Monday, March 21, 2011

19/03 Thứ bảy, ngày 19 tháng ba năm 2011Quê hương thứ hai của em là ở đây, làm sao em đi được


Hôm trước đã viết một entry ngắn về em. Lo lắng về em, bơ vơ giữa đổ nát hoang tàn, biết làm gì với cái thai 16 tuần tuổi và người chồng đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với hiểm nguy.

Hôm nay không kìm lòng được, phải gọi điện. Và bất ngờ.

Em lạc quan rực rỡ với những tiếng cười, dù đôi lúc, tiếng cười ấy nghẹn ngào, nhưng vẫn không hề hối hận hay bi lụy. Bởi lẽ, em không hề cô đơn. Gia đình của em ở đó. Chồng em, mẹ chồng, dì chồng cùng gia đình chú dì… Quê hương thứ hai của em ở đó. Mọi người đang trải qua những ngày khó khăn nhất trong đời, vẫn cố gắng chăm chỉ không than trách một lời, làm sao mà em đi được.
Và đây là cuộc nói chuyện của mình với em: toàn bộ đã được đăng trên VOVnews rồi. Đây chỉ là phần lược thuật lại của mình.

Tính nhờ chị nhắn em là mọi người từ Fukushima về an toàn, đo phóng xạ không việc gì cả.

“Ôi, thế thì mừng quá chị nhỉ!”

“Thật sự, chỗ em là vùng tâm chấn, kinh hoàng lắm chị ạ. Hôm ấy, em đang đi làm. Chồng em đi làm, mẹ chồng cũng đi làm. Thấy động đất, em cứ chạy theo mọi người mà không biết chạy đi đâu. Đúng là đất nứt dưới chân và em không biết em chạy đi đâu nữa. Chồng em mãi đến 3h đêm hôm ấy mới tìm được em. Còn mẹ chồng, hai ngày sau em mới tìm thấy. .. Chỗ em ở lại không có người Việt Nam. Các bạn tạp trung ở Sendai hết. Em một mình, gần sân bay Sendai. Chỗ ấy bây giờ đang làm biển nước. Chỉ đi ra tầm 2-3 cây thôi là trong biển nước hết… Cách nhà em chỉ khoảng 5 phút đi ô tô thôi, sóng thần ập vào, tất cả chỉ còn đất không. Trên tivi em thấy đống đổ nát như bãi rác, chứ ở đây thì không còn dấu vết gì. Không còn một cái gì luôn. Em không tin vào mắt mình nữa… Các bạn ở Sendai còn nối được với trang Internet của người Việt. Em ở đây không có điện, điện thoại, không có nước, nhà cửa sập, đồ ăn không có, mái nhà thì bay. Em nhìn cái mái nhà nó bay hết. Ngồi trong nhà nhìn thấy trời. Thật không phải biết nói gì, nếu sau chuyện này mà còn sống sót, thì cái số em đã quá may mắn rồi.”

“Chị ạ, em vẫn không tin được là đã 1 tuần rồi, vẫn tưởng ngày hôm qua, vì dư chấn vẫn mạnh. Hôm qua (17/3), có đến 7-8 lần dư chấn. Hôm nay thì từ sáng đến giờ khoảng tầm 5 lần. Vẫn chưa ngừng. Nhưng giờ em quen rồi, như ngồi ghế mát xa ấy.”

“Người Nhật họ bình tĩnh lắm chị ạ. Chẳng nói đâu xa, như chồng em ấy. Em nhìn ông ấy mà em khóc. Em bảo, anh giỏi thật. Anh ấy bảo, không em ạ. Anh giỏi gì. Em nhìn đi, những người dắt chó đi dạo mới là giỏi. Cái tinh thần của họ, em nói thật với chị. Em nhìn lại bản thân em, em thấy xấu hổ… Sáng ra ở đây mọi người vẫn dắt chó đi dạo. Vẫn xếp hàng dài 3 cây số mua đồ. Từ sáng nay này, mẹ chồng em, dì ruột, chồng dì, gia đình chồng dì, họ hàng, đi tình nguyện hết. Họ không cho em đi, nhưng mà em vẫn đi, em đi chỗ gần gần. Em đi xếp hàng mua đồ để giúp mọi người. Đây, em đang chuẩn bị đồ. Tất tần tật cái gì nhà em có thì em chia sẻ. Tại vì lúc mình khó khăn, người ta chia sẻ, chẳng cần biết mình người ở đâu, chỉ biết nắm tay chạy cùng nhau… Bây giờ siêu thị gần nhà bắt đầu mở. Mỗi người chỉ được mua 10 món đồ cần thiết. Nếu mua bánh rồi thì không được mua cái bánh đó lần thứ 2. Tổng số tiền chỉ được khoảng 1.000 yên thôi. Dầu không có, gas không có. Em cũng phải tiết kiệm. Em nghĩ là mọi người cố gắng khắc phục thì em cũng phải khắc phục. Em tắt máy sưởi đi. Em trùm chăn. Em trùm 4 lớp chăn em ngủ. Mà em đang mang bầu 4 tháng. Đây là thời kỳ quan trọng vì mới 4 tháng đầu.”

“Chị biết không, hai hôm đầu, một hôm em ngủ ngoài ủy ban quận. Em ngủ với những người không biết từ đâu. Đến 3h đêm, chồng em về tìm. Mình nhìn mọi người có ngủ được đâu. Mọi người tinh thần thép lắm chị ạ. Họ mang cái onigiri, cơm nắm ấy, mùi khét mà bé tí, em chưa thấy gói cơm nắm nào bé như thế. Họ chia cho em. Em nhường cho người khác. Họ thấy em có bầu, họ bảo phải ăn. Em nói, cụ già rồi, cụ ăn đi. Cụ ấy bảo, không, tao 80 tuổi rồi, người Nhật tao khỏe lắm, tao tắm onsen nên khỏe lắm. Mày là người Việt Nam, mày mới sang, mày phải ăn đi, ăn cho đứa bé. Chị biết không, người ta 80 tuổi, mà người ta nhường em. Mà cái cơm nắm, nó bé tị, khét lẹt, chắc mọi người nấu bằng dầu hay thế nào. Thế là em khóc nhé, em khóc mà người ta không khóc đâu. Nhìn thấy mấy đứa trẻ con, em lại ra, em đưa cho mấy bác cứu hộ. Các bác ấy bảo, mày phải ăn đi. Trong lúc này thì phải tự lo cho bản thân. Lo được cho mình thì mới lo cho người khác được.”

“Lúc mọi người đi, em đã định đi rồi… Anh Dũng, anh Tính bảo em, em quyết định đi! Lúc đấy em cũng nghẹn ngào. Em cũng khóc đấy. Chồng em nghe cũng khóc. Chồng em bảo, anh sẽ phải cố gắng hết sức để có điện, để mọi người còn khắc phục. Em yên tâm về điện hạt nhân, vì nếu quá nguy kịch, chắc chắn toàn bộ sẽ di dời và sẽ chạy. Lúc đấy, anh có chết cũng phải bảo vệ em. Nghe thế em bảo, sống chết em cũng ở lại đây. Em gọi điện về cho bố mẹ. Em bảo, mẹ ạ, nếu con có chết thì bố mẹ hãy nghĩ là con chết vinh quang. Vì con chết cùng hàng nghìn, hàng vạn người Nhật. Bố mẹ em khóc. Mẹ em bảo là tôn trọng quyết định của em. Thế là em cố gắng… Tới hôm qua, điện nước vẫn chưa có. Mẹ chồng em làm bưu điện phải cố gắng. Chồng em làm về điện càng phải cố gắng… Anh Dũng bảo em, em phải tự hào về chồng mình. Chồng em vẫn phải đi làm, còn làm hơn bình thường để đảm bảo điện cho mọi người. Điện bây giờ đang về khắp nơi… Mỗi ngày chồng em phải đi nhiều nơi lắm. Hôm nay đi 6-7 điểm… Công ty chồng em chịu trách nhiệm về điện cho toàn vùng Tohoku, trong đó có nhà máy điện số 1.”

Nhà máy điện số 1 là nơi mà người ta đang phải tránh xa, càng xa càng tốt. Còn chỗ nhà em cách nơi này chỉ có 60-70km. Cầu mong mọi chuyện diễn ra an toàn.

Nhưng hôm nay, Nhật Bản đã nâng cấp độ cảnh báo lên số 5 thì phải.

Ngoài em gái này, mình biết một số chị em khác lấy chồng Nhật Bản. Dù cha mẹ gọi về, họ cũng vẫn quyết tâm ở lại. Nói ra thì thật khó, phải trong cùng cảnh ngộ mới hiểu hết được suy nghĩ của nhau.


Tác giả
Lê Vân Anh


(Cảm ơn chị Lê Vân Anh, phóng viên của đài NHK Nhật Bản về bài viết hết sức xúc động này)

No comments:

Post a Comment