Wednesday, February 23, 2011

23/02 Cách mạng trong thời đại thông tin



Lê Minh NguyênChỉ trong vòng hơn một tháng, kể từ ngày chàng thanh niên tốt nghiệp đại học 26 tuổi Mohamed Bouazizi tự thiêu ở Sidi Bouzid ngày 17-12-2010 để phản đối chính quyền Tunisia đã không tạo được công ăn việc làm cho giới trẻ mà còn nhiều lần tịch thu xe bán rau của anh vì lý do không có môn bài, thì cuộc cách mạng hoa lài  đã xảy ra vào giữa tháng 1-2011 ở Tunisia và sau đó lan ra Ai Cập.
Cả hai cuộc cách mạng đã đạt được thành công trong việc đẩy được tổng thống Tunisia, ông Zine el Abidine Ben Ali ra khỏi chức vụ và lưu vong sang Saudi Arabia ngày 15-1-2011 sau 23 năm độc tài cai trị. Ông tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, sau 18 ngày dân chúng biểu tình, cũng phải rút lui về Sharm el-Sheikh ở bờ biển Hồng Hải ngày 11-2-2011 sau 30 năm trị vì bằng thiết quân luật.
Hai cuộc cách mạng này đang tỏa ảnh hưởng sang các nước Algeria, Yemen, Jordan, Sudan, Bahrain, Libya, Iran và các quốc gia khác trong vùng Trung Đông. Ở đảo quốc Bahrain vua Hamad bin Issa al-Khalifa hứa cho mỗi gia đình 2.650 Mỹ kim để xoa dịu với hy vọng dập tắt các cuộc biểu tình nhưng nó vẫn xảy ra. Ở  Yemen ngày 12-2 có khoảng 4.000 sinh viên biểu tình ở trung tâm thủ đô Sana’a đòi tổng thống Ali Abdallah Saleh từ chức. Trong khi đó có hàng ngàn người biểu tình ở thủ đô nước Algeria đòi tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức.
Kỹ sư Ben Hazouz người Tunisia làm việc ở Paris, bay về Tunis tham gia biểu tình ngày 14-1 đã hãnh diện tuyên bố rằng “đây là cuộc cách mạng Internet đầu tiên trên thế giới. Trong thế giới Internet mới, cuộc cách mạng được thực hiện từ Châu Phi” (VOA 17-1). Lời nói này phản ảnh một hiện tượng chính trị mới khi nhân lọai đi vào Thời Đại Thông Tin.
Trong khi các chính quyền độc tài còn tổ chức bộ máy đàn áp của công an, tình báo theo Thời Đại Kỹ Nghệ để đối phó với các lực lượng chống đối có tổ chức rõ ràng, có lãnh tụ uy tín và một hay nhiều căn cứ địa nhất định. Việc đàn áp tương đối dễ dàng qua bắt bớ, giam cầm các thủ lãnh và bộ tham mưu đầu não để đập tan phong trào chống đối. Việc chuẩn bị kế họach đàn áp cũng đơn giản và ít thay đổi về mặt chiến lược, chỉ cần các điều chỉnh nhỏ về mặt chiến thuật.
Trong khi đó thì xã hội dân sự đã thay đổi sâu xa trong thời đại mới. Ngày nay việc tụ tập nhiều chục ngàn người như sinh viên trong các tuần lễ nghỉ, hay người lái xe gắn máy trong mùa hè, hoặc tụ tập vài trăm ngàn người như nhóm Tea Party trong Đảng Cộng Hòa, v.v., thì không cần lãnh tụ hay tổ chức rõ ràng và chặt chẽ, mà chỉ cần một vài lời nhắn trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, v.v., nó sẽ lan ra nhanh chóng. Các bộ máy đàn áp của chính quyền rất khó ngăn chận, vì không thể nào bắt hết dân chúng.
Nguyên nhân chính của những cuộc cách mạng quần chúng này là sự thất ngiệp và tệ nạn tham nhũng. Nó đưa đến một xã hội bất công mà trong đó thiểu số giai cấp thống trị giàu sang, hưởng đặc quyền đặc lợi, trong khi đại khối quần chúng thì không có khả năng để sinh tồn. Đây cũng là tình trạng đang hiện hữu ở Việt Nam.
Giới trẻ ở các nước đang phát triển ngày nay tiếp cận được với rất nhiều nguồn thông tin và kiến thức, nên không chấp nhận một sự cam tâm chịu đựng như ông cha của họ. Hơn nữa, do dân số thế giới tiếp tục tăng theo hình J của cấp số nhân, cho nên tài nguyên thiên nhiên càng ngày càng cạn kiệt và sự cạnh tranh để sinh tồn trong thế kỷ 21 mãnh liệt hơn. Cho nên với hố ngăn cách giàu nghèo quá lớn thì luật sinh tồn đòi hỏi một sự san bằng để tái phân lợi tức. Trong chế độ dân chủ, sự san bằng này có tính cách ôn hòa qua các chính sách thuế khóa được hình thành do các đại diện dân cử. Trong các chế độ độc tài nó đòi hỏi một cuộc cách mạng vì bởi đặc tính chỉ lo thu vào và không chấp nhận nhả ra của giai cấp thống trị.
Đặc tính tương đồng thứ hai của các cuộc cách mạng mới này là hệ thống hỗ trợ thông tin để các sự liên kết xã hội được dễ dàng và nhanh chóng. Hệ thống này có tính cách mạng nhện, luôn luôn thay thế được nếu bị phá hoại. Khi chính quyền Ai Cập cắt Facebook và Twitter thì Google tái lập ngay một ngã thông tin đường vòng mới mà người sử dụng chỉ cần gọi điện thoại vào và để lại lời nhắn thì ngay lập tức lời nhắn đó được phổ biến khắp nơi. Hệ thống hỗ trợ thông tin còn giúp cho đại khối quần chúng không bị chính quyền tuyên truyền một chiều để lừa gạt. Cộng Sản Việt Nam thời thập niên 1940 lừa gạt lòng ái quốc của dân chúng để du nhập chủ nghĩa cộng sản vì người dân lúc ấy không có được hệ thống hỗ trợ thông tin. Hệ thống này giúp các dân tộc trên thế giới thức tỉnh, ý thức được quyền sống, quyền làm người, quyền được tự định đoạt số phận của mình. Nhờ nó, các dân tộc khác nhau trong thế giới liên kết và hỗ trợ nhau qua không gian ảo, không gian này không có biên cương cho nên nó vượt qua tầm kiểm soát của các chính quyền độc tài.
Một yếu tố bên ngoài nhưng hết sức quan trọng cho sự thành công của các cuộc cách mạng này là đức tính chuyên nghiệp, khách quan và bảo vệ dân của quân đội. Quân đội được lập ra là để bảo vệ tổ quốc, mà tổ quốc là gì nếu không phải là nhân dân và bờ cõi? Do đó việc quân đội bắn vào dân chúng là hành động phản quốc và chỉ có những nhà quân sự mù quáng mới làm được điều này. Ngay cả Đặng Tiểu Bình năm 1989 cũng phải huy động quân đội từ Nội Mông về để bắn dân chúng Bắc Kinh, chứ quân khu thủ đô thì không làm được việc đó. Đảng CSVN luôn bắt quân đội phải trung và bảo vệ Đảng cho nên vấn đề bảo vệ tổ quốc bị đứng vào hàng thứ yếu, đó là một trong những lý do mà Trung Quốc lấn hiếp. Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh chỉ lo nói về diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, một vấn đề ngoài nhiệm vụ quân đội của ông ta. Trong đại hội 11 vừa qua, CSVN chính thức ghi vào Điều Lệ là các bí thư đảng chỉ huy quân đội, từ trung ương đến địa phương.
Ngoài ra ý thức cao độ của những người tranh đấu ôn hòa bất bạo động đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công của cách mạng. Họ lập ra những tổ an ninh để kiểm soát không cho đem vũ khí vào nơi biểu tình, làm vệ sinh để giữ sạch sẽ nơi này, tổ chức để giúp đỡ y tế cho người tham dự, giao thiệp lịch sự với quân đội, v.v..
Hậu thuẫn của thế giới tự do, nhất là Âu Châu và Hoa Kỳ, cũng như các cơ quan truyền thông quốc tế, vừa là tai mắt vừa là áp lực bên ngoài cần thiết để kềm chế bộ máy độc tài không đàn áp.
Điểm khác của Việt Nam so với Ai Cập và Tunisia là ở Việt Nam chế độ độc tài tập thể, mà theo ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc Hội là “đảng chủ”, “nhà vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa”, cho nên mục tiêu tương đối khó nhắm hơn, do không phải là cá nhân như Ben Ali hay Mubarak. CSVN lại tinh vi hơn bằng cách xoay vòng các chức vụ lãnh đạo và đặt ra hạn tuổi 65 thì phải về hưu, mặc dù có ngoại lệ như trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng.
Các điểm khác nữa là yếu tố Trung Quốc với quan hệ “môi hở răng lạnh”, sẵn sàng hỗ trợ CSVN để đàn áp và đã lặn sâu trèo cao trong chính quyền các cấp. Quân đội thì do đảng CSVN chi phối chặt chẽ. Báo Quân Đội Nhân Dân luôn luôn lo việc chống diễn biến hòa bình và bênh vực việc quân đội phải trung thành với đảng. Ngoài ra hệ thống công an, nhất là dân phòng, luôn luôn theo dõi nhất cử nhất động của người dân để đập tan những khác biệt chính trị từ trong trứng nước.
Tuy nhiên, những khác biệt này cũng không thể ngăn cản được một cuộc cách mạng xảy ra ở Việt Nam. Bởi lẽ người dân, nhất là giới trẻ là giới đa số ở Việt Nam, đã bước vào Thời Đại Thông Tin, trong khi chính quyền vẫn còn ở trong Thời Đại Kỹ Nghệ với những kỹ thuật đàn áp lỗi thời. Trong các cuộc cách mạng vừa qua ta thấy có sự phối hợp nhịp nhàng của truyền thông cũ (al-Jazeera…) và mới (Internet) để hỗ trợ cho đòi hỏi sinh tồn của dân tộc. Liệu đảng CSVN với công an, quân đội, Trung Quốc và vũ khí có đàn áp được không, khi đại khối quần chúng vì sự sống còn của dân tộc mình mà cương quyết đứng lên? – (LMN)