Thursday, May 5, 2011

05/05 Những chuyện rất duyên về Kỳ Duyên


Ngày 05.05.2011, 09:13 (GMT+7)


SGTT.VN - Hẹn gặp Kỳ Duyên không dễ tí nào, khi cô có lịch làm việc dày đặc từ Mỹ về Hà Nội, rồi Sài Gòn, rồi Đà Nẵng. Người nữ MC này nổi tiếng ngay từ giây phút xuất hiện đầu tiên cách đây hơn 20 năm, không chỉ vì cái tên gắn với ông bố nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ, mà còn vì cô có một sức hút của người cầm micro trò chuyện về buồn vui của âm nhạc tạp kỹ trong cộng đồng văn nghệ hải ngoại. Bản lĩnh và chân thành, cô đã tạo nên một hình tượng MC nữ rất đẹp và xem ra đến tận bây giờ chưa có đối thủ.
Từng làm photographer
Chị đã học nghề luật sư để rồi trở thành MC ca nhạc, tại sao?
Hồi sinh viên, để có tiền đóng tiền học, tiền nhà, mua sắm... tôi đã từng làm đủ mọi nghề từ chạy bàn trong các nhà hàng đến phụ tá cho các văn phòng luật sư. Tôi đã từng có nhiều năm làm photographer, chuyên chụp cho các model để họ tự giới thiệu họ cho giới quảng cáo. Từ nghề chụp hình, tôi có mối quan hệ tốt với các người mẫu, rồi dẫn dắt đến nghề đọc tên người mẫu, ca sĩ trong các show biểu diễn thời trang. Rồi đến một ngày người ta phát hiện tôi có khiếu ăn nói trên sân khấu, và tôi đã dần dần trở thành MC ca nhạc chuyên nghiệp.
Chị đã làm cả nghề chạy bàn ư, điều này xem ra khó tin đối với một cô gái từng được xem như một công chúa?
Tôi chưa bao giờ xem mình là một công chúa cả. Tuổi thơ của tôi cũng như bao người bình thường khác. Tôi có cha mẹ, anh chị em đông vui quây quần trong gia đình. Hồi bé thì tôi chơi các trò chơi dân gian như banh đũa. Lớn lên thì tôi được dạy phải có suy nghĩ rằng đã làm người thì nghề gì cũng quý, miễn là mình sống lương thiện. Bây giờ nếu nghề MC không nuôi tôi nổi nữa, biết đâu nếu phải làm người đổ rác để kiếm tiền nuôi con, tại sao tôi phải xấu hổ?
Chị nghĩ vì sao chị thành công nhất đối với nghề làm MC?
Tôi có sự nỗ lực học hỏi để vươn đến sự toàn diện, và cộng với một chút may mắn. Nhưng trên hết đó là tôi lên sân khấu với tôi ngoài đời không khác nhau. Tôi nghĩ để thành công với bất cứ nghề nào, bạn cũng phải chinh phục người khác bằng chính con người thật của bạn.
Muốn sống ở nơi nơi nào có... nắng thuỷ tinh
Chị là người lãng mạn, phải không nhỉ?
Tôi lãng mạn theo chiều hướng vui tươi. Tôi luôn có cảm giác mình chỉ vui khi đi đến những nơi có nắng đẹp. Buổi sáng nào thức giấc, tôi cũng mở toang cửa sổ để đón nắng lùa vào, xem nắng nhảy múa! Tôi thấy nắng đẹp kinh khủng. Tôi mê nhất là bài hát Nắng thuỷ tinh của Trịnh Công Sơn, trong đó tôi “lịm” đi từ câu đầu tiên “Màu nắng hay là màu mắt em!”Những nơi tôi đã đi qua, nếu không có nắng, tôi thấy ảm đạm buồn chán lắm.
Đó là lý do chị sẽ chọn sống ở Việt Nam?
Tôi từng nghĩ không có nơi nào đáng sống hơn vùng nắng ấm Cali nơi tôi đang ở. Nhưng rồi đến một ngày đẹp trời, tôi đã dừng chân tại Đà Nẵng này, tôi đã... phải lòng với Đà Nẵng. Tôi đã tung tăng chân trần trên biển Đà Nẵng và sung sướng đến phát khóc.
Chị đã thuyết phục được gia đình khi chọn mảnh đất này?
Tôi có hỏi ý kiến bố tôi. Ông bảo ông hài lòng nếu tôi chọn Đà Nẵng để làm nơi thực hiện giấc mơ có một ngôi nhà gần biển và nắng ấm của tôi. Tôi đã đi vòng quanh Đà Nẵng và thực sự thấy hạnh phúc khi nhìn thấy sự phát triển của cơ sở hạ tầng, những gương mặt trong trẻo hồn nhiên, những món ăn đậm đà hợp khẩu vị... Tôi đã quyết định hợp tác với người bạn để mở một nhà hàng đẹp bên cầu Sông Hàn để có một nơi tới lui với bạn bè. Thật là may mắn khi nhìn thấy nhà hàng này được xây dựng thật bắt mắt. Memory, tên của nhà hàng, giờ đây đã là một cô gái đẹp, tôi có nhiệm vụ làm cho “cô gái này” trở nên duyên dáng quyến rũ hơn.
NHÀ TÔI TOÀN ĐÀN BÀ!
Chị luôn tự hào về mẹ, đã có bao giờ chị cãi lời mẹ chưa?
Hồi tuổi 20 tôi có một lần cãi mẹ và tôi dọn ra ở riêng. Đó là kỷ niệm nhớ đời của tôi. Lúc đó tôi thích một anh bạn thuộc giới văn nghệ, mẹ tôi thì muốn tôi tập trung học đại học và không cho phép tôi đi chơi riêng với anh ấy. Tôi bướng, cứ nghĩ là ừ mình cứ đi chơi cũng đâu có hại gì? Mẹ bảo là trong nhà này mẹ có quyền có ý kiến, ai cãi lại thì đi ra khỏi nhà. Thế mà tôi dám dọn đi thật (cười). Tôi dọn ra ở chung với vài người bạn học, cùng chia nhau tiền thuê nhà. Quen sống với mẹ từ nhỏ được cơm nóng canh sốt, giờ sống riêng, tôi chẳng biết nấu nướng gì. Mẹ đến thấy xót con gái, thế là cứ chạy lui chạy tới nấu món này món kia để tủ lạnh cho con gái ăn. Cứ thế rồi mẹ con vui vẻ với nhau như cũ. Nhưng tôi vẫn ở riêng, và càng ở xa mẹ, tôi càng thấy cái nếp mẹ dạy càng ăn sâu vào mình, và mình không thể “hư hỏng” được. Tôi tập sống tự lập, làm đủ nghề để có tiền đóng tiền học. Tôi vâng lời mẹ để tốt nghiệp đại học, rồi đi làm một thời gian ngắn, và khi chuyển sang làm MC thì tôi xin phép được toàn tâm toàn ý với nghề này.
Chị thấy đức tính nào của mẹ mà chị ngưỡng mộ nhất?
Nhã nhặn. Mẹ tôi luôn nhã nhặn với tất cả mọi người. Ngay từ bé trong nhà tôi nhiều người giúp việc, từ lái xe đến người nấu bếp, mẹ dạy các con chào hỏi lễ phép và không bao giờ được to tiếng với ai. Mẹ tôi còn khiến tôi cảm phục ở tình yêu gia đình vô bờ bến. Mẹ tôi nuôi một đàn con riêng của chồng mà yêu đồng đều đến độ chúng tôi đều tưởng mình là do mẹ đẻ ra. Sau này khi tôi trưởng thành tôi mới nghe mẹ kể lại là “Mẹ đâu có muốn đẻ thêm em đâu, tại vì em cứ đòi chui ra, chứ mẹ đã có các anh chị đông vui đầm ấm rồi đấy chứ!” Đến bây giờ, mẹ vẫn xưng “mẹ” và gọi tôi là “em”, tức là... em bé đấy! Trong mắt mẹ tôi cứ mãi là một đứa trẻ con cần được bảo bọc thương yêu suốt đời.
Tôi còn nhớ mãi cái lần tôi phải đóng một vai bà già 80 tuổi trong chương trình Giã từ thế kỷ. Lần đó, tôi vừa sinh con gái út được mười ngày là phải lên sân khấu. Tôi được hoá trang bởi êkíp chuyên nghiệp của Hollywood. Họ tiêm một loại hoá chất làm co rút da khiến cho tôi nhăn nhúm như một bà già đúng nghĩa. Mẹ tôi xem tôi vào vai mà mẹ tôi khóc thút thít. Mẹ nói “Mẹ sợ sau này em già em nhăn nheo thế này mẹ buồn mẹ thương em quá!” Tôi vừa đẻ xong, sức khoẻ còn rất yếu, nhưng vì đã nhận chương trình, thuê địa điểm và thời gian quay phim, nên bằng mọi giá tôi phải vào vai, lúc đó chính mẹ tôi là người lo lắng mọi thứ cho tôi. Một tay mẹ giữ cháu, nấu ăn, giặt giũ, thực đơn ăn uống giảm cân để mặc vừa trang phục sân khấu đã thiết kế, mẹ lo hết!
Nếu bây giờ mà bạn trai tôi nói tôi là đàn bà ngốc, tôi sẽ mỉm cười chấp nhận vui vẻ. Ừ, thì em ngốc, nhưng mà sao nào?
Những gì mẹ mang đến cho đời tôi, thật không thể nào đong đếm nổi. Các con tôi, Mai Ly và Yên Ly đều yêu thương bà ngoại. Trong nhà tôi giờ toàn đàn bà. Chúng tôi là một khối ruột thịt đầm ấm không thể tách rời. Trên người tôi có hình xăm tên Mai là mẹ, tên Mai Ly, Yên Ly, và ba người này tạo thành dòng chữ My Life. Đó chính là cuộc đời tôi. Sau này, khi hôn nhân hai lần không trọn vẹn, ba thế hệ phụ nữ chúng tôi càng có ý nghĩa sống còn với nhau. Tôi có thể sống thiếu chồng, chứ không thể thiếu mẹ và hai con gái của tôi được. Gần đây, Yên Ly nói một câu mà khiến mẹ và bà ngoại đều rơi nước mắt: “Con ước gì con tặng được cho bà ngoại 20 năm của đời con, để bà ngoại sống thật lâu bên chúng con!”
Chị dạy con theo cách mẹ dạy chị chứ?
Tôi thật may mắn vì bên cạnh người mẹ tuyệt vời, tôi có được hai đứa con gái trên cả mơ ước. Tôi có bầu dễ chịu, sinh nở nhẹ nhàng, nhanh. Lần nào sinh tôi cũng sinh thường, vào bệnh viện là mang theo cuốn sách dày, ngồi đọc sách miệt mài đến khi nào đẻ là gọi bác sĩ đến. Tôi có bầu cũng gọn gàng, ăn bao nhiêu bổ thì vào con, đẻ con bụ bẫm, còn tôi thì sau vài tuần là vóc dáng trở về như cũ. Việc nuôi dạy các con cũng hết sức đơn giản gọn nhẹ cũng nhờ các cháu có bà ngoại đảm đang khéo léo nữa. Các con tôi, ơn trời, có ý thức tiết kiệm từ bé. Các cô chú văn nghệ luôn khen các cháu, bảo là đưa đi shopping, Mai Ly và Yên Ly luôn luôn chỉ chọn những món rất nhỏ, ví dụ một cây kẹp tóc, một cuốn sách, ngoài ra không bao giờ đòi hỏi cái gì khiến người lớn phải khó xử. Điều này tôi không dạy mà tự các cháu có ý thức.
Tôi cũng là một người sống tiết kiệm. Từ bé đến giờ chưa bao giờ tôi vung tay mua sắm cái gì xa xỉ. Gần đây nhất, tôi dám mua cho mình một đôi giày hiệu, mà là đã được giảm 50%. Tôi nghĩ tôi học ở mẹ tôi cái tính không ngại làm nghề gì miễn là lương thiện. Còn các con tôi thì học ở tôi cái tính tiết kiệm.
Tôi thích đàn ông cho rằng tôi ngốc!
Chị chấm điểm nhan sắc mình bao nhiêu?
Tôi nghĩ tôi chỉ được khoảng 5 điểm. Nhờ may mắn, tôi làm nghề sân khấu, được làm việc với êkíp trang điểm, thiết kế chuyên nghiệp, cộng với đã có quá trình được học cách đi đứng, ăn nói... khiến cho tôi được cộng thêm khoảng 3 điểm nữa.
Chị có khắc phục khuyết điểm ngoại hình bằng các biện pháp dao kéo?
Có một sự thật là 20 năm đứng trên sân khấu, tôi chưa cần đến dao kéo thẩm mỹ. Sau này thì chưa biết sẽ ra sao. Tôi không phản đối chuyện làm đẹp. Nếu bạn nói bạn tin vào vẻ đẹp tự nhiên thì bạn đừng son phấn! Trang điểm cũng là đã không tự nhiên rồi còn gì nữa. Hiện giờ tôi hài lòng với bề ngoài của mình. Nhiều người khuyên tôi đi bơm môi cho môi gợi cảm hơn, tôi cũng chưa nghe theo. Tôi chỉ có đi chăm sóc da mặt cho có vẻ tươi trẻ. Tôi thật sự quan tâm đến cái tư duy hơn là hình thức. Nói thì nghe có vẻ xa lạ, nhưng thực tế thì ai đến nhà tôi, phòng riêng của tôi thì đều thấy lúc nào tôi cũng mở tivi để xem tin tức thế giới, tin chứng khoán, xu hướng thị trường... chứ không bao giờ có hình ảnh sàn catwalk trong phòng tôi, trừ khi tôi gặp gỡ các bạn làm nghề trang điểm, thiết kế. Đi xa, lúc nào rảnh tôi cũng chúi mũi vào đọc sách trên kindle. Nói chung là tôi thấy tôi ít có nữ tính.
Trong nhà chị toàn đàn bà, và chị cũng toàn chơi với bạn gái?
Tôi gần mẹ hơn bố, sinh hai con gái, và đã hai lần chia tay chồng. Hiện giờ tôi có nhiều bạn gái thân làm cùng nghề văn nghệ, là Hương Thuỷ, Thanh Hà, Trúc Linh – Trúc Lam... trong đó Thanh Hà thân với tôi suốt 16 năm nay. Trong nhà tôi luôn có căn phòng trống để Hà có thể đến và ở lại bất kỳ lúc nào cô ấy muốn.
Các con gái của tôi cũng thân thiết với bé gái của Thanh Hà. Tính tôi thì giống đàn ông, nghĩ gì nói gì cũng thẳng tuột, và hầu như tôi không bao giờ biết khóc, trong khi Thanh Hà thì rất nhõng nhẽo. Chơi thân với nhau thì chúng tôi bổ sung ưu khuyết điểm cho nhau. Ví dụ tôi muốn mua một đôi giày đẹp, tôi phải nhấc phone hỏi ý Hà, Hà bảo ừ mua đi, đôi giày này Hà có cả trăm đôi rồi mang vẫn không chán, thì tôi sẽ mua (cười). Bù lại, Hà sẽ hỏi ý kiến tôi về cách ứng xử, đối đáp. Chẳng hạn có lần Hà bị một đồng nghiệp chê bai trên báo, Hà rất buồn và hỏi tôi nên làm gì. Tôi bảo Hà nên im lặng, vì người ta đang “chĩa” vào mình, chỉ cần mình “cựa quậy” là to chuyện. Và đúng là khi Hà im lặng, một thời gian sau thì mọi chuyện lại êm xuôi.
Chị có học hỏi Thanh Hà làm sao để nữ tính hơn để được đàn ông yêu hơn là sợ chị (như bây giờ)?
Đúng là quan sát Thanh Hà, tôi thấy cô ấy thật đáng yêu và cô ấy đã dạy tôi biết trở nên nữ tính hơn. Ngày trước, khi còn sống chung với Trịnh Hội, thỉnh thoảng chúng tôi có tranh cãi vài chuyện về quan điểm chính trị. Chẳng hạn như về luật tử hình có ở Mỹ nhưng không có ở một số nước khác. Anh ấy nhún vai bảo, thôi, đàn bà con gái, biết gì về chính trị mà nói... Tôi lẳng lặng khuân về đọc ngấu nghiến một chồng sách báo nói về bộ luật này, để vài ngày sau tôi lại ngồi xuống tranh cãi với anh ấy.
Nhưng đó là chuyện đã qua. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình thật trẻ con. Tại sao lại phải tranh cãi với đàn ông của mình về những chuyện chẳng ăn nhập gì đến cuộc sống của hai đứa? Nếu bây giờ mà bạn trai tôi nói tôi là đàn bà ngốc, tôi sẽ mỉm cười chấp nhận vui vẻ. Ừ, thì em ngốc, nhưng mà sao nào? Miễn là chúng ta vẫn thích nhau. Tôi nghĩ tôi chỉ thực sự ngốc khi tôi tìm đủ mọi cách để thông minh hơn đàn ông.
BÀI VÀ ẢNH: LOANBB
 TRANG ĐIỂM: NHẬT BÌNH
 TRANG PHỤC: GIA PHẠM
Bài đăng trên SGTT Nguyệt san số tháng 5.2011, phát hành từ 2.5.2011 tại các sạp báo. Mời bạn đón đọc.
  
  

21/04 Về bản dịch thơ Hồ Xuân Hương của Giáo sư - nhà thơ J. Balaban


21-04-2011
GS MAI QUỐC LIÊN

Năm 2002, tôi nhận được thư của GS J. Balaban. Bức thư lời lẽ nhã nhặn, tình cảm nồng hậu của một GS người Mỹ mà tôi chưa hề được gặp, được làm quen; chứng tỏ một mối quan tâm đến văn hóa Việt Nam và những dự định tốt đẹp vun bồi cho nền văn hóa ấy bằng nhiều cách. Toàn văn bức thư dịch ra tiếng Việt như sau:

“Thưa Giáo sư Liên,

Đính kèm theo đây là bản dịch tập thơ Hồ Xuân Hương của tôi có nhan đề là Hương mùa xuân: Thơ Hồ Xuân Hương (NXB Copper Canyon, 2000). Vào tháng chạp năm 2000, tôi cũng đã gửi đến GS một bản sao của tập thơ này, nhưng tôi không dám chắc rằng, GS đã nhận được. Dầu vậy, ông Trần Văn Dĩnh bảo tôi nên gửi cho GS một bản khác. Tôi cũng đang gửi một bản sao quyển trọn bộ tiểu sử Hồ Chí Minh của tác giả William Duiker bằng thư riêng cho GS.

Trong thư gửi GS lần trước, tôi đã đề cập đến Quỹ Bảo tồn di sản chữ Nôm Việt Nam, do nhà ngôn ngữ học Ngô Thanh Nhàn, Kỹ sư máy tính Đỗ Bá Phước, và tôi khởi xướng sau khi vẫn tiếp tục hoàn chỉnh tập thơ Hương mùa xuân. Hiện chúng tôi cũng đang tiến hành in ấn một quyển từ điển đầu tiên về chữ Nôm - Quốc ngữ. Cả anh Nhàn và anh Phước sẽ có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng độ ngày 10 tháng 4, và tôi đã đề nghị họ nên đến gặp GS nếu thấy thuận tiện. Họ sẽ gặp TS Ngô Trung Việt, cộng sự tại Việt Nam của Quỹ chúng tôi, Tiến sĩ sẽ liên lạc với GS để sắp xếp cuộc hẹn.

Còn một vấn đề khác nữa, Virginia Jing-yi Shih là một trong những người chúng tôi đã tài trợ để nghiên cứu chữ Nôm ở Việt Nam, thông thạo cả Việt ngữ lẫn tiếng Trung, và cũng là người biết khá rõ về chữ Nôm. Cô Virginia là quản thủ thư viện nghiên cứu về Đông Nam Á của Đại học California - Berkeley. Cô ấy cũng đang quan tâm đến việc nghiên cứu và chuyển ngữ bộ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. GS có nghĩ rằng, GS có thể giúp cô ấy về chữ Nôm trong công trình nghiên cứu đặc biệt này không? Trước đây, cô ấy cũng đã từng chuyển ngữ tập thơ của Nguyễn Trãi sang tiếng Trung Quốc. Nay, cô ấy muốn tiếp tục công trình nghiên cứu đó vào mùa hè này; và Quỹ của chúng tôi sẵn lòng bảo trợ các chi phí cho việc nghiên cứu của cô ấy. Nếu GS quan tâm đến việc này, xin vui lòng cho tôi biết qua địa chỉ điện thư: tbalaban@earthlink.net.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có một website mới mà có thể GS sẽ quan tâm: www.nomfoundation.org. Qua thư này, xin kính chúc GS gặp nhiều tốt lành trong năm mới và hy vọng GS sẽ có một cuộc gặp thú vị với các giám đốc đồng nghiệp của tôi.

Trân trọng.
Chủ tịch, John Balaban
Đồng kính gửi: Trần Văn Dĩnh, Ngô Thanh Nhàn,
James Đỗ Bá Phước, Ngô Trung Việt”.


Bức thư GS. John Balaban gửi cho GS. Mai Quốc Liên.

Sau này, tôi đã gặp TS Ngô Trung Việt và TS Ngô Thành Nhàn, lúc đó là Phó chủ tịch Quỹ bảo tồn di sản chữ Nôm của GS J. Balaban. TS Nhàn đã hướng dẫn tôi đi thăm các Đại học Yale, Southern Connecticut, thăm New York nhân có cuộc Hội thảo châu Á ở Boston 2007, một chuyến viếng thăm để lại những ấn tượng tuyệt vời. TS Nhàn cũng vui lòng tham gia vào Hội Đồng Khoa Học của Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học và vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chúng tôi. Còn về Virginia Jing-yi Shih ở Đại học Berkeley (Mỹ) thì tôi cũng đã vui lòng giúp chị ấy qua những câu hỏi mà chị ấy đặt ra trong việc làm luận án về Nguyễn Trãi. Chị đã gửi tặng tôi bản luận án sau khi đã bảo vệ thành công, và chúng tôi cũng đã gặp nhau ở Hội thảo Boston.

Rất tiếc là cho đến nay, tôi vẫn chưa được gặp GS J. Balaban. Nghe ông có qua Hà Nội nhưng không vào Thành phố Hồ Chí Minh, và vì bận rộn công việc, nên sau bức thư đó, tôi cũng có lỗi là đã không giữ liên lạc trực tiếp thường xuyên.

Đọc bản dịch Hồ Xuân Hương của GS, tôi có trao đổi vài ý kiến khi gặp TS Ngô Thanh Nhàn. Tôi rất vui mừng là tập thơ dịch đã có tiếng vang lớn ở Hoa Kỳ: bán được 20.000 cuốn và khi Tổng thống Mỹ Clinton đến Việt Nam, trong diễn văn của ông, ông đã nhắc đến bản dịch này: “Các bài thơ 200 năm tuổi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được xuất bản ở Mỹ bằng tiếng Anh, tiếng Việt và cả nguyên bản chữ Nôm, đây là lần đầu tiên mà một bản thảo cổ của Việt Nam được đưa lên in ấn” (diễn văn của Tổng thống Clinton tại cuộc chiêu đãi của Chủ tịch nước Việt Nam tối 17/11/2000). Chúng tôi xin chân thành chúc mừng thành công đó của GS J. Balaban.

Sau đây, để cho những lần in lại sau này ở Mỹ (và từ Mỹ nó sẽ đi đến khắp thế giới, trước hết là đến với những người bạn của Việt Nam và những nhà nghiên cứu Việt Nam), bản dịch sẽ được hoàn thiện hơn, tôi xin góp một số ý kiến.

Trước hết, trong Dẫn nhập (Introduction). GS có nói rõ: “Tháng Hai năm 1999, tôi có đến Hà Nội để tham khảo với các học giả nhằm tìm và xác minh bản gốc bằng tiếng Nôm của những bài thơ trong tập sách này…

…Quyển sách này, tuyển tập khá tầm cỡ đầu tiên của thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh, hầu như chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót về xuất xứ cũng như sai lạc thuần túy do việc làm của tôi, một người ngoại quốc, dù là thi sĩ, đang bơi trong dòng nước ngập lút đầu mặc dù được khích lệ bởi sự cổ vũ của người Việt Nam đứng ở trên bờ xa tít” (Spring essence, tr.14)


Bìa cuốn sách Hương mùa xuân: Thơ Hồ Xuân Hương (Spring essence -
The Poetry of Ho Xuan Huong).

Như vậy là GS - Nhà thơ J. Balaban đã làm việc rất cẩn trọng, như một nhà văn bản học chuyên nghiệp khi tiếp cận văn bản thơ Hồ Xuân Hương, đã thế ông còn sang cả Việt Nam để tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu.

Nhưng mặc dù như vậy, không thể hiểu được vì sao trong văn bản Nôm in kèm theo và trong bản dịch, lại có những sai lầm sơ đẳng về phiên âm, và do đó đã làm lệch nghĩa câu thơ một cách hết sức đáng tiếc.

Trong bài Vịnh nữ vô âm (tr.38) có câu:

Điển nương dâu 娘妯 mà trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết là “trên Bộc trong dâu”: “Ra tuồng trên Bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu mà chi”, xuất tự thành ngữ “tang gian Bộc thượng”. Sách Hậu Hán thư Địa lý chí nói rằng, đất nước Vệ có chỗ kín trong tang gian (bãi trồng dâu) ở Bộc thượng (trên sông Bộc) là nơi trai gái tụ hội, do đó sau người ta dùng mấy chữ “Tang gian Bộc thượng” để chỉ thói dâm ô. Nguyễn Du dịch là trên Bộc trong dâu, bốn từ ấy đã thành thành ngữ” (Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, H., Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2000, tr.577).

Thế nhưng trong bản phiên âm này thì lại ghi là nàng dâu: “Trăm năm còn khỏi tiếng nàng dâu; và dịch là: “Since her whole life she’ll never have to hear “daughter – in – law” (Bởi suốt đời này sẽ không bao giờ phải nghe tiếng “nàng dâu” – “daughter – in – law” trong tiếng Anh nghĩa là nàng dâu”.

Như vậy, vì phiên âm nhầm nương dâu thành nàng dâu mà câu thơ mất nghĩa.

- Bài Phận đàn bà (tr.72), có câu:

Tất tả những là thu với vén
Vội vàng nào những bống cùng bông
.

Tất tả 必左 chứ không phải là tất cả 必奇 như trong bản Nôm và bản phiên âm.

Tất tả ở câu trên đối xứng với vội vàng ở câu dưới.

Nhưng hai câu dịch ra tiếng Anh thì không theo cái sai của phiên âm:

Yet, everything must be put in order
Rushing around all helter - skelter.

(Lại còn mọi việc phải thu vén
Dồn dập xoay quanh bấn loạn cả lên).

- Bài Khóc ông Tổng Cóc: Nòng nọc nên phiên là đứt đuôi, 坦 đứt (loại chữ giả tá) x. Từ điển chữ Nôm, Nguyễn Quang Hồng chủ biên, tr.383, H., 2006), chứ phiên đất đuôi thì không có nghĩa gì. (bản tiếng Anh dịch đúng làthe tadpole’s los his tail. Con nòng nọc đã mất đuôi).

- Bài Bánh trôi nên phiên: Bảy nổi ba chìm với nước non chứ không phiênmấy - 買 - có thể phiên là mấy (nghĩa là vài, bao nhiêu; còn phiên là với (mới):“Một ao niễng niễng với đòng đong” (Nguyễn Trãi) x. Từ điển chữ Nôm, Sđd, tr.679).

- Bài Chơi hoa (tr.62) phiên: Đã trót chơi hoa phải trèo. Nên phiên đúng là cố.

Bài Vịnh chùa Quán Sứ, phiên:

Sáng banh không kẻ khua tang mít
Trưa trật không
ai móc kẻ rêu.

nên đổi:

Sáng banh không kẻ khua tang mít
Trưa trật nào
ai móc kẻ rêu.

Theo phép đối, không không thể đối lại là không.

- Bài Người bồ nhìn (tr.98):

Xét xoi trước mặt đôi vầng ngọc

Phải phiên là xét soi .

Trong một bản dịch, một vài sai sót về nghĩa đen như những vết sướt da rất dễ chữa, không làm hại bản dịch rất tài hoa. Tuy vậy, cần phải nhắc để khi tái bản có thể chỉnh lại cho toàn bích. Tôi nhắc lại là GS J. Balaban đã làm việc hết sức cẩn trọng, cẩn trọng đến mức tối đa, nhưng những người giúp đỡ ông có lẽ đã không có dịp soát lại bản phiên âm chăng?

*

Tuy đã rà soát các văn bản cổ nhất chép thơ Hồ Xuân Hương rất kỹ càng (trong đó có bản L'œuvre de la poétesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương của Maurice Durand), việc chọn tuyển dịch thơ ở đây cũng không thể nói là đã mười phần tốt đẹp.

Có những bài thơ mà xét về mặt phong cách, mặt từ ngữ (dùng nhiều từ Hán Việt đài các, trang trọng, mờ nhòe khác với cách dùng từ Nôm thuần Việt, dân dã, cụ thể thường thấy của thơ Hồ Xuân Hương). Đó là hai “mỹ học” khác nhau, thậm chí đối lập nhau.


Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Tranh Bùi Xuân Phái.

Những bài như Cảnh thu: “Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa/ Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ/ Xanh om cổ thụ tròn xoe tán/ Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ…”; bài Đài khán xuân: “Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng/ Một vũng tang thương nước lộn trời”; bài Tức cảnh: “Còi mục thét lừng miền khoáng dã/ Lưới ngư giang gió bãi bình sa”, lâu nay nhiều học giả xếp vào thơ Bà Huyện Thanh Quan.

Bài Vịnh khách đáo gia, 4 câu đầu rất tầm thường, non nớt: “Nhện sa cá nhảy mấy hôm qua/ Uẩy uẩy hôm nay bác đến nhà/ Điếu thuốc quyến đàm mừng bác vậy/ Miếng trầu đỏ tuổi gọi chi là”, lại lọt vào các câu thơ lấy của Nguyễn Khuyến: “Ao sâu nước cả khôn tìm (chài) cá/ Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà”. Ngoài ra, còn khá nhiều bài non kém khác hoặc bị gán lầm cho Hồ Xuân Hương như: Vịnh dạy con trẻ, Vịnh lão nhàn cư, Vịnh đấu kỳ, Vịnh miêu (được gán cho Hồ Xuân Hương), Vịnh bồ nhìn (chính ra là của Lê Thánh Tông). Còn những bài ai cũng cho là của Hồ Xuân Hương như Thiếu nữ ngủ ngày, Cái quạt (II) (Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa), Trống thủng, Đá ông chồng… lại không được chọn dịch.

***

“Tôi đã gõ mãi vào những bản dịch này đến hơn 10 năm, thường bỏ dở nửa chừng, nhưng luôn quay trở lại. Sự kiên trì của tôi được giữ vững bởi sự ngưỡng mộ và kính sợ (tài năng Hồ Xuân Hương) mà tôi hy vọng độc giả cũng thể nghiệm như tôi: đối với cuộc đời thông minh mà cô đơn của Hồ Xuân Hương, đối với tài thơ tuyệt diệu, tính ngoan cường, tài châm biếm, lòng can đảm, sự hóm hỉnh khinh mạn và lòng trắc ẩn, lòng từ bi như một bồ tát của bà. Bà là một nhà thơ của thế giới, người có khả năng làm cho ta phải xúc động như đã từng làm xúc động người Việt Nam hai trăm năm nay” (Dẫn nhập, tr.14).

Nhiệt tình đó, tâm huyết đó, sự uyên bác đó cộng với sự thăng hoa của một tâm hồn thơ, đã làm cho GS J. Balaban có một bản dịch sáng tạo, chuyển tải tinh tế tứ thơ, từ ngữ… của nguyên tác (dĩ nhiên không bao giờ có ai, có bản dịch nào, dù là Nga, Pháp... lại có thể chuyển được cái nghĩa ngầm, nghĩa “một mà hai”, tục mà thanh, những cách nói lái (đá đeo, lộn lèo…, những tử vận…, và ta cũng không thể đòi hỏi điều đó. Trớ trêu thay, đó lại là cái độc đáo vô song, cái bản sắc tuyệt diệu của thơ Hồ Xuân Hương, cái tài “thi quỷ” của thiên tài Hồ Xuân Hương..). Chỉ ra một vài sơ sót nhỏ, chúng tôi mong rằng lần tái bản GS J. Balaban sẽ không khó khăn gì mấy để chỉnh lý bản dịch.

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng phồn tạp, đa nghĩa, cả về mặt văn bản và mặt ý nghĩa của văn bản, mặt thế giới quan và thi pháp… Suy cho cùng, đúng như GS-TS N.I.Nikulin (Nga) đã viết: “Rõ ràng là cùng với thơ ca của bà, một hệ thống thẩm mỹ mới mẻ đã đi vào văn học Việt Nam” (Lịch sử văn học Việt Nam, tr. 628, bản dịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn Học, 2007) và “thơ Hồ Xuân Hương như một cú đột phá của nền văn hóa dân gian Việt Nam còn chưa được thừa nhận vào lĩnh vực văn học nghệ thuật đỉnh cao” (Văn học Việt Nam từ thời Trung cổ đến hiện đại – thế kỷ X-XIX, Nxb Khoa Học Moskva, 1977, tr.242).

Cái gốc, cái bản chất của Hồ Xuân Hương là văn hóa dân gian, và nó chịu sự chế ước của các tầng quan niệm, thi pháp, hình thức của mỹ học dân gian. J. Balaban đã nghiên cứu rất kỹ Hồ Xuân Hương, nhưng có rất nhiều, rất nhiều vấn đề về Hồ Xuân Hương mà giới nghiên cứu Việt Nam cũng còn đang tranh luận. Vì vậy, bản dịch Hồ Xuân Hương ra tiếng Anh được hoan nghênh ở Mỹ là một sự kiện văn hóa đáng khích lệ.

Nói lại cho rõ

Trong bài Về bản dịch thơ Hồ Xuân Hương của GS-Nhà thơ J. Balaban trênHồn Việt số 45 (tháng 4/2011) có câu: tôi đề nghị phiên âm câu cuối là… khỏi tiếng nương dâu và đã có dẫn giải. Cần nói thêm là: hầu hết các bản Nôm thơ Hồ Xuân Hương (xin xem: GS Kiều Thu Hoạch: Hồ Xuân Hương, trong: Các nữ tác gia Hán - Nôm Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, 2010, tr. 460-461) đều chép nương dâu 娘 橷 (bản khắc 1922, bản Hồ Xuân Hương thi sao, bản Tạp thảo tập, bản Xuân Hương thi vịnh…). Bản khắc năm 1914 ghi: làm dâu 爫 妯, tức làm nàng dâu, cô dâu(KTH chú, tr. 462, sđd). Nhưng bản GS J. Balaban viết: 娘妯 thì nên phiênnương dâu và hiểu theo điển đã dẫn (câu thơ mới “già nghĩa” và hóm hỉnh, trào tiếu).

Mai Quốc Liên


(*)

John Balaban, Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương. Copper Canyon Press. Washington.

[Quay lại]
Gửi tin này qua e-mailIn trangPhản hồiĐầu trang

28/04 Bậc thầy thư pháp Vương Hy Chi và bài "Lan Đình tập tự"


28-04-2011
PHẠM THỊ HẢO

Đọc Truyện Kiều đến đoạn nàng Kiều bị Hoạn Thư hành hạ trước mặt Thúc Sinh để “xả ghen”, chắc ai cũng cảm thấy xót xa. Song đến chỗ cùng Thúc Sinh xem Kiều chép kinh, Hoạn Thư phải thán phục thốt lên thành lời:“Khen rằng bút pháp đã tinh/ So vào với Thiếp Lan Đình nào thua” thì chắc mọi người cũng có phần hả dạ.

Chỗ này Hoạn Thư đánh giá cao tài năng của đối thủ, không chỉ khen ở mức độ viết chữ đẹp mà khen sự tu dưỡng văn hóa không phải tầm thường, khen ở chỗ bút pháp tinh diệu có thể so với nghệ thuật thư pháp nổi tiếng của Vương Hy Chi - một bậc “Thánh thư” đời Tấn.

Trong các bản Kiều đều có chú thích điểm này, song chỉ nói rất sơ lược. Chúng tôi xin nêu lại những nét chính và bổ sung thêm đôi chút: Thiếp Lan Đìnhlà trang thiếp viết bài tản văn Lan Đình tập tự của Vương Hy Chi. Vương Hy Chi tự Dật Thiếu, hiệu Đạm Trai, sinh năm 321, mất năm 379 (?) đời Đông Tấn Trung Quốc. Ông là người ở Lang Nha, Lâm Triết (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), xuất thân trong một gia đình quý tộc, cha và chú đều làm quan cao và giỏi thư pháp.

Vương Hy Chi từ nhỏ hiếu học, yêu văn chương, tính tình cương trực. Từng làm quan đến chức nội sử Cối Kê, song vì bất hòa với Thứ sử Dương Châu nên từ quan, sống định cư ở Sơn Âm cho đến khi qua đời.

Năm 12 tuổi, Vương Hy Chi được cha và chú dạy thư pháp, sau đó từng thụ nghiệp với các danh gia thư pháp như Vệ Thước, Trương Chi, Trọng Diêu. Sau ông đi chu du nhiều nơi, thu nạp những tinh anh nghệ thuật thư pháp của những người đi trước rồi tạo thành một bút pháp riêng vừa có nét cổ nhã truyền thống vừa có nét bay bướm tinh tế mới lạ.

Vương Hy Chi có nhiều tác phẩm thư pháp nổi tiếng. Ngoài Thiếp Lan Đìnhlà tiêu biểu nhất, còn có những bản thiếp như Nhạc Nghị luận, Hoàng Đình Kinh, Đông Phương Sóc họa tán, Khoái tuyết thời tình thiếp… và một số sách lý luận về thư pháp. Thư pháp Vương Hy Chi có ảnh hưởng lớn đến con cháu. Các con trai ông: Vương Huyền Chi, Vương Ngưng Chi, Vương Huy Chi, Vương Tháo Chi, Vương Hoán Chi, Vương Hiến Chi đều là các danh gia, trong đó Vương Hiến Chi nổi bật nhất, cùng với cha là Vương Hy Chi được đời tôn xưng là “Nhị vương”. Hy Chi được tôn là “Thư thánh” còn Hiến Chi là “Tiểu thánh”, liên tục được các đời sau hâm mộ và học tập.

Vương Hy Chi không chỉ là nhà thư pháp nổi danh mà còn là một nhà văn có nhiều tác phẩm được truyền tụng. Bài Lan Đình tập tự là một thiên tản văn có giá trị cao, được Từ điển văn học Trung Quốc (NXB Thượng Hải từ thư, 2000) đánh giá là “tuyệt bút”.


Một phần bản thư pháp Lan Đình tập tự của Vương Hy Chi
do Phùng Thừa Tố mô phỏng chép lại từ nguyên tích.

Bài văn được viết vào năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời Tấn Mục Đế (tức năm 353 Tây lịch). Bấy giờ ở Lan Đình thuộc vùng Sơn Âm huyện Cối Kê có lễ hội Tu Hễ theo phong tục địa phương (lễ hội du chơi để xua tà cầu may), Vương Hy Chi cùng một số bạn bè tụ hội ở đây, cùng chơi trò thả rượu đọc thơ. Các bài thơ hoặc vịnh cảnh hoặc trữ tình của mọi người được chép lại thành tập gọi là Lan Đình thi tập và Vương Hy Chi được đề nghị viết bài Tự (tức bài Tựa) cho tập thơ đó. Bài Tự được cả hội tán thưởng không chỉ vì giá trị văn chương mà còn vì được chính tay tác giả chép ra với một bút pháp được xem là “tuyệt diệu vô song”. Nội dung bài được dịch nghĩa như sau:

“Năm Vĩnh Hòa thứ 9, tuế niên Quý Sửu, vừa vào lúc cuối xuân, bạn bè tụ hội cùng nhau nơi Lan Đình, vùng Sơn Âm huyện Cối Kê để dự lễ hội Tu Hễ. Các hiền hữu trẻ già đều đến. Nơi đây có non cao núi đẹp, cây rừng xanh tốt, trúc biếc vươn cao, lại thêm suối trong chảy xiết, lấp loáng in bóng đôi bờ. Theo dòng nước uốn lượn, có thể chơi trò thả rượu làm thơ, mọi người đều chia thứ bậc cùng ngồi.

Tuy không có tiếng đàn tiếng sáo, song một chén rượu, một lời ngâm, lòng cũng đủ vui mà giãi bày những tình cảm sâu xa chân thật. Ngày hôm đó, khí nhẹ trời trong, gió êm mát mẻ, ngẩng lên nhìn vũ trụ bao la, cúi xuống ngắm muôn loài tươi tốt, buông lòng cảm thụ, phóng thả tầm nhìn, cũng đủ tận hưởng sướng mắt sướng tai. Thật quả là vui.

Phàm người ta khi gặp gỡ nhau, thời gian thường là ngắn ngủi. Có người thu lượm điều chí thú, cất giữ trong lòng, rồi cùng bạn bè trong phòng đàm đạo. Có người lại ký thác ra ngoài rồi buông thả theo tháng ngày phóng lãng. Tuy nắm giữ hay xả bỏ mỗi người một khác, thư tĩnh hay nóng vội cũng chẳng giống nhau, song đều lấy làm vui. Nhận vào cho mình rồi tự mình thỏa nguyện, chẳng biết rằng tuổi già kia đang sắp tiến tới nơi.

Rồi đến lúc chán chường mệt mỏi, tâm tình theo sự vật đổi thay, dẫn đến chỗ lòng đầy cảm khái, những gì trước đây yêu thích, phút chốc bỗng thành thứ cũ xưa, rồi không thể không xúc động tâm tình. Huống chi tuổi thọ con người ngắn dài cũng đổi thay cùng với tự nhiên, rút cuộc rồi cũng đến hồi kết thúc. Người xưa từng nói: “Sống chết là chuyện lớn”, lẽ nào điều đó chẳng khiến đau lòng hay sao!

Mỗi khi xét đến nguyên do cảm hứng của người xưa, thấy dường như cùng mình tương hợp, thì thường hay vì văn chương mà bi thương cảm thán, trong lòng chẳng rõ vì sao. Vốn biết rằng xem chuyện tử sinh không khác gì nhau là điều hư ảo, đánh đồng Bành Tổ trường thọ với Thương sinh yểu mệnh là cách nghĩ xằng. Nhưng người đời sau nhìn về người đời nay cũng giống như người đời nay nhìn về người đời xưa, thật đáng buồn lắm thay!

Vậy nên, xin ghi rõ lại từng vị (cùng dự hội) và sao chép những lời thơ của họ, tuy khác thời, khác việc, song duyên cớ giãi lòng, thảy đều cùng giống như nhau. Người đời sau xem tới chắc cũng sẽ xúc cảm với những văn chương này chăng!"

Bài văn chữ Hán chỉ có 324 chữ, âm thanh hài hòa lưu loát du dương, người xưa nói rằng đọc lên thật “khoái trá nhân khẩu”. Nội dung miêu tả vẻ đẹp của sông núi xung quanh Lan Đình và tình cảm vui vẻ tụ hội, bộc lộ những xúc động trước thiên nhiên và những cảm khái về lẽ sinh tử vô thường của tác giả.

Bài văn vừa có vui vừa có buồn. Vui vì cảnh sắc đẹp tươi, vì bạn bè hội họp, song không phải vui về vật chất (không đàn sáo, không tiệc rượu… ) mà là vui tinh thần, vui triết lý. Còn buồn là tâm thái tự nhiên của con người trước sự biến đổi của tự nhiên, của muôn vật, của mệnh số con người. Buồn song vẫn là tích cực hướng thượng. Vẫn là thái độ điềm đạm, phong thái thung dung trước cuộc sống. Giọng văn ưu nhã, lời lẽ mượt mà thể hiện rõ thêm những điểm đó. Bài Lan Đình tập tự được lưu truyền lâu dài khi trở thành Thiếp Lan Đình.


Nguyên một phần tích bản Tang loạn thiếp của Vương Hy Chi.

Thiếp Lan Đình đặc biệt nổi danh về phương diện nghệ thuật thư pháp. Các nhà thư pháp có yêu cầu khi thưởng thức tác phẩm phải thư thái, phải tĩnh tâm và chú ý cảm thụ nét bút, thế bút, kết cấu toàn bài hình dạng từng chữ, thể thức biến hóa và tổng quan toàn bức.

Theo như thế thì Thiếp Lan Đình được viết thành 28 hàng chữ. Ngắm nhìn sẽ thấy nét bút mềm và mượt chỗ lớn, chỗ nhỏ cân đối. Thế bút chỗ cương chỗ nhu, hài hòa vui mắt, nhìn thẳng nhìn nghiêng đều đẹp. Kết cấu chỗ thưa chỗ mau, trông tề chỉnh mà lại bay bướm. Đặc biệt là sự biến hóa tự hình, toàn bài có 20 chữ 之 (chi) mỗi chữ viết một kiểu, 5 chữ 懷 (hoài), 7 chữ 不 (bất) đều không hề lặp lại dạng chữ. Các chữ 以 (dĩ) chữ 為 (vi) cũng vậy. Nhìn tổng quan, đây là một bức tranh có hồn, chữ viết như rồng bay phượng múa, toát ra một khí phách hào hùng, lại mềm mại uyển chuyển thể hiện một phong độ cao nhã phóng khoáng.

Những đánh giá trên đây là cảm nhận từ sự thưởng thức bản Thiếp Lan Đình hiện được lưu truyền. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây không phải là chân tích. Vì bản của Vương Hy Chi viết đã bị Đường Thái Tông do quá yêu thích, bắt cất giấu trong lăng mộ của mình. Bản hiện tồn là của Phùng Thừa Tố đời Đường mô phỏng chép lại được đương thời xem là giống nhất.

Đối với nguyên tích của Vương Hy Chi thì sự đánh giá của người xưa không thật cụ thể song còn cao hơn: Các thư gia nổi tiếng thời Nam Triều là Ngu Hòa, Đào Hoàng Cảnh cho rằng, thư pháp của Vương Hy Chi vượt hẳn các danh gia đời Hán Ngụy. Lương Vũ Đế thì khen: “Thế chữ hùng dật, như long khiêu thiên môn, hổ ngọa phượng khuyết…”. Đường Thái Tông thì bình: “Chữ chữ hàng hàng, bảng lảng như mây bay, kiêu dũng như rồng lượn (phiêu như vân phi, kiêu như long cổn)”, thật là một bức tranh “tận thiện, tận mỹ”, và khuyên các sĩ tử nên học tập.

Các thời đại sau cũng có nhiều ý kiến tán tụng Thiếp Lan Đình của Vương Hy Chi, xem đây là bức tranh thư pháp có giá trị nhất thời xưa.

Ở Trung Quốc hiện nay rất thích thú nghệ thuật thư pháp. Có nhiều nghiên cứu về Vương Hy Chi, về thân thế, chí hướng, tài năng, quá trình rèn luyện thư pháp của ông, ảnh hưởng của ông đối với các thời đại sau. Rồi vấn đề chân ngụy của bản Lan Đình tập tự, vấn đề thưởng thức đánh giá thư pháp. Có nhiều giai thoại lý thú về “Thư thánh” Vương Hy Chi và con trai ông - Vương Hiếu Chi, cũng là một nhà thư pháp nổi tiếng.

Ở ta, phong trào phát triển nghệ thuật thư pháp cũng đang rầm rộ. Thú chơi tao nhã này đang hấp dẫn giới trẻ. Thư pháp chữ Việt cũng đang phát triển phong phú, đa dạng. Đó là điều thật đáng vui.

[Quay lại]
Gửi tin này qua e-mailIn trangPhản hồiĐầu trang

27/04 ‘Em bé Nhật cao cả’ hay 'trò bịp' của kẻ sùng ngoại?

Vài lời giới thiệu của chủ blog:

Về các bài viết thương tâm về cậu bé 9 tuổi, rốt cuộc chỉ là hư cấu. Hôm nay xin giới thiệu bài báo của blogger NLG, cựu sinh viên du học NB, có rất nhiều nghề. NLG tên thật là Hồng Lê Thọ, ngày xưa thích đi theo lề trái (bạn nào tò mò tra Wickipedia sẻ biết nguồn gốc của lề phải trong nghị viện là nới đại diện của Giáo Hội, của Chúa, của nhà cầm quyền quân chủ, bên trái dành cho phe tiến bộ, phe đòi cải cách xã hội, phe của đảng xã hội). Ngày nay, tuy đảng và nhà nước xà hội chủ nghĩa, là phe trái. Không biết từ lúc nào NLG chụp mủ nhà nước, DCS VN, đã chạy qua bên phải rồi.

Bạn nào chú ý xem thì trong blog của NLG cũng có nhiều nhận xét, nhưng toàn là ý kiến và nhận xét của NLG. Xem ra NLG này cũng chuyên chế lắm. Không phải ai muốn góp ý là được. Anh Hồng Lệ Thọ cũng lắm nghề, ngày xưa nghề viết là nghề tay trái, rồi nghề buôn, hình như là học về Kinh Tế hay là Xã hội học. Theo tôi biết thì anh Thọ chưa có Thạc sỉ, thế nhưng cũng nghe nhièu người bảo là Tiến Sỉ Hông Lê Thọ. Nghe cũng bảnh phết.

Chủ blog là người vô thưởng vô phạt, nhưng tôn trọng sự thành thật (fair) và tinh thần thượng vỏ (sportmanship). Chúng ta có thể đặt và viết những hư cấu để dạy đời, nhưng phải minh bạch mới được.

Thân mến.


27/04/2011
Thời điểm nỗi đau thảm họa ở Nhật Bản tạm lắng xuống cũng là lúc người Việt xem xét lại một câu chuyện cảm động đã làm nhiều người rơi nước mắt, nhưng rất có thể chỉ là trò bịp.

>> Nhật ký từ tâm chấn của Du học sinh Việt ở Nhật

Cách đây khoảng một tháng, một câu chuyện cảm động về sự cao cả của một em bé 9 tuổi người Nhật đã được đăng tải trên nhiều báo mạng cũng như lan truyền mạnh mẽ trên rất nhiều diễn đàn và mạng xã hội Việt Nam. Không ít người đã rơi nước mắt khi đọc câu chuyện này.

Trong câu chuyện của mình, một người tên Hà Minh Thành tự nhận mình là một cảnh sát Nhật gốc Việt đang tham gia cứu người ở Fukushima. Ông gặp một cậu bé 9 tuổi, mất hết cha mẹ vì sóng thần, đang mặc áo thun quần đùi lạnh cóng chờ lãnh thức ăn. Ông thương quá nên cho cậu bé cái áo khoác và một gói lương khô. Nào ngờ cậu bé không ăn mà lại đem đặt lên bàn thức ăn để chia cho những người khác.

Câu chuyện trên bắt nguồn từ blog cá nhân của một nhà văn tên Đào, mà theo nhà văn này chính Hà Minh Thành đã gửi cho ông. Tuy vậy, cộng đồng mạng đã đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy câu chuyện của Hà Minh Thành hoàn toàn do người này “sáng tác” nên.

Vụ “Cô Lượm” mang tên Hà Minh Thành?

Trên mạng xã hội Facebook, blogger Khải Đơn (ngoài đời là nữ phóng viên của một tờ báo lớn ở Việt Nam, người đã có mặt tại hiện trường thảm họa ở Nhật bản trong nhiều ngày) đã đưa nhiều dẫn chứng cho thấy câu chuyện mà Hà Minh Thành kể có nhiều điểm bất hợp lý.

Blogger này kể, khi đang ở Fukushima, cô đã đi tìm cách để gặp Hà Minh Thành. Tuy vậy, khi cô gọi điện thoại và gửi mail cho ông Thành (theo số điện thoại và email ông cung cấp trên blog của nhà văn Đào) thì tổng đài báo số liên lạc không có thực, và email không ai trả lời.

Khải Đơn nhận xét: “Như tôi được biết qua thực tế sử dụng, sóng điện thoại luôn luôn song song với đường truyền internet. Nếu anh Thành không thể dùng điện thoại vì bị mất sóng, việc anh ấy liên lạc, reply thư liên tiếp cho các báo ở Việt Nam, thậm chí còn trả lời liên tiếp trên các blog và báo mạng... là điều phải xem xét lại”.

Bên cạnh đó, trong bài viết của Hà Minh Thành có đoạn: “Thành phố Sendai kể như tan nát, ngoại trừ ĐH Tohoku do nằm trên núi nên không hư hại gì”. Trực tiếp đến thành phố Sendai, Khải Đơn khẳng định thành phố này không hề “tan nát”, chỉ có những hư hại rất hay xảy ra khi động đất như vỡ kính, nứt một số khu nhà, tuyến đường nội ô.
Fukushima tan hoang sau thảm họa, nhưng Sendai thì không.

Trong một chi tiết khác, Hà Minh Thành viết: “Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong số những người rồng rắn xếp hàng có một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà cậu lại xếp hàng cuối cùng, sợ đến phiên của em thì chắc chẳng còn thức ăn, tôi lại hỏi thăm…”.

Theo Khải Đơn, tại tất cả các trại cứu trợ ở các nơi mà blogger này tiếp cận được, không có ai thiếu quần áo và chăn màn và thức ăn do các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế ở khu vực ít thiệt hại và lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã nhanh chóng cung ứng mọi nhu yêu phẩm cần thiết. Chỉ có tình trạng người tập trung quá đông nên mọi người phải xếp hàng.

Không thể có tình trạng một em nhỏ 9 tuổi, chỉ có áo thun và quần đùi đứng trong đám đông mà không ai quan tâm cả. Với thời tiết dưới âm độ và tuyết rơi liên tục, cậu bé có thể gục chết vì viêm phổi cấp hoặc quá lạnh trong một thời gian rất ngắn.

Ngoài ra, tại tất cả các thành phố bị phá hủy mà Khải Đơn đến, cảnh sát không tham gia cứu trợ hay cứu nạn mà Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hoàn toàn đảm trách việc này.

Người "vẽ" chuyện em bé Nhật là kẻ sùng ngoại?

Nghi vấn về câu chuyện của hà Minh Thành đã gây ra những tranh cãi gay gắt trên cộng đồng mạng, đồng thời sự trung thực của Hà Minh Thành cũng dần dần được bày tỏ.

Trên trang Blogspot, thành viên TRAN ANH HAI đặt nghi vấn “Hà Minh Thành bận cứu người, vậy thời gian đâu mà viết thư, viết blog suốt ngày đêm vậy?”.

Nguyen Luong Hai Khoi, thành viên mạng xã hội Facebook đưa ra một dẫn chứng khác cho thấy Hà Minh Thành đã lừa độc giả như thế nào. Theo đó, trước khi câu chuyện về em bé 9 tuổi được lan truyền trên mạng, nhà văn tên Đào từng đăng một bài viết của Hà Minh Thành với nội dung là một câu chuyện liên quan đến trận một trận đánh ở chiến trường biên giới nhiều thập niên trước.

Trong câu chuyện Hà Minh Thành kể, ông ta đã đi đến tận chiến trường xưa, gặp gỡ các nhân chứng vật chứng và ghi lại nhiều hình ảnh cùng những tình tiết đầy cảm động. Tuy vậy, những bức ảnh mà ông Thành nói là của mình chụp, thực ra là hình ảnh ông đã lấy lại trên blog của một khách du lịch người Nhật. Đặc biệt, nội dung của những bức ảnh đã bị Hà Minh Thành “đổi trắng thay đen”.

Cụ thể, trong một bức hình chụp người đàn ông ngồi bên đống đá ở bên kia biên giới, được người Nhật chú thích là Cuộc sống của mọi người ở đây khổ đến nỗi có thể được xếp vào mức "khu vực nghèo cấp quốc gia" thì Hà Minh Thành “vẽ” ra rằng, Nơi người đàn ông ngồi là... nấm mộ tập thể của các chiến sĩ Việt Nam trên xứ người.

Ở một bức hình có người phụ nữ gương mặt khắc khổ, nữ du khách Nhật chú thích rằng: Khu vực này mình rất nhiều, cuộc sống người dân rất khổ… thì Hà Minh Thành bịa chuyện rằng người phụ nữ kể chuyện cho ông ta rằng bà đã cứu sống 4 chiến sĩ Việt Nam.

Một bức hình khác có người đàn ông cầm một cái gói trên tay, nữ du khách Nhật kể rằng bà cho người đàn ông địa phương này một gói bánh có hiệu là Shiroi Koibito. Còn Hà Minh Thành phịa chuyện rằng người đàn ông này đang cầm cuốn nhật ký của một chiến sĩ Việt Nam.

Nguyen Luong Hai Khoi kết luận: “Không rõ Cô Lượm Hà Minh Thành này phịa chuyện để làm gì, nhưng người này đã vi phạm luật internet ở Nhật khi ăn cắp tư liệu của người khác, công bố rằng đó là của mình, sửa nội dung của tư liệu. Cho nên, khi đọc bài về em bé 9 tuổi của người này, vẫn với cái giọng văn ấy, tôi chả tin”.

Khi những chứng cứ về sự gian dối của Hà Minh Thành được người đọc gửi đến blog của nhà văn tên Đào, nhà văn này không đăng tải lại cũng như không đưa ra bất kỳ phản hồi nào.

Từ vụ Cô Lượm Hà Minh Thành, nhiều người phê phán mạnh mẽ thái độ sùng ngoại, nhược tiểu của một bộ phận người Việt. “Họ có thể căn cứ hoàn toàn vào một câu chuyện kiểu "chicken soup" và viết hàng tá bàn luận về sự vĩ đại của người Nhật, sự thiếu trật tự của ta...”, blogger Khải Đơn bày tỏ .



http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Em-be-Nhat-cao-ca-hay-tro-bip-cua-ke-sung-ngoai/20114/142801.datviet

8 nhận xét:

nguoilotgach nói...

xim mời đọc bài nầy, có nhiều chi tiết ở phần ý kiến bổ sung

THƯ CẢM TẠ CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN VIỆT NAM CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN KAN NAOTO" do Hà Minh Thành dịch ?
http://nguoilotgach.blogspot.com/2011/04/thu-cam-ta-chinh-phu-va-nhan-dan-viet.html

nguoilotgach nói...

Thanh Thanh(Hà Nội) nói:

Cờ đương dở cuộc không còn nước
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng...
(Nguyễn Khuyến)
1/5/2011

nguoilotgach nói...

Hà Trung (Tokyo)

Theo dõi, "HMT" là bút danh của một ông chủ tiệm bán nước mắm, băng dĩa nhạc hải ngoại ở Tokyo ? Cách hành văn và dùng "hán tự" ba rọi của ông nầy thì tôi đảm bảo ông nầy là người đóng vai thông tấn viên(tự do) cho một vài đài nước ngoài...đói tin ở Nhật. Xin chào thua!

nguoilotgach nói...

Phan Tuan(San Diego)
Tôi vừa đọc bài trả lời của NV PV Đào, tôi thấy bác say sưa ca ngợi thần tượng của bác kinh quá, hình như bác không còn thấy được sự giả dối của "HMT" trong vụ điểm cao Lão Sơn, bài dịch của thủ tướng Nhật, bằng cấp TS-CA giả hiệu...người Việt ta có cấu "có mắt mà như mù" hay "có tai mà như điếc", không đúng với trường hợp nầy chăng ?
Bài nầy đang ở đây:

BÁO ĐẤT VIỆT: VI PHẠM LUẬT BÁO CHÍ; VI PHẠM ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO ( Phần 1 )?
http://phamvietdaonv.blogspot.com/2011/05/bao-at-viet-vi-pham-luat-bao-chi-vi.html

Mong là Đất Việt có bài trả lời bác Đào để chúng tôi được hiểu thêm chân tướng của nhà văn dữ dằn nầy chứ còn nhân vật HMT thì không cần phải bận tâm nữa khi mọi sự việc của anh ta bày ra đều là giả dối và phét lác.

nguoilotgach nói...

Hoang VH(Tokyo)nhắn:

Tôi cũng vừa đọc xong, xin góp cảm nghĩ như sau:

Bác PV Đào ơi, bác nói HMT "trong sáng", "quang minh chính đại" mà lại sử dùng nick name, chôm bài dịch của đại sứ quán NB ở Hà Nội làm của mình, đóng vai CA giả hiệu, mạo nhận "TS công học"...tùm lum ? "Trò chơi chữ nghĩa" của bác đấy ư ? Tôi đang chờ bài(2) của bác đây.Tôi bắt đầu nghi bác và cái ông TS-CA HMT cùng sáng tác ra em bé Soma 9 tuổi nên bấy giờ bác chịu "cố đấm ăn xôi" ?

nguoilotgach nói...

Long Dung Thomas(Virginia) nói:

Mấy anh ở Nhật có ý kiến rất hay, xác đáng lắm. Xin cảm ơn.
Bác PVĐ lôi luật nầy luật nọ ra nổ ghê quá, nhưng bác quên luật đời là không ai ưa chuyện ba hoa,bốc phét và dối trá !

nguoilotgach nói...

Sáng sớm nay, NV PV Đào đã đăng phần (2), mời bà con vào đọc ở đây:

BÁO ĐẤT VIỆT: VI PHẠM LUẬT BÁO CHÍ; VI PHẠM ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO ( Phần 2 )?

http://phamvietdaonv.blogspot.com/2011/05/bao-at-viet-vi-pham-luat-bao-chi-vi_04.html

nguoilotgach nói...

Hoang VH(Tokyo)nhắn:

Đọc luôn phần (2) rồi, chán phèo vì tác giả nói nhăn nói cuội...tấn công cá nhân nhà báo nào đó để đánh lạc hướng. Ông Đào đã khg giải thích được hành động và ngôn từ xảo trá của "HMT" vậy mà còn hứa bài (3) nữa !"Tả xung hữu đột" cũng không dấu được chiếc kim toa rập nói dối trong bọc. Tỉnh lại đi bác Đào ơi.