Nhiều giáo viên ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi không dấu nổi ánh mắt buồn buồn khi nhắc đến chuyện “mất học trò” vì chúng nghỉ học... lấy chồng, lấy vợ.
|
Chị Đinh Thị Sô và con gái đầu Đinh Thị Sương - ẢNH: AN HUY |
Thấy thầy cô là... bỏ chạy
Với thâm niên 15 năm làm công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi, bà Trần Thị Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Một trong những vấn đề pháp lý hết sức nhức nhối đặt ra là tình trạng tảo hôn ở trẻ vị thành niên người dân tộc thiểu số (Cro, Hre, Kdong...).
Nhiều em mới chỉ 14 - 15 tuổi nhưng đã nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng, không đăng ký kết hôn.
Đa phần các em đều bỏ học, sinh con và tự mưu sinh, đời sống của những cặp vợ chồng trẻ con thường hết sức khó khăn: Không nghề nghiệp, gia đình nheo nhóc, thiếu thốn, cuộc sống chủ yếu là dựa dẫm vào cha mẹ và trợ cấp của chính quyền.
Ông Bùi Thế Giới, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, thời điểm này đang là mùa đót, mùa lễ hội đâm trâu nên học sinh (HS) bỏ học nhiều. Nhưng số này chỉ là “nghỉ giã gạo” (theo thời vụ), còn có những em nghỉ hẳn vì “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Mới đây nhất trường có 3 HS lớp 10, 11 trong diện... theo chồng. Phần lớn HS của trường là người dân tộc Kdong, gánh nặng gia đình vẫn chủ yếu dồn lên vai người phụ nữ nên các em buộc phải nghỉ học vì lo kinh tế, lo có bầu...
“Tảo hôn vẫn còn nhưng đã đỡ hơn trước nhiều. Vì có năm tôi dạy HS mới lớp 10 nhưng con đã 5 tuổi”, ông Giới chia sẻ.
“Tảo hôn thường rơi vào những em mà gia đình không quan tâm đến việc học của con, khoán trắng cho trường. Có những em nghỉ học, giáo viên đến vận động thì phụ huynh thản nhiên nói: “Nó theo vợ/theo chồng rồi!”. Hoặc có những gia đình (đặc biệt là phụ huynh của HS nữ) thấy giáo viên đến thì chỉ thờ ơ ngồi nghe, không ý kiến; cũng có người thấy giáo viên đến là... bỏ chạy, để đỡ phải tiếp”, ông Phạm Văn Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng kể.
Hình ảnh những cặp vợ chồng trẻ con nhếch nhác trở thành nỗi ám ảnh khó quên với bà Cẩm Tú. Bà kể: Trong một đợt đi trợ giúp lưu động tại xã Trà Quân của huyện Tây Trà, tôi thấy 1 em gái khoảng 16, 17 tuổi cõng trên lưng một bé trai khoảng 1 tuổi và một tay dắt 1 bé gái khoảng 3 tuổi. Cả hai đứa nhỏ đều gầy ốm, bụng to, chân nhỏ, mặt mũi lem luốc.
Thoạt nhìn tôi tưởng là chị cõng em cho bố mẹ đi làm nhưng tìm hiểu mới biết em gái đó đã lấy chồng (19 tuổi) được gần 4 năm và đã có 2 con. Cuộc sống của 3 mẹ con chủ yếu dựa vào nương rẫy và sự đùm bọc của gia đình vì chồng hiện bỏ vào Nam làm thuê, rất ít khi về nhà.
Đôi mắt buồn
Theo bà Cẩm Tú, những xã nằm xa trung tâm, điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là người đồng bào dân tộc thì vấn đề tảo hôn khá nổi cộm.
Ở các xã Ba Lế, Ba Xa của huyện Ba Tơ; xã Trà Xinh, Trà Quân của huyện Tây Trà; xã Sơn Mùa của huyện Sơn Tây... dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bà mẹ “trẻ con” mới 15 - 16 tuổi địu con lên rẫy, đi lấy nước.
Nhìn chung gia đình của các cặp vợ chồng tảo hôn đều có hoàn cảnh khó khăn, tình cảnh nheo nhóc, trẻ em không được chăm sóc đầy đủ nên dễ bị suy dinh dưỡng, thiếu cân, các cặp vợ chồng này chủ yếu đi làm thuê theo mùa vụ, khi không có việc thì ở nhà nên tình trạng thiếu ăn vẫn xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa mưa lũ.
Ở điểm lẻ BReo, trường tiểu học Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, Đinh Thị Sô mới 26 tuổi nhưng đã có 3 con, con gái đầu đang học lớp 3. Lập gia đình năm 17 tuổi, đầu tắt mặt tối vì cuộc sống khiến Sô trông già hơn tuổi của mình rất nhiều. Đôi mắt Sô đong đầy nỗi buồn, có lẽ vì phải giã từ tuổi học trò quá sớm.
Còn các cô giáo ở huyện Sơn Tây thì không giấu nổi nỗi buồn khi nhắc đến những trường hợp HS mới tuổi trăng tròn nhưng đã làm mẹ. Nhìn các em đang tuổi ăn, tuổi lớn phải vướng vào cuộc sống mưu sinh lam lũ, nét vô tư không còn các cô cũng thấy ngậm ngùi.
Những đứa trẻ sinh ra trong thiếu thốn, nhem nhuốc, còi cọc... Buồn nhất là không thể thay đổi được nhận thức của người dân khi họ tự cuốn mình, cuốn con vào cái vòng luẩn quẩn đói - nghèo vì lập gia đình sớm.
Để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là ở những địa bàn khó khăn, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến tận địa bàn các thôn, bản để truyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cho đối tượng là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh việc tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình, pháp luật về bình đẳng giới... cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch, các thành viên Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý ở cấp xã để họ có thể làm tốt công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch ở địa phương, đồng thời có thể giải thích, tư vấn cho các đối tượng muốn kết hôn nhưng chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.
Hy vọng sự nỗ lực từ nhiều phía có thể “chặt đứt” tình trạng tảo hôn còn dai dẳng lâu nay...
No comments:
Post a Comment