Thứ 2, 28/02/2011, 14:20
Số người giàu lên nhờ ca hát hay đá bóng là rất nhỏ so với những người giàu và có ảnh hưởng nhờ vào trí tuệ.
Mọi loại tài năng đều được tưởng thưởng
Bất bình đẳng sẽ bớt căng thẳng nếu những người giàu kiếm được từ đúng những gì họ làm ra.
Steve Jobs là tỷ phú bởi mọi người yêu thích các sản phẩm của Apple; kho tiền của J.K.Rowling thì đầy những đồng galleon vàng (1 loại tiền trong Harry Potter) bởi hàng triệu người đã mua bộ truyện Harry Potter.
Nhưng người dân sẽ phẫn nộ hơn nhiều khi mà các ngân hàng được thưởng vì những thất bại của họ hay khi sự giàu có được tạo ra từ việc tìm kiếm đặc lợi chứ không phải từ các công ty.
Ở những quốc gia tham nhũng nhất, các nhà cầm quyền chỉ đơn thuần giúp đỡ bản thân họ bằng tiền công quỹ. Ở những chế độ dân chủ tiến bộ hơn, quyền lực được lạm dụng theo những cách tinh vi hơn nhiều.
Ví dụ tại Nhật Bản, các quan chức về hưu thường nhận được những việc làm hấp dẫn tại những công ty mà họ từng quản lý, một thực trạng được gọi là amakudari (nghĩa là "hạ cánh từ thiên đường").
Hãng tin Kyodo năm ngoái đã cho biết tất cả 43 người đứng đầu trong quá khứ và hiện tại của 6 tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bởi doanh thu xổ số của chính phủ đã bảo đảm việc làm của họ bằng cách này.
Tương tự như vậy tại Hoa Kỳ, các cựu chính trị gia thường nhận được chức vụ giám đốc béo bở khi họ nghỉ hưu. Có thể là do họ rất tài năng.
Nhưng một nghiên cứu bởi Amy Hillman của Đại học bang Arizona đã chỉ ra rằng các công ty Mỹ trong những ngành bị kiểm soát chặt chẽ như là viễn thông, thuốc men hay đánh bạc sẽ thuê nhiều các cựu chính trị gia làm giám đốc hơn những ngành ít bị kiểm soát.
Những người xuất thân khiêm tốn đôi khi lại vươn lên hàng đầu. Barack Obama được nuôi dưỡng bởi một người mẹ độc thân. Lloyd Blankfein, ông chủ của Goldman Sachs, là con của một thư ký. Những người như vậy thường có một điểm chung là có trí tuệ nổi trội.
Mọi loại tài năng đều được tưởng thưởng.
Nhưng số người giàu lên nhờ ca hát hay đá bóng là rất nhỏ so với những người giàu và có ảnh hưởng nhờ vào trí tuệ. Những ngành hấp dẫn nhất như luật, y học, công nghệ và tài chính, tất cả đều đòi hỏi khả năng đầu óc trên mức trung bình.
Một nhà môi giới trái phiếu không cần phải cảm thụ văn chương của Proust nhưng phải có đầu óc tính toán. Một luật sư không cần phải hiểu cuốn "Lịch sử của thời gian" (sách khoa học của Stephen Hawking) nhưng cần phải biết lập luận logic.
Trái Đất sẽ về tay người thông minh
Khi công nghệ phát triển, phần thưởng cho sự thông thái cũng tăng lên. Máy tính đã tăng đáng kể sự sẵn có của thông tin, làm tăng nhu cầu về những người có đủ khả năng để sử dụng nó.
Vào năm 1991 lương trung bình cho một lao động nam người Mỹ với bằng cử nhân cao gấp 2.5 lần so với một người học hết cấp 3; và hiện tỷ lệ này là 3 lần. Khả năng nhận thức được đánh giá cao và do thế họ nhận được thu nhập khác nhau.
Các phụ huynh đã tốt nghiệp đại học cũng có nhiều khả năng nuôi con học hết đại học hơn so với các bậc cha mẹ chưa tốt nghiệp.
Điều này hoàn toàn đúng ở khắp các quốc gia nhưng rõ rệt hơn ở Mỹ và Pháp so với Israel, Phần Lan hay Hàn Quốc, theo OECD. Bản chất (gene), sự nuôi dưỡng và chính trị đều có vai trò riêng.
Trẻ nhỏ có thể thừa hưởng gene về thông minh bẩm sinh. Trí tuệ căn bản đó của chúng sau đó có thể được nuôi dưỡng tốt hơn ở một số gia đình so với các gia đình khác.
Những cha mẹ ham đọc sách thường đọc nhiều hơn cho con của họ, dùng vốn từ vựng rộng hơn khi nói chuyện và thúc con họ làm bài tập ở nhà. Những phụ huynh có giáo dục thường kiếm nhiều tiền hơn, do đó họ có thể cho con họ đi học những trường tư ở gần những trường công tốt.
Ở Hoa Kỳ, sự phân biệt tầng lớp dân cư rất lớn, các trường công tốt nhất có toàn những học sinh phấn đấu vào đại học trong khi những trường dở nhất thì cần máy dò kim loại. Cải tổ trường học cũng đã góp phần thay đổi tinh hình nhưng không thể san bằng sân chơi.
"Sự kết đôi tương hợp" càng làm tăng thêm sự bất bình đẳng. So với thế hệ trước thì hiện những người đàn ông có học vấn cao thường chọn cưới những người phụ nữ có trình độ như họ.
Vào năm 1970 chỉ có 9% số người có bằng cử nhân tại Mỹ là nữ giới, vì thế phần lớn nam giới với những bằng cấp như vậy sẽ cưới những người phụ nữ không có bằng cấp.
Hiện tại thì số nam và nữ có bằng cấp đã xấp xỉ nhau (thực tế nữ giới đang có nhiều bằng cấp hơn) và mọi người có xu hướng chọn bạn đời với mức học vấn tương tự mình.
Nữ giới cũng đã có những bước tiến lớn tại nơi làm việc. Ví dụ như vào năm 1970, chưa đến 5% luật sư Mỹ là nữ. Hiện tại con số này là 34% và gần nửa số sinh viên luật là nữ.
Vì thế mà những cặp vợ chồng có học vấn cao, cả hai vợ chồng cùng kiếm được tiền hiện đang ngày càng phổ biến.
Con cái của những người này có mọi lợi thế, nhưng tiếc là số lượng chúng lại không nhiều. Chỉ số sinh con của những người học hết cấp 3 ở Mỹ là 2.4; với những phụ nữ có bằng cấp cao hơn là 1.6.
Một phụ nữ với mức thu nhập 200,000$/năm có chi phí cơ hội của việc nuôi con cao hơn nhiều so với một phụ nữ chào đón khách hàng tại Wal-mart. Và nuôi dạy những đứa con ưu tú là rất tốn kém. Một cặp vợ chồng luật sư có thể dễ dàng chi trả cho một đứa con của họ vào Yale nhưng 4 đứa thì có lẽ không.
Chi phí của giáo dục đại học cũng góp phần làm sụt giảm tỷ lệ sinh đẻ ở những nước giàu có khác.
Thành viên Đảng Xanh có lẽ sẽ vui mừng với bất kỳ điều gì làm giảm mức tăng trưởng dân số, nhưng các tác động của những xu hướng này đang gây không ít phiền toái.
Nhân khẩu học khiến việc những người có xuất phát điểm thấp kém trèo lên cao trở nên khó khăn hơn. Và điều đó cũng có những hệ quả chính trị của riêng mình.
Minh Tuấn
Theo Economist
No comments:
Post a Comment