Sunday, May 15, 2011

15/05 Chung quanh huyền thoại rượu


minh họa: Khều.
(TBKTSG) - LTS: Nói tiếp vấn nạn nhậu nhẹt lan tràn trong xã hội, tuần này, TBKTSG giới thiệu bài viết dưới đây của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng.
Ai trên đời chẳng uống rượu, mà uống rượu thì phải say/Rượu mà uống chẳng say: không phải đi uống rượu/Không phải hay uống rượu, rượu là rượu bia là bia.
Đêm mắc màn ngủ với vợ, nghe đến rượu rồi lại đi/Vợ mà nói tiếng chi, đây là cho... một đạp/Đây là cho một đạp: vợ là vợ ta là ta!
Ai trên đời chẳng quý rượu, rượu từ gạo mà ra/Rượu còn quý hơn cơm, cơm làm sao bằng rượu/Dẫu nói xuôi nói ngược, đã rượu là thôi cơm.
Trên đây là trích đoạn ca từ từ các dị bản của các sáng tác dân gian hiện đại, có tên gọi chung là “Huyền thoại rượu”, được hát theo sườn giai điệu của ca khúc Huyền thoại mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài “Huyền thoại rượu” được hát phổ biến trong các cuộc nhậu và cũng được công bố trên mạng với nhiều dị bản chứa những nội dung, chi tiết cực kỳ phong phú. Thế là dân nhậu đã như là một tiểu văn hóa, một nhóm xã hội... Rượu là thức uống có chức năng đặc biệt trong nghi lễ, hội hè hay cuộc tiệc thù tạc, giao tiếp xã hội... Tuy nhiên, khi lạm dụng nó, người nghiện rượu có thói quen tụ nhau nhậu nhẹt, và tình trạng nhậu nhẹt phổ biến hiện nay có thể coi là hiện tượng lệch chuẩn về lối sống.
1. Sự lệch chuẩn được định nghĩa là sự vi phạm có ý thức các quy phạm văn hóa hay kỳ vọng của một nhóm hoặc xã hội. Các hành vi lệch chuẩn bị hạn chế hay trừng phạt nhờ vào sự kiểm soát xã hội hoặc phi chính thức (phê phán, chê bai, nhạo báng, đe dọa...) hoặc chính thức (phạt tiền, phạt tù). Uống rượu say, có thể liệt vào loại tội phạm không có nạn nhân khi người say không vi phạm các quy phạm ban hành chính thức thành hình luật, song nhậu nhẹt đã tạo ra một dải rộng nối kết những dạng hành vi nguy hại đối với phong hóa: từ nề nếp gia đình, đến học đường/giáo dục, làm ăn kinh tế và giải trí. Hơn nữa, người có vấn đề với rượu dễ trở thành kẻ ngược đãi, bạo hành đối với vợ con, người thân và xã hội như việc điều khiển phương tiện giao thông khi say rượu gây tai nạn chết người. Điều này đã làm thay đổi thái độ của công chúng đối với nạn say sưa và là căn cứ để đưa tội danh này vào hình luật.
Điều đáng chú ý, những người nhậu nhẹt dường như tạo ra một “tiểu văn hóa”, lấy tửu lượng, trình độ xả láng làm chuẩn tắc đẳng cấp. Cách sống này đã trở thành hiện tượng mà các nhà nhân học gọi là “trò chơi sâu đậm” (deep play), tức lấy mức độ liều lĩnh, chịu chơi để khẳng định mình khác với những người không biết, không thích, không dám nhậu.
Những người bị tách riêng ra do tuân thủ các quy phạm văn hóa thông thường có khi bị coi là... lệch pha, là kẻ “lên mặt đạo đức”, “người phá đám”.
2. Lệch chuẩn có thể là kết quả của sự chọn lựa tự do hay sự thất bại cá nhân, song cũng như mọi hành vi xã hội, lệch chuẩn (hay tuân thủ nghiêm túc các quy phạm văn hóa - xã hội) đều bắt nguồn từ xã hội. Anh B., trưởng phòng cấp quận, nổi tiếng trong giới đồng liêu với biệt danh “nhậu Coca Cola”. Vốn B. bị bệnh cao huyết áp nặng và lại bị men gan nên phải chừa tuyệt rượu bia. Trong các cuộc nhậu, B. chỉ uống Coca Cola suốt buổi nên có biệt danh là vậy. Tôi hỏi: Đã bệnh phải kiêng cữ thì đi nhậu làm gì? B. đáp: Nhậu đâu phải là ăn nhậu, ở đó mới bàn công việc với các sếp, các đối tác làm ăn được.
Ở xứ ta, giờ rất phổ biến việc nhậu là “làm việc”. Ở đó, các thỏa thuận về cách làm và cách ăn chia được cụ thể hóa. Các khoản tiền dấm dúi, các kế hoạch và mưu chước được bàn thảo tường tận! Tệ nạn chạy dự án, mua chức bán quyền, các tệ tục của xã hội đương đại phát triển tỷ lệ thuận với tập quán nhậu. Bắt đầu ký hợp đồng: nhậu; kết thúc: nhậu mừng chiến thắng; và đoạn giữa: nhậu để thể hiện tình nghĩa anh em, hâm nóng mối quan hệ! Các độ nhậu mưu lợi diễn ra không chỉ ở lĩnh vực làm ăn mạo hiểm, hoạt động mờ ám, hối mại quyền thế mà cả trong quan hệ thầy trò, thầy thuốc và gia đình bệnh nhân... dưới danh nghĩa “hậu tạ”.
Đây hẳn là hệ quả của tập quán “biết điều” trong chế độ xin-cho kéo dài từ thời tập trung - quan liêu - bao cấp cho đến nay, mặc dù chế độ đó đã chính thức bị khai tử năm 1986. Trong khuôn khổ của chế độ xin-cho, người đi xin muốn được người “đày tớ của nhân dân” cho cái gì buộc phải thực hiện pháp môn “có đi có lại”, cách ứng xử này được gọi một cách phúng dụ là “thủ tục đầu tiên”. Một trong những cách thể hiện “pháp môn” này tiện lợi, dễ dàng và tế nhị nhất là mời đi nhậu dưới danh nghĩa tình cảm, và từ đó, tiến đến các thủ tục gửi phong bì, tặng quà trên mức tình cảm.
3.Như chúng ta đều biết, ngoài những nguyên nhân chủ quan của cá nhân, thì môi trường xã hội được xem là yếu tố quyết định để khuyến khích hay kiềm chế những khuynh hướng lệch chuẩn (hay phạm tội). Vậy do đâu mà trong xã hội ngày nay, nhậu đã trở thành hiện tượng phổ biến như vậy?
Tình cảnh văn hóa-xã hội chung là chúng ta đã và đang sống trong một thời kỳ tiến thoái lưỡng nan (gọi là tình trạng song đề), nhập nhằng giữa hai cực cũ-mới. Các hệ giá trị cũ do mâu thuẫn với yêu cầu bình thường hóa cuộc sống của con người và yêu cầu hiện đại hóa để phát triển nên ngày càng bị thu hẹp chỗ đứng. Ngược lại, các giá trị mới đích thực lại bị rào cản của não trạng chính thống nên không phát triển thành hệ giá trị chủ đạo và quan phương trong xã hội. Rõ ràng là phải đổi mới cái A, cái B, song các giá trị cũ, các khuôn mẫu chính thống vẫn còn sống động trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống thực tế, trong cơ cấu thể chất nền kinh tế, trong các định chế, các quy định của pháp luật, các quan hệ qua lại của con người, trong suy nghĩ và tập quán hàng ngày của người dân.
Cái cũ đã mất chỗ đứng, cái mới chưa được định hình nên cứ theo logic thì phải thế này mới đúng, thực tiễn thì phải làm khác mới có hy vọng sống còn và có cơ may phát triển. Thế là chỉ có một cách sống cùng lúc trong hai cảnh giới, mang lấy cái nhân cách nhị trùng trong một thân phận. Tình trạng nước đôi hay thậm chí là phi chuẩn mực (thuật ngữ xã hội học gọi là anomie: còn được dịch là vô kỷ hay loạn cương) là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa tương đối về đạo đức. Trong thực tế, biểu hiện nổi bật của xu hướng này là cách sống thực dụng hai mặt, hư vô cả niềm tin và pháp luật. Thời thượng là kiếm tiền bằng mọi giá và tranh thủ hưởng thụ vào mọi lúc. Các cuộc nhậu vừa là dịp để bàn chuyện làm ăn kiếm tiền vừa là cách hưởng thụ - không chỉ ăn nhậu mà còn bao gồm các dịch vụ chơi bời trọn gói, gọi là từ A tới Z.
Nói chung, quá trình mất chuẩn mực, một là diễn ra ngay bên trong một hệ thống hoạt động hiệu quả khi không gian kiểm tra xã hội bỏ ngỏ, sự kiểm soát xã hội đối với hành vi cá nhân trở nên không còn hiệu quả, hay được xử lý bằng hết giải pháp tình thế này đến giải pháp tình thế khác, theo đuôi các sự việc nảy sinh liên tục theo thời gian, ở đó, ngay cả giới hạn mới cũng tỏ ra quá hẹp. Mặt khác, tác động ngoại sinh do những đổi thay rộng lớn ở môi trường mà hệ thống xã hội đang hướng đến trong nỗ lực hội nhập cũng góp phần thúc đẩy quá trình mất chuẩn mực. Đến một thời điểm nào đó, có thể chính sự tuân thủ chuẩn mực cũ lại không mang tới kết quả và gây ra nghi ngờ ý nghĩa của nó.
Trong tình cảnh này, giải pháp căn cơ là tìm những biện pháp thuyết phục để thay đổi cấu trúc chuẩn mực, bởi nếu không thực hiện được điều này thì các thành viên của hệ thống sẽ tìm những chiến lược riêng để đi đến thành công mà không nhất thiết phải lưu tâm đến các yếu tố khác liên hệ với chúng. Đi kèm theo đó là sự thịnh hành của lối sống theo xu hướng đạo đức hoàn cảnh “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, tập trung sự quan tâm vào vấn đề tồn tại hay không tồn tại và không (hoặc ít) lưu ý đến câu hỏi tồn tại như thế nào, tức coi thường giá trị, chuẩn mực sống ở đời.
Không nhậu để làm gương
Để biện minh cho thói bù khú nhậu nhẹt, kiểu gì người ta cũng tìm ra cái cớ. Đây là dấu hiệu không tốt trong một xã hội hướng tới sự phát triển.
Trước năm 2000, khi còn làm việc tại một sở nọ ở TPHCM, công việc của tôi được sếp giao là tiếp khách. Tôi vốn không thích chuyện nhậu nhẹt nhưng đã lỡ rơi vào thế khó nên đành phải “bấm bụng” để hoàn thành sứ mệnh. Thông qua các cuộc nhậu, người ở thế yếu thường mạnh miệng hơn trong chuyện muốn nhờ vả, cũng có thể xem đó là cuộc giao ước, đặt cọc cho công việc sắp tới.
Khi tôi thành lập công ty chuyên về dịch vụ kiểm soát dịch hại, diệt côn trùng, vi khuẩn ở nhà hàng, khách sạn, nhà máy, giàn khoan, trên cương vị mới, tôi chính thức bày tỏ quan điểm của mình về chuyện nhậu nhẹt. Đáp lễ những lời mời nhậu nhẹt của đối tác (với lý do cho dễ nói chuyện hoặc để hiểu biết nhau hơn), tôi mời họ đi ăn trưa.
Tôi cũng không tiếp khách sau giờ làm việc. Tôi dành thời gian đó cho gia đình, dạy dỗ con cái. Người cha không thể làm gương cho con nếu chiều tối nào cũng la cà ở quán nhậu.
Ninh Hữu Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Tam Hiệp

No comments:

Post a Comment