Thứ Năm, 26/05/2011 07:10
(TT&VH Cuối tuần) - Nói chuyện về hiện tình thơ trong một nước là việc khó. Vì thơ không phải là chuyện thời sự, không làm nên thời sự. Cái ta nhìn thấy, dẫn chứng được, chỉ là phần nổi của một băng đảo; phần chính, phần chìm ta khó đo lường. Một bài báo bao giờ cũng ưu tiên cho thông tin thời sự, do đó không phản ánh được chiều sâu của thực tại.
Phần nổi của thi ca, trong xã hội nào cũng vậy, là thuộc phạm trù kinh tế và thị trường. Về mặt này thơ là một bộ môn văn nghệ đang thoái bộ, mất độc giả, mất đất đứng.
Tại Pháp, không một “nhà thơ” nào sống bằng nhuận bút hay tác quyền về thi phẩm, họ thường là nhà văn (xuôi), nhà báo, nhà giáo, làm các nghề tự do… ; có nghề “tay mặt”. Cũng có một số rất ít người sống không làm gì khác ngoài việc tận tụy với Nàng Thơ, sống khó khăn nhờ vào tác quyền còm cõi, tiền bán sách và thỉnh thoảng đi nói chuyện tại các cơ quan, bệnh viện, nhà dưỡng lão, các cuộc tọa đàm, giao lưu có thù lao, dù ít ỏi. Nhiều nơi tổ chức những buổi văn nghệ giao lưu, mời một thi sĩ đến nói chuyện, thì rẻ hơn là mời… ca sĩ.
Ngày nay kỹ thuật in ấn dễ dàng nên nhiều lai cảo thơ được xuất bản. Ngoài việc tác giả tự bỏ tiền ra để in sách, trực tiếp hay qua trung gian, thì cũng có nhiều cơ sở xuất bản nhận in. Những cơ sở lớn như Gallimard, Flammarion, Seuil… đều có “bộ” (collection) thơ, nhưng chủ yếu là tái bản các sách kinh điển, những tác giả trong chương trình giáo khoa, một số ít tác gia còn sống nhưng đã nổi tiếng… Các tác giả mới thường tìm đến với các nhà xuất bản nhỏ, địa phương, có nơi chuyên in thơ; một mặt khi in thơ thì được trợ cấp, và mặt khác, họ có một khối độc giả yêu thơ làm khách hàng riêng, không đông đảo, nhưng đủ nuôi sống.
Bên cạnh thi tập thì còn có nhiều tạp chí thơ, những chuyên san đi tiên phong giới thiệu các tác giả, trào lưu hiện đại. Tạp chí Hành động thica (Action poétique) năm nay đã mừng thọ lục tuần mà vẫn trẻ trung. Tạp chí Thơ(PoEsie) đã xuất bản hơn trăm số… Chưa kể những tạp chí nghiêng về lý thuyết, như Thi pháp (Poétique) có ảnh hưởng rộng lớn.
Trên thị trường, thơ mất khách, nhưng quần chúng vẫn còn trọng vọng. Mỗi năm cả nước Pháp đều có tổ chức, tham gia hội Mùa Xuân thi nhân (Printemps des poètes) vào tháng 3, quy tụ hơn 5.000 địa điểm lễ hội, từ thành thị đến thôn quê. Cũng hàng năm, có Hội chợ thơ (Marché de la poésie) tại Paris trong 4 ngày, thu hút hơn 50.000 khách viếng, 50% mua thơ qua 250 nhà xuất bản.
Về phẩn nổi của thi ca tại Pháp, cũng nên biết thêm: một cuốn thơ thường bán được từ 300 đến 700 bản; với tác gia đã nổi tiếng, có thể lên đến 2.000 bản, các tuyển tập bán từ 5.000 đến 20.000 bản. Nhà Gallimard mỗi năm bán đến 400.000 bản của 350 đầu sách thơ, dẫn đầu là Rượu (Alcools) của Apollinaire, sau đó là thơ Baudelaire, Eluard. Gallimard còn giới thiệu nền thi ca thế giới qua những tuyển tập thơ Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam (1981)…; đã in bản dịch Truyện Kiều của Xuân Phúc và Xuân Việt (1961), Chinh Phụ Ngâm (1968), và một tuyển tập thơ Việt, Cánh cò trên ruộng lúa (Aigrettes Sur la Rizière, 1995) của Lê Thành Khôi. Ngoài ra, Gallimard là nhà xuất bản duy nhất không nhận trợ cấp trong việc in thơ.
Lời thơ "Không có em anh sẽ ra sao" (Que serai-je sans toi) của Aragon nổi tiếng qua giọng hát Jean Ferrat. |
Điều làm cho quảng đại quần chúng lơ là với thơ mới, thơ đương đại là ngôn từ trúc trắc, bí hiểm, xa cách với lời ăn tiếng nói ngày ngày của họ; và khi vượt qua ngôn ngữ ấy thì họ gặp phải một nội dung riêng tư, lạ lẫm, không can hệ gì đến vận mệnh của họ. Thơ đương đại nói chung xa rời những ưu tư thực tế, kinh tế, xã hội, chính trị của con người, do đó, họ tìm đến những ca khúc - là nghệ thuật của quần chúng - không những vì ngôn từ bình dị mà còn vì nội dung gần gũi. Chưa kể là âm nhạc, giọng hát nâng cao văn bản, và kỹ thuật ghi âm càng tiên tiến thì ca khúc càng hấp dẫn qua phương tiện truyền thông ngày càng hiệu lực. Đó là lý do đưa ca khúc từ Brassens, đến L hôm nay, dần dần làm thế phẩm cho thi ca.
Đây là phần nổi của sinh hoạt thi ca tại Pháp. Phần chìm, cơ bản vẫn là lòng yêu chuộng thơ của người Pháp, muốn đề cập phải có bài khác.
Nghĩ cho cùng, thơ bắt nguồn từ một nhu cầu chung của nhân loại, chìm nổi theo thời đại, nhưng luôn luôn hiện diện trong tiềm thể.
Orléans, 12/5/2011
Bài Kết: Người Mỹ không còn biết tới thơ!
Đặng Tiến (nhà phê bình thơ)
Bình luận (1)
Bài viết hay quá. Theo quan điểm của tôi thì cái gọi là "đương đại" phần lớn chỉ thể hiện sự bế tắc mà thôi. Sáng tác như ngày xưa thì không qua nổi cổ nhân, nên phải cố gắng tìm sự khác biệt, nhưng khác biệt là 1 chuyện, mà hay lại là 1 chuyện hoàn toàn khác!
Nguyen Mi (minhcute@hotmail.com) (07:28 26/05/2011)
No comments:
Post a Comment