Thứ Tư, 25/05/2011 07:07
(TT&VH Cuối tuần) - Tôi bắt đầu câu chuyện này bằng nỗi nhớ Brian, bạn thơ đầu tiên tôi gặp ở Mỹ. Đã nhiều lần buồn buồn tôi bảo Helen quay trở lại cái thảm cỏ xanh và thềm sân đầy nắng trong Thư viện công cộng Colonial Heights của thành phố Sacramento để tìm Brian, nhưng anh đã biến mất, chỉ còn lại một đốm vàng mỉm cười cao chót vót trên tầng cây cuối Thu đầu Đông trong thơ Ý Nhi, lấp láy lấp la…
Brian và tôi, và bao nhiêu số phận lãng mạn của các nhà thơ khác ở nước Mỹ!
Nếu như nhà thơ ở Việt Nam, có bài thơ… giống thơ là có thể kiếm Đông kiếm Đoài ra một tờ báo để in và có nhuận bút đàng hoàng, thì ở Mỹ các nhà thơ cứ làm thơ, nếu không có tên tuổi gì, rất khó để được in thơ ở các nhà xuất bản, các tạp chí thơ - vốn 3 tháng một số, một năm hai số và rất phổ biến một năm một số. Báo ngày rất ít khi đăng thơ. Thông thường các tạp chí, mỗi khi chuẩn bị ra số mới, biên tập thường chọn… mời nhà thơ gửi bài, chứ rất hiếm khi nhà thơ tự gửi đến!
Bởi nếu không tên tuổi, có gửi cũng không đăng. Nhưng được đăng thì hầu hết không có nhuận bút, có thể trừ những trường hợp đặc biệt như nhà thơ đoạt giải Nobel hoặc Pulitzer, hoặc hoàn cảnh nào đó (mà tôi không biết), còn tôi chưa một lần được nhuận bút của bất kỳ một tạp chí thơ nào, mặc dầu tôi cũng đã được đăng thơ kha khá.
Nguyễn Đỗ và Paul Hoover đọc thơ Nguyễn Trãi ở Santa Rosa. Ảnh: Helen Nguyễn |
Được đăng thơ, ví dụ trên The New Yorker (vốn là tuần báo, nay một năm 47 số, tổng hợp văn hóa, nghệ thuật và bình luận chính trị) hay The American Poetry Review (2 tháng một số) là một mơ ước của tất cả các nhà thơ bé hay nhớn trên toàn thế giới. Thậm chí, có một nhà thơ “cày cuốc” thơ có lẽ sâu và bẫm nhất thế giới, Tim Kahn, phụ trách Trung tâm Thơ thành phố Sacramento, thủ phủ bang California, hầu như 2 ngày thì tôi nhận được một email của anh thông báo về một buổi đọc thơ đâu đó do anh phụ trách, có lần anh nói với tôi một cách ghen tị: “Tao thấy mày có thơ đăng ở New American Writing (tạp chí thơ mỗi năm một số do vợ chồng bạn tôi Paul Hoover và Maxine Chernoff phụ trách), tao hy vọng sẽ có ngày được đăng ở đấy”.
Vậy thì nhan nhản các nhà thơ khác làm sao công bố thơ?
Nếu muốn đăng, một số tạp chí sẽ nhận đăng nhưng bạn phải đóng tiền, từ 10 đô cho đến 50 đô một bài. In một tập thơ kiếm một nhà xuất bản nào đó trả tiền cho họ, còn không tự lập web và đăng thơ mình trên web.
Còn có cách “đăng” thơ khác, không dễ một chút nào là phổ biến thơ mình bằng cách đọc thơ. Nhưng đọc ở đâu?
Các nhà thơ Mỹ thường phân làm 3 dạng: được mời đọc thơ có trả tiền (gọi là honorari), thậm chí cả tiền chi phí chuyến đi, trường hợp này thường dành cho các nhà thơ nổi tiếng hoặc các nhà thơ tham gia các sự kiện quan trọng. Nhà thơ Paul Hoover phụ trách chương trình thơ thứ Sáu mỗi tháng cho bảo tàng nghệ thuật danh tiếng “de Young Musium”, San Francisco, chương trình hiếm hoi có bán vé vào cửa và người đọc thơ được trả nhuận đọc rất cao. Tôi không hỏi những nhà thơ khác được trả bao nhiêu nhưng có lần đọc thơ ở đấy với chương trình một tiếng đồng hồ tôi được nhận 400 đô. Trong khi đó một lần khác, tôi được mời đọc thơ trong một chương trình nghe rất oách “Vòng quanh thế giới trong một giờ” do Thư viện Thành phố và chính quyền thành phố San Francisco bảo trợ, hàng trăm nhà thơ mỗi người đại diện cho một ngôn ngữ lên đọc thơ 4 phút, xong, tôi được trả 25 đô! Vậy nhưng như thế là còn may, còn hầu hết các cuộc đọc thơ khác đều chỉ có “nhuận” nước, nhuận bánh, nhuận kẹo (sang hơn chút có đồ ăn nhẹ với bia và rượu vang), và có biết bao nhiêu nhà thơ khác quanh năm suốt tháng chỉ được mời… đi nghe thơ, được vỗ tay, được cười cười nói nói, hỏi han nhau, và được vét ví mua một cuốn sách của bạn thơ!
Thông thường ở Mỹ các tạp chí, mỗi khi chuẩn bị ra số mới, biên tập thường chọn… mời nhà thơ gửi bài, chứ rất hiếm khi nhà thơ tự gửi đến. Bởi nếu không tên tuổi, có gửi cũng không đăng. Nhưng được đăng thì hầu hết không có nhuận bút. |
Năm 1999, mới sang Mỹ được mấy tháng thì phải sống một mình, vũ khí duy nhất của tôi để cho thiên hạ Mỹ biết mình - ta đây cũng là trí thức - là mở oang oang radio nhạc cổ điển và tự chỉ vào ngực mình là nhà thơ, mặc dầu chả ai hỏi. Khác với nhà thơ Mỹ gốc Do Thái - Nga Iosif Brodsky, giải Nobel 1987, bị tòa Liên Xô kết án 5 năm vào trại lao động khổ sai về tội lười lao động, giả vờ làm nhà thơ để ăn bám xã hội. Ra tòa, tòa hỏi: “Ai gọi mày là nhà thơ, ai xếp mày vào hàng ngũ nhà thơ?”. Ông ngạo nghễ: “Chẳng ai cả, vì tôi xếp tôi vào hàng ngũ con người!”.
… Và một tối như mọi tối, tôi lại đến Thư viện công cộng Colonial Heights để dùng computer, vì tôi không có. Tôi vào một trang web có đăng bài thơ tiếng Anh đầu tiên của mình (nhờ Nguyễn Hoàng Nam - khi đó là phóng viên tuần báo Mercury News, dịch), ngắm nghía nó như là tấm huân chương vĩ đại nào đó, bỗng một anh chàng ngồi bên cạnh, da trắng sáng sủa, ánh mắt rừng rực nhướng sang tôi hỏi: “Mày cũng là nhà thơ hả”; “Ừ, tao là nhà thơ”, tôi sung sướng hơn bắt được vàng gật đầu khua chân múa tay thay miệng lia lịa vì tiếng Anh ậm oẹ. Brian liền chỉ cho tôi: “Mày xem thơ tao trên cái web đó này…”, tôi nhìn sang, chao ôi, tôi có một mà nó có mấy chục! Đây là cái trang web có tên rất kêu “poetry.com” chuyên mở các cuộc thi thơ với quảng cáo giải thưởng cực kỳ cao, giải nhất lên đến mươi ngàn đô. Tôi thấy quảng cáo, liền nhờ bạn dịch hộ, được mấy ngày thấy nó gửi thư cực kỳ trang trọng bảo đã chọn đăng trên web, tôi sướng đến són cả mồ hôi bụng, ra thư viện mở web thấy thơ mình chễm chệ nằm kiêu hãnh với những vành nguyệt quế trang trí xung quanh. Có thế chứ! Sống rồi! Nhưng chưa hết, ngày hôm sau lại nhận tiếp một “công văn” cực kỳ nồng nàn nhưng mẫu mực trang nghiêm thông báo rằng bài thơ của tôi đã được ban chung khảo đưa vào bán kết, trước mắt, đề nghị tôi gửi tiền để mua tuyển tập thơ của các nhà thơ đã vào đến bán kết, chỉ 50 đô, bìa cứng mạ vàng. Họ gửi mẫu bìa, có mục lục tên tôi ngự trị trong đó cho tôi xem trước.
Tôi sướng đến phát điên, ngay lập tức gọi về Việt Nam cho những bạn thơ thân nhất như Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Nhật Lệ… báo tin vui (!).
Quay trở lại chuyện Brian, ngay tối hôm đó bọn tôi rủ nhau đi uống bia. Brian hỏi, mày có việc làm không, không à, nhưng mày có xe à, thế sáng mai 6 giờ mày đến chỗ tao, tao và mày cùng đi làm. Tôi hỏi làm gì, Brian bảo, cứ sáng mai sẽ biết. Cả đêm tôi không nuốt nổi lấy một phút ngủ, 6 giờ đến chỗ hẹn, ngay đằng sau thư viện. Té ra, Brian ngủ trong buồng lái của một cái xe tải hỏng, nhỏ, rách rưới, đậu ngay trước vườn nhà người vợ cũ mà hắn đã ly dị được gần 10 năm. Hắn cười tươi như hoa, bảo tôi theo nó ra phía sau vườn, lôi ra một cái máy cắt cỏ cũng nát y như cái xe tải kia, tống lên cái xe Camry 84 già nua của tôi.
Chúng tôi phom phom băng lên hướng Đông Bắc của thành phố Sacramento, nơi có những đồi cỏ mênh mông và toàn dân Mỹ trắng khá giả trú ngụ. Chúng tôi dừng xe bên một góc phố, Brian phăng phăng kéo tôi đến trước cửa bất kỳ một căn nhà nào có sân cỏ phía trước và cốc cốc tự tin gõ cửa: “Xin chào, tôi là nhà thơ Brian Lando, còn đây là nhà thơ Nguyễn Đỗ, xin xem thơ chúng tôi đây này”; nói rồi, Brian không cho chủ nhà khép bớt mi mắt ngạc nhiên và tôi càng ngạc nhiên hơn khi hắn rút trong túi ra một xấp thơ, mà bài nào cũng được viền bằng cành nguyệt quế, một bài của tôi và một đống bài của nó. Hàng chục chủ nhà từ chối sau khi nghe màn tự giới thiệu hấp dẫn và câu ngỏ lời tiếp theo của Brian rằng ông hay bà có cần cắt cỏ hay quét rác dọn vườn không, chúng tôi chỉ lấy tiền công chút đỉnh thôi!
Vậy mà cuối cùng, một bà sồn sồn cũng đồng ý thuê chúng tôi dọn sạch vườn cùng cái hàng rào bằng một loại cây như cây duối Việt với tiền công 200 đô.
Hạnh phúc dâng lên bất ngờ, mặc dầu bụng đói đến mức rất có thể đã chảy máu dạ dày mà không biết. Thế nhưng phút vui ngắn chẳng bằng chiều dài cái bánh mì. Với cái máy cắt cỏ ọc ạch và cái cuốc cũ chủ nhà cho mượn, tôi cuốc rách cả tay, khi mây chiều đã phật phờ xám xịt trên đầu mà vẫn chưa được một phần ba. Chúng tôi xin phép bà chủ ra về sáng mai làm tiếp. Brian xin ứng tiền, bà chủ đưa trước 100 đô, mắt nó long lanh miệng huýt sáo lanh lảnh, nhờ bà chủ giữ dùm cái máy cắt cỏ thế kỷ 3 trước Công nguyên rồi hai chúng tôi lao vào hiệu sách Barnes And Noble gần đấy để nó cạo râu cùng lau người (vì nó không bao giờ được chính thức tắm, không nhà, ngủ xe bất kể Đông hay Hè, vệ sinh thì vào hiệu sách hay thư viện). Xong, hai thằng 2 vại bia tươi, rồi nó ngồi xuất bản thơ miệng, hết bài này sang bài khác, khi mà số tiền kia chỉ còn vài chục…
Sáng hôm sau, tôi đã không trả lời điện thoại Brian vì phần thì bàn tay sưng vù, phần thì sợ cái hàng rào kia. Sự đớn hèn này với những câu nhắn tin tha thiết của Brian đã làm tôi đau đớn đến tận bây giờ.
Nhưng đấy là hai số phận nhà thơ trong hàng vạn số phận khác có khi còn bi đát hơn trên cái đất nước mà chỉ cần tổng thu nhập một công ty có thể bằng tổng thu nhập của cả một quốc gia nào đó.
Và tôi không biết bây giờ, còn ai dám vỗ ngực mình là nhà thơ ở Mỹ nữa không?
Bài 3: Người Pháp đọc thơ
Nguyễn Đỗ (nhà thơ, viết từ San Francisco)
No comments:
Post a Comment