Bà Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Michèle Alliot-Marie đang được dư luận Pháp, châu Âu và thế giới rất chú ý. Ba tuần nay các phiên họp Quốc hội Pháp đều bàn tán về bà, các đảng cánh tả – trước hết là đảng Xã hội – đều yêu cầu bà phải từ chức ngay vì những sai lầm nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng đầu năm nay tại Bắc Phi và Trung Đông.
Trước hết xin giới thiệu vài nét về nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao Pháp. Báo chí Pháp từ 20 năm nay quen gọi thân mật bà Michèle Alliot-Marie là MAM theo 3 chữ đầu tên, cũng là cho gọn.
MAM là một nữ chính khách độc đáo của nước Pháp. Bà sinh năm 1946, năm nay 65 tuổi, quê ở vùng Val de Marne, sát thủ đô Paris. Tiến sỹ Luật và Khoa học Chính trị, Giảng sư Đại học Paris, là nghị sỹ từ năm 1986 khi 25 tuổi. Bà từng là Nghị viên Quốc hội Châu Âu năm 1989, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao năm 1993, Bộ trưởng Quốc phòng năm 2002, Bộ trưởng Nội vụ (An ninh) năm 2007, Bộ trưởngTư pháp năm 2009 và hiện là Bộ trưởng Ngoại giao năm 2010. Bà là người phụ nữ Pháp đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Ngoại giao là các bộ có tầm quan trọng bậc nhất của nước Pháp.
Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu là Chủ tịch đảng RPR – Rassemblement pour la République (Tập họp cho nền Cộng hòa), một đảng lớn, vào năm 1999. Chưa có phụ nữ nào ở Pháp từng nhận liên tiếp những trọng trách lớn đến thế. Dư luận Pháp phỏng đoán trong cuộc bầu Tổng thống vào năm 2012, MAM sẽ có thể là một ứng cử viên sáng giá của cánh hữu, khi uy tín của Tổng thống N. Sarkozy đang xuống thấp.
Vậy mà người phụ nữ số 1 của nước Pháp đang gặp nạn. Mà nạn khá lớn. MAM phải vất vả chống đỡ, thanh minh suốt 3 tuần nay, trong là Quốc hội, ngoài là truyền thông mà không sao gỡ rối nổi, không sao yên được.
Câu chuyện là giữa lúc tình hình Tunisia bắt đầu sôi sục với những cuộc nổi dậy mạnh mẽ đông đảo của dân chúng, dồn chính quyền của tổng thống Ben Ali vào thế nguy khốn thì MAM cùng gia đình, trong đó có bố và mẹ bà đang tham gia kinh doanh về bất động sản, thực hiện một chuyến đi nghỉ đầu năm ở Tunisia. Trong chuyến đi này, cả gia đình bà được một nhà kinh doanh tỷ phú Tunisia nổi tiếng tên là Aziz Milad giúp đỡ rất hào phóng bằng mời đi, về, nghỉ ngơi trên chiếc máy bay riêng và trong khách sạn 5 sao của họ, được coi là khách quý, không tốn một xu nào.
Aziz Milad lại là một nhà kinh doanh có liên kết, hùn vốn chặt chẽ với tổng thống Ben Ali và bà vợ hai là Đệ nhất Phu nhân LeilaTrabelsi cùng với người anh ruột của bà là một nhà đại tư bản đầy thế lực.
Đã có tài liệu cho thấy trong chuyến đi này của gia đình MAM, bố mẹ của bà là ông bà Bernard và Renée Marie đã ký kết với nhà kinh doanh Aziz Milad hợp đồng bất động sản có giá trị lên đến hàng trăm triệu Euro.
Các báo Pháp còn nêu lên chuyện trong chuyến đi này, bà ngoại trưởng có liên lạc trò chuyện với nguyên tổng thống Ben Ali, và rất hoài nghi về nội dung của mối liên hệ này, giữa lúc Ben Ali đang ở trong thế tuyệt vọng, chuẩn bị trốn khỏi nước Tunisia để sang Pháp, Malta hoặc Saudi Arabia.
Bà ngoại trưởng đã trình bày ra sao trước Quốc hội và trong trả lời các nhà báo ?
Bà giải thích rằng bà đi nghỉ cùng bố mẹ, nhưng chuyện riêng kể cả mua bán, ký kết kinh doanh của bố mẹ ra sao, với ai là chuyện của họ, bà không có liên quan gì hết. Bà không quan tâm và không biết, bà chỉ nghỉ ngơi ; mỗi người có chuyện riêng tư của mình. Theo bà, ông Aziz Milad là bạn của gia đình từ lâu, họ có nhã ý mời gia đình bà đi máy bay riêng nho nhỏ được nhanh chóng, thuận tiện, đây cũng là chuyện riêng, bà không chi một Euro nào của nhà nước, và bà không làm điều gì sai trái. Bà cho biết trong suốt chuyến đi bà không hề gặp mặt trực tiếp với ông Ben Ali. Ai nói bà có gặp ông ta là bịa đặt, là vu cáo. Bà nhận rằng nếu có sai thì chỉ là tôi đã chọn thời điểm và địa điểm không phù hợp để nghỉ hằng năm, tôi chọn không đúng lúc, không đúng chỗ, nên chọn lúc khác, một nơi khác để nghỉ. Thế thôi. Đây chỉ là sự trùng hợp vô tình, đáng tiếc!
Đa số người nghe không hài lòng. Tất cả cánh tả, từ Đảng Xã hội, đảng về môi trường còn gọi là Đảng Xanh, Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ mới ở trung tâm… đều cho rằng nhửng giải thích của bà MAM là một sự chống đỡ vụng về, gượng gạo, không giải toả được hoài nghi, còn là tự nhận tội. Báo Libération cho rằng MAM đã bị hạ sát ván giữa Quốc hội, cần từ chức, không nên chờ bị bãi chức.
Chuyện mua bán bất động sản to lớn của bố mẹ bà diễn ra sao bà lại có thể không biết gì!
Văn phòng Bộ Ngoại giao buộc phải công khai nhận rằng trong chuyến đi nghỉ bà ngoại trưởng có một lần có nói chuyện bằng điện thoại với Tổng thống Ben Ali, nhưng không biết nội dung trao đổi những gì. Đây là một lỗ hổng lớn, bỏ ngỏ cho mọi dự đoán.
Chuyện thêm căng thẳng khi ngay từ cuối năm 2010, cuộc đấu tranh của quần chúng Tunisia sôi động, bị cảnh sát an ninh Tunisia đàn áp, bà ngoại tưởng MAM đã đăng đàn trước Quốc hội Pháp để báo tin này, lại còn nói: «Chúng ta có thể nghĩ đến việc cử một lực lượng cảnh sát chống bạo loạn sang giúp Tunisia lập lại trật tự». Vậy nước Pháp đã đứng về phía nào? về phía nhân dân hay về phía chế độ độc đoán tham nhũng của Ben Ali?
Vấn nạn của bà MAM vẫn còn nguyên vẹn. Nhà chính khách phụ nữ độc đáo, được coi là người phụ nữ số 1, mạnh mẽ, từng đứng đầu ngành quốc phòng, an ninh, ngoại giao vốn độc quyền của nam giới ở Pháp, đang gặp đại vận hạn. Cả đảng của MAM là đảng cầm quyền UMP, cả Tổng thống N. Sarkozy đang ra sức cứu nguy cho MAM, nhưng lực bất tòng tâm. Luật pháp, sự thật, công luận sẽ có tiếng nói cuối cùng.
Vượt lên trên số phận hiểm nghèo của MAM, đường lối ngoại giao của Pháp, Hoa Kỳ, các nước phương Tây đang có bước chuyển biến có ý nghĩa, đó là đặt thành vấn đề lớn: thái độ đối với các chế độ độc đoán đàn áp nhân dân từng có nhiều quan hệ kinh tế tài chính 2 bên cùng có lợi nên được điều chỉnh ra sao, và thái độ đối với quần chúng khao khát tự do khi tay không vùng dậy nên được ủng hộ như thế nào là phải đạo và có lợi?
Trong vấn đề này Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nói rõ tập trường của Washington là ủng hộ mọi cuộc nổi dậy, xuống đường đòi tự do dân chủ và quyền sống của nhân dân đang lan rộng và phản đối sự đàn áp bằng bạo lực của mọi thế lực độc đoán.
Bùi Tín