Wednesday, March 30, 2011

30/03 Lòng tin không thể mua bằng tiền

Ngày 30.03.2011, 07:32 (GMT+7)
Nhật ký Fukushima

Lts. Mấy ngày qua, chuyên mục này cập nhật những sự kiện nổi bật nhất về tai nạn tại nhà máy điện nguyên tử Nhật Fukushima và cố gắng giải thích bản chất khoa học của những vấn đề vốn rất phức tạp. Câu chuyện còn đang diễn biến, nhưng Nhật ký đã đến lúc phải tạm dừng.


Những công nhân bị phơi nhiễm phóng xạ đang được lực lượng cứu hộ di chuyển đến bệnh viện. Ảnh: Reuters

Nguyên tố phóng xạ plutonium (Pu), mối quan tâm của rất nhiều người, rốt cuộc cũng đã tìm thấy trong đất quanh nhà máy Fukushima vào chiều 28.3. Kết quả phân tích Pu do TEPCO công bố cho thấy hiện trạng ở Fukushima khá trầm trọng.

Đã tìm thấy plutonium

TEPCO phát hiện được ba đồng vị Pu-238, Pu-239 và Pu-240 (vẫn chưa thấy Pu-241). Chúng đều sống rất lâu. Pu-238 sau 87 năm mới phân rã bớt một nửa, hai đồng vị kia còn sống lâu hơn, 24.100 năm và 6.500 năm. Pu không tồn tại trong tự nhiên. Ở hai lò số 1 và 2, nó do U (uranium) sinh ra từ phản ứng với nơtrôn, sinh ra càng nhiều khi lò chạy càng lâu. Tỷ lệ giữa các đồng vị cũng thay đổi theo thời gian chạy lò. Riêng ở lò số 3, Pu là nhiên liệu trộn chung với U, nên có mặt ngay từ khi lò bắt đầu hoạt động.

Nhiên liệu Pu dùng trong nhà máy điện hạt nhân hay bom nguyên tử thường chứa hai đồng vị số 239 và 240. Về mặt kỹ thuật, người ta thường tìm cách hạn chế bớt thành phần đồng vị 240 vì nó phân hạch rất kém. Theo thông báo của TEPCO, hàm lượng Pu trong 5 mẫu đất lấy quanh nhà máy tương đương với thời kỳ Liên Xô và Mỹ thử bom nguyên tử ồ ạt trong không trung hơn năm thập kỷ trước đây. Khi ấy, Pu cùng với những sản phẩm phân hạch đã phát tán đi khắp nơi rồi theo mưa rơi xuống đất và biển. Khái niệm đám mây phóng xạ bắt đầu từ đấy. Từ năm 1963, khi hai nước ký hiệp định ngừng thử vũ khí nguyên tử trong không trung, lượng Pu và các sản phẩm phân hạch khác trong đất bề mặt bắt đầu ổn định. Pu do thử vũ khí cũng đã đo được trong đất bề mặt ở Việt Nam, hàm lượng thấp hơn ở Nhật từ 5 đến 10 lần. Với những hiệp định START-1 và START-2 mới đây, số lượng đầu đạn hạt nhân giảm đi đáng kể. Pu lấy ra từ các đầu đạn ấy được tái chế để làm nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân.

Vì phát ra tia alpha, nên Pu chỉ độc hại khi xâm nhập được vào cơ thể theo đường hô hấp hoặc tiêu hoá (xem Nhật ký kỳ trước). Phân tích Pu rất khó và công phu hơn phân tích các sản phẩm phân hạch như Cs-137. TEPCO lấy mẫu đất từ ngày 21- 22.3, mãi đến ngày 28.3 mới công bố kết quả. Pu trong đất có thể chưa đến mức ảnh hưởng tới sức khoẻ, nhưng Pu trong không khí và rau cỏ thì có thể. Vả lại, mọi việc còn đang tiếp tục diễn biến, Pu tiếp tục thoát ra ngoài không khí, hàm lượng trong đất sẽ tiếp tục tăng lên.

Sớm muộn, nhà chức trách Nhật sẽ phải nâng tai nạn Fukushima lên cấp 6 trên thang quốc tế, cao hơn Three Mile Island (TMI) xảy ra ở Mỹ tròn 32 năm trước.

Những con số gây phiền toái

Trước ngày chủ nhật 27.3, một tốp công nhân vào làm việc trong khu máy tuabin nhà lò số 2 đã phải rút ra ngay vì liều kế chỉ đến con số 1.000 miliSivơ/giờ (mSv/h). Trong môi trường phóng xạ này chỉ cần làm việc 15 phút đã hết “quota” cho cả năm (250 mSv). Mà mức liều cho phép này lại vừa mới được bộ Y tế Nhật nâng lên gấp 2,5 lần để thích ứng với tình hình ở Fukushima. Theo IAEA, mức liều này có thể gây ra những triệu chứng tức thời như nôn mửa, và về lâu dài, có đến 30% nguy cơ gây ung thư.

Căn cứ trên số đo liều 1.000 mSv/h, TEPCO đã thông báo phóng xạ tăng lên mười triệu lần “so với mức bình thường” làm công chúng hốt hoảng. Nhưng tuyên bố này quả thật không sai: ở một nơi bình thường liều kế sẽ chỉ số đo dưới 0,2 micro Sivơ/giờ (1 micro bằng một phần nghìn mili).

Phóng xạ tăng cao như thế là do có những hố nước chứa phóng xạ rất cao dưới nền nhà. Theo báo chí Nhật, hố nước ở nhà số 3 sâu đến 1,5m, ở nhà lò số 2 sâu 1m và ở nhà lò số 1 sâu 40cm. Lấy nước này đem phân tích TEPCO thấy nồng độ phóng xạ cao gấp 100.000 lần mức phóng xạ trong nước làm nguội lò phản ứng. Như vớ được cọc, TEPCO đã cải chính, hạ từ mười triệu xuống còn 100.000 lần. Công chúng, kể cả báo chí, có khi ít để ý đến những gì đằng sau lời cải chính này.

Thật vậy, con số mười triệu lần nói lên liều lượng các tia bức xạ đo bằng mSv/h trên liều kế. Con số này vẫn đúng, bằng chứng là TEPCO không cải chính số đo 1.000 mSv/h trên liều kế. Trong bối cảnh “tù mù" này, một số phát ngôn chính thức muốn trấn an công chúng, và được báo chí tiếp lời, đã có những ngộ nhận đáng tiếc. Thí dụ, báo chí nói suất liều 1.000 mSv trong một giờ đo được tại hiện trường chỉ cao gấp bốn lần liều cho phép 250 mSv, nhưng đây là mức liều tính cho cả năm. Còn con số một trăm nghìn lần được TEPCO cải chính nói lên hàm lượng chất phóng xạ trong nước tính theo một đơn vị khác, Becquerel/cm3 (Bq/cm3), và đo được bằng cách lấy mẫu nước đem đi phân tích. Công chúng, kể cả nhà báo, có thể không mấy quan tâm đến những chi tiết học thuật nói trên. Họ chỉ biết rằng tình hình ngày càng tồi tệ, lò phản ứng đã bị tan chảy như nhà chức trách thừa nhận. Quan trọng hơn, họ mất lòng tin với TEPCO và cả nhà chức trách. Mấy ngày gần đây, báo chí Nhật luôn phát giác những chuyện tắc trách của TEPCO. Thí dụ, ngày hôm trước ba công nhân lát dây cáp điện trong nhà số 3 đã không được báo trước liều phóng xạ rất cao, chỉ khi trượt ngã xuống nước phóng xạ mới thấy ngứa do bỏng tia bêta. TEPCO đã phải xin lỗi về việc này.

Hàng trăm công nhân đang làm việc trong môi trường phóng xạ rất cao. Họ không được cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về liều bức xạ để xảy ra tai nạn không đáng có. Nguy hiểm hơn, không ai lường trước những gì có thể “bất ngờ” xảy ra. Bởi từ TEPCO cho đến cơ quan an toàn hạt nhân Nhật đều thừa nhận chưa khẳng định được nguyên nhân gây ra mức phóng xạ cao trong khu vực nhà máy. Mọi người đang mong đợi những quyết định dứt khoát, cho dù sẽ mang lại những hậu quả về kinh tế nặng nề cho TEPCO. Mất tiền còn có thể tìm lại được, nhưng mất lòng tin là mất tất cả.

GS PHẠM DUY HIỂN

Nguy cơ động đất gây sóng thần gần bờ biển Việt Nam không cao

Đó là khẳng định của các nhà khoa học tại hội thảo Động đất và sóng thần ngày 11.3.2011 tại Nhật Bản và những kinh nghiệm rút ra đối với Việt Nam tổ chức ngày 29.3 ở Hà Nội.

GS.TS Phan Trọng Trịnh, phòng địa động lực, viện Địa chất cho biết vì đới đứt gãy dọc kinh tuyến 110 phân thành các nhánh đứt gãy nhỏ, chuyển dịch trượt bằng nếu có xảy ra động đất cũng chỉ trong khoảng 6,5 độ Richter hoặc nhỏ hơn, gây rung động trong bờ không lớn.

Nhật Bản hạn chế được thiệt hại do động đất, sóng thần là nhờ sự liên kết của hơn 1.000 máy đo địa chấn trên cả nước nên đã xác định nhanh chóng vị trí, độ lớn động đất. Trong khi đó, quy trình báo tin động đất và sóng thần hiện đang được áp dụng ở nước ta chưa được chuẩn hoá theo khu vực và thế giới, việc xác định các thông số động đất vừa xảy ra thường chiếm tới 15 đến 20 phút. Từ đó, các thông tin được chuyển đi sớm nhất cũng trong vòng 30 phút – quá chậm trong trường hợp có động đất mạnh.

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần có chương trình tuyên truyền, giáo dục để cộng đồng dân cư hiểu những khái niệm cơ bản về động đất, cách ứng xử khi có động đất, công tác cứu hộ trong động đất và sóng thần.

T.T

No comments:

Post a Comment