SV trường ĐH Vinh- Ảnh: Quỳnh Hoa |
DÒNG CHẢY THỜI ĐẠI
Trong một vài bài thuyết trình của mình, anh có nhắc đến câu chuyện nước Nhật. Bài học nào anh rút ra từ câu chuyện này?
Đúng là tôi có nhắc đến cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị ở Nhật, với vai trò đặc biệt của Fukuzawa Yukichi. Bởi vì, cùng thời điểm này, ở Việt Nam, Nguyễn Trường Tộ cũng đã gửi lên triều đình Huế những bản tấu trình đề xuất cải cách đất nước. Tôi biết, mọi so sánh đều khập khiễng, do hoàn cảnh lịch sử, xã hội ở Nhật thời cải cách Duy Tân Minh Trị và ở Việt Nam lúc bấy giờ không hoàn toàn giống nhau.
Tuy nhiên, tôi cũng biết, nhờ so sánh mà có thể rút ra những bài học đáng suy ngẫm. Bài học ở đây là: Yukichi, sau khi tiếp thu văn minh phương Tây, đã dành phần lớn thời gian để dạy học, dịch sách, viết sách truyền bá tư tưởng cải cách, đổi mới. Còn Nguyễn Trường Tộ sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây thì viết các bản tấu trình gửi lên triều đình đề nghị canh tân đất nước. Khi triều đình không đồng ý bản này, ông viết bản khác, liên tục cho đến khi mất, dù những bản tấu trình đó không được sử dụng. Như vậy, có một điểm khác biệt lớn giữa 2 nhà cải cách này: Yukichi hoạt động như một trí thức độc lập, còn Nguyễn Trường Tộ như một trí thức cận thần. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt cơ bản giữa hai ông. Cũng là điều mà những người đi sau cần suy ngẫm.
Trường hợp nước Nhật, khi nội bộ nước này xảy ra đấu đá và nội chiến, đe dọa đến sự thành công của cuộc cải cách, trường Đại học KeiM-gijuku (*), do Yukichi lập nên, lúc này chỉ còn 18 sinh viên. Nhưng Yukichi đã nói với sinh viên của mình rằng: “Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới”.
TS Giáp Văn Dương |
Đúng vậy. Trí thức nên là những người độc lập, ở mức độ càng cao càng tốt. Nhiều trí thức nghĩ rằng tham gia vào chính sự sẽ giúp họ thay đổi, cải cách đất nước nhanh hơn. Tuy nhiên, đó là cách xây nhà từ nóc chứ không phải từ móng và mang tính cầu may. Vì việc chính sự thường quan tâm đến những mục tiêu ngắn hạn, tức thời trong hiện tại, trong “nhiệm kỳ này”, chứ ít khi hướng đến những mục tiêu dài hạn, đích đến của những cuộc cải cách lớn.
Một đất nước muốn phát triển thì dân trí, hạ tầng tư duy, hạ tầng con người phải tốt. Nếu như chỉ chọn những giải pháp tình thế, ăn ngay mà không tập trung nâng cao dân trí, đổi mới tư duy thì mọi giải pháp, xét về dài hạn đều sẽ thất bại.
HẠ TẦNG TƯ DUY
Theo anh, điều gì là quan trọng nhất đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay?
Đó là vốn con người. Nhắc đến vốn thường làm người ta nghĩ ngay đến tiền. Cũng như nhắc đến cơ sở hạ tầng kinh tế là người ta nghĩ ngay đến đường sá, cầu cống, v.v. Nhưng trên thực tế, tài nguyên trí tuệ mới là tài nguyên quan trọng nhất. Và hạ tầng tư duy quan trọng hơn hạ tầng kinh tế truyền thống.
Anh có thể nói qua về một khái niệm, khá mới, “hạ tầng tư duy”?
Hạ tầng tư duy là toàn bộ những gì góp phần khai mở, hỗ trợ, giải phóng và phát huy khả năng tư duy của cá nhân và cộng đồng. Trong các yếu tố tạo nên hạ tầng tư duy, thì có ba yếu tố quan trọng nhất là: [1] thành tựu tư tưởng của nhân loại, [2] hệ tư tưởng/quan điểm được sử dụng; và [3] tự do học thuật. Vì thế, muốn cải tạo hạ tầng tư duy thì phải tiếp thu càng nhiều thành tựu của nhân loại càng tốt, điều chỉnh nếu nó đã lạc hậu và khuyến khích, tạo điều kiện cho tự do học thuật, tự do phản biện
Vậy theo anh, trong việc phát triển hạ tầng tư duy một quốc gia, các vựa tư duy (think-tank) đóng vai trò thế nào?
TS. Giáp Văn Dương: Think-tank là nơi đưa ra những lời khuyên với chất lượng chuyên môn cao cho những nhà hoạch định và thi hành chính sách. Think-tank cũng giúp thu thập và xử lý tri thức rồi lan tỏa ra toàn xã hội. Như vậy, nó làm cho những tri thức có chất lượng được lưu thông, kết nối tạo dựng thành mạng lưới. Ở ta cũng có nhiều các think-tank, nhưng đa phần không hoàn thành vai trò của mình, vì không giữ được vị trí độc lập và đơn thuần là một cơ sở chuyên môn để đưa ra những đánh giá khách quan. Ở các nước phát triển, Nhà nước phải dựa vào rất nhiều think-tank, thậm chí một chính trị gia cũng có thể dựa vào bộ phận này để có thể đưa ra một chính sách, hoặc nhỏ hơn, là một ứng xử đúng đắn.
Do phân công lao động và sự phức tạp của xã hội hiện đại, con người tư duy, lãnh đạo, thừa hành và kiểm tra nên tách bạch. Không nhất thiết nhà lãnh đạo phải ôm đồm làm cả bốn việc trên. Tuy nhiên, sự ôm đồm này lại thường thấy ở Việt Nam.
Theo anh, những nước sử dụng thành công trí thức vào phát triển kinh tế có đặc điểm gì?
Họ tôn trọng trí thức. Không độc đoán, mà đối thoại thay vì độc thoại. Họ xác định đi tìm sự đồng thuận chỉ có qua con đường đối thoại, chứ không thể bằng con đường áp đặt.
MẮT XÍCH GIÁO DỤC
Quay lại câu chuyện nước Nhật, khi nhận ra điểm yếu của mình, họ đã làm gì?
Người Nhật lúc đó xác định: dân trí và văn hóa là những mắt xích quan trọng nhất cần thay đổi để phát triển đất nước. Do đó, họ bắt đầu thay đổi giáo dục: kiên quyết từ bỏ lối học tầm chương trích cú, học chỉ để làm quan. Họ đã chuyển sang lối học để làm việc, để mở mang hiểu biết, tiếp thu và hội nhập với văn minh nhân loại. Nghĩa là họ tập trung nâng cao dân trí và chất lượng người dân. Họ không tự cô lập mình về mặt tư tưởng. Quan trọng hơn, họ chủ động gia nhập dòng chảy của thời đại.
Còn chúng ta, đã có nhiều thời điểm chúng ta nhìn thấy những dòng chảy của thời đại. Nhưng nhiều lần, hoặc chúng ta từ chối, hoặc chúng ta lỡ nhịp. Đến khi nhận ra thì đã chậm mất rồi. Lý do có nhiều, song chúng ta chưa quyết đoán để bước vào.
Rõ ràng, ở ta, cũng đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng loay hoay mãi mà chất lượng giáo dục vẫn chưa được đánh giá cao. Góc nhìn của anh về chuyện này là gì?
Cải cách giáo dục phải theo hướng thực chất, học để hành, để làm việc, để mở mang hiểu biết chứ không phải để có bằng cấp… Ở ta, cải cách giáo dục chưa thành công vì cải cách nửa vời, vì cản trở từ chính hệ thống giáo dục, và sâu hơn là từ văn hóa, từ cơ cấu kinh tế và hệ thống công quyền. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, người Việt ta rất thích bằng cấp.
Về mặt văn hóa: Ngày xưa học để làm quan thì nay học để có bằng. Dù tốt nghiệp đại học nhưng chỉ để làm công việc (nhẽ ra) của người tốt nghiệp trung cấp dạy nghề. Nhưng nhất định phải cố kiếm được mảnh bằng đại học mới an lòng.
Về mặt kinh tế: Các công ty, cơ quan Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế -xã hội, bộ máy hành chính cồng kềnh, nhưng tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ công chức còn nhiều bất hợp lý. Đây chính là mảnh đất tốt để tiêu cực chen chân. Điều đó dẫn đến việc nếu có một tấm bằng, dù là bằng giả, người ta vẫn có thể chui vào làm việc trong hệ thống, bằng cách này hoặc cách khác. Nói cách khác, bằng cấp, kể cả bằng giả, vẫn còn đất sống, nên người ta vẫn có nhu cầu.
Thêm nữa, xung đột lợi ích, tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn hạn hẹp, bệnh thành tích – phong trào… cũng là những vấn đề đang còn phải khắc phục.
Vậy theo anh, lối đi nào là phù hợp cho giáo dục đại học ở ta?
Giáo dục Đại học của ta thực sự đang có rất nhiều vấn đề. Ở đây tôi chỉ bàn đến một vấn đề, là: nhiều người đổ lỗi cho việc cải cách giáo dục thất bại vì chưa có triết lý giáo dục đúng dẫn dắt. Nhưng thực ra, cải cách đi vào vòng luẩn quẩn cũng vì ta cứ cố tìm cái triết lý giáo dục vô hình kia để bám vào. Lẽ ra, ta cần tính đến chuyện mở ra những đại lộ lớn cho giáo dục đại học dấn bước. Những đại lộ đó chính là những định hướng lớn cho việc cải cách hệ thống, mà theo tôi, đó là: Mở, Sáng tạo, Toàn diện, Hiện đại và Hội nhập.
Mở về nội dung, về chương trình, về cơ cấu để mọi thành phần đều có thể tham gia và thụ hưởng giáo dục, và tri thức mới có cơ hội được truyền tải; Sáng tạo là yếu tố, phẩm chất quan trọng nhất mà nền giáo dục cần hướng tới; Toàn diện về loại hình và nội dung giáo dục; Hiện đại về tri thức giảng dạy; và Hội nhập để liên thông và hội tụ cùng những chuẩn của giáo dục thế giới. Tại sao chúng ta không thiết kế và cải cách hệ thống theo những định hướng đó, mà lại đi tìm một sợi dây mang tên “triết lý giáo dục” để tự buộc mình. Ai biết được hình thù của sợi dây đó thế nào, và tồn tại được bao lâu thì lạc hậu!?
Xin cảm ơn anh!
-------------
(*) Keiò-gijuku là trường đại học tư thục hiện đại đầu tiên và hiện nay vẫn là một trong những trường đại học tư lớn, có chất lượng giáo dục uy tín hàng đầu của Nhật Bản.
TS Giáp Văn Dương: Tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý tại Đại học Công nghệ Viên (Áo) năm 2006. Đã từng làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ Viên (Áo), Đại học Liverpool (Anh).
Lê Ngọc Sơn (thực hiện)