Wednesday, July 13, 2011

13/07 Người từng tự tử nhiều lần vì trầm cảm


Ngày 13.07.2011, 18:28 (GMT+7)
Trời kêu không dạ
Người từng tự tử nhiều lần vì trầm cảm
SGTT.VN - “Trước khi quyết định kể lại câu chuyện của mình, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Hy vọng những trải nghiệm cá nhân của tôi sẽ phần nào giúp mọi người có cái nhìn đúng hơn về những người mắc chứng trầm cảm…”, chị V.T.T.H. chia sẻ.
Chị V.T.T.H. (áo đen) trong một buổi nói chuyện cùng chuyên viên tham vấn tâm lý Nguyễn Thị Ngọc ngày 11.7.
Năm 1999, chị H. phát hiện trí nhớ của mình giảm sút rất tệ. Tâm trạng lúc nào cũng khó chịu, hay hồi hộp, mất ngủ triền miên, có xu hướng tự cách ly với mọi giao tiếp. Tình trạng kéo dài được chừng một tháng, chị chủ động tìm tới bác sĩ và nhận được kết quả mình đã mắc chứng trầm cảm do áp lực công việc.
Cảm giác hoạt động như một robot
Chị H. nhớ lại: “Uống thuốc tây theo toa bác sĩ suốt ba tuần, tình hình còn tệ hơn. Từ một người luôn năng động tôi trở nên chán nản, trì trệ, luôn cảm giác mình hoạt động như một con robot, bởi không thể điều khiển hành vi theo ý mình. Nhận thấy thuốc bác sĩ kê không thích hợp, tôi ngưng uống và thử trị liệu bằng yoga”. Những bài tập thiền theo phương pháp yoga đã cho kết quả rất tốt. Sau tám tháng, chị H. cảm thấy sức khoẻ dần ổn định. Tuy nhiên do công việc quá bận rộn, chị đành nghỉ tập.
Nghỉ được khoảng một tháng thì chứng trầm cảm tưởng đã ngủ yên lại từ từ trỗi dậy, nhấn người phụ nữ trẻ lún sâu vào những cơn chán nản triền miên không lối thoát. Chị lại tiếp tục rơi vào hai trạng thái trái ngược: chán ăn tới mức cả tuần không hề đụng tới đồ ăn, nhưng sau đó lại ăn nhiều tới mức không thể kiểm soát. Từ một cô gái nhỏ nhắn nặng 50kg, sau một thời gian ngắn, chị tăng vọt lên 69kg: “Có những lúc quá chán nản, không làm chủ được hành vi, tôi đã trộn rất nhiều loại thuốc độc lại rồi uống. May mắn lần nào cũng bị ói ra hết. Tới lúc tỉnh táo lại, tôi chỉ biết khóc rất nhiều, và sợ hãi…”
Cận cảnh
Chị V.T.T.H. năm nay 48 tuổi, đang sinh sống tại quận Tân Bình cùng gia đình chị gái. Ngoài những lúc đi dạy đàn piano cho trẻ em ở các mái ấm, chị H. thích tập yoga, thư pháp, mới đây chị còn theo học một khoá sáng tác nhạc… Hiện chị đang xúc tiến mở một cơ sở dạy nghề may mặc dành cho các em nhỏ khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Tân Bình.
Tự trị liệu bằng lối sống tích cực
Chị H. cho biết, từ khi còn trẻ, chị luôn mang tâm nguyện sẽ không lập gia đình, để dành trọn cuộc đời cho mục đích mở trường dạy văn hoá và âm nhạc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không để chứng trầm cảm tận diệt ước mơ của mình, chị quyết định phải hành động thật tích cực để tự mở cho mình cơ hội hoà nhập lại với cuộc sống bình thường.
Trước hết, chị từ bỏ công việc quản lý nhân sự quá nhiều áp lực ở một doanh nghiệp. Kế đến, tham gia trị liệu chứng cuồng ăn theo toa thuốc của TS.BS Lê Thuý Tươi ở viện Y dược học dân tộc TP.HCM, kết hợp các bài tập giảm cân… Vốn chơi đàn piano rất giỏi từ khi còn nhỏ, chị H. chủ động tìm tới các mái ấm nhận dạy đàn miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tình nguyện chăm sóc các cụ già neo đơn. Chị cũng tham gia một nhóm sinh hoạt đồng cảnh dành cho bệnh nhân bị stress… Những sẻ chia tích cực từ cộng đồng đã đem lại cho chị rất nhiều ý nghĩa và niềm vui. Chị cố gắng không sống khép kín như trước, mà luôn tìm tới chuyên viên tham vấn để giải toả kịp thời những vấn đề tâm lý. Mọi nỗ lực đã đem lại cho chị những kết quả rất đáng khích lệ.
Chuyên viên tham vấn tâm lý Nguyễn Thị Ngọc:
Trị liệu trầm cảm theo nhóm
Thông thường với những trường hợp trầm cảm, luôn cần điều trị bệnh lý kết hợp song song với tâm lý. Chúng tôi đã thử nghiệm mô hình trị liệu theo nhóm với kết quả bước đầu rất khả quan. Khi tiếp xúc với những người đồng cảnh, họ cảm thấy được nâng đỡ rất nhiều về tinh thần và quan trọng là họ đã được khơi gợi những tiềm năng, khả năng đã có trước đây để tự tin hơn khi hoà nhập với cuộc sống bình thường.
Vẫn cần lắm sự sẻ chia đồng cảm
Mặc dù tình trạng đã cải thiện nhiều nhưng chứng trầm cảm của chị H. vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào. Bởi vậy chị không cho phép mình hướng tới những suy nghĩ hay hành động nào tiêu cực. Tuy nhiên, cũng như các bệnh nhân mắc trầm cảm khác, chị vẫn không dám công khai bệnh tình, vì những hiểu biết còn hạn chế về chứng bệnh này trong cộng đồng vẫn đang là một rào cản xã hội lớn đối với những người như chị. Thậm chí, rất nhiều người đã đánh đồng bệnh nhân trầm cảm là những người điên loạn!
Chuyên viên tham vấn tâm lý Nguyễn Thị Ngọc, khoa công tác xã hội của đại học Mở TP.HCM cho biết: “Trong các ca tôi đã điều trị, H. là trường hợp rất hiếm hoi đã có những nỗ lực đáng quý để tự cứu mình khỏi trầm cảm. Người bị trầm cảm luôn có xu hướng khép kín các mối quan hệ trong xã hội. Do đó họ luôn có cảm giác bơ vơ. Chính vì thế, rất cần những đồng cảm sâu xa từ các thành viên trong gia đình, cộng đồng và xã hội...”, bà Ngọc nói.
BÀI VÀ ẢNH: HƯƠNG VŨ