Thursday, March 10, 2011

08/03 "Chị Thanh Tâm": Cuộc đời là ưu tư muôn hình vạn trạng

Tác giả: Hoàng Hường

Thảo luận TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm) "Chị Thanh Tâm": Cuộc đời là ưu tư muôn hình vạn trạng
Tiếng gọi nào đưa Calisto rời xa bóng đá Việt Nam?
"Cô gái vàng" Lê Bích Phương: Học quên chiến thắng để chiến thắng
Gaddafi là ai?

Phụ nữ có cái khổ ở chỗ nếu họ ngoại tình, chồng còn chưa biết họ đã dày vò hối lỗi, mà khi bị phát hiện thì họ lại phải chịu hậu quả, thường là rất khắc nghiệt.

LTS: Từ một chuyên mục giao lưu cùng độc giả, trang Hôn nhân gia đình của Báo Phụ nữ, "chị Thanh Tâm" từ lâu đã trở thành một người bạn, người đồng hành cùng những người đang mang trong mình bao điều trăn trở tâm sự; ở bất kỳ lứa tuổi hay giới tính nào. Ra đời từ những năm 1970, đến nay "chị Thanh Tâm" đã hơn 40 tuổi. Những trăn trở ưu tư mà chị nhận được trải dài theo những biến động của xã hội. Từ những "cơm cà tương muối' thời bao cấp; đến những ẩn ức đa hình dạng trong đời sống hiện đại.

Gặp gỡ và Đối thoại tuần này, chúng tôi cùng trò chuyện với một trong những "chị Thanh Tâm", chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Liễu, người đã có 36 năm làm "Thanh Tâm" trên báo Phụ nữ, hiện là một trong những "chị Thanh Tâm" trên Tổng đài tâm sự của chị Thanh Tâm do Báo Phụ nữ thành lập giữa năm 2010.

Làm "Thanh Tâm" buồn nhiều hơn vui

Bao nhiêu năm, độc giả chỉ biết đến chị Thanh Tâm như một cái tên quen thuộc mà chưa bao giờ tường tận người đứng sau cái tên đó. Bà có thể vui lòng chia sẻ một chút khi làm "chị Thanh Tâm"?

Tôi làm ở báo Phụ nữ từ năm 1975, là lúc tôi vừa tốt nghiệp Tổng hợp văn và gắn bó với báo Phụ nữ luôn đến tận lúc về hưu. Chuyên mục của chị Thanh Tâm có từ rất lâu. Thư các nơi gửi đến chuyên mục này là rất lớn, nên chúng tôi thậm chí phải có một bộ phận những người ban ngày đến tòa soạn làm việc, nhưng buổi tối và ngày cuối tuần lại mang thư về nhà, chuyên trả lời thư riêng và không đăng báo.

Một lần trong Giờ vàng của Tổng đài tư vấn Thanh Tâm, có những người tìm đến, và họ vẫn giữ được bức thư mà chúng tôi viết, gửi cho họ từ cách đó những 20 năm. Khi trả lời những lá thư đó, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là họ đang cần mình như vậy thì mình giúp đỡ họ, nhưng mình không hình dung được đối với họ lá thư đó lại rất thiêng liêng đến vậy. Chúng tôi thực sự cảm động khi nghe độc giả của mình kể rằng họ đã khóc khi nhận được lá thư viết tay của chúng tôi.


"Chị Thanh Tâm". Ảnh: Tuổi trẻ

Suốt mấy chục năm đồng hành cùng những ưu tư, trăn trở; những tâm sự từ sâu đáy tâm hồn; chắc hẳn bà góp nhặt được cả kho tàng tư liệu về đời sống con người?

Càng làm chúng tôi càng thấy cuộc sống rất là phong phú, muôn hình vạn trạng. Những người tìm đến với chúng tôi có những phụ nữ bị chồng đánh đập, người khác bị bỏ rơi hay li hôn; do thiếu thiểu biết này kia, bị chồng lừa lấy hết tài sản, cả nhà cửa, trở thành tay trắng và vô cùng khốn đốn. Đến khi giúp được họ, mình cảm thấy vui, thấy công việc của mình có ích... Người thì vợ/chồng ngoại tình, người bị phản bội hay người phản bội cũng đều day dứt đau khổ và tìm đến chúng tôi chia sẻ; hoặc có người lại gặp chuyện không may trong công việc, quan hệ gia đình, đối nhân xử thế...

Nhưng chân thành mà nói, thì cái phần được vui và nhẹ lòng ít hơn rất nhiều so với những điều mình phải trăn trở. Có khi kết thúc công việc một ngày, về nhà chẳng được thanh thản gì cả, trong đầu cứ lấn bấn mãi về câu chuyện của một ai đó. Nhiều trường hợp mình nghĩ cách nào có thể giúp người ta được triệt để, thấu đáo, nhưng có những trường hợp chính mình cũng thấy rất khó, không biết phải làm thế nào để giúp người ta. Những điều đó vận vào mình, khiến mình lúc nào cũng đeo đẳng, trăn trở, khổ sở, nói chung buồn nhiều hơn vui.

Đàn ông và phụ nữ khác nhau nhất ở chuyện... ngoại tình

Những đối tượng nào thường tìm đến chia sẻ với chị Thanh Tâm nhiều nhất?

Phổ biến nhất là ngoại tình. Đa số là các bà vợ gọi điện xin tư vấn về việc các ông chồng cặp bồ. Một điểm chung khá "đặc biệt" là dường như những ông chồng cặp bồ thường không hề cảm thấy day dứt, trăn trở gì cả. Dường như lương tâm họ không hề cho rằng mình có lỗi lắm, hoặc là các ông cho rằng hình như chuyện đó đối với đàn ông là chuyện thường tình.

Cái mà những người vợ ấy thất vọng, đau khổ nhất chính là ở chỗ chẳng mấy ông chồng sau khi bị phát hiện ngoại tình lại có thái độ tỏ ra là thành khẩn, ăn năn, xin lỗi, nhận ra là mình sai ... mà những người đàn ông lại luôn nói rằng: "Em đừng có suy nghĩ quá, đừng tự dày vò mình như vậy làm gì. Bởi thực ra là không bao giờ anh đánh đổi gia đình vợ con vì chuyện đó. Rồi thì anh không bao giờ chia sẻ tình cảm của em với người kia. Rồi thì đấy chỉ là thú vui nhất thời của đàn ông. Em cứ thử nhìn ra ngoài đời, mà nếu cần thì em cứ tìm hiểu mà xem, xem là có người đàn ông nào mà chỉ biết đến duy nhất vợ mình không vv và vv..."

Nhưng phụ nữ thì ngược lại, có lẽ đó là sự khác biệt đặc trưng giữa hai giới. Hầu như không có người đàn ông nào cặp bồ rồi day dứt mà gọi điện để chị Thanh Tâm tư vấn. Trong khi đó, nhiều người phụ nữ ngoại tình đã gọi điện đến Thanh Tâm, chia sẻ nỗi niềm họ hết sức day dứt và đau khổ.

Trong khi đó đàn ông đi ngoại tình, về nhà họ về nhà vẫn đối xử với vợ rất bình thường. Những ông nào không có kinh nghiệm hoặc trong cuộc sống các ông đơn giản quá thì về nhà mới chán vợ thôi. Chứ hầu hết các ông điều hành rất là tốt, không biết não các ông thế nào, tim các ông ra làm sao mà nhiều ngăn quá.

Phụ nữ có cái khổ ở chỗ nếu họ ngoại tình, chồng còn chưa biết họ đã dày vò hối lỗi, mà khi bị phát hiện thì họ lại phải chịu hậu quả, thường là rất khắc nghiệt.

Phần nhiều nữa là những người phụ nữ bị bạo hành, thường là trường hợp có chồng họ hiểu biết, trình độ văn hóa thấp, công việc không ổn định hay rượu chè tệ nạn. Cũng có nhiều câu chuyện người chồng bạo hành là người gia trưởng, chỉ cần nói vợ không nghe, hoặc sai phái vợ việc này việc kia mà vợ chỉ cãi lại một câu là đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Đối với những người chồng như vậy thường chẳng cần một lý do chính đáng nào cả, không phải vợ hỗn hào hay hư hỏng mất nết hoặc một lí do sâu xa nào, họ đã dùng đến vũ lực.

Những người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành thường rất cam chịu. Nhiều trong số họ phụ thuộc chồng về kinh tế, họ bị coi thường và bạo hành họ không dám phản kháng. Những trường hợp bị bạo hành nặng nề họ sẽ cầu cứu ở các đường dây nóng, hoặc họ cần đến một cơ quan pháp luật. Đa số những trường hợp gọi đến đây vì bạo hành là họ mưu cầu một nơi để tâm sự, vì họ chia sẻ với người thân cũng không được, mà chia sẻ với bạn bè cũng không được nữa.

Bên cạnh đó còn vô số những chuyện khác, mà nếu không trực tiếp nghe, không ai có thể hình dung nổi.

Những câu chuyện còn lại mãi với tôi

Có những trường hợp nào khiến bà đặc biệt ấn tượng, hay ám ảnh?

Có những sự vụ không chỉ lạ kỳ, mà ghê sợ như những vụ loạn luân. Cha mẹ đẻ với con ruột, mẹ vợ con rể, anh em họ hàng, người lớn lạm dụng tình dục con trẻ... cũng không phải hiếm. Họ tìm đến Tổng đài của chúng tôi vì những nỗi niềm không thể chia sẻ được, ngay cả với người thân. Những câu chuyện đó để lại trong tôi ấn tượng rất khó khăn.

Tôi nhớ mãi một câu chuyện có hậu, gần như gắn liền với sự nghiệp "Thanh Tâm" mấy chục năm của tôi.

Có một cậu bé trước kia là sinh viên của trường Đại học Văn hóa. Vào lúc cậu bé gửi thư cho chúng tôi cách đây khoảng 20 năm là khi cậu ta mới chân ướt chân ráo vào trường thì rất ngưỡng mộ một anh cán bộ Đoàn học trên cậu 2 khóa. Cậu rất muốn gần gũi và làm sao để giữ được anh ấy ở bên mình. Mặc dù anh ấy cũng rất quý cậu ta nhưng thấy nguy cơ là rất nhiều bạn gái cứ quây lấy anh này thì có thể cậu ấy sẽ mất đi anh cán bộ này. Vậy là cậu ấy nghĩ ra ý tưởng và muốn sẽ phải được trở thành con gái để có thể được ở bên anh ta.

Cậu viết thư hỏi Thanh Tâm rằng cô Thanh Tâm có biết chỗ nào có bác sĩ có thể giải phẫu để cho cậu ta trở thành phụ nữ hay không. Cậu bé này chữ rất đẹp, viết bằng mực tím đúng kiểu của học trò, mà chính khuôn mặt của cậu bé cũng rất đẹp. Lá thư của cậu ấy tôi đọc cũng muốn chảy nước mắt, vì nó ngây thơ chân thành quá. Nếu bố mẹ người thân của cậu bé biết câu chuyện chắc hẳn sẽ thấy rất bàng hoàng thất vọng, vì bao nhiêu năm vất vả nuôi nấng rồi cuối cùng cậu bé này rơi vào một hoàn cảnh mà nhiều người cho là bệnh hoạn như vậy. Nhưng tôi thì đã hiểu về những câu chuyện này rồi, nên thực sự nhìn trang giấy học trò với những nét chữ chân phương, tròn trịa mà câu chuyện như vậy thì mình rất thương cảm.

Vậy là tôi đã liên lạc với một cô bác sĩ cũng là cộng tác viên của báo Phụ nữ rất lâu năm. Sau đó theo lời cô bác sĩ, tôi đã viết thư gọi cậu bé đến tòa soạn. Khi đó hình ảnh của cậu bé thật sự đáng sợ, vì cậu ta đã cố gắng làm những gì mà cậu ta tưởng tượng về hình thức bên ngoài, để khiến cậu ta trông giống một cô gái, tóc thề ngang vai. Cậu ta có đôi mắt rất to và đen, khuôn mặt trắng trẻo, môi đỏ, nhưng trông cậu ta cũng không thể giống con gái được, mặt vẫn gãy và không thanh thoát, và nếu là con trai thì cũng không phải là đẹp lắm, khuôn mặt không vuông vức. Cậu bé cũng dùng những cử chỉ yểu điệu, vuốt tóc, cắn môi đỏ, nói lí nhí như hết hơi, cố gắng tỏ ra là yểu điệu thục nữ.

Cậu bé chia sẻ tâm sự với bác sĩ Toản, nhất quyết muốn rằng cô cho nó trở thành phụ nữ để có thể giữ được người cậu ta yêu, nếu không giữ được anh ấy thì cậu ta chỉ còn đường chết chứ không sống làm gì nữa. Bác sĩ Toản thì cũng rất nhất quyết dù sao thì cháu cũng phải có ý kiến của những người quản lý cháu ở trường, rồi có giấy tờ, giới thiệu rồi cam kết để bệnh viện chấp nhận chứ, nếu không thì cô không thể làm cho cháu được. Nó cứ nhất quyết nếu cô không giúp cháu thì cháu sẽ chết, cháu không sống để làm gì.

Bác sĩ Toản nói với tôi rằng hãy tiếp cận với cậu bé nhiều, nói chuyện và xem xem có thể đưa cậu bé này vào một lĩnh vực gì có thể giải tỏa tâm lý của cậu bé cứ khăng khăng muốn làm phụ nữ, và làm gì để xóa bớt ham muốn, khao khát của cậu bé rằng nếu không có được anh chàng kia thì chỉ có chết thôi.

Tôi cứ nghĩ mãi không biết mình phải làm gì, cậu bé rõ ràng lệch lạc, khao khát như vậy mình biết làm thế nào. Tôi gọi cậu bé đến nói chuyện, thì vẫn những động tác yểu điệu ủ rũ như thế, rồi cắn môi đỏ chót như thế.

Cuối cùng tôi quyết định đưa cậu bé vào trường Văn hóa xem thơ văn nhạc họa của cậu thế nào. Tôi hỏi cậu đã bao giờ làm thơ chưa. Cậu bé trả lời rằng cậu ta cũng ít làm thơ, và nghĩ rằng cháu làm thơ cũng không hay, nhưng cháu cũng có viết mấy bài thơ tình tặng anh. Tôi bèn nảy ra ý nghĩ là bây giờ cháu có thích đăng thơ trên báo không. Cậu bé rất ngạc nhiên: "Có thể đăng báo được à cô? Thơ của cháu đăng được báo ạ".

Tôi nói tôi thấy thơ của cậu khá là hay, nếu cậu thích đăng báo thì cô có thể giúp đỡ cháu, cháu về chép lại bài thơ đem đến đây, cô sẽ nhờ người giúp đỡ. Thế là cậu bé cười, mắt nó long lanh, sắc mặt nó hồng hồng, khác hẳn với những lần trước nó đến. Thế là nó có một niềm vui khác, niềm vui đó đối với cậu bé thật sự là rất lớn. cậu ấy không thể nghĩ đến mình có thể có thơ đăng trên một tờ báo trung ương. Vậy là tôi nảy ra ý tôi dụ cậu ta viết báo, rằng là cậu viết thư hay như thế, cậu viết thơ hay như thế thì nếu cậu chịu khó quan sát trong cuộc sống, tôi đưa cho cậu ta một xấp báo phụ nữ về đọc, rồi xem có vấn đề gì cháu có thể tham gia thì viết bài gửi cho cô, cô có thể biên tập cho cháu, nếu mà tốt thì cô sẽ cố gắng để bài của cháu đăng được.

Vậy là cậu bé này về nhà cũng hì hục đọc báo, viết bài. Từ đó tuần nào cậu ta cũng đến tòa soạn báo Phụ nữ, có tuần đến những 2 lần. Sau đó dần dần tự nhiên từ một cậu bé "chết đến nơi rồi" cậu trở nên thông minh hoạt bát vui vẻ. Khi đó tôi đã là trưởng phòng Hôn nhân gia đình cũng đã cố gắng đẽo gọt để đăng bài cho nó.

Vậy là một thời gian sau, tóc dài cũng đã được cậu ta cắt đi, cậu ta cũng không đả động gì đến chuyện cũ. Sau này, cậu bé tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa, đi làm ở một cơ quan văn hóa của bộ đội, nay chắc phải lên đến cấp tá rồi chứ không ít.

Từ đó, ngày Báo chí Việt Nam 21/6 năm nào cậu ta cũng mang hoa đến tặng tôi, rồi khi có người yêu một cái là đưa đến để cô xem mặt, giới thiệu ngay. Rồi đám cưới, rồi có đứa con gái đầu lòng ... Có lẽ đây cũng là một món quà, một kỷ niệm có hậu nhất trong sự nghiệp "làm Thanh Tâm" của tôi.

Một câu chuyện khác chỉ mới diễn ra vài năm thôi cũng làm tôi nhớ mãi. Câu chuyện 2 chị em, nhà ở ngoại thành Hà Nội đã không chỉ viết thư mà còn tha thiết muốn gặp tôi tận nơi. Tôi đã gặp hai em ở tòa soạn. Hai cô gái rất là xinh, đang trong hoàn cảnh mẹ nó đỏ đen cờ bạc, rồi lại dan díu với một ông cờ bạc đỏ đen. Bố của 2 đứa thì đã mất rồi.

Trước kia bố của chúng là cán bộ ngoại giao, gia đình đang rất nền nếp khá giả, đùng một cái ông bố qua đời, mẹ là người rất tha hóa về lối sống, đỏ đen cờ bạc, mẹ nó bán ngôi nhà của bố nó rồi mua một chỗ bé tí chui rúc ở đó. Hai chị em khi đó không còn gì để sống nữa, nó nói "Bây giờ cháu không được đi học thì đã đành rồi, nhưng còn em cháu cũng có nguy cơ bỏ học vì mẹ cháu."

Mẹ chúng không nuôi chị em gì cả, cứ đi theo ông kia, thậm chí gây mâu thuẫn với các con rồi bỏ hai con đến nhà ông kia ở, nhưng hai chị em nhất quyết không đi theo. Hai đứa trẻ ở lại một nơi rất tồi tàn gần như một túp lều đó mà tự nuôi nhau.

Lúc gặp tôi, cô chị buồn rầu: "Giờ đây cháu gần như cùng đường rồi. Cháu xấu hổ vì mẹ cháu lắm. Cháu không thể nào chấp nhận một người mẹ như vậy nữa. Mẹ cháu không để chúng cháu yên, cứ vài ngày lại về đây nhiếc móc, đập phá với những lời nói thô bỉ. Cháu khổ đã đành nhưng em cháu cũng rất phải xấu hổ với mẹ cháu, có lẽ chị em cháu đến phải chết thôi chứ không thể sống được, chả sống để làm gì. Có một người mẹ như thế chúng cháu không dám ngóc đầu lên để nhìn ai. Có lẽ hai chị em cháu cũng phải đưa nhau đi chết thì mới là một sự cảnh tỉnh cho mẹ cháu"

Con bé lúc đó mới 14, 15 tuổi rất xinh.

Một thời gian rất dài sau đó, không chỉ tôi mà cả chị em đồng nghiệp ở báo, lúc đó dù cũng rất nghèo nhưng mỗi người cũng quyên mấy đồng cho nó mua sách vở mỗi kỳ, rồi thêm được đồng nào cho chị em sinh sống, còn học phí thì chúng tôi cũng đã gửi thư can thiệp, nói với người ta về hoàn cảnh gia đình, rồi nhà trường đã xét miễn giảm học phí cho.

Cô bé đó khi đó cũng đã bản lĩnh lên rất nhiều rồi. Hai chị em nó thậm chí phải gần như cấm cửa mẹ, vì mẹ nó cứ muốn bán nốt cái chỗ bé tí mà hai chị em đang ở, bắt chị em nó phải về chỗ ở cùng với ông kia.

Nếu lúc đó khi mới đọc lá thư mà mình không cảm nhận được bi kịch của nó để gặp gỡ rồi dần dần giúp nó, thì thực sự không biết mọi chuyện rồi sẽ đi đến đâu.

Phụ nữ bây giờ khác rồi

Trải dài suốt mấy chục năm, qua nhiều giai đoạn xã hội. Bà cảm nhận những ẩn ức chính của đời sống con người những năm 80, 90 như thế nào, có gì khác biệt với cuộc sống hiện nay?

Có một điều xuyên suốt nhất là vẫn luôn là ngoại tình, thời nào cũng thế. Nhưng mỗi giai đoạn ngay chuyện ngoại tình cũng có những khuôn mặt khác. Những ngày vất vả từ thế kỷ trước, người vợ ngày đó rất lạc hậu, lép vế trong gia đình, ngoại tình dẫn đến bạo hành, đánh đập, ngược đãi và ép li hôn.

Trong quá trình đó, người vợ còn bị người chồng dùng các thủ đoạn để giành giật tài sản, con cái, dùng những mánh lới làm cho người vợ bị thua thiệt, rất bất công. Những năm 80, 90 thì chuyện này khá phổ biến. Do nhận thức xã hội, do trình độ hiểu biết, trình độ văn hóa yếu kém mà người phụ nữ rất thiệt thòi cả trong ứng xử, trong hưởng thụ tình cảm gia đình cũng như việc bảo vệ quyền lợi của rước pháp luật.

Cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, vẫn là vấn đề ngoại tình, nhưng người vợ đã có hiểu biết hơn, biết bảo vệ mình bằng những dịch vụ xã hội như hỗ trợ giúp đỡ để nâng cao vị thế trong gia đình, nâng cao hình thức sắc đẹp, nâng cao kỹ năng làm vợ ...

Người phụ nữ đã có hiểu biết và điều kiện để làm cho mình có sức hấp dẫn, tạo trình độ để đáp ứng vai trò làm vợ. Đôi khi chúng tôi phải giật mình trước cách ứng xử trong gia đình của một người tâm sự để thích nghi với cuộc sống và đáp ứng yêu cầu người làm vợ.

Trong trường hợp nếu buộc lòng phải ly hôn, họ cũng biết mình phải làm những gì, biết tìm hiểu qua báo chí, biết tìm đến trung tâm tư vấn, tìm đến các luật sư, biết cách để bảo vệ quyền lợi của mình. Tất nhiên vẫn có nhiều người không trang bị được cho mình nhiều kiến thức lắm, hạn chế về hiểu biết, nhưng so với trước, ngày nay chị em phụ nữ đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Mặt khác thời kì trước, gần phụ nữ toàn bị động trong chuyện ly hôn. Nhưng ngày nay, rất nhiều phụ nữ chủ động ly hôn. Tư duy và vị trí của họ đã thay đổi. Thậm chí có những vụ ly hôn rất vô lý và do phụ nữ chủ động.

Có vụ khách hàng của tôi là đàn ông, anh ta bị vợ đòi ly hôn chỉ vì bực dọc cô ấy không dọn nhà, không nấu nướng, nghe bạn rủ đi là đi luôn. Tức quá, khi vợ về anh nói "Sao không cút luôn đi". Thế là cô vợ cút luôn về nhà mẹ đẻ. Sau này chính anh chồng là người khóc lóc năn nỉ vợ, nhưng cô vợ dứt khoát đòi ly hôn. Phụ nữ bây giờ khác nhiều rồi.