ ngực mình là nhà thơ ở Mỹ nữa không?

Bài 3: Người Pháp đọc thơ

Nguyễn Đỗ (nhà thơ, viết từ San Francisco)