Friday, February 25, 2011

09/12/2010 Sex trước 18 tuổi dễ mắc ung thư cổ tử cung

Thứ năm, 9/12/2010, 08:16 GMT+7

Quan hệ tình dục sớm làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Ảnh minh họa: Static.

Những chị em quan hệ tình dục trước 18 tuổi có tỷ lệ nhiễm HPV cao gấp gần 3 lần những người quan hệ sau độ tuổi này. Trong khi gần như 100% các ca ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV tuýp nguy cơ cao.
> UTCTC gây tử vong vì ít có triệu chứng

Theo các chuyên gia, lý do là vì ở lứa tuổi vị thành niên, cấu trúc cổ tử cung chưa phát triển hoàn thiện, nếu quan hệ tình dục thì virus sẽ dễ dàng tấn công gây bệnh.

Ngoài ra, những người từng có quan hệ tình dục với hơn một người trong đời có tỷ lệ nhiễm HPV cao hơn gấp 3 lần so với người chỉ có một bạn đời.

Đây là kết quả nghiên cứu trong năm 2010 của nhóm tác giả Lê Thị Thanh Hà, Vũ Thị Hoàng Lan (Đại học y tế công cộng) và Lương Thu Oanh (Vụ bà mẹ sức khỏe trẻ em, Bộ Y tế). Hơn 1.500 phụ nữ đã có chồng tuổi từ 18 đến 69 tại Hà Nội và TP HCM đã tham gia khảo sát.

Kết quả tỷ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ Hà Nội là hơn 6% còn TP HCM là hơn 8%. Điều đáng lưu ý là trong số đó, phổ biến nhất là virus HPV-16 và HPV-18, hai chủng này chịu trách nhiệm đến 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Thực tế là không phải mọi người nhiễm HPV đều bị ung thư cổ tử cung mà chỉ có một tỷ lệ nhỏ phát triển thành tiền ung thư hoặc ung thư không xâm lấn. Những trường hợp này nếu không được điều trị sẽ phát triển thành ung thư cổ tử cung. Thế nhưng, theo thống kê ở các bệnh viện chuyên khoa, bệnh nhân ung thư cổ tử cung thường đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn chiếm tỷ lệ khá cao khoảng 60%.

Bệnh nguy hiểm bởi quá trình ủ bệnh kéo dài trong suốt 15 năm, có thể phát hiện dễ dàng nếu đi khám định kỳ, chỉ bằng một test pap đơn giản, giá chỉ 100.000 đồng. Phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì 80-90% trường hợp sẽ khỏi bệnh sau 5 năm điều trị. Thế nhưng phần lớn người dân Việt Nam không có thói quen đi khám định kỳ.

Một nghiên cứu của Tổ chức Health Bridge được đưa ra tại hội thảo ung thư cổ tử cung tại Việt Nam tổ chức sáng 7/12 tại Hà Nội cho thấy chỉ có hơn 37% người đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Lý do là thấy không cần thiết, tốn kém và không có thời gian.

Bên cạnh đó, nhân thức của người dân về yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa còn hạn chế. Hơn 80% người được hỏi biết đến ung thư cổ tử cung nhưng có đến hơn một nửa không biết yếu tố nguy cơ nào. Hơn 42% không biết dấu hiệu nào cảnh báo bệnh.

Nghiên cứu này vừa được thực hiện tại Hà Nội, Huế, TP HCM (từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2010) với sự tham gia của gần 1.000 người dân, lãnh đạo ngành y tế, cán bộ y tế cơ sở, bệnh nhân ung thư.

Theo các chuyên gia, văcxin là biện pháp can thiệp hàng đầu. Trong 2 năm vừa qua, Việt Nam triển khai thí điểm tiêm miễn phí tại Cần Thơ và Thanh Hóa, cho hơn 10 nghìn trẻ em gái 11 tuổi hoặc nữ sinh lớp 6.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), có 64 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chiếm khoảng 0,3% số mũi tiêm. Chủ yếu là các biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, một trường hợp ngất. Ngoài ra không ghi nhận ca phản ứng nghiêm trọng nào.

"Chúng tôi hy vọng sớm đưa tiêm văcxin HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em gái", ông Hiển nói.

Tại Việt Nam tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung là 20 trên 100.000 phụ nữ với tỷ lệ tử vong là 11 trên 100.000. Ung thư này phổ biến ở các nước đang phát triển, cao gấp 6-10 lần so với các nước phát triển.

Nam Phương

10/12/2010 'Chết chìm' trong vòng tay âu yếm của bố mẹ

Thứ sáu, 10/12/2010, 10:06 GMT+7

Ảnh chỉ có tính minh họa: okanagan.bc.ca.

“Từ bé đến giờ sợ nhất là mỗi lần xin phép đi chơi với bạn. Hầu như em phải chuẩn bị đến một tuần để nghĩ xem nói thế nào, đi chơi với ai, đi đâu, làm gì, để mẹ thấy an toàn nhất”, Vi, 18 tuổi, sinh viên Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Hà Nội, tâm sự.
> Trẻ nhát do người thân bao bọc quá kỹ

Đã là sinh viên rồi nhưng Vi vẫn được mẹ chăm sóc "đến tận răng", đến mức đôi khi em cảm thấy mệt mỏi và ngạt thở. Xin được đi chơi đã khó, nhưng nếu nhận được sự đồng ý thì còn bị tra tấn hơn, bởi liên tục bị mẹ hỏi thăm, điều tra suốt chuyến đi đó.

“Mẹ luôn gọi điện thăm hỏi xem đã đến nơi chơi, đang làm gì thế, hay nhắc nhở đến giờ về rồi, về nhanh đi..., khiến nhiều khi xin phép được rồi em lại thấy ngán ngẩm không muốn đi nữa”, cô gái trẻ tâm sự.

Chính vì thế, hầu hết những buổi liên hoan với lớp, hay tụ tập bạn bè đều vắng mặt Vi, và hậu quả là dần dần cô cảm thấy bản thân như bị tách khỏi bạn bè. “Nhiều khi ngồi nghe các bạn nói chuyện mà không biết thông tin gì để tham gia, thấy mình như người lạc loài”, Vi bảo.

Nếu Vi bị mẹ coi là em bé mẫu giáo thì Phương (20 tuổi, sinh viên Đại học Mở Hà Nội) lại là “búp bê’ của gia đình. Từ nhỏ đến lớn cô không phải đụng tay vào bất cứ việc gì, dù muốn hay không. Những kỹ năng cơ bản như giặt giũ, lau nhà, nấu cơm… hầu như rất xa lạ với Phương. Nhiều lần cô cương quyết xách xô nước lên lau dọn tầng hai thì chưa được 10 phút mẹ đã chạy lên giằng lấy làm. Và tất nhiên Phương cũng không có cơ hội va chạm trong cuộc sống.

Phương kể: “Em cũng rất muốn tham gia sinh hoạt trong những câu lạc bộ, nhưng nhiều lần xin phép bố mẹ đều nhận được những cái lắc đầu với lý do như: Có thời gian rảnh thì nằm ở nhà nghỉ ngơi cho thư thả đầu óc, chạy ra đường tối ngày làm gì, bị ốm thì khổ ra…. Thế rồi em không muốn xin đi đâu nữa, đành ngồi ở nhà cho yên ổn".

Không chỉ con gái được cưng chiều thái quá mà nhiều cậu trai cũng đồng cảnh ngộ. Trường hợp của Dũng (sinh viên năm 2 Đại học Bách Khoa) là một ví dụ. Tuy là con trai nhưng cậu chưa bao giờ được làm theo ý mình. Đi đá banh thì mẹ bảo “dơ bẩn, dễ ngã”, đi bơi thì ba cản "nước hồ hàng bao nhiêu con người tắm chung, dễ lây bệnh, có những tên biến thái…”.

Tệ nhất là một lần cậu làm quen với cô gái mình thích, nhưng chỉ hai tuần sau bị mẹ lôi ra giáo huấn cho một trận: "Đang đi học, không lo học đi, cấm không được yêu đương gì hết, tốn tiền, tốn thời gian!”. Sau chuyện đó Dũng đâm ra chán nản, và cuộc sống chỉ bó gọn trong căn phòng với máy tính, chơi game, xem phim chưởng, đọc truyện tranh.

Một trường hợp khác, lấy lý do giữ tiền là tốt cho con, bà Hân (49 tuổi, Phan Huy Ích, Hà Nội) đã đưa ra tiêu chí kiểm soát tiền bạc của con cái chặt chẽ: khi con gái đi đâu xin tiền đều phải thống kê mua thứ gì, mua ở đâu, đi mua cùng với ai…? Còn với cậu con trai năm nay học năm thứ 2 Đại học Giao Thông Vận Tải thì bà áp dụng chiến lược chặt chẽ hơn vì sợ con trai xin tiền đi... "bao gái".

“Bây giờ có nhiều tiền ra ngoài không tốt, con gái nhìn vào chúng nó lại chỉ yêu vì tiền chứ thật lòng gì!”, bà Hân tâm sự, giọng bất an.

Chuyên gia Nguyễn Thị Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Hà Nội nhận định: “Tình trạng bao bọc con kiểu này không hiếm, xuất phát từ tâm lý của những bậc cha mẹ đều là yêu thương con cái. Nhưng một số người lại không nhận ra rằng con mình cần phải lớn, vì vậy họ giữ con quá chặt, đến mức trẻ muốn chạy ra cũng không được, mệt mỏi quá và chúng không còn muốn chạy nữa. Trẻ cần có tiếng nói, cần học cách làm việc và tự biết chăm sóc bản thân, cần giao tiếp và va chạm. Nếu chúng không có kinh nghiệm thực tế thì chính sự yêu thương của cha mẹ là một sợi xích".

Trung tâm của bà Hằng từng nhận nhiều cuộc điện thoại "tố khổ" của các bạn trẻ trong vòng vây giam hãm của gia đình, không ít cuộc trong đó từ những bạn trẻ sống trong nhung lụa. Nhiều em cho biết cảm thấy chán đời, thấy ức chế hoặc thấy mình thừa thãi.

"Chính việc cha mẹ tước đi quyền tự do, tự quyết của trẻ một cách tuyệt đối đã tạo ra những những đứa trẻ lầm lì, thậm chí tự kỷ, khi các em ngồi giữa mọi người mà không hiểu mọi người nói gì. Ngược lại có trường hợp khi các em muốn quyết định mà không được tự quyết … khiến các em ấm ức và muốn phá phách", chuyên gia phân tích.

Song, nói đến bậc cha mẹ cũng cần nói đến sự tự vận động của trẻ. "Nếu chẳng may rơi vào tình trạng ấy, các bạn trẻ hãy bằng những hành động cụ thể để xây dựng lòng tin với bố mẹ, để chứng minh rằng mình có thể có những quyết định đúng đắn, có thể tự làm nhiều việc", chuyên gia đưa ra ý kiến.

Đồng Phương Thảo


Giống như tôi ^^!
Bạn Vi là con gái, mới 18 tuổi, tôi thì 30 rồi, công chức nhà nước, thành công trong sự nghiệp thì chưa dám nói nhưng cũng coi là có chút danh vọng, lại là con trai nữa nhưng cũng không khác với hoàn cảnh này lắm, đi chơi thì cũng 9h thôi nhé, đi đâu đột xuất thì phải có ý kiến của phụ huynh!!! Thế mới thấy được thương cũng không sướng lắm nhỉ ^^ Kiểu này ế vợ là chắc rồi quá

( PN )


--------------------------------------------------------------------------------

haizzz

Cũng cùng cảnh ngộ. Đôi khi phụ huynh vì quá lo cho con cái mà gây ra tâm trạng ức chế rồi dần dần tạo ra những tính cách tiêu cực mà họ không hề hay biết.

( ToRi )


--------------------------------------------------------------------------------

Cha mẹ phải quản lý con cái.

Bố mẹ quản lý, giáo dục con cái và có tránh nhiệm quản lý, giáo dục con cái, kể cả khi chúng đã lấy vợ, lấy chồng là chuyện bình thường. Trong xã hội đầy dãy những khiếm khuyết như hiện nay, nếu không muốn mất con thì không được buông rời quản lý. Phạm vi quản lý phải toàn diện từ học tập, vui chơi, bè bạn, yêu đương v.v.. Một điều cần trao đổi ở đây là phương thức, cách thức quản lý như thế nào cho phù hợp với tình hình, mức độ và tính cách của từng cháu. Đấy là nghệ thuật của từng ông bố, bà mẹ trong gia đình.

( Thaoviet )

25/02 Những thiếu nữ bị cha mẹ nuôi trong 'lồng kính'

Thứ sáu, 25/2/2011, 10:39 GMT+7

Ảnh có tính minh họa: doanhnhan360.com.

“Đi có xa không? Làm sao mà con đi một mình được, tay chân yếu rồi lại ngã ra đường thì ai lo. Để mẹ đèo đi”, cứ mỗi lần Vân Anh (22 tuổi, ở phố Trần Quý Cáp, Hà Nội) có việc đi đâu là y như rằng bà mẹ lại lặp lại điệp khúc ấy.
> 'Chết chìm' trong vòng tay âu yếm của bố mẹ

Tốt nghiệp đại học từ tháng 6 năm ngoái, nhưng đến giờ Vân Anh vẫn không thuyết phục được bố mẹ mua xe máy cho để đi làm, chỉ vì ông bà sợ con tay yếu không lái xe được.

"Chỗ làm của anh trai đi qua công ty mình nên ngày nào cũng phải đi nhờ xe anh. Từ hồi học cấp 3 đến hết 4 năm đại học, không bố mẹ thì anh đèo mình đến trường, đến khi đi phỏng vấn xin việc cũng đòi đưa đi. Lúc nào cũng sợ con đi lạc", Vân Anh kể. Thậm chí khi cô đề xuất sẽ tự đi làm bằng xe bus thì cũng bị cha mẹ gạt phắt, với lý do đi xe bus dễ bị móc túi, không có ghế ngồi phải đứng mỏi chân.

"Hồi trước, có công ty mình được nhận làm rồi nhưng bố mẹ còn không cho đi làm vì xa nhà quá. Suốt ngày mẹ ở nhà coi. Mình thấy mệt mỏi lắm, đôi khi ấm ức muốn khóc. Nhưng nói mà bố mẹ không hiểu…”, cô gái trẻ tâm sự.

Cũng trong tình cảnh bị cha mẹ giữ gìn như "ấn tín", Dương (21 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đến tận giờ cô vẫn hầu như chưa có cơ hội đi chơi xa với bạn bè, vì cha mẹ chăm sóc quá kỹ.

"Mẹ vẫn bảo con gái thì phải nhẹ nhàng, phải nữ tính, phải có nề nếp nên không được làm gì thái quá, tự do. Bảo mình muốn gặp bạn bè có thể mời về nhà ăn uống, chứ không cần phải đi chơi", cô kể.

Có lần, vì muốn được đi uống cà phê sáng cùng nhóm bạn thân, Dương đã dắt xe máy ra khỏi nhà từ sáng sớm, tối về, cô nhận được lời đay nghiến của mẹ: "Con cứ thử xem, rời cái nhà này ra có sống được không?".

Với Hà (23 tuổi, biên tập viên một nhà xuất bản, quê ở Hải Dương) sự bao bọc của bố mẹ đã trở thành nỗi ám ảnh. “Bố lo cho bữa ăn của mình cũng là chuyện chính đáng, nhưng cứ luôn gọi điện cho mấy em họ trên này để nhắc mình ăn cơm".

Thậm chí, cô em họ của Hà đã có gia đình, lại bận rộn với một đứa con nhỏ cũng bị giao trách nhiệm giúp chị. "Chị về nhà chưa, đợi em cho thằng cu ăn bột rồi sang nấu cơm cho chị nha!”.

“Mình ngại lắm chứ, lớn rồi mà chả nhẽ một bữa cơm không nấu được, nói mãi bố không sửa, mình có phải tật nguyền gì đâu”, cô tâm sự.

Tháng trước chỉ vì chuyển nhà trọ mà bố mẹ nhất định bắt xe lên Hà Nội để chuyển đồ cho Hà. Nghe bảo mới có một anh chuyển đến, ở dưới phòng con gái, ông bà lại nằng nặc đòi chuyển nhà, còn nói sẽ cho con thêm tiền chi tiêu, chỗ mới đắt hơn cũng được. "Bố mẹ luôn làm thế, tự quyết định mọi việc trong cuộc sống của mình, mình không phải là trẻ con mẫu giáo hay búp bê trong tủ kính …”, Hà thở dài mệt mỏi nói.

"Tâm lý của bố mẹ muốn bao bọc con cái là chuyện thông thường, nhưng việc thái quá như những trường hợp trên là không cần thiết", chuyên gia tư vấn tâm lý Huỳnh Văn Tâm từ tổng đài 19001080 nhận định. "Việc đó sẽ gây ra hai hệ quả, một tốt và một xấu. Tốt là yên tâm rằng con sẽ không gặp nguy hiểm, không bị va cham hay chịu thiệt thòi. Nhưng mặt khác lại tạo ra những cô cậu thiếu kinh nghiệm sống. Và quả thực, nhiều người 'rời nhà ra thì sẽ không sống nổi'".

Cũng theo ông Tâm, cha mẹ nên biết lắng nghe con cái hơn, khi họ trưởng thành thì nhu cầu giao tiếp, tự do và những xáo trộn tâm lý sẽ nhiều hơn khi ngồi trên ghế nhà trường. Nếu không sẽ xảy ra xung đột khi những đứa con muốn tự mình phá vỡ cái vỏ bao bọc.

Đồng Phương Thảo