Saturday, May 14, 2011

08/06/2010 Hà Anh: “Hồ Ngọc Hà không phải là đích nhắm của tôi”

Ai có thể đủ sức tạm thế chỗ Hồ Ngọc Hà, trong khi entertainer số 1 này đi vắng? Ngô Thanh Vân ư? Hay Hà Anh?

Không muốn nhận cơ hội từ vỏ bọc

Không ít người đã ngạc nhiên, thậm chí thấy tiếc cho một cô gái “con nhà” (cháu nội của nhà văn Vũ Tú Nam), được ăn học bài bản tử tế (học sinh trường chuyên Amsterdam, rồi đi du học ở Anh về kinh doanh và marketing), nhưng khi về nước, lại chọn nghề người mẫu...


Tất cả những điều anh đề cập đã cho tôi những hành trang chủ yếu để làm người. Còn người mẫu là một cái nghề. Mà để làm bất cứ nghề gì, cần phải biết làm người trước đã. Và khi có những tố chất cần thiết để đáp ứng đòi hỏi của một nghề nào đó, tại sao mình lại không làm? Đi học xa nhà, cuộc sống tự lập thay đổi tôi nhiều lắm.

Người mẫu Hà Anh

Sở dĩ từ hồi về nước tới giờ, tôi chưa tập trung làm kinh doanh vì đơn giản là tôi muốn dốc sức cho nghề người mẫu trước đã. Tôi xem đây là thời gian mình nghiên cứu và phân tích thị trường, thay vì vội vàng lên kế hoạch gì lớn lao hay xốc nổi. Việc nhận lời có mặt tại các event của tôi cũng còn bao hàm cả mục đích đó.

Tôi quan niệm, muốn làm được cái gì ra cái đấy, trước hết, cần phải tìm hiểu kỹ môi trường xung quanh. Để khi làm người mẫu thì tôi là người mẫu Hà Anh, nhưng khi bắt tay vào kinh doanh, tôi phải là một Hà Anh khác, chứ không phải là một người mẫu kinh doanh cảnh vẻ.


Chị nói, đời sống tự lập của một cô sinh viên du học đã thay đổi chị, đó phải chăng là sự lột xác của một “cô chiêu” Hà thành?


Đúng là tôi từng được bố mẹ rất cưng chiều, nhưng là bằng cách cho những gì mà bố mẹ tôi biết là cần cho con. Tôi nhớ trong một cuộc họp phụ huynh, khi nhiều ông bố bà mẹ khác tỏ ý muốn con mình phải thế này thế nọ, bố tôi (họa sĩ Vũ Huy – PV) đã đứng dậy nói: “Con của chúng ta không là gì cả, chúng nó rất nhỏ bé, đừng tạo cho chúng ảo tưởng quá lớn về bản thân.

Quan trọng là phải cho các con những thứ chúng còn thiếu như đàn ca nhạc họa... - những thứ làm đẹp cho tâm hồn, từ đó giúp chúng hiểu bản thân mình hơn và biết cách cư xử sao cho hợp lý...”. Cuộc sống dần dần dạy tôi. Hồi ở nhà, tôi từng không biết xách va-li giúp mẹ khi cả nhà đi du lịch. Nhưng rồi những ngày tháng sống ở Anh, tôi đã ý thức rất nhiều về một đời sống tự lập.

Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất đến sự tự chủ trong công việc cũng như trong cuộc sống. Có lần, khi đang ngồi bàn công việc, một đối tác đã ngẫu hứng góp ý với tôi: “Em thông minh, cá tính, nhưng anh vẫn chưa thấy ở em sự ngọt ngào”. Tôi nói: “Em xin lỗi, em chỉ mới gặp anh 30 phút, em có nhiệm vụ phải trình bày khả năng công việc. Còn nếu anh muốn thấy khía cạnh khác ở con người em, thì chúng ta sẽ có những hoàn cảnh khác. Công việc vẫn là công việc”.


Chị nói thế, mà không sợ người ta nghĩ, à, cô ấy đang gợi ý cho mình ở một “hoàn cảnh khác” đây!


Tôi nghĩ, cả tôi và người nghe câu đó không thể nghĩ xa đến thế khi nhìn vào tư thế trò chuyện của nhau. Tôi không đến với công việc bằng dáng vẻ nhỏn nhẻn, ỏn ẻn và thỉnh thoảng cười rúc rích.


Đối với công việc, tôi luôn đặt sự nghiêm túc lên hàng đầu và luôn ở tư thế trình bày một cách tự chủ. Tôi không muốn đối tác đem lại cơ hội cho mình chỉ vì thấy tôi dễ thương, ngọt ngào. Và tôi luôn biết cách tìm kiếm cơ hội cho mình, không bằng việc tạo một lớp vỏ bọc không liên quan đến khả năng.


Một người tính toán kỹ lưỡng và sống duy lý như thế, liệu có dễ rơi vào tình trạng tự lập trình cuộc sống một cách quá máy móc?


Tôi nghĩ khác, tôi luôn làm sao để mình thấy những gì mình làm là được. Tôi chỉ nói về những cái tôi làm được khi đã có kết quả, ngay cả khi thành công đó có thể tiên lượng trước.

Tôi không đeo mặt nạ hay mặc cho mình một cái áo quá rộng, không đưa ra một hình dung “rùng rợn” về bản thân. Làm là làm, làm nghiêm túc chứ không ngồi đó mà nói tôi từng là cái nọ, từng là cái kia, từng gặp người nọ hay gặp người kia. Tôi kỹ, nhưng kỹ để mà làm, nhưng không phải kỹ chỉ để mà nói.

Thành công không phải là cái đích mà là con đường

Chị gây chú ý nhiều sau cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam, nhưng đáng tiếc, là do hành xử bị cho là không mấy đẹp mắt của mình. Bây giờ nhìn lại, Hà Anh có thấy tiếc cho “lời chào” ngày trở về ấy?


Tôi thấy vấn đề bị đẩy xa hơn thực tế. Lúc quay vào, tôi chỉ nghĩ đơn giản có đứng lại hay quay vào cũng thế. Đó không phải là một phản ứng có ý coi thường khán giả. Nhiều người nói tại sao tôi không xin lỗi? Đồng ý, tôi sẽ xin lỗi nếu tôi có lỗi, nhưng tôi thấy tôi không có lỗi thì làm sao tôi lại phải xin.

Có thể nếu lấy cảm tình của một số người, tôi sẽ xin lỗi nhưng tự tôi sẽ thấy xấu hổ vì tôi không thực sự là mình. Anh cứ làm việc với tôi, anh sẽ thấy tôi tôn trọng người khác đến mức nào. Chính vì thế, mọi hiểu lầm rồi cũng được hóa giải hết. Và tôi cũng chẳng cảm thấy tiếc khi tôi được sống là mình, và cơ bản là tôi không có lỗi.

Nhưng, một người của công chúng nếu lúc nào cũng khư khư giữ chặt cái tôi của mình, thì có phải vô hình trung, sẽ có lúc tự làm khó mình không?


Không đâu anh, tôi sống đơn giản hơn nhiều. Sự nổi tiếng thì nhiều người mong nhưng nổi tiếng từ một cuộc thi không phải là điều tôi muốn. Năm 2006, khi đi thi Hoa hậu Trái đất, tôi đã có những ngày trải nghiệm tuyệt vời nên tôi biết, đi thi không chỉ là thi sắc đẹp mà còn là sự giao lưu văn hóa nữa.

Tôi biết nghe, biết đáp ứng những đòi hỏi chung và không bao giờ nghĩ mình ở nước ngoài về, mình chuyên nghiệp nên phải thế này thế nọ. Khi vào công việc, tôi chỉ nghĩ, mình đang làm việc chứ không phải mình là á hậu, là siêu mẫu thì mình không việc gì phải đứng giữa nắng lúc chụp ảnh...

Đành rằng sự nổi tiếng từ một cuộc thi có thể không là gì cả, nhưng nếu nói Hà Anh đi thi không vì danh hiệu, thì có khó tin không nhỉ?


Tôi nghĩ, danh hiệu không phải là một cái gì đó ghê gớm. Ngay cả khi đi diễn, người ta bảo tôi phải nói danh hiệu cho người ta xướng lên, nhưng tôi không thích. Tôi thích mình được phiêu trong tiếng nhạc rồi diễn chứ không phải vặn nhỏ nhạc để xướng những danh hiệu đã thành quá khứ của mình. Mà xướng ra để làm gì nhỉ? Với bất cứ một chương trình nào, người ta muốn sao tôi làm vậy.

Giá trị cuộc sống không phải bề nổi. Nếu có sự công nhận nào đó của xã hội đối với tôi thì hãy công nhận bằng công việc. Tôi luôn nhận mình là một người mẫu, chứ không phải luôn miệng: “Tôi là siêu mẫu, tôi là top model, tôi là thế nọ thế kia”.


Nhưng sống trong một cuộc sống mà giá trị bề nổi đang được tung hê, sự đắt hàng hay không trông cậy vào sự nổi tiếng, mà lại có quan niệm như chị liệu có hơi xa rời thực tế? Và đó có phải là nguyên nhân khiến Hà Anh dù rất chăm chuyển động nhưng chưa thực sự... nổi tiếng lắm?


Có những người mẫu mới được biết tên nhưng thực sự họ đã đi diễn rất nhiều năm. Có những diễn viên nổi tiếng nhưng biết đâu rất nhiều năm họ phải lăn lộn với các vai phụ. Không phải tôi không có những cái để người ta tung hê mình nhưng tung hê để làm gì? Quan niệm về sự nổi tiếng ở tôi cũng khác. Tôi đi học, rồi về Việt Nam làm việc và không có đằng sau một cỗ máy in tiền nâng bước cho mình là tôi thiệt thòi ư? Và tôi khó nổi tiếng ư? Tôi không nghĩ thế.

Và tôi phải đi xe mui trần, có hàng hàng lớp lớp vệ sĩ đi hai bên và cầm máy quay lia lịa là tôi nổi tiếng à? Tôi không muốn người ta bắc một cái thang rồi tôi trèo lên trên ngọn cây mà đứng, hết ngọn nọ lại ngó sang ngọn kia. Thành công với tôi không phải là cái đích, mà là một con đường.

Nhưng nếu cứng nhắc quá cũng có thể tự đánh mất cơ hội của mình mà để thành công, người ta luôn phải biết nắm bắt cơ hội?


Có thể! Nhưng nếu với một người yêu công việc thì cơ hội nhiều lắm. Nó như là những dòng chữ trôi trên màn hình, nếu anh không kịp nhìn dòng này, thì anh sẽ nhìn được dòng khác. Thực tế một số thương hiệu mời tôi làm đại sứ, nhưng tôi không mặn mà. Vì sao, vì bản thân họ chưa hiểu đại sứ độc quyền là gì nhưng tôi thì lại hiểu, tôi là tiếng nói, là hình ảnh độc quyền của nó. Tôi chỉ tham gia với những cái tôi hiểu và có trách nhiệm với cả người ta lẫn mình.

“Mì” cũng có thể ngon không kém gì “phở”

Sở hữu một ngoại hình nóng bỏng, một giọng nữ cao, lại từng được học kỹ thuật thanh nhạc căn bản ở nước ngoài, tại sao tận đến giờ vẫn chưa thấy chị tấn công mạnh mẽ vào thị trường ca nhạc, nhất là vào “thời điểm vàng” Hồ Ngọc Hà đang đi vắng? Mà thay vào đó, mới chỉ là những thăm dò nhỏ giọt?


Khi tôi mới về, đã có người nghĩ chỉ 1 - 2 tháng sau là tôi ra album, nhưng tôi đã không làm thế. Làm gì, tôi cũng muốn phải thật sự chuyên nghiệp, theo đúng quy trình để đạt đến thành công ở mức cao nhất có thể, chứ không thể cứ hứng lên là làm lấy được.

Muốn vậy, cần phải mất một khoảng thời gian để tìm kiếm những cộng sự, dự án phù hợp, phải từng bước hoàn thiện hình ảnh, uy tín của mình, từng bước làm quen với khán giả..., chứ không phải vừa chân ướt chân ráo đã vội vàng tuyên bố là sẽ soán ngôi, thay thế, thống trị làng giải trí.

Câu chuyện chẳng đơn giản như vậy! Cái gì đến quá nhanh thì không chắc chắn. Phải làm hết khả năng và niềm tin, cho ra đời tác phẩm mà chính mình cũng tự hào thì mới hy vọng được đón nhận. Tôi đã xác định thời gian đầu không thể dễ dàng, cần thuyết phục mọi người chấp nhận cái mới.

Với những người thích ăn phở thì cần rất nhiều thời gian để nhận ra rằng ăn mì hóa ra cũng ngon đấy chứ! Âm nhạc với tôi là một thứ rất riêng tư, nên thà chậm mà chắc còn hơn. Và một khi đã xác định được con đường thì tất cả các bài toán cũng trở nên đơn giản.


Vậy mà tôi lại nghe nói, từ cuối năm ngoái, Hà Anh đã cho biết sẽ chuẩn bị kế hoạch soán ngôi Hồ Ngọc Hà, đó chỉ là câu nói cho vui thôi sao?

Tôi chưa bao giờ nói sẽ thay thế vị trí của ai. Mục đích của tôi là mang đến một sự mới lạ cho làng nhạc, đi vào con đường mà mọi người chưa nghĩ đến, hoặc biết mà chưa bước chân vào. Con đường đó có thể chưa hợp thị hiếu, chưa được mọi người chấp nhận, nhưng tôi muốn là người đi tiên phong vì tự thấy có đủ đam mê và sự tin tưởng vào bản thân mình.

Vì thế, tôi không muốn so sánh mình với bất cứ ai. Hồ Ngọc Hà, tôi thấy cô ấy có khán giả và hát cũng làm mọi người vui. Tuy nhiên, thành công đó không phải là đích nhắm của tôi. Cứ để tự nhiên, tôi muốn có độ say nhất định.


Cách nào để chị chứng minh được: “mì” sẽ ngon không kém gì “phở”?


Ngành giải trí Việt Nam rõ ràng đi sau thế giới khá xa, nên khi xem, nghe, rất nhiều người thích những gì các nghệ sĩ thế giới đang thể hiện. Một số nhạc sĩ cũng trăn trở tại sao còn quá ít nghệ sĩ Việt Nam dám thử nghiệm những phong cách mới đó. Ngược lại, một số người thì khuyên tôi nên hát cái gì phù hợp tai nghe của đám đông.

Đó có thể là cách làm khôn ngoan và an toàn, nhưng nghệ sĩ mà an toàn quá thì không thể đột phá. Chạy theo thị hiếu có thể thành công vang dội, nhưng vấn đề là anh có thể góp được cái gì cho sự phát triển chung của âm nhạc. Tôi không kỳ vọng mình sẽ làm một cuộc cách mạng, nhưng hy vọng làm được điều gì mới mẻ, được mọi người chấp nhận, và có thể các ca sĩ trẻ khác sẽ đi theo.


Đặt bài toán, nếu 1-2 năm nữa mà “ca sĩ Hà Anh” vẫn chưa được chấp nhận, Hà Anh sẽ kiên trì đi tiếp hay bỏ cuộc?


Trong mọi trường hợp, mình luôn cần ứng biến. Không phải lúc nào mình cũng đúng. Một nghệ sĩ cần có nhiều thử nghiệm, nhưng sau một thời gian mà vẫn chưa được chấp nhận thì phải xem lại, con đường của mình có quá mới không, có phù hợp không.

Đúng là tôi muốn đi một con đường mạo hiểm, không an toàn, là tạo cho mình một khoảng trống để sáng tạo, thử nghiệm, dẫn dắt khán giả theo phong cách của mình, nhưng một mặt, trong quá trình thử nghiệm ấy, vẫn cần phải lắng nghe. Nói gì thì nói, cất cao tiếng hát và được mọi người lắng nghe vẫn là mục đích cuối cùng và hạnh phúc lớn nhất của một ca sĩ.



Mong muốn đó có từ khi nào vậy?


Từ khi còn nhỏ tôi đã say mê và được sống trong môi trường âm nhạc. Rồi khi sang Anh, tôi đã nhận được một học bổng và theo học một năm rưỡi tại Học viện Âm nhạc Anh (British Academy of Music).

Ở đó tôi được học không chỉ thanh nhạc mà còn kỹ năng biểu diễn, tạo hình phong cách... Nhưng thời điểm đó tôi chỉ là một sinh viên xa nhà, không đủ điều kiện, không dễ dàng vứt bỏ tất cả để tập trung vào con đường âm nhạc, vốn đòi hỏi tập trung tâm sức và tiền bạc. Tôi đã theo nghề người mẫu, vừa để trang trải cuộc sống hai chị em, vừa được đi đây đó, có nhiều kinh nghiệm sống hơn.

Trước khi về nước, tôi cũng đã ngỏ ý với một số nhạc sĩ và mọi người cũng mong muốn tôi có cơ hội thử nghiệm, nhưng không ở Việt Nam thì không thể làm gì được. Bây giờ tôi đã về đây được khoảng một năm, đang ở đất nước của mình, nói ngôn ngữ của mình, xung quanh có gia đình, bạn bè, các mối quan hệ... Xác định đây là thời điểm thích hợp, năm 2010 này, tôi sẽ quyết tâm để khán giả thấy được thành quả.


Những cộng sự nào là trợ lực cho quyết tâm của chị?


Hiện tôi đang làm việc với hai nhạc sĩ nước ngoài và một nhạc sĩ Việt Nam, nhưng vì tất cả vẫn đang bàn thảo nên tôi chưa muốn tuyên bố chính thức.

Đến với nghề người mẫu từ một xuất phát điểm bất ngờ nhưng lại rẽ sang nghề ca sĩ bằng một lựa chọn quá chừng dễ hiểu và dễ đoán: chân dài đi hát, chị không ngại mọi người lại phải thêm lần nữa thấy tiếc cho tấm bằng du học của chị sao, thậm chí, có thể cho rằng” người mẫu hay ca sĩ - đó đều là những lựa chọn có phần phù phiếm?


Chuyện người đẹp đi hát, tôi cho cũng là hợp với lẽ thường, khi mà đa số họ đều là người trẻ, lại cùng hoạt động trong giới showbiz nên muốn thử khả năng của mình, và cũng thấy ở đó có nhiều hứa hẹn về sự nổi tiếng và cả tiền bạc nữa. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là sở thích nhất thời, a dua theo trào lưu thì sớm muộn gì cũng bị đào thải.

Đừng lo cho tôi, tôi sống thực tế lắm và luôn đề cao những gì là giá trị thật. Bởi tôi luôn tâm niệm, sự nổi tiếng thật sự nào cũng phải bắt nguồn từ lao động...

Theo Đẹp

No comments:

Post a Comment