Vụ sát thủ tuổi teen Lê Văn Luyện hạ thủ cả nhà chủ tiệm vàng ở Bắc Giang, chém đứt lìa bàn tay em bé duy nhất sống sót, khiến nhiều chuyên gia tâm lý lật lại vấn đề tội phạm vị thành niên: "Do sự thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái của bố mẹ".
> 12 giờ sinh tử với em bé ở tiệm vàng bị chém đứt tay/ Mất cảnh giác, nhà phố hay ở hẻm đều dễ bị trộm cướp
Lê Văn Luyện (chưa tròn 18 tuổi), hung thủ gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở tiệm vàng tại Bắc Giang, khi bị bắt tại Lạng Sơn. Ảnh: X.A. |
Hung thủ còn thiếu hơn một tháng nữa mới đầy 18 tuổi. Bố mẹ làm nghề bán thịt lợn ở đầu làng, là anh của 2 đứa em, Luyện bỏ học từ lâu và đi làm phụ hồ, được hàng xóm miêu tả là hiền lành.
Với vụ thảm sát gây chấn động, một mình Luyện phạm tội nhưng cả nhà phải liên đới chịu trách nhiệm vì hành vi bao che, không tố giác con trai: bố mẹ, anh họ, chú rể... 4 người bị bắt. Nhiều phụ huynh tỏ ra thông cảm với cha mẹ của Luyện, đặt mình vào vị trí làm cha làm mẹ cũng hành động tương tự: đã không tố giác con mà còn giúp chôn giấu vàng, phi tang quần áo đầy máu. Song không ít người nghiêm khắc hơn thì cho rằng mình sẽ có cách hành xử khác.
"Nhặt một đồng tiền của rơi cũng phải trả cho người làm mất. Còn ở đây, bố mẹ cậu ấy bỗng dưng thấy con giấu một đống vàng không phải là bất thường sao, lại còn đem chôn giấu thay cho nó", ông Tuấn - cha của hai đứa con ở quận 1, TP HCM, trách móc. Còn bà Lục, 78 tuổi, thì nói: "Cứ cho ban đầu bố mẹ cậu ấy không biết vụ án mạng nghiêm trọng nên bao che cho con; còn mấy hôm nay cả nước đều biết tội ác ghê sợ thế nào nên thay vì giấu thì gia đình phải trình báo cơ quan chức năng và khuyên con đầu thú".
Phân tích về khía cạnh tâm lý, một giảng viên đại học khoa tâm lý tại TP HCM bình luận: "Phản ứng bao che là diễn biến tâm lý thông thường của người làm cha làm mẹ. Nhưng chính cách thương con không đúng này đã hại cả nhà".
Dưới góc nhìn giáo dục, Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, chuyên viên tư vấn trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc cho rằng, hiện nay khi mà hành vi bạo lực có thể xảy ra mọi nơi, mọi lúc, chính là báo động một nguy cơ lớn hơn đang dần hình thành trong giới trẻ ngày nay. Đó là sự coi thường trật tự kỷ cương xã hội, các em không biết “sợ” - đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho thấy, thời gian gần đây số các vụ án mạng do trẻ vị thành niên thực hiện đang có chiều hướng gia tăng với hàng chục nghìn vụ mỗi năm. Tội phạm thường ở độ tuổi từ 16 đến 18 (60%), mồ côi lang thang hoặc cha mẹ ly dị, bỏ học sớm, bị kẻ xấu xúi giục cướp tài sản, giết người, buôn bán ma túy...
Như trường hợp của Luân (14 tuổi), sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ đều làm nông (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Kinh tế khó khăn nhưng gia đình vẫn cố cho cậu đi học, song đến lớp 4 Luân đã nghỉ.
Một buổi trưa nhậu say về, Luân sang nhà láng giềng chơi. Thấy nhà chỉ có 2 bé gái (8 tuổi) đang chơi đùa mà vắng bóng người lớn, cậu đã dụ hai em ra vườn ổi để làm chuyện vợ chồng. Bị phát hiện và phải lãnh mức án 9 năm tù, Luân lúc này mới hối lỗi: “Con không biết hành vi của mình lại nghiêm trọng như vậy. Giờ con rất ân hận".
Đau khổ vì con phạm tội ngồi tù, gia đình của Luân còn nhục nhã bởi bà con lối xóm dèm pha. Cha mẹ cậu còn phải vay nợ mấy chục triệu đồng để bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. "Tôi có lỗi khi không dành thời gian quan tâm giáo dục con đến nơi đến chốn nên cháu mới gây ra lỗi lầm lớn này", bố của Luân rưng rưng nước mắt nói.
Còn Phước (TP HCM) mới 15 tuổi, tức giận khi chứng kiến "người yêu" cãi nhau với Huấn (14 tuổi), nên đã dùng dao đâm chết thanh niên này. "Con thấy Tuyền (tên bạn gái) khóc nhưng không nói lý do. Con muốn bạn ấy nín nên bảo sẽ đánh Huấn", bị cáo trả lời trước vành móng ngựa và thừa nhận" không hề có cảm giác gì" khi giết người.
Chứng kiến cảnh đứa con trai duy nhất phải ngồi tù 10 năm vì tội giết người, bố của Phước rưng rưng nước mắt. Ông kể vợ chồng ly hôn từ hồi con trai còn nhỏ. Phước ở với mẹ và dượng, đến lúc mẹ chết thì về ở với bố. Tuy nhiên vì mải lo làm ăn kiếm sống nên ông Cương không có nhiều thời gian quan tâm đến con. "Bây giờ tôi đã thấy rất rõ trách nhiệm của mình", ông nói.
Chuyên gia tâm lý Phạm Phúc Thịnh cho rằng, sự thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái trong mỗi gia đình dẫn đến hành vi ứng xử bạo lực của trẻ vị thành niên. Vì nhiều lý do khác nhau, cha mẹ ly dị, mải mê kiếm tiền không dành thời gian cho con cái, gần như suốt ngày các em không hề gặp bố mẹ, đưa đón con cái đến trường hay lo cơm nước đều do một tay người giúp việc...
Theo dõi nhiều vụ án gần đây, đa phần cha mẹ của hung thủ đều tỏ ra "bất ngờ” trước hành vi phạm tội của con cái mình, thậm chí có người còn nói rằng con cái của họ là những đứa con ngoan trong nhà. "Yếu tố này nói lên sự lỏng lẻo trong quan hệ gia đình hiện nay", vị chuyên viên tâm lý nhìn nhận.
Vì thế ông nhắc lại vai trò của gia đình: "Chính là nơi nuôi dưỡng nhân cách cho trẻ biết sống và cách ứng xử trong xã hội, là nơi giáo dục cho các em những cảm nhận đầu tiên về quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và giữa mỗi người với chính bản thân mình".
Cũng theo quan điểm của Thạc sĩ Phúc Thịnh, mức độ dã man của những hành động gây án trong giới trẻ hiện nay tăng dần một phần do trẻ học hỏi từ người lớn cũng như những gì nhìn thấy trong phim, ảnh bạo lực. Trong khi đó, các biện pháp xử lý tội phạm vị thành niên hiện nay chưa có tính răn đe hiệu quả, nên dẫn đến hiện tượng “lờn thuốc” trong suy nghĩ và hành động của các em.
Thi Ngoan