Sunday, May 15, 2011

16/04 Không hiếm các 'bà mẹ hổ' ở Trung Quốc

Thứ bảy, 16/4/2011, 11:43 GMT+7


"Các đồng nghiệp nước ngoài của tôi tỏ ra rất sốc với một vài chi tiết trong cuốn sách, đặc biệt là đoạn Chua gọi con gái mình là 'ngốc', ‘rác rưởi’ và dọa đốt búp bê của con. Tuy nhiên, những điều này có vẻ bình thường với tôi và nhiều người Trung Quốc khác", Michelle Zhang, 29 tuổi, nhân viên một công ty quảng cáo nói.
> Cách dạy con khắc nghiệt của bà mẹ Trung Quốc gây xôn xao

Ngày nay rất nhiều người nói về cách dạy con, đặc biệt từ khi cuốn hồi ký của Amy Chua được xuất bản đã gây sốc với các bậc phụ huynh phương Tây. Bản dịch của cuốn hồi ký cũng đã khởi nguồn rất nhiều tranh luận sôi nổi tại Trung Quốc, đặc biệt trên các diễn dàn về tính hiệu quả và sự tàn ác.

Amy Chua, 49 tuổi, giảng viên trường Luật Yale (Mỹ) đã ‘đào tạo’ cô con gái lớn trở thành một thần đồng piano, còn cô em gái thành một nghệ sĩ violin tài năng. Tuy nhiên, điều khiến dư luận xôn xao chính là cách dạy con quá khắc nghiệt của chị.

Amy Chua - người đuợc nhiều nguời biết đến với biệt danh “mẹ hổ” cùng hai cô con gái. Ảnh: Careworklive.
Amy Chua - người được nhiều người biết đến với biệt danh “mẹ hổ” cùng hai cô con gái. Ảnh:Careworklive.

Thực tế thì phương pháp giáo dục con này của Chua không lạ gì so với nhiều người Trung Quốc. Trong số gần 1.800 người tham gia một khảo sát trên mạng được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Thanh niên Trung Quốc mới đây thì có đến 95% cho biết họ có biết những bà mẹ dạy con nghiêm khắc như vậy. Đa số người được hỏi cũng đang là phụ huynh.

Một số nhân vật nổi tiếng người Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích cuốn sách và thấy buồn vì Chua có vẻ như là một hình ảnh đại diện cho nhiều bà mẹ nước này và các giá trị phương Đông.

"Cuốn sách không chỉ là câu chuyện của Chua và hai cô con gái của mình. Qua đó, chị còn cho người đọc thấy sự khác biệt thú vị giữa cách giáo dục của người Trung Quốc và người phương Tây", Wang Feifei, người biên tập bản tiếng Trung cuốn hồi ký của Chua cho biết.

"Nếu đánh giá dựa vào những ý kiến trên các trang mạng bán hàng thì dường như có đến 70-80% độc giả Trung Quốc đồng tình với phương pháp giáo dục của Chua hoặc ít nhất coi câu chuyện của chị hữu dụng. Đa phần các giáo viên cũng đồng ý với Chua trong khi các chuyên gia giáo dục thì có những ý trái chiều nhau", chị cho biết thêm.

Theo CNN, nhiều khảo sát trên các trang mạng cũng cho thấy có nhiều người đồng tình với Chua hơn là chỉ trích. Một trong những người ủng hộ quan điểm của Chua là Michelle Zhang, 29 tuổi, nhân viên một công ty quảng cáo, có một cậu con trai 3 tuổi.

"Các đồng nghiệp nước ngoài của tôi tỏ ra rất sốc với một vài chi tiết trong cuốn sách, đặc biệt là đoạn Chua gọi hai con gái mình là 'ngốc', ‘rác rưởi’ và dọa đốt búp bê của con. Tuy nhiên, những điều này có vẻ là bình thường với tôi và nhiều người Trung Quốc khác, những người thậm chí lớn lên trong môi trường giáo dục còn khắc nghiệt hơn rất nhiều. Và ông cha chúng tôi cũng giáo dục con cái theo cách này trong hàng ngàn năm", Zhang nói.

Cô vẫn nhớ cách dạy của mẹ mình, thậm chí còn nghiêm khắc hơn Chua. Cô bị mẹ dùng một thanh gỗ đánh vào lòng bàn tay nếu bị điểm kém hoặc vi phạm quy định trong nhà.

"Dĩ nhiên là tôi không định đánh con như cách cha mẹ tôi đã làm với tôi. Nhưng nghiêm khắc là cần thiết. Tôi phải uốn nắn, đưa con vào kỷ luật ngay từ khi còn nhỏ", chị cho biết thêm.

Lời khuyên chung mà các bậc cha mẹ Trung Quốc nhận được là “Đừng để con bạn thua thiệt ngay ở vạch xuất phát trong cuộc đua”. Thậm chí dù họ muốn con mình có một tuổi thơ hạnh phúc thì áp lực học tập vẫn rất lớn. Ngày nay, trẻ học ở trường, học thêm, làm bài tập về nhà và tham gia các lớp học nâng cao, bồi dưỡng vào cuối tuần, ngày nghỉ.

Cha mẹ đặt tất cả những hy vọng và những ước mơ họ chưa thực hiện được lên đôi vai đứa con duy nhất của họ. Shanghai Daily đã phỏng vấn một bà mẹ cũng áp dụng cách dạy nghiêm khắc như Amy Chua.

“Tôi không nghĩ là có gì sai với cách dạy này”, chị Sherry Li, có một con gái 10 tuổi nói.

Li đã cưới một kỹ sư người Nhật Bản, người dành phần lớn thời gian làm việc ở Nhật. Trong khi đó, Li làm việc cho một công ty của Nhật ở Thượng Hải. Thời khóa biểu một ngày của con chị kín mít.

“Ngoài bài tập về nhà, bây giờ cháu còn học tiếng Anh, toán, tiếng Nhật, chơi tennis và piano vào thời gian rảnh. Việc đào tạo bắt đầu từ khi bé mới chỉ lên 3”, Li nói.

“Đừng nói với tôi về sự tự do của con trẻ. Nếu tôi để con có thời gian rảnh rỗi thì đó là một sự lãng phí. Bé sẽ chơi điện tử hoặc xem phim và điều này thì không tốt cho tương lai của trẻ. Vì thế, tôi tận dụng cả thời gian rảnh của con cho việc học”, chị cho biết thêm.

"Tôi cá rằng sự canh tranh trong tương lai còn khắc nghiệt hơn những gì chúng ta nghĩ. Vì thế, bé cần được chuẩn bị sẵn sàng. Càng có nhiều kỹ năng, kiến thức trẻ sẽ có thể có nhiều cơ hội vượt trội hơn những đồng nghiệp khác”, Li nói.

Chị hoàn toàn tin tưởng rằng thành tích xuất sắc mà trẻ đạt được trước tuổi 12 là kết quả trực tiếp từ sự nỗ lực của cha mẹ.

"Tôi có thể nói với bạn rằng, chỉ số IQ của trẻ gần như là giống nhau. Điều tạo nên sự khác biệt chính là bạn cung cấp cho trẻ những kiến thức, thông tin càng sớm càng tốt”, Li nói.

Con gái chị hiện học ở trường tiểu học thực nghiệm Thượng Hải, một trong những trường thuộc top đầu của thành phố.

Ngược lại, có những người như Zhu Ling, 33 tuổi, một doanh nhân, thề không đối xử với con cái mình như cách cha mẹ cô từng làm.

“Có thể tôi phải cảm ơn mẹ mình vì những điều bà đã làm để tôi có thể trở thành một người thành đạt như hôm nay. Nhưng tôi vẫn nghĩ sự đánh đổi là quá lớn và đau đớn. Tôi không muốn cô con gái 2 tuổi của mình phải chịu những áp lực cũng như những cảm xúc khó chịu như tôi trước kia”, cô nói.

Còn với cặp vợ chồng người Mỹ, John and Pat Wilson lại khác. Họ tỏ ra thoải mái khi đề cập đến chuyện nuôi dạy cô con gái 3 tuổi và cậu con trai 5 tuổi của họ. Cả hai đang điều hành một công ty tư vấn kinh doanh nhỏ ở Thượng Hải.

“Chúng tôi tôn trọng các con. Chúng tôi cố gắng trao đổi với chúng và tỏ ra công bằng. Là cha mẹ, chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, quyết định của con, qua đó chúng tôi dạy con cách tôn trọng cha mẹ và những người khác”, anh John nói.

Họ tin rằng điều quan trọng là khuyến khích, động viên con làm những điều chúng thích, mục đích tạo cho con có động lực để học tập. Dĩ nhiên là vẫn có kỷ luật. Chẳng hạn, nếu trẻ muốn học khiêu vũ, gia đình sẽ trả chi phí nhưng trẻ phải hoàn thành khóa khóa học.

“Chúng tôi khó có thể tin những việc Amy Chua đã làm với hai con gái, thậm chí càng khó tin rằng cô ấy tự hào khi kể lại những việc kinh khủng mà bản thân đã làm với chính con của mình. Chúng tôi đã nghe những câu chuyện về nhiều trẻ Trung Quốc đã phải tự tử vì áp lực học hành từ cha mẹ”, John cho biết thêm.

Zeng Xiaodong, giảng viên tại Đại học Tổng hợp Bắc Kinh thì khuyến cáo rằng cách dạy con nghiêm khắc có thể phản tác dụng, nhất là khi cha mẹ đặt ra những yêu cầu khắc nghiệt với trẻ nhưng bản thân họ lại không nêu gương.

"Cách dạy con nghiêm khắc cũng là truyền thống ở nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nó có lợi thế là đào tạo ra những đứa trẻ thông minh hơn và chuẩn bị cho chúng một hành trang sẵn sàng cho những cạnh tranh khắc nghiệt trong tương lai. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng những xung đột trong cuốn nhật ký của Chua với con gái đã được cường điệu lên và hiếm xảy ra trong đời sống thực", chị Zeng nói.

Phương Trang

No comments:

Post a Comment