Monday, March 21, 2011

Nhật ký động đất ở Tokyo của Thái Viên Linh ( từ ngày 11 đến 19 tháng 3)

Nhật ký động đất ở Tokyo, ngày 11-3
Yahoo! Tin tức – 17:16 Thứ tư, ngày 16 tháng ba năm 2011.. .
Thái Viên Linh đang ở Tokyo. Ông là kỹ sư IT của tập đoàn CISCO (Mỹ) và nhiều năm nay làm việc ở ở Tokyo. Trong những ngày qua, giữa những cơn trở mình của đất, ông đã dùng blog để chia sẻ cảm nhận của mình với bạn bè về những gì đang diễn ra.

Ông Viên Linh, 44 tuổi, là người Mỹ gốc Việt. Ông rời Việt Nam từ nhỏ nên chỉ nói chút ít tiếng Việt. Trên blog, ông dùng tiếng Anh. Dưới đây là bản dịch toàn văn để giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc sống
những ngày qua ở Nhật Bản.


Thứ Sáu 11.3.2011

Động đất! Tôi đã gặp quá nhiều từ khi đến nước Nhật này. Hôm nay, khi tôi đang ở trên tầng 24, tòa nhà Tokyo Midtown Tower lúc đầu rung lắc như mọi khi vẫn thế. Sàn nhà, tường và đồ vật bắt đầu dịch chuyển.

Thường thì chuyện này sẽ kết thúc sau vài giây tưởng như vô tận. Hôm nay nó dường như kéo dài nhiều phút. Tòa nhà rung lắc và mọi thứ bị xô dạt từ bên này sang bên kia.

Lắc lư như thế còn chịu được nhưng khi tòa nhà bắt đầu giật nẩy theo chiều thẳng đứng thì thật đáng sợ. Rung lắc theo chiều đứng khiến mọi người chóng mặt hơn. Sự khó chịu tăng dần.

Thường thì khi có động đất, là người nước ngoài, tôi sẽ nhìn các bạn bè và đồng nghiệp Nhật. Nếu họ trông có vẻ điềm tĩnh và tự chủ thì mọi chuyện sẽ được coi như ổn thỏa.

Nhưng trận động đất 8.9 độ hôm nay thì khác. Tôi nhìn các đồng nghiệp và họ lo lắng thấy rõ. Nhiều người chạy ra khỏi phòng họp trong khi nhiều người khác bồn chồn thu gom đồ đạc của họ. Hẳn là rất nhiều điều đáng sợ có thể xảy ra trên tầng 24 này.

Khi thế giới chung quanh quay cuồng mất kiểm soát thì điều duy nhất ta có thể kiểm soát là khả năng hít thở và giữ bình tĩnh của chính mình – nhưng giờ cả điều này cũng gần như bất khả thi. Tôi nhìn ra bên ngoài tòa nhà, lúc thấy chân trời Tokyo rung chuyển thì tôi chấp nhận đây là chuyện dữ.

Tôi nhìn chăm chú những gương mặt quanh mình và thấy nỗi sợ hãi cố nén. Rất Nhật và rất cao cả.

Tất cả chúng tôi sau đó trật tự đi theo một đường về phía cầu thang. Càng đi xuống sâu trong lòng tòa nhà đang nghiêng ngả càng thấy lo lắng, vì chúng tôi cảm nhận và nghe rõ tiếng cọt kẹt của kết cấu công trình.

Cầu thang nóng bức, đông đúc và thiếu ô-xy. Thêm vào đó là tiếng rên rỉ của thép và kính bị dồn ép, nhưng lấn át mọi thứ âm thanh là những hồi còi báo động.

Có lúc không thể không nghĩ đến chuyện chết. Ý nghĩ đó đến rồi đi và bị dập tắt bằng hy vọng và ý thức rằng các cửa thoát hiểm càng lúc càng gần. Cuối cùng, tôi bước ra ngoài ánh sáng.

Ngước nhìn lên, tôi có thể thấy cả tòa nhà lắc lư qua lại. Một đám đông đứng trên các vỉa hè và những khoảng trống ngước nhìn lên hoang mang. Đó là lúc vài người trong đám bật các thiết bị di động có chức năng truyền hình lên.

Tin tức kinh hoàng. Sóng thần, cháy, và tàn phá. Chúng tôi nghe tin toàn bộ một thành phố ven biển đã bị quét sạch chỉ bằng một ngọn sóng lớn. Chúng tôi nhìn thấy cảnh tượng đó trên những màn hình nhỏ.

Không thể tin nổi. Động đất tới 8.9 độ và lớn thứ sáu trong lịch sử. Bầu không khí nặng nề và ảm đạm lộ rõ dù rất kiềm chế.

Tin tức và các biến cố đi đôi với sự hiện diện cụ thể của cơn đại địa chấn này được hàng triệu người kinh qua cùng một lúc. Trong khi chúng tôi đang lo lắng thì cách đó không xa, nhiều sinh linh đang bị tàn diệt.

Hôm nay tất cả chúng tôi là một, hôm nay tất cả chúng tôi đều nhận cùng những điều như nhau. Và hôm nay dẫu tôi là một ngoại kiều tôi vẫn thấy mình Nhật Bản.


Thứ Bảy 12.3.2011

Giống như mọi người, tất cả chúng tôi hôm nay đều dán mắt vào TV và các kênh truyền thông. Tôi xem TV ngay từ lúc mở mắt thức giấc. Hôm nay thực tế mới bắt đầu lộ diện. Tường thuật, hình ảnh, chết chóc, tàn phá.

Không thể nào tin nổi chuyện này xảy ra ngay phía bắc Tokyo. Cách nơi này không xa là một hoang mạc. Thiên nhiên thịnh nộ đã tràn qua những bờ đê chắn sóng và quét sạch bao mạng người.

Trong bản tin trực tiếp buổi chiều, một nhà máy điện hạt nhân đã phát nổ. Cấu trúc phía ngoài lò phản ứng nổ tung, phun ra một đám khói trắng. Quan chức khẳng định rằng tất cả đều trong tầm kiểm soát và phóng xạ không bị rò rỉ nhiều. Tôi rất muốn tin như thế nhưng với tôi, trong tầm kiểm soát phải là không hề có vụ nổ nào kia.

Nhưng cho tới nay tôi hết sức cảm động trước cách dân chúng ở đây xử lý quá tốt cái tai họa kinh hoàng này. Không hề có thông tin giật gân, không hề có cướp phá, không hề có bạo loạn, không hề có trách cứ nhau, và ai cũng tỏ ra có trách nhiệm với người khác.

Dù vậy, điều âm ỉ trong lòng tôi suốt ngày nay là không một ai ở đây, hay ở bất kỳ đâu đáng phải chịu thảm cảnh này. Tôi mong ngày mai sẽ mang đến những tin tức tốt…


Chủ Nhật, 13.3.2011

Hôm nay bình lặng và các đường phố nhìn chung đều đã bớt đông đúc. Mọi người vẫn đi lại với một mức độ bình tĩnh nhất định. Nhiều cửa hàng bán hết sạch các loại thực phẩm có thể để lâu, nước uống, đồ dùng vệ sinh, và các nhu yếu phẩm. Lần đầu tiên từ khi sống ở nước này, tôi mới nhìn thấy những kệ hàng trống rỗng.

Dù nhà máy điện hạt nhân ngưng hoạt động, Tokyo vẫn có điện gần như bình thường. Nhưng chúng tôi có khả năng sẽ bị cúp điện định kỳ theo mức phân bổ năng lượng để dành đủ công suất cho miền bắc bị thiệt hại. Mọi người đều phải làm phận sự của mình.

Ở Tokyo chúng tôi còn may mắn. Chúng tôi có bị chấn động và chao đảo nhưng ở đây không có gì khủng khiếp như các khu vực bị ảnh hưởng nặng hơn. Tất nhiên vẫn có nỗi lo về phóng xạ từ nhà máy điện.

Công ty điều hành nhà máy điện là TEPCO (Tokyo Electric Power Company). Họ từ lâu nay nổi tiếng che giấu thông tin và không hề nói sự thật khi đụng tới các vấn đề về lò phản ứng của họ.

Hôm qua, trong một cuộc họp báo trực tiếp truyền hình, bình luận viên cho biết rằng “…mọi việc trong tầm kiểm soát của TEPCO”. Ngay lúc đang phát trực tiếp, một lò phản ứng lại nổ. Rõ ràng trong tầm kiểm soát thì không thể nổ như thế.

Chỗ này đưa tin lượng phóng xạ rò rỉ ở mức bình thường trong khi chỗ khác lại cho biết có lúc lượng phóng xạ gấp 8.000 lần mức chấp nhận được. Cho tới nay chưa ai có ý kiến gì.

Bất chấp mối lo phóng xạ, những cảnh báo dư chấn, và còn động đất nữa, chúng tôi vẫn là những kẻ may mắn ở Tokyo này. Ngay phía bắc Tokyo thôi, tôi đọc thấy có tin cho rằng số người chết có thể hơn 10.000 rồi. Những suy nghĩ và cầu nguyện của tất cả chúng tôi nên hướng về họ thì hơn.

Tin tức tốt nhất và gây phấn chấn nhất của hôm nay đã đến, khi tôi nghe tường thuật một cụ già 60 tuổi được cứu thoát ngoài biển. Cụ bị sóng thần cuốn đi và ngồi bồng bềnh trên một mái nhà cách bờ 15km. Đó là một điểm sáng trong mớ hỗn độn đáng ngại.

Ở Tokyo hôm nay chúng tôi vẫn sinh hoạt bình thường. Công viên vẫn có người dạo chơi, trẻ con vẫn cười vui. Trên đường đi bộ về nhà, tôi nhìn thấy đóa hoa anh đào đầu tiên nở. Ôi, tôi ước gì hoa anh đào năm nay quay về trong một thời điểm hạnh phúc và tinh thần phấn khởi!


Thứ Ba 15.3.2011

Đêm nay tối hơn bình thường. Chúng tôi đang tiết kiệm điện để những ai cần điện hơn chúng tôi có đủ dùng. Đây sẽ là một đêm lạnh cho họ. Tôi nghĩ rằng trong những căn phòng thắp nến tù mù và những chỗ nương náu miền bắc, họ biết và cảm thấy rằng cả thế giới này đều lắng nghe họ.

Nhiều ngọn đèn trong tòa nhà tôi ở và khu lân cận cũng đã tắt. Những ngọn đèn đường vẫn sáng nhưng các vỉa hè và công viên bây giờ là những bóng tối.

Khi mắt ta đã quen với bóng tối thì những vật thể sáng của ban ngày vẫn cứ sáng theo một cách tương đối với bóng đêm. Điều này rất đúng vào lúc này.

Hồi còn sinh viên tôi có học một khóa mỹ thuật và một trong những bài học hay nhất tôi học được khi tập vẽ là: “Màu tối nhất trong các màu tối luôn gần nhất với màu sáng nhất trong các màu sáng”. Tôi đang cố sức tìm kiếm một cái gì đó tươi sáng.

Tin tức hôm nay cũng chẳng khác gì hôm qua. Thêm một lò phản ứng nữa phát nổ. Đi tìm mua thực phẩm và hàng hóa ở những cửa hiệu trống trơ. Đoạn phim quay cảnh tàn phá mới tìm thấy.
Chúng tôi trải qua nhiều đợt động đất và dư chấn khác. Tới lúc này, tôi đã vô cảm với những trận động đất trung bình và nhỏ. Tuy nhiên, cảnh tượng lò phản ứng phát đi phát lại thật đáng báo động. Tokyo cách đó không xa.

Vài người tôi quen sẽ tạm xa thành phố một thời gian. Buồn cười thay, một người bạn của tôi hôm nay vì lo sợ có tai họa hạt nhân ở Tokyo lại đưa vợ cùng 3 đứa con tới Hiroshima.

Đêm nay họ đang ở cách cái cái tòa nhà đổ nát nổi tiếng nơi quả bom nguyên tử đầu tiên đã nổ chỉ vài dãy phố. Khôi hài thật!

Tôi có muốn đi khỏi đây không? Với những ai biết tôi, hai tuần trước đây họ vẫn còn nghe tôi bàn kế hoạch cho một chuyến phiêu lưu mới hay lên đường làm một chuyến viễn du điên rồ. Điều kỳ lạ nhất là, ngay lúc này, tôi không muốn rời khỏi đây.

Tôi có rất nhiều bạn bè ở đây, họ đã trở thành một gia đình mở rộng của tôi. Tôi cảm thấy rằng rời nước Nhật lúc này là trốn chạy khỏi nơi chốn đã là mái nhà của tôi bao năm nay.

Tôi sẽ không đi đâu cả. Tôi sẽ ở đây đến cùng, làm phận sự của mình, và xem chuyện gì sẽ đến. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất lúc này là chia sẻ những ý nghĩ tích cực, chia sẻ cảm thông, và chia sẻ sự kiếm tìm những gì tươi sáng hơn.


Thứ Tư 16.3.2011

Một chuyện xảy ra trưa hôm qua khiến tôi xót xa. Tim tôi như ngừng đập và thổn thức khi xúc cảm ngập tràn. Một chuyện bình thương như việc bưu phẩm giao tận nhà lại đưa hiện thực đến gần tôi thêm.

Một nhân viên bưu điện mặc đồng phục tin tươm nhấn chuông. Chó sủa. Tôi cảm thấy phiền vì đang bận một cuộc điện thoại công việc.

Tôi ra cửa, ký nhận, bưu phẩm đã đến đúng địa chỉ. Tôi bắt chuyện. Tôi nói bằng tiếng Nhật: “Ồ, tôi ngạc nhiên vì hôm nay ông vẫn đi làm.”

Ông đáp: “Công việc là công việc”. Ông cúi chào như thông lệ.

Chợt tôi hỏi: “Lúc động đất ông có sao không? Gia đình ông ổn cả chứ?”

Vầng trán ông cau lại. Ông nói: “Gia đình đình tôi ở Miyagi”.

Đó là thành phố ước tính có hơn 10.000 người chết. “Tôi không liên lạc được với họ, tôi không tin tức gì của họ cả. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra…”

Rồi ông cúi chào thật thấp một cách khiêm nhường, liên tục nói “Sumimasen, sumimasen…” Đó có nghĩa là tôi xin lỗi, tôi rất tiếc vì đã làm phiền ông với tin buồn này.

Tôi không biết ông ta đã cúi chào bao nhiêu lần và đã thốt lời xin lỗi ấy bao nhiêu lần. Tôi bảo ông ấy không cần phải thế và chia buồn với ông, hy vọng gia đình ông an toàn. Ông đón nhận những cử chỉ cảm thông của tôi trong sự im lặng lúng túng. Tôi cúi chào và ông lật đật quay lưng, hấp tấp xuống cầu thang bên hông nhà.

Thật khó tưởng tượng nhưng tôi có thể hiểu ông ta. Ông không thể làm gì hơn trước biến cố này. Không có cách nào liên lạc được với miền Bắc. Điện thoại bị cắt. Tất cả những gì ông còn lại chỉ là tin tức TV.

Ông đang làm những gì có thể làm và tiếp tục duy trì những công việc bình thường và càng kín đáo càng tốt. Điều này rất Nhật Bản và thảm họa cho biết rất nhiều về đặc tính của dân tộc này.

Đó là sự tôn trọng những người quanh ta. Đó là không làm ầm ĩ và không gây bất an không cần thiết cho mọi người. Biết kiềm chế bản thân và cảm xúc là cách đóng góp vào sự an hòa chung của xã hội. Đó là tinh thần Võ sĩ đạo.

Điều lạ kỳ nhất là nó lại tỏ ra hữu hiệu ngay ở đây, qua cách mọi người xử trí biến cố kinh hoàng này. Ngay bây giờ, chuyện quan trọng nhất là cứu mạng người, khống chế các lò phản ứng, và giữ bình tĩnh trong giao tiếp.

Tình hình này thực sự tồi tệ và không có thời gian nào để dành cho một phút im lặng hay để thương tiếc người chết. Nhân viên bưu điện ấy khiến tôi xúc động, thương cảm, và tôi tự hào được sống giữa những con người tốt đẹp này.

Tối qua chúng tôi lại gặp thêm một trận động đất nữa. Động đất trong đất liền và bây giờ lại ở phía nam Tokyo. Động đất cấp 6. Không có nguy cơ sóng thần nhưng động đất làm rung chuyển cả căn hộ của tôi.

Chúng tôi đã sắp sẵn các túi ngủ sơ tán, giấy tờ, nước uống, thực phẩm, đèn pin và những gì cần thiết. Tình hình bây giờ nghiêm trọng hơn. Động đất mới tàn phá phía bắc đây, giờ lại tới phía nam. Đâu đó ở chính giữa là chúng tôi. Phải giữ bình tĩnh, tập trung, trù hoạch khôn ngoan và không hoảng loạn. Đó là tính cách của mọi người ở đây.
Các bạn có thể nhìn thấy điều đó khi xem tường thuật, phỏng vấn, hay quen biết những người có gia đình ở Nhật. Các bạn có thể nghĩ rằng chúng tôi quá khắc kỷ, quá kiềm chế. Nhưng điều đó có nguyên do và đó là lối sống ở đây.

Tuy nhiên, có một điều tôi nhận ra trong những ngày này là: Sự cảm thông là cảm xúc duy nhất không thể kiềm chế.


Thứ Năm 17.3.2011

Tôi viết lại những cảm nhận của mình trong 24 giờ qua. Buổi sáng. Ly cà phê và tin tức đầu ngày. Một lò phản ứng nữa đã nổ. Bây giờ trong 6 lò phản ứng ở Fukushima thì 3 cái đã hư hại nặng, phơi trần các thanh nhiên liệu và rò rỉ phóng xạ.

Trên TV tôi nghe rất nhiều thông tin phức tạp trong khi quan sát các phóng viên tường thuật. Hình như lúc này họ tưởng họ là các nhà vật lý hạt nhân hay kỹ sư lò phản ứng. Họ trưng ra các biểu đồ, sơ đồ về cách hoạt động của nhà máy điện hạt nhân.

Những thứ ấy trông cứ như một dự án thuyết trình khoa học của học sinh. Tôi hiểu khái quát về nguyên nhân nổ lò phản ứng nhưng không một ai cho biết thông tin nào rõ ràng về những hiểm nguy. Có lúc chúng tôi nghe rằng phóng xạ rò rỉ ở mức độ thấp và không đáng ngại. Sau đó chúng tôi lại thấy rất nhiều cảnh báo nghiêm trọng và được hướng dẫn cách đề phòng.

Đêm kia tỉnh Shizoka ở phía nam Tokyo, gần Phú Sĩ, động đất cấp 6. Đến gần trưa hôm qua lại có một trận nữa. Hai trận động đất trong vòng chưa đầy 12 giờ. Lần này ở tỉnh Chiba phía đông bắc Tokyo.

Tôi có cảm tưởng như Tokyo là một mục tiêu mà ai đó đang nhắm bắn và càng lúc càng bắn gần tâm điểm hơn. Nghe thì có vẻ lạ lùng nhưng tôi đã quen với chuyện động đất khi cả tuần này luôn cảm nhận thế giới đang xê dịch dưới chân mình.

Lúc trưa tôi đi mua sắm vài thứ. Trở về tay không. Đường phố vắng vẻ và các cửa hàng lại trống trơ. Không ai biết khi nào lại có hàng hóa.

Buổi tối truyền hình phát đi thông điệp video của Nhật Hoàng. Lần đầu tiên trọng lịch sử, Nhật Hoàng gửi thông điệp video đến dân chúng. Ồ, tôi vừa được chứng kiến lịch sử!

Ông đọc một bài diễn văn hùng hồn bằng một giọng buồn khe khẽ, dịu dàng. Ông bộc lộ nỗi buồn chân thành và kêu gọi Nhật Bản đừng tuyệt vọng, giữ bình tĩnh, đoàn kết lại. Thông điệp này có mục đích an ủi khi tình hình đang tồi tệ thêm.

Đêm nay là những giờ phút tăm tối nhất ở các khu vực bị cô lập vì thiên tai. Nhiệt độ đêm qua tụt xuống mức đóng băng. Trời đổ tuyết buốt giá và nhiều trại tạm cư không có phương tiện sưởi ấm, thiếu hụt thực phẩm. Những chuyện bất tiện của tôi đâu có ý nghĩa gì!

Một ngày dài đã qua với liên tiếp nhiều biến cố. Ngay lúc tôi viết những dòng này, Tokyo tăm tối hơn bình thường. Không hề nghe thấy một tiếng xe cộ nào ngoài đường phố. Ngay lúc này không có dư chấn, không có động đất, không có tiếng nói nào vẳng lên từ hè phố. Sự tĩnh mịch ám ảnh.


Thứ Sáu 18.3.2011

Hôm qua, gần như trọn 24 giờ không thấy bất kỳ rung chuyển hay động đất nào. Buổi tối hôm trước, khi tôi ngồi xuống định viết về chuyện không hề có hoạt động địa chấn nào thì 9g30 lại có động đất ở Chiba. Có thể cảm nhận thấy rất rõ.

Vậy là lại thêm một ngày sống chung với xung động. Sau đó, lúc 9g55 lại có thêm một trận động đất nữa. Lần này yếu hơn nhưng kéo dài hơn. Đồ đạc trong nhà lung lay một hồi dài đầy bất an. Tôi bắt đầu thấy căng thẳng. Chắc chắn đêm nay sẽ là một đêm dài…

Sáng nào cũng theo dõi tin tức trên TV. Cảnh tượng đầu tiên là chiếc trực thăng Chinook của quân đội thả nước xuống lò phản ứng. Tôi tự nhủ biện pháp này tuyệt vọng chẳng khác gì hắt tách trà vào đám cháy dữ dội.

Điện thoại và email sau đó tràn ngập cho tới trưa rồi tôi đi ăn với một người bạn Mỹ.

Anh bạn tôi dùng dằng nửa muốn ở, nửa muốn đi, bởi đi thì anh thấy mình bỏ mặc bạn bè và đồng nghiệp ở đây.

Tôi khuyên anh nên làm những gì tốt nhất cho bản thân và gia đình. Tôi cũng bảo anh tôi sẽ ở lại vì nhiều lý do và chẳng có lý do nào cụ thể.
Nếu ra đi tôi sẽ không thể nào sống yên với chính mình. Nếu tôi từ bỏ những người thân thiết mình đã coi như gia đình thì tôi sẽ phát rồ khi theo dõi tin tức về chốn này. Tôi sẽ thấy mình càng bất lực hơn bây giờ nữa. Tôi sẽ không đi cho đến khi nào họ cũng đi và an toàn.

Thật không thể nào đo đếm được sức quan tâm của con người. Bạn tôi không có cùng những mối kết giao như tôi thì anh nên đi.

Sau đó, anh về nhà bàn với vợ. Đến chiều thì tôi nghe họ đi Singapore. Mừng cho anh. Tôi sẽ nhớ anh và gia đình ấm cúng của anh.

Sau bữa trưa tôi đánh bạo mò ra Shibuya. Giao lộ Shibuya nổi tiếng gần nhà ga. Khu vực này của Tokyo chẳng khác gì quảng trường Times ở New York hay Piccadilly Circus của London.
Luôn nhộn nhịp, tấp nập, rất sôi động. Nghe đâu mỗi ngày có tới 2,5 triệu người qua lại khu này. Nhưng không phải hôm nay, không phải tuần này.

Những màn hình video khổng lồ thường liên tục rực sáng những hình ảnh quảng cáo, hoạt họa, và âm nhạc rộn ràng bây giờ tắt ngóm.

Bây giờ chỉ là những hình chữ nhật đen ngòm câm nín. Những biển hiệu bằng đèn nê-ông tinh vi giờ cũng đả tắt ngóm.

Vào cái ngày gió lạnh ảm đạm này, người qua lại khu Shibuya không bằng một phần ba thường lệ. Hầu hết người tới đây đều hướng đến nhà ga để về nhà sớm vì nhiều khu vực sẽ không có điện đêm nay. Họ muốn về nhà trước khi cúp điện và tàu ngừng chạy.

Nhà ga động nghẹt vì số chuyến tàu hôm nay giảm đi. Những đám đông chờ đợi và hàng người nối đuôi ngập kín sân ga, từ các cầu thang trên mặt đường xuống tận các cửa quay dẫn vào nhà ga.

Các nhân viên thỉnh thoảng phải chăng dây chặn các lối vào để nhà ga khỏi quá tải người. Cả một biển đầu người. Dù đông nghịt, chờ lâu, và phải chen chúc, người Nhật bằng cách nào đó vẫn giữ được trật tự. Không hề nghe la ó, không hề nghe to tiếng, không hề nghe ta thán.

Tôi liền đi về nhà, lấy xe đạp rồi quay lại. Có lo ngại chuyện hít phải những phần tử phóng xạ không? Có chứ, nhưng quá muộn rồi. Tôi đã ra ngoài mấy tiếng đồng hồ rồi. Cứ cầu may là hôm nay không hề có lượng phóng xạ nguy hại nào trong không khí. Cứ liều tin theo các tường thuật thời sự.

Trời càng lúc càng lạnh, chẳng khác gì một đêm tháng giêng gió buốt chứ không phải chỉ còn một tháng nữa là mùa xuân. Tôi lạnh thấu xương. Đường phố lại bớt xe cộ đông đúc. Tokyo không còn nhiều nhiên liệu cho nên ngoài đường chỉ có taxi, xe buýt và vài ô-tô. Cái lạnh ray rứt. Đạp xe về nhà, tâm trí tôi lại nghĩ đến những người dân Tây Bắc. Họ lại phải chịu thêm một đêm dài giá rét nữa.

Tôi thấy an tâm khi một ngày nữa đã qua, dù kỳ dị nhưng không tồi tệ. Tôi lạc quan nghĩ rằng không hề có trận động đất hay rung chuyển quá mạnh nào. Rồi khi tôi ngồi xuống viết thì lại khác!

Gần như trọn một ngày không có động đất. Gần như…


Thứ Bảy 19.3.2011

Sơ tán! Đó là một từ mạnh mẽ! Nó luôn đi kèm với những biến cố khi một hoàn cảnh hay tình huống ghê gớm buộc những ai đang hoảng sợ và bất lực phải thoát thân. Nhiều người tôi quen biết đã ra đi. Một số đi ngay sau trận động đất đầu tiên, số khác chờ đợi. Hôm nay nhiều người nữa rời Nhật Bản. Lý do của họ khác nhau nhưng điểm chung nhất là tâm trạng bất định.

Đã qua một tuần nặng nề lê thê và tôi có thể thấy được sự bất định này đã khơi mào cho động lực sinh tồn. Điều mà chúng tôi xác định được là một thiên tai lớn nhất xưa nay đã giáng xuống Nhật Bản một tuần trước. Là hàng ngàn người chắc chắn đã chết và chừng 10.000 người còn mất tích. Hình ảnh của nhiều cộng đồng bị sóng thần quét sạch sẽ mãi mãi in dấu vào lịch sử nước này. Ngay bây giờ là những con người đang chịu đựng đau khổ và nhẫn nhịn chờ giải thoát. Đó là những điều xác định.

Đi kèm đại nạn này là bóng tối của một thảm họa hạt nhân. Một cái bóng âm u hiểm độc to lớn làm tất cả chúng tôi sợ hãi. Nhưng tầm vóc của nguồn sản sinh ra bóng tối ấy lại hoàn toàn không biết được. Chúng tôi mù tịt. Tin tức ở Tokyo chỉ toàn nói những chuyện vụn vặt về nguyên lý khoa học của lò phản ứng và chuyện các nhân viên lẫn chuyên gia đang chống lại tan chảy hạt nhân như thế nào. Điều họ không cho chúng tôi biết là nó có nguy hiểm chết người hay không, hoặc chúng tôi nên lo lắng đến mức độ nào.

Báo chí rất xuất sắc với việc dẫn ra các số liệu đo lường, thậm chí còn nâng mức độ thảm họa hạt nhân lên một “CẤP 5” nào đó có thể còn hơn cả biến cố Three Mile Island của Mỹ trước đây. Cám ơn quý vị đã theo dõi các số liệu, nhưng xin hãy cho dân chúng biết mức độ nguy hiểm cụ thể là gì. Trước bất kỳ ảnh hưởng nguy hại nào thì quan tâm chung của mọi người là: Con cái tôi có an toàn không, chúng tôi có gặp nguy hiểm không, có nên ra đi không?... Đó là những gì mà mọi người ở đây cần biết.

Bất định và xác định là những suy nghĩ chiếm hết thời gian hôm nay. Nhưng chính hôm nay lại tốt đẹp hơn nhiều so với những ngày khác trong tuần qua. Với anh bạn Peter của tôi, hôm nay là “ngày tuyệt vời” vì con trai anh vừa chào đời. Chào mừng bé đến với thế giới này. Tin mừng. Một điều chắc chắn là tốt đẹp khiến ta ấm lòng.

Hôm nay thì mọi cửa hiệu đều hạn chế giờ bán hàng. Các bảng đèn và những nguồn sáng không thiết yếu đều tắt. Những kệ hàng trong tiệm tạp hóa vẫn trống trơ. Quán ăn của bạn tôi đã đóng cửa ba ngày rồi vì thiếu nguyên liệu nấu. Trời quang và lộng gió suốt ngày cho đến khi màn đêm mờ sương được trăng rằm soi sáng. Đêm nay tôi gõ máy tính viết nhật ký càng nhanh càng tốt. Tôi muốn chữ nghĩa tuôn ra. Tôi muốn chuyển những cảm nghĩ đi trước khi có bất kỳ biến đổi nào. Tôi muốn viết xong những dòng này và có thể nói rằng hôm nay không hề có dư chấn, rung chuyển hay trận động đất nào gần Tokyo.

Một chuyển biến cho những gì tốt đẹp hơn. Tôi hy vọng thế. Một chuyển biến cho những gì chắc chắn hơn.


Thái Viên Linh (Chuyển ngữ: Trần Ngọc Đăng)


>> Xem nhật kí ngày 11-3
>> Xem nhật kí ngày 12-3
>> Xem nhật kí ngày 13-3
>> Xem nhật kí ngày 15-3
>> Xem nhật kí ngày 16-3
>> Xem nhật kí ngày 17-3
>> Xem nhật kí ngày 18-3
>> Xem nhật kí ngày 19-3

No comments:

Post a Comment