Saturday, June 4, 2011

27/05 Người Mỹ không còn biết tới thơ! (Bài kết)



Thứ Sáu, 27/05/2011 08:38


(TT&VH Cuối tuần) - Những học sinh Mỹ bình thường hầu như không biết về thơ ca nói chung. Chỉ vài trường hợp hiếm hoi, thường do giáo viên dạy họ thích thơ, khuyến khích, thì họ mới đụng đến vài bài thơ.

Điều này hoàn toàn khác với nhiều nền văn hóa có truyền thống rõ nét về thơ. Tại Pháp, các học sinh phổ thông đều có thể thuộc thơ Baudelaire. Hầu như người Tây Ban Nha nào cũng biết rõ về cuộc đời của Frederico Garcia Lorca. Tương tự như vậy, học sinh Việt Nam được yêu cầu phải học các giáo trình căn bản về “lịch sử và thi pháp thơ”. Và có vẻ như, ngay cả những học sinh rất bình thường thì cũng biết về Truyện Kiều của Nguyễn Du; hay thế kỷ 20 thì phải thuộc vài bài thơ của Tố Hữu hay Xuân Diệu. Tại Mỹ, đây là chuyện xa lạ, hoặc chỉ thuộc các trường hợp cá biệt.

Ngay cả ở mức độ tiên tiến, học sinh trung học Mỹ cũng chỉ tiếp xúc với Canterbury Tales của Chaucer, Sonnetcủa Shakespeare, và có lẽ, The Raven của E.A.Poe (ít nhất là ở New York, trong hệ thống trường công). Trong trường hợp hiếm hoi, họ có thể học vài bài thơ đơn giản của Robert Frost hoặc Wallace Stevens. Nói chung, thơ được coi là thứ “cao cấp”, chỉ phù hợp với các khóa học cấp đại học, thậm chí, sau đại học, thuộc các chuyên ngành văn chương. Hầu hết người Mỹ không hiểu gì về công việc của Walt Whitman, Emily Dickinson, T.S.Eliot hay Ezra Pound. Ngay cả những sử thi lớn nhất trong ngôn ngữ tiếng Anh, như Thiên đường đã mất của John Milton cũng chỉ dành cho các hội thảo cao cấp ở đại học.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thơ hiện đại Mỹ, chẳng hạn như trường phái Black Mountain hay thơ L = A = N = G = U = A = G = E, nói chung là không thể mua được ở các hiệu sách. Những tác phẩm này thường xuất bản trên máy in cá nhân với số lượng hạn chế; phần lớn, thường chỉ có trên mạng, thông qua các bản chụp lại. Các tác phẩm của Bruce Andrews thì chỉ có trong ngăn kéo riêng của các nhà thơ. Ngay cả The Maximus Poems của C.Olson cũng chỉ được tìm thấy trong hiệu sách ở trường đại học, theo chỉ dẫn và yêu cầu của giáo sư. Chúng được coi là “sách giáo khoa” cho các chuyên ngành văn học cấp cao.

Tại sao như vậy? Có lẽ, một phần do truyền thống thơ tiếng Anh không dễ để tiếp cận với người đọc. Những người Mỹ bình thường cũng không dành nhiều thời gian đọc sách, hoặc dành riêng cho thơ. Họ dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để xem tivi và đôi khi đọc New York Times Bestseller hoặc sách do MC Oprah chọn, về các tác giả đại loại kiểu như Dan Brown hoặc John Grisham. Họ thấy thơ ca, đặc biệt thơ hiện đại, là quá mịt mù, quá khó khăn để đọc hiểu hoặc giải khuây.

Điều này có lẽ đúng. Ngay cả với kiệt tác Lá cỏ hay Đất hoang cũng vậy, nó đòi hỏi phải có kiến thức và sự am hiểu sâu sắc về Anh ngữ. Vốn từ dành cho thơ thường vượt xa mức bình thường của người Mỹ, đó là chưa nói, khi đọc, phải có kiến thức về triết học, ngôn ngữ học, nghệ thuật và truyền thống văn học cổ điển. Với các trường học bình thường, học sinh sẽ không có đủ vốn từ vựng để đọc thơ. Không giống như các ngôn ngữ khác, tiếng Anh giao tiếp hàng ngày thường khá đơn điệu về vốn từ, chỉ dùng một phần nhỏ số từ có trong từ điển Oxford. Cho nên, thật tồi tệ cho thơ Mỹ, khi mà, thơ có vẻ là lĩnh vực chỉ dành cho các học giả hoặc những con mọt sách cao cấp.

Alec Schachner (nghiên cứu sinh, ĐH Columbia)

No comments:

Post a Comment