21-04-2011 | ||||||||
| ||||||||
“Thưa Giáo sư Liên, Đính kèm theo đây là bản dịch tập thơ Hồ Xuân Hương của tôi có nhan đề là Hương mùa xuân: Thơ Hồ Xuân Hương (NXB Copper Canyon, 2000). Vào tháng chạp năm 2000, tôi cũng đã gửi đến GS một bản sao của tập thơ này, nhưng tôi không dám chắc rằng, GS đã nhận được. Dầu vậy, ông Trần Văn Dĩnh bảo tôi nên gửi cho GS một bản khác. Tôi cũng đang gửi một bản sao quyển trọn bộ tiểu sử Hồ Chí Minh của tác giả William Duiker bằng thư riêng cho GS. Trong thư gửi GS lần trước, tôi đã đề cập đến Quỹ Bảo tồn di sản chữ Nôm Việt Nam, do nhà ngôn ngữ học Ngô Thanh Nhàn, Kỹ sư máy tính Đỗ Bá Phước, và tôi khởi xướng sau khi vẫn tiếp tục hoàn chỉnh tập thơ Hương mùa xuân. Hiện chúng tôi cũng đang tiến hành in ấn một quyển từ điển đầu tiên về chữ Nôm - Quốc ngữ. Cả anh Nhàn và anh Phước sẽ có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng độ ngày 10 tháng 4, và tôi đã đề nghị họ nên đến gặp GS nếu thấy thuận tiện. Họ sẽ gặp TS Ngô Trung Việt, cộng sự tại Việt Nam của Quỹ chúng tôi, Tiến sĩ sẽ liên lạc với GS để sắp xếp cuộc hẹn. Còn một vấn đề khác nữa, Virginia Jing-yi Shih là một trong những người chúng tôi đã tài trợ để nghiên cứu chữ Nôm ở Việt Nam, thông thạo cả Việt ngữ lẫn tiếng Trung, và cũng là người biết khá rõ về chữ Nôm. Cô Virginia là quản thủ thư viện nghiên cứu về Đông Nam Á của Đại học California - Berkeley. Cô ấy cũng đang quan tâm đến việc nghiên cứu và chuyển ngữ bộ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. GS có nghĩ rằng, GS có thể giúp cô ấy về chữ Nôm trong công trình nghiên cứu đặc biệt này không? Trước đây, cô ấy cũng đã từng chuyển ngữ tập thơ của Nguyễn Trãi sang tiếng Trung Quốc. Nay, cô ấy muốn tiếp tục công trình nghiên cứu đó vào mùa hè này; và Quỹ của chúng tôi sẵn lòng bảo trợ các chi phí cho việc nghiên cứu của cô ấy. Nếu GS quan tâm đến việc này, xin vui lòng cho tôi biết qua địa chỉ điện thư: tbalaban@earthlink.net. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một website mới mà có thể GS sẽ quan tâm: www.nomfoundation.org. Qua thư này, xin kính chúc GS gặp nhiều tốt lành trong năm mới và hy vọng GS sẽ có một cuộc gặp thú vị với các giám đốc đồng nghiệp của tôi. Trân trọng.
Sau này, tôi đã gặp TS Ngô Trung Việt và TS Ngô Thành Nhàn, lúc đó là Phó chủ tịch Quỹ bảo tồn di sản chữ Nôm của GS J. Balaban. TS Nhàn đã hướng dẫn tôi đi thăm các Đại học Yale, Southern Connecticut, thăm New York nhân có cuộc Hội thảo châu Á ở Boston 2007, một chuyến viếng thăm để lại những ấn tượng tuyệt vời. TS Nhàn cũng vui lòng tham gia vào Hội Đồng Khoa Học của Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học và vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chúng tôi. Còn về Virginia Jing-yi Shih ở Đại học Berkeley (Mỹ) thì tôi cũng đã vui lòng giúp chị ấy qua những câu hỏi mà chị ấy đặt ra trong việc làm luận án về Nguyễn Trãi. Chị đã gửi tặng tôi bản luận án sau khi đã bảo vệ thành công, và chúng tôi cũng đã gặp nhau ở Hội thảo Boston. Rất tiếc là cho đến nay, tôi vẫn chưa được gặp GS J. Balaban. Nghe ông có qua Hà Nội nhưng không vào Thành phố Hồ Chí Minh, và vì bận rộn công việc, nên sau bức thư đó, tôi cũng có lỗi là đã không giữ liên lạc trực tiếp thường xuyên. Đọc bản dịch Hồ Xuân Hương của GS, tôi có trao đổi vài ý kiến khi gặp TS Ngô Thanh Nhàn. Tôi rất vui mừng là tập thơ dịch đã có tiếng vang lớn ở Hoa Kỳ: bán được 20.000 cuốn và khi Tổng thống Mỹ Clinton đến Việt Nam, trong diễn văn của ông, ông đã nhắc đến bản dịch này: “Các bài thơ 200 năm tuổi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được xuất bản ở Mỹ bằng tiếng Anh, tiếng Việt và cả nguyên bản chữ Nôm, đây là lần đầu tiên mà một bản thảo cổ của Việt Nam được đưa lên in ấn” (diễn văn của Tổng thống Clinton tại cuộc chiêu đãi của Chủ tịch nước Việt Nam tối 17/11/2000). Chúng tôi xin chân thành chúc mừng thành công đó của GS J. Balaban. Sau đây, để cho những lần in lại sau này ở Mỹ (và từ Mỹ nó sẽ đi đến khắp thế giới, trước hết là đến với những người bạn của Việt Nam và những nhà nghiên cứu Việt Nam), bản dịch sẽ được hoàn thiện hơn, tôi xin góp một số ý kiến. Trước hết, trong Dẫn nhập (Introduction). GS có nói rõ: “Tháng Hai năm 1999, tôi có đến Hà Nội để tham khảo với các học giả nhằm tìm và xác minh bản gốc bằng tiếng Nôm của những bài thơ trong tập sách này… …Quyển sách này, tuyển tập khá tầm cỡ đầu tiên của thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh, hầu như chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót về xuất xứ cũng như sai lạc thuần túy do việc làm của tôi, một người ngoại quốc, dù là thi sĩ, đang bơi trong dòng nước ngập lút đầu mặc dù được khích lệ bởi sự cổ vũ của người Việt Nam đứng ở trên bờ xa tít” (Spring essence, tr.14)
Như vậy là GS - Nhà thơ J. Balaban đã làm việc rất cẩn trọng, như một nhà văn bản học chuyên nghiệp khi tiếp cận văn bản thơ Hồ Xuân Hương, đã thế ông còn sang cả Việt Nam để tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu. Nhưng mặc dù như vậy, không thể hiểu được vì sao trong văn bản Nôm in kèm theo và trong bản dịch, lại có những sai lầm sơ đẳng về phiên âm, và do đó đã làm lệch nghĩa câu thơ một cách hết sức đáng tiếc. Trong bài Vịnh nữ vô âm (tr.38) có câu: Điển nương dâu 娘妯 mà trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết là “trên Bộc trong dâu”: “Ra tuồng trên Bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu mà chi”, xuất tự thành ngữ “tang gian Bộc thượng”. Sách Hậu Hán thư Địa lý chí nói rằng, đất nước Vệ có chỗ kín trong tang gian (bãi trồng dâu) ở Bộc thượng (trên sông Bộc) là nơi trai gái tụ hội, do đó sau người ta dùng mấy chữ “Tang gian Bộc thượng” để chỉ thói dâm ô. Nguyễn Du dịch là trên Bộc trong dâu, bốn từ ấy đã thành thành ngữ” (Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, H., Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2000, tr.577). Thế nhưng trong bản phiên âm này thì lại ghi là nàng dâu: “Trăm năm còn khỏi tiếng nàng dâu”; và dịch là: “Since her whole life she’ll never have to hear “daughter – in – law” (Bởi suốt đời này sẽ không bao giờ phải nghe tiếng “nàng dâu” – “daughter – in – law” trong tiếng Anh nghĩa là nàng dâu”. Như vậy, vì phiên âm nhầm nương dâu thành nàng dâu mà câu thơ mất nghĩa. - Bài Phận đàn bà (tr.72), có câu:
Tất tả 必左 chứ không phải là tất cả 必奇 như trong bản Nôm và bản phiên âm. Tất tả ở câu trên đối xứng với vội vàng ở câu dưới. Nhưng hai câu dịch ra tiếng Anh thì không theo cái sai của phiên âm:
- Bài Khóc ông Tổng Cóc: Nòng nọc nên phiên là đứt đuôi, 坦 đứt (loại chữ giả tá) x. Từ điển chữ Nôm, Nguyễn Quang Hồng chủ biên, tr.383, H., 2006), chứ phiên đất đuôi thì không có nghĩa gì. (bản tiếng Anh dịch đúng làthe tadpole’s los his tail. Con nòng nọc đã mất đuôi). - Bài Bánh trôi nên phiên: Bảy nổi ba chìm với nước non chứ không phiênmấy - 買 - có thể phiên là mấy (nghĩa là vài, bao nhiêu; còn phiên là với (mới):“Một ao niễng niễng với đòng đong” (Nguyễn Trãi) x. Từ điển chữ Nôm, Sđd, tr.679). - Bài Chơi hoa (tr.62) phiên: Đã trót chơi hoa phải 固 có trèo. Nên phiên đúng là cố. Bài Vịnh chùa Quán Sứ, phiên:
nên đổi:
Theo phép đối, không không thể đối lại là không. - Bài Người bồ nhìn (tr.98): Xét xoi trước mặt đôi vầng ngọc Phải phiên là xét soi . Trong một bản dịch, một vài sai sót về nghĩa đen như những vết sướt da rất dễ chữa, không làm hại bản dịch rất tài hoa. Tuy vậy, cần phải nhắc để khi tái bản có thể chỉnh lại cho toàn bích. Tôi nhắc lại là GS J. Balaban đã làm việc hết sức cẩn trọng, cẩn trọng đến mức tối đa, nhưng những người giúp đỡ ông có lẽ đã không có dịp soát lại bản phiên âm chăng? * Tuy đã rà soát các văn bản cổ nhất chép thơ Hồ Xuân Hương rất kỹ càng (trong đó có bản L'œuvre de la poétesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương của Maurice Durand), việc chọn tuyển dịch thơ ở đây cũng không thể nói là đã mười phần tốt đẹp. Có những bài thơ mà xét về mặt phong cách, mặt từ ngữ (dùng nhiều từ Hán Việt đài các, trang trọng, mờ nhòe khác với cách dùng từ Nôm thuần Việt, dân dã, cụ thể thường thấy của thơ Hồ Xuân Hương). Đó là hai “mỹ học” khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
Những bài như Cảnh thu: “Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa/ Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ/ Xanh om cổ thụ tròn xoe tán/ Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ…”; bài Đài khán xuân: “Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng/ Một vũng tang thương nước lộn trời”; bài Tức cảnh: “Còi mục thét lừng miền khoáng dã/ Lưới ngư giang gió bãi bình sa”, lâu nay nhiều học giả xếp vào thơ Bà Huyện Thanh Quan. Bài Vịnh khách đáo gia, 4 câu đầu rất tầm thường, non nớt: “Nhện sa cá nhảy mấy hôm qua/ Uẩy uẩy hôm nay bác đến nhà/ Điếu thuốc quyến đàm mừng bác vậy/ Miếng trầu đỏ tuổi gọi chi là”, lại lọt vào các câu thơ lấy của Nguyễn Khuyến: “Ao sâu nước cả khôn tìm (chài) cá/ Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà”. Ngoài ra, còn khá nhiều bài non kém khác hoặc bị gán lầm cho Hồ Xuân Hương như: Vịnh dạy con trẻ, Vịnh lão nhàn cư, Vịnh đấu kỳ, Vịnh miêu (được gán cho Hồ Xuân Hương), Vịnh bồ nhìn (chính ra là của Lê Thánh Tông). Còn những bài ai cũng cho là của Hồ Xuân Hương như Thiếu nữ ngủ ngày, Cái quạt (II) (Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa), Trống thủng, Đá ông chồng… lại không được chọn dịch. *** “Tôi đã gõ mãi vào những bản dịch này đến hơn 10 năm, thường bỏ dở nửa chừng, nhưng luôn quay trở lại. Sự kiên trì của tôi được giữ vững bởi sự ngưỡng mộ và kính sợ (tài năng Hồ Xuân Hương) mà tôi hy vọng độc giả cũng thể nghiệm như tôi: đối với cuộc đời thông minh mà cô đơn của Hồ Xuân Hương, đối với tài thơ tuyệt diệu, tính ngoan cường, tài châm biếm, lòng can đảm, sự hóm hỉnh khinh mạn và lòng trắc ẩn, lòng từ bi như một bồ tát của bà. Bà là một nhà thơ của thế giới, người có khả năng làm cho ta phải xúc động như đã từng làm xúc động người Việt Nam hai trăm năm nay” (Dẫn nhập, tr.14). Nhiệt tình đó, tâm huyết đó, sự uyên bác đó cộng với sự thăng hoa của một tâm hồn thơ, đã làm cho GS J. Balaban có một bản dịch sáng tạo, chuyển tải tinh tế tứ thơ, từ ngữ… của nguyên tác (dĩ nhiên không bao giờ có ai, có bản dịch nào, dù là Nga, Pháp... lại có thể chuyển được cái nghĩa ngầm, nghĩa “một mà hai”, tục mà thanh, những cách nói lái (đá đeo, lộn lèo…, những tử vận…, và ta cũng không thể đòi hỏi điều đó. Trớ trêu thay, đó lại là cái độc đáo vô song, cái bản sắc tuyệt diệu của thơ Hồ Xuân Hương, cái tài “thi quỷ” của thiên tài Hồ Xuân Hương..). Chỉ ra một vài sơ sót nhỏ, chúng tôi mong rằng lần tái bản GS J. Balaban sẽ không khó khăn gì mấy để chỉnh lý bản dịch. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng phồn tạp, đa nghĩa, cả về mặt văn bản và mặt ý nghĩa của văn bản, mặt thế giới quan và thi pháp… Suy cho cùng, đúng như GS-TS N.I.Nikulin (Nga) đã viết: “Rõ ràng là cùng với thơ ca của bà, một hệ thống thẩm mỹ mới mẻ đã đi vào văn học Việt Nam” (Lịch sử văn học Việt Nam, tr. 628, bản dịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn Học, 2007) và “thơ Hồ Xuân Hương như một cú đột phá của nền văn hóa dân gian Việt Nam còn chưa được thừa nhận vào lĩnh vực văn học nghệ thuật đỉnh cao” (Văn học Việt Nam từ thời Trung cổ đến hiện đại – thế kỷ X-XIX, Nxb Khoa Học Moskva, 1977, tr.242). Cái gốc, cái bản chất của Hồ Xuân Hương là văn hóa dân gian, và nó chịu sự chế ước của các tầng quan niệm, thi pháp, hình thức của mỹ học dân gian. J. Balaban đã nghiên cứu rất kỹ Hồ Xuân Hương, nhưng có rất nhiều, rất nhiều vấn đề về Hồ Xuân Hương mà giới nghiên cứu Việt Nam cũng còn đang tranh luận. Vì vậy, bản dịch Hồ Xuân Hương ra tiếng Anh được hoan nghênh ở Mỹ là một sự kiện văn hóa đáng khích lệ.
| ||||||||
[Quay lại] | ||||||||
|
Thursday, May 5, 2011
21/04 Về bản dịch thơ Hồ Xuân Hương của Giáo sư - nhà thơ J. Balaban
Labels:
Balaban,
Ho Xuan Huong,
Hon Viet,
Mai Quoc Lien,
phebinh vanhoc
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment