Wednesday, March 30, 2011

nhật ký của Kim Giao viết ngày 12 tháng 3 tại Tokyo

Chủ nhật, 20/3/2011, 08:49 GMT+7
Nhật ký người Việt trong vùng động đất
by Kim Giao

"Nhớ lại ngày động đất, nhà rung bật bật, vậy mà ông Saito vẫn một tay vịn máy vi tính cho khỏi rơi, một tay vẫn ngồi viết tiếp. Một tuần sau động đất, vật giá khan hiếm nhưng không leo thang" là những lời trong nhật ký mà bạn đọc Kim Giao gửi đến VnExpress.

Vậy là một tuần đã trôi qua. Sống bụi đời và căng thẳng với bộ đồ mặc ra đường leo lên giường ngủ, giày để sẵn, túi xách bên cạnh. Tư thế của chiến sĩ ra trận. Mấy ngày ngủ bụi, mọi người tập trung lại ngủ với nhau để lỡ có chuyện gì có thể giúp nhau.

Các đợt động đất đến bây giờ vẫn không dứt hẳn, thỉnh thoảng lại rung nhẹ, thôi thì cứ xem như được ru trong vòng nôi của đất mẹ... để thấy nhẹ lòng và bớt ưu tư.

Điện bắt đầu tắt nhiều, có nhiều chuyện vui cười về tắt điện. Ví dụ: đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ mình cứ đứng đó chờ mãi, cứ tưởng nắng hắt vào không nhìn thấy rõ, ai dè nhìn lên mới thấy là bị cúp điện (cúp cả điện đường). Lần đầu tiên được chạy qua ngã tư không cần đèn xanh đèn đỏ mà không sợ bị phạm luật.

Tiệm ăn của mình đến giờ cúp điện trông thật lãng mạn với những ngọn nến lung linh trong những cái ly. Mua được cây đèn cầy vào thời điểm này cũng thật khó. Cái cảnh không có điện thật lâu rồi mới thấy trông cũng ngộ ngộ, làm nhớ đến Việt Nam vào những ngày không có điện.


Cô bé 4 tháng tuổi trong tay lính cứu hộ. Ảnh: AP.

Gạo và xăng không mua được. Mấy hôm trước vừa động đất mình mau mắn mua dự trữ được ít gạo, giấy toilet, nước uống... Cũng may nếu không bây giờ là đói. Còn xăng thì không mua được vì không dám trữ xăng, muốn đổ một bình xăng phải sắp hàng khoảng 2 giờ. Đôi khi xếp hàng đến gần cây xăng lại hết, muốn đổ xăng phải dậy thật sớm để xếp hàng, xăng quý từng giọt.

Vật giá khan hiếm nhưng không leo thang. Các cửa tiệm bán cho đến món hàng cuối cùng vẫn không hề tăng giá. Có lẽ chính sự trật tự này đã không đưa đến việc lạm phát. Tuy vậy đồng Yên cũng hơi bị mất giá mấy hôm trước, cho đến hôm nay thì lại bắt đầu trở lại gần bằng giá cũ trước động đất (1USD = 80.1yên ).

Dân Nhật bắt đầu tập hà tiện, ít tiêu xài hơn. Quán xá vắng tanh, không có xăng để chạy, đường xá cũng vắng tanh, thôi thì về nhà tối ngủ sớm, tốt cho sức khỏe hơn.

Chỉ có mình là vất vả hơn mọi ngày, mỗi ngày nhận được khoảng 200 đến 300 cuộc điện thoại của người Việt tại Nhật. Người muốn đặt vé máy bay về, người muốn hỏi cái này cái nọ vì lo sợ, còn hơn bà Hạnh Dung gỡ rối tơ lòng. Ba cái máy điện thoại reo liên tục. Ba đến bốn người luân phiên nhấc máy để làm việc vẫn không đủ. Người Việt hoảng loạn kéo nhau về Việt Nam, cả gia thê đệ tử kéo nhau đi hết.

Tháng 3 mỗi năm trời đã ấm, hoa Đào chuẩn bị khoe sắc, vậy mà năm nay thời tiết thật lạ, hiện giờ vẫn lạnh, nhiệt độ Tokyo khoảng 3 độ ban ngày, không có điện, không có lò sưởi, mặc áo nhiều ai cũng mập tròn xoe. Sáng nay mình ngồi làm việc ở văn phòng lạnh quá quấn cả cái mền cũng chẳng ai cười.

Da mặt mình bắt đầu khô và nứt nẻ, mặt bị mẩn đỏ, mắt bị sưng đỏ, ho rất nhiều. Không phải chỉ riêng mình mà nhiều người cũng bị dị ứng, chẳng hiểu phấn hoa hay dị ứng của bầu khí quyển thay đổi sau động đất, có người tưởng tượng là do bị bụi phóng xạ nên thế.

Đi đâu dân tình Việt Nam cũng bàn tán chuyện nhà máy điện hạt nhân. Dân Nhật thì bình chân như vại. Mình nghe lời Cầm mua được nước đậu nành từng thùng để ở công ty cho mọi người trong công ty uống. Người Việt uống để ngừa chất phóng xạ, còn người Nhật cũng uống nhưng bảo vì ngon chứ không phải vì sợ bị phóng xạ.

Dân Nhật lỳ thật, nhớ lại ngày động đất, nhà rung bật bật, vậy mà ông Saito vẫn một tay vịn máy vi tính cho khỏi rơi, một tay vẫn ngồi viết tiếp. Bà Tabata xin chạy về nhà, tưởng sợ động đất về nhà luôn, không ngờ chỉ 10 phút sau ôm cái lồng có một con chó và một con mèo chạy đến bảo để trong nhà sợ tụi nó hoảng sợ Rồi bà ấy lại tiếp tục ngồi làm sổ sách miệng làu bàu: "Thôi nha đừng rung nữa nha, sợ rồi đó".

Hỏi họ có sợ không, họ bảo sợ chớ. Hỏi tại sao sợ mà không về, họ bảo vì còn trong giờ làm việc mà... Công việc vẫn bình thường chỉ rộn ràng bận rộn nhiều hơn.

Không nói đến chuyện cũ đã qua nhiều nữa, vì kể chuyện đã qua đâu có được gì mà phải nói đến việc cần làm hiện tại và ngày mai. Những ngày sau động đất, tàu điện ngưng chạy không có xe đi, họ đi bộ đến chỗ làm, có người đi bộ mất 2 giờ vẫn đến đúng giờ...

Ra ga mới thấy tính kỷ luật của người Nhật. Họ xếp hàng dài rồng rắn chờ lên tàu. Tàu điện giảm bớt chuyến và giờ chạy, họ kiên nhẫn đứng chờ đến phiên mình một cách bình thản, không hề thấy cảnh chen lấn, giành giật ồn ào. Nhiều báo chí nói về việc trật tự và ca ngợi người Nhật trung thực không hôi của, không ồn ào, giữ gìn trật tự. Có lẽ mình sống ở đây lâu rồi nên thấy đó như là chuyện đương nhiên.

Đường xá ở Nhật sạch sẽ, bạn mình từ phương xa đến trầm trồ sao sạch thế, đâu phải vì có công ty vệ sinh nào dọn dẹp nên sạch, mà là dân chúng tự báo ra tổ dân phố và họ chia ca nhau để dọn dẹp. Họ không hội họp hô hào ầm ĩ, họ chỉ lâu lâu họp một lần, chia ca giao công việc, rồi lẳng lặng đến phiên của ai thì làm, ký nhận, sau đó giao cho người kế tiếp. Một sự tự giác lâu dần mình thấy bình thường như sự đương nhiên.

Một tuần trôi qua trong khó khăn nhưng ngược lại làm cho con người gần nhau lại. Tự dưng thấy bớt sự sân si phần nào, thấy thương yêu và trân quý cuộc sống hơn. Thấy chớp mắt có thể thay đổi hết giữa sự có và không. Cả đời tạo dựng phút chốc tan tành vậy thì cần chi mà giành giựt tị hiềm.

Nhiều người hỏi thăm mình về tình hình ở Nhật. Mình xin lỗi không trả lời được từng người được vì liên lạc bây giờ khó khăn quá. Tranh thủ viết vài dòng xem như nhật ký của Giao gửi đến các bạn cùng đọc. Cảm ơn mọi người đã quan tâm đến mình và mọi người ở đây. Mong qua vài dòng chữ này mọi người có thể hình dung được phần nào cuộc sống ở đây.

Nguyện cầu mọi việc sẽ trôi qua và trả lại sự bình an.

Kim Giao

No comments:

Post a Comment