Ngày 24.11.2010, 07:56 (GMT+7)
SGTT.VN - Tự kỷ là một rối loạn phát triển xuất hiện từ lúc mới sinh hoặc trong những tháng đầu đời của trẻ. Ở nước ta, việc phát hiện những cháu bé có tình trạng tự kỷ đang ngày một nhiều và sớm hơn.
Chưa rõ nguyên nhân
Một phụ huynh dẫn con đến dự hội thảo về trẻ tự kỷ vừa tổ chức tại Mỹ Tho. Ảnh: Ngô Phương Thảo
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1, số trẻ mắc chứng tự kỷ được phát hiện ở nước ta ngày càng nhiều: từ 23 bệnh nhân năm 2004 lên đến 425 bệnh nhân năm 2008, nhưng chắc chắn con số thực tế còn cao hơn. Bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp, trưởng khoa khám trẻ em bệnh viện tâm thần cho biết ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu tổng quan về tự kỷ, mỗi bệnh viện tự nghiên cứu và có số liệu khám chữa bệnh riêng của mình. Vì tự kỷ là một tập hợp các triệu chứng thần kinh, tâm sinh lý, nên không thể cứ thấy có vài triệu chứng giông giống là vội vàng kết luận tự kỷ.
Những kết luận thiếu kỹ lưỡng có thể biến những em chậm phát triển về tâm thần, những trường hợp tăng động, giảm chú ý, những trường hợp động kinh gây ra mất ngôn ngữ, thậm chí những em bị điếc câm, cũng có người nhầm lẫn là tự kỷ. Những biểu hiện rõ rệt nhất của tự kỷ là trẻ không có ngôn ngữ (trẻ ở độ tuổi lên ba, lên bốn mà chưa nói), hoặc thoái hoá ngôn ngữ (lúc hơn một tuổi có nói bập bẹ nhưng lên đến hai tuổi thì không biết nói), trẻ không giao tiếp, không thiết lập được quan hệ giao tiếp (không biết người ta đang nói chuyện với mình, kêu gọi không nghe, chơi một mình, không thích hôn hít bồng ẵm), có những hành vi rập khuôn (ngồi lắc lư không ngừng, chơi với hai bàn tay của mình cả ngày, đi trên các đầu ngón chân, vặn vẹo bàn tay, xoay vòng vòng quanh thân mình...), có trẻ tự làm đau mình, có trẻ đánh cấu những người chăm sóc hay lại gần mình. Tuy nhiên, vì tự kỷ là một tập hợp nhiều biểu hiện tâm thần, nên cần hết sức thận trọng khi kết luận bệnh. Có nhiều trường hợp chỉ bị rối loạn hành vi nhưng được chẩn đoán tự kỷ, gây ra áp lực quá sức cho phụ huynh, vợ chồng trách móc lẫn nhau thậm chí ly dị chỉ vì không thống nhất được cách nuôi và chữa bệnh cho con.
Tự kỷ không thể chữa khỏi bằng thuốc
Tiến sĩ – bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch hội đồng quản trị trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí cho biết, có những yếu tố di truyền và môi trường ảnh hưởng trên sự phát triển não của trẻ tự kỷ. Những yếu tố môi trường bao gồm thói quen ăn uống, hệ thống miễn dịch, stress trước sinh, các thuốc trừ sâu, kim loại nặng, thuốc và một số bệnh lý khác (không có mối quan hệ giữa tự kỷ và các thuốc tiêm chủng). Bác sĩ Diệp khẳng định thêm tự kỷ là bệnh thần kinh mãn tính, không thể chữa hết hoàn toàn, do đó vấn đề trị liệu bệnh tự kỷ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là dùng phương pháp can thiệp tâm lý, giáo dục. Trong quá trình chẩn đoán và điều trị, tuỳ từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cho uống thuốc bổ trợ. Chẳng hạn như bệnh nhi bị tự kỷ kèm theo rối loạn giấc ngủ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp cải thiện giấc ngủ, hoặc bệnh nhi tự kỷ kèm theo rối loạn hành vi như cào cấu, tự làm đau mình, bác sĩ kê thuốc giúp cải thiện về cảm xúc, hành vi. Những loại thuốc bổ não như omega 3, thuốc giúp tăng tuần hoàn não cũng chỉ là liệu pháp bổ trợ, không bao giờ chữa khỏi tự kỷ.
Tự kỷ có cả ở người lớn
Cả nước chưa có cơ sở chính thức của Nhà nước để chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ, và trẻ tự kỷ cũng không được hưởng bảo hiểm y tế như các chứng bệnh khác.
Bác sĩ Mẫm cho biết, chứng tự kỷ cần được phát hiện sớm để trẻ được điều trị và giáo dục trước năm tuổi là thời gian não phát triển tối đa. Nhờ đó, trẻ có thể tiến bộ đáng kể về giao tiếp, kỹ năng xã hội và giảm bớt những hành vi rập khuôn. Tuy nhiên khi trẻ đến tuổi vị thành niên và trở thành người lớn, thì chưa có cơ sở nào tiếp nhận người tự kỷ để giúp họ có việc làm phù hợp với năng lực. Trên thực tế, việc chữa trị và chăm sóc trẻ tự kỷ ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn vì chưa được đầu tư đúng mức. Cả nước chưa có cơ sở chính thức của Nhà nước để chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ, và trẻ tự kỷ cũng không được hưởng bảo hiểm y tế như các chứng bệnh khác. Một số các trường chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ được thành lập gần đây đều do tư nhân (giáo viên đặc biệt và phụ huynh) xây dựng và học phí tương đối cao nên các gia đình nghèo không có khả năng gởi con đến các trường này.
Tại Việt Nam, chưa có thống kê về chứng tự kỷ ở người lớn, vì các bác sĩ tâm thần xem tự kỷ là một dạng tâm thần phân liệt. Bác sĩ Diệp thông tin thêm: ở Việt Nam mới nghiên cứu, học hỏi về tự kỷ từ đầu thập niên 1990, đi sau thế giới 50 năm!
Diệu Thuỳ – P. Thảo
Thành lập trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở Tiền Giang
Tại Mỹ Tho – Tiền Giang, hội thảo “Rối loạn tự kỷ ở trẻ em” do Nhân Việt Group phối hợp với phòng Giáo dục – đào tạo TP Mỹ Tho và bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM diễn ra vào ngày 21.11 đã thu hút nhiều phụ huynh có con em tự kỷ và những người quan tâm ở Tiền Giang tham dự. Theo bà Trần Thị Quý Mão, trưởng phòng Giáo dục – đào tạo TP Mỹ Tho, hiện có 16 trường có học sinh là trẻ em tự kỷ và có dấu hiệu rối loạn hành vi, trong đó có ba trường mầm non và 13 trường tiểu học. Nhân Việt Group cũng công bố dự án thành lập câu lạc bộ phụ huynh có con em tự kỷ tại TP Mỹ Tho, thành lập trung tâm dạy trẻ tự kỷ tại Tiền Giang, kết hợp với các bác sĩ, các đơn vị chuyên môn mở khoá đào tạo tình nguyện viên về chuyên môn công tác xã hội nói chung và kiến thức tự kỷ. Trình tự như sau: phụ huynh có con em tự kỷ trực tiếp đăng ký tham gia câu lạc bộ theo mẫu đơn. Câu lạc bộ sẽ hoạt động định kỳ và bầu một phụ huynh làm hội trưởng. Trong buổi sinh hoạt sẽ có các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để nói chuyện và hướng dẫn phụ huynh nuôi dạy trẻ tự kỷ. Phụ huynh sẽ trao đổi và chia sẻ cho nhau kinh nghiệm nuôi dạy con. Bên cạnh đó trung tâm cũng là nơi trẻ ăn nghỉ, học tập và vui chơi vì trẻ tự kỷ cần chăm sóc đặc biệt do các giáo viên chuyên chăm sóc và dạy dỗ. Thời gian đầu phụ huynh sẽ sáng đưa – chiều đón. Ngoài ra trung tâm sẽ mở khoá học đào tạo tình nguyện viên về chuyên môn công tác xã hội và kiến thức tự kỷ. Các học viên là các bạn học sinh, sinh viên sẽ tham gia các hoạt động hội thảo và tập huấn về kiến thức tự kỷ.
Ngô Phương Thảo
No comments:
Post a Comment