Friday, July 1, 2011

Phận gái matxa - Kỳ 1: Trăm nẻo “học nghề”


Thứ Sáu, 01/07/2011, 07:11 (GMT+7)
Phía sau những căn phòng matxa, thân phận nào dành cho những cô gái trẻ trót chọn chốn này làm kế mưu sinh? Sau nhiều thời gian tiếp cận, nhóm PV-CTV Tuổi Trẻ có những ghi nhận từ bên trong các cơ sở lợi dụng nghề matxa như một công cụ kiếm tiền và đày đọa con người...
Phận gái matxa - Kỳ 1: Trăm nẻo “học nghề”
TT - Sau hơn một tháng thâm nhập các cơ sở matxa ở Bình Dương, TP.HCM..., chúng tôi nhận thấy các cơ sở matxa dù lớn nhỏ gì đều có thể hợp thức hóa việc làm cho nhân viên matxa (kỹ thuật viên - KTV) nhằm qua mắt các cơ quan chức năng bằng cách lo giấy tờ tùy thân và chứng chỉ học nghề cho họ.
Chỉ cần bỏ ra 1,5-5 triệu đồng là các cô gái đã có trong tay bộ hồ sơ đầy đủ để xin làm KTV matxa.
Một nữ quản lý ở cơ sở matxa B (đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức, TP.HCM) khẳng định: “Các KTV chỉ cần biết đấm bóp sơ sài sẽ được nhận vào làm. Tụi chị sẽ lo hợp thức hóa cho. Chứng chỉ hành nghề matxa mua dễ òm, dù là bằng giả nhưng giống y như thiệt”.
Sáng học nghề, chiều "đi tua"
Khi chúng tôi đến xin việc tại một số cơ sở matxa như TP (Q.Thủ Đức), TN (Dĩ An, Bình Dương)... đều được đồng ý nhận vào làm mà không bị kiểm tra giấy tờ tùy thân, cũng không cần ký hợp đồng lao động.
Ông Hùng - người quản lý tại cơ sở matxa TN - nhận chúng tôi một cách dễ dàng, kèm lời hứa: “Không có hồ sơ thì bổ sung sau, không có bằng sẽ được cơ sở mua giúp, không có nghề sẽ được đào tạo!”.
Ông Hùng cho biết: “Cơ sở sẽ mua bằng cho tụi em với giá 2 triệu đồng. Tiền bằng sẽ trừ dần vào tiền "boa" hằng tuần. Mỗi tuần trừ 500.000 đồng, sau bốn tuần là có trong tay cái bằng chứ vất vả gì đâu.”
Cùng ngày vào học nghề với chúng tôi hôm đó còn có thêm hai nhân viên mới cũng chưa có giấy tờ tùy thân và bằng cấp. “Ngoài cơ sở này, cô chủ còn có sáu cơ sở matxa khác tại TP.HCM và Bình Dương. Các điểm matxa khác nhận KTV rồi đổ hết về đây học nghề. Vì khu vực này có quen biết nên việc kiểm tra cũng đỡ gay gắt. Nhân viên về đây được dạy nghề, lo giấy tờ, bằng cấp đầy đủ mới được điều đi các cơ sở khác làm”.
Vừa đặt túi đồ xuống nền nhà trong ngày đầu tiên nhận việc tại cơ sở matxa B (đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức), chúng tôi đã được bà Vân, chủ cơ sở ở đây, kéo ngay vào phòng matxa rồi bảo: “Vào học nghề liền đi, ở đây đang thiếu nhân viên. Nếu tụi em học tốt, chiều chị cho lên “tua” ngay”.
Bà chủ nằm xuống giường làm mẫu, “thầy” dạy nghề cho tôi là cô gái trẻ măng tên Thanh với kinh nghiệm “ba tuần làm matxa”. Vừa chỉ cho tôi được vài kiểu đấm bóp trên lưng, Thanh lắc đầu nói với bà chủ: “Em chịu thôi chị ơi, làm thì được chứ không dạy nghề được”.
Sáng hôm đó ngoài “thầy” Thanh, bà chủ còn gọi thêm ba “thầy” ra dạy nghề. Mỗi người dạy đấm bóp một kiểu như tung hỏa mù khiến tôi chẳng biết đường nào mà lần.
 Cô gái tên Thanh cho biết: “Tụi tui cũng có học gì đâu, đứa trước dạy đứa sau rồi tự... sáng tác thêm. Hồi tui học buổi sáng thì buổi chiều bà chủ đã bắt lên tua rồi. Ở đây quan trọng là biết “thư giãn” (kích dục - NV) cho khách chứ đấm bóp thì làm qua loa cũng được”.
Tại cơ sở matxa TN, việc học nghề của chúng tôi “bài bản” hơn gồm hai phần: matxa kích dục và đấm bóp cho khách. Phần matxa kích dục không được dạy, nhân viên học nghề sẽ quan sát lén KTV làm cho khách trong phòng matxa.
10g sáng, theo lệnh của người quản lý tên Ngân, chúng tôi được dẫn tới một phòng matxa và đứng ngoài cửa chờ đợi. Nhìn vào ô cửa kính bên trong, ông khách đang nằm thoải mái trong bồn được KTV tỉ mẩn tắm gội từ đầu đến chân.
Bất chợt khách nhìn ra cửa thấy chúng tôi nên tỏ thái độ không vui, ngay lập tức chúng tôi có lệnh phải rút lui, kế hoạch học nghề hôm đó bị phá sản.
Tối hôm đó, bà Ngân lại gọi chúng tôi đi học. Vừa ló đầu qua cửa kính nhìn vào phòng matxa, chúng tôi hoảng hồn khi thấy KTV đang dùng miệng để làm những động tác kích dục cho khách. Bà Ngọc nhìn chúng tôi bằng ánh mắt sắc lẻm rồi hất đầu hỏi: “Như thế có chịu làm không, nếu chịu thì sáng mai sẽ cho người dạy đấm bóp?”
Theo lời bà Ngọc, trước đây có rất nhiều người tới học nghề. Học đấm bóp xong khi lên tua họ lại không chịu “thư giãn” cho khách nên xin nghỉ việc. Rút kinh nghiệm từ những lần như thế, bà Ngọc cho người mới nhìn trực tiếp từ phòng matxa trước, sau đó mới dạy đấm bóp. “Quan trọng là có dám làm hay không chứ kỹ thuật matxa thì chẳng có gì” - bà Ngọc bảo.
Những cô gái này đứng dọc hành lang nhìn các KTV khác làm cho khách trong phòng để học nghề - Ảnh: Tâm Lụa
“Chứng chỉ hành nghề”
Học nghề sơ sài như thế nhưng chỉ vài ngày sau các KTV đã có trong tay tấm chứng chỉ nghề matxa do các trường nghề cấp. Tại cơ sở matxa L (đường Sư Vạn Hạnh, Q.5, TP.HCM), người quản lý tên Thu săm soi rất kỹ sơ yếu lý lịch và giấy CMND photo của tôi rồi hỏi: “Em đã biết gì về nghề này chưa?”.
Biết tôi chưa có tay nghề gì nhưng bà Thu vẫn đồng ý nhận vào làm. Bà Thu bảo: “Hồ sơ của em còn thiếu sổ hộ khẩu, sổ khám sức khỏe, tạm trú tạm vắng và chứng chỉ nghề matxa. Chị sẽ lo cho em tất cả, giá làm chứng chỉ là 1,5 triệu đồng, sổ hộ khẩu và sổ khám sức khỏe 600.000 đồng, giấy đăng ký tạm trú tạm vắng 200.000 đồng, em cho chị vài trăm ngàn tiền điện thoại nữa. Tất cả 2,5 triệu đồng”.
Tôi nộp cho bà Thu một CMND photo, một tấm hình 3x4 và số tiền theo quy định. Hai ngày sau, bà Thu gọi tôi tới nhận việc và nhận bằng.
Tấm chứng chỉ nghề matxa mang tên tôi do hiệu trưởng một trường trung cấp ngành y ở Đồng Nai cấp, với nghề đào tạo là nhân viên xoa bóp, thời gian học từ ngày 5-9 đến 5-11-2008. Kèm theo đó là một sổ khám sức khỏe với đầy đủ các xét nghiệm máu, HIV và tình trạng sức khỏe bình thường do một bệnh viện ở TP.HCM cấp với dấu đỏ nhòe mờ.
Tôi thắc mắc tại sao không có giấy tạm trú tạm vắng và sổ hộ khẩu như đã thu tiền, bà Thu chỉ im lặng không đáp.
Bà Thu còn gạ gẫm: “Em có người bạn nào không giới thiệu cho chị, ở đây đang thiếu KTV dữ lắm. Nếu không có hồ sơ thì cứ mang hình 3x4 tới đây, chị sẽ làm CMND, bằng matxa và hồ sơ hoàn chỉnh chỉ với giá 3,5 triệu đồng. Đây toàn là giấy tờ và bằng cấp thiệt không đó.”
Không chỉ trong cơ sở matxa, một số người là xe ôm, giới cò mồi cũng sẵn sàng nhận mua bán bằng matxa để kiếm lời. Bà Trang (ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh) chuyên nhận dạy nghề, làm CMND và bằng matxa cho KTV rồi bán họ cho các cơ sở matxa. Với mỗi KTV như thế bà Trang thu 8-12 triệu đồng. Theo bà, “bằng” cho các KTV chủ yếu đều do một trường trung cấp ngành y ở Đồng Nai cấp.
Ông Lộc, một người chạy xe ôm ở Q. Tân Bình, chuyên nhận làm bằng matxa, cho biết: “Giá mua bằng matxa tận gốc chỉ 1,2 triệu đồng, thêm tiền hoa hồng cho người làm và cò mồi nên giá thị trường dao động 1,5-2,5 triệu đồng. Làm bằng chỉ có hai ngày đến một tuần là lấy được. Do mình không bỏ thời gian đi học nên mới gọi là bằng giả thôi chứ bằng và con dấu này là thiệt 100%”.
TÂM LỤA - MỸ THƯƠNG - MY LĂNG
__________
2g sáng khi hết giờ làm, hơn 40 KTV chia nhau lau dọn chỗ ngủ và dọn dẹp phòng matxa. Mãi hơn 3g sáng chúng tôi mới được quản lý phân chỗ ngủ. Thiếu chỗ nhiều KTV phải trải chiếu nằm dọc hành lang. Giấc ngủ đến với họ không mấy dễ dàng...
Kỳ tới:  Chốn đọa đày

No comments:

Post a Comment