Nhật ký Fukushima
Kỳ 3: Ma phóng xạ và hoạ hiện hữu
SGTT.VN - Trong khi công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đang vật vã phục hồi nguồn điện cho các lò phản ứng vào hai ngày cuối tuần 19, 20.3, áp suất bên trong nhà lò số 3 tăng lên. Lò số 3 dùng nhiên liệu oxit uranium trộn với plutonium, một chất phóng xạ đứng đầu bảng độc hại. Không muốn cho tình hình bên trong nhà lò xấu hơn, TEPCO được nhà chức trách cho phép thoát khí ra ngoài. Lần này không mấy ai lo ngại nữa, bởi phóng xạ đã sẵn có ở mức không bình thường bên ngoài trong suốt tuần qua.
Đời này khỏi tính, nhưng đời sau?
Khói bốc lên từ lò phản ứng số 3 của nhà máy. Ảnh: Reuters |
Bên kia bờ Thái Bình Dương, trạm quan trắc ở Sacramento, California (Mỹ) đã phát hiện ra xenon phóng xạ. Mấy ngày sau không thấy có thông tin gì thêm. Có thể “sứ giả” từ Nhật không đến nữa. Nhưng tính “quỹ đạo lùi” ngày 19.3 quả thấy có khối khí kéo đến từ phía đông nước Nhật trước đó hơn năm ngày. Xenon là khí trơ nên có thể bay xa, trong khi các bụi khí phóng xạ đồng hành với nó có thể bị mất mát trên đường đi trước khi đến Mỹ.
Tuy không nằm đúng hướng gió thịnh hành trong mấy ngày qua, nhưng ở Tokyo, 250km về phía nam, các máy quan trắc đã bắt đầu cho thấy phóng xạ trong bụi khí và nước máy. Thiết bị quan trắc phóng xạ ngày nay rất nhạy nên có thể phát hiện mức phóng xạ thấp hơn tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần. Nhưng loan báo tin này thế nào để hàng triệu người hiểu được những vết phóng xạ ấy không ảnh hưởng đến sức khoẻ? Tâm lý sợ phóng xạ như sợ ma là một tồn tại rất khó giải quyết trong phát triển năng lượng hạt nhân ở khắp nơi trên thế giới (sẽ đề cập ở phần sau).
Nhưng đến cuối ngày thứ bảy 19.3, khi nghe loan báo về phóng xạ trong rau và sữa ở quận Fukushima và vùng lân cận thì không còn là chuyện sợ ma nữa. Phóng xạ sẽ theo đường thức ăn nước uống thâm nhập cơ thể. Để trấn an dân chúng nhà chức trách phải so sánh uống sữa này cả năm chỉ tương đương một lần đi chụp CT..., mức phóng xạ trong rau, sữa là quá thấp để có thể gây nguy cơ tức thời (immediate risk). Khái niệm y tế khó hiểu này được nhà chức trách giải thích là phóng xạ chỉ nguy hiểm nếu ăn liên tục rau này suốt đời! Người dân hình như hiểu khác. Một người Nhật 58 tuổi vẻ mặt buồn rầu nói trước ống kính truyền hình: “Đời tôi thì khỏi nói, nhưng còn con cháu chúng tôi?”.
Người Nhật này có lý do để lo lắng bởi ngay sau đó chính nhà chức trách đã ra lệnh cấm bán sữa tươi và một số rau như hành và bó xôi ở quận Fukushima và lân cận. Ở quận Ibaraki, tiếp giáp Fukushima về phía nam, nơi sản xuất rau cung cấp cho Tokyo, iốt phóng xạ trong rau bó xôi vượt qua mức cho phép từ 5% đến 27 lần, xêsi phóng xạ vượt đến bốn lần. Rồi đây sẽ đến lượt các thực phẩm khác, nhất là hải sản, món ăn truyền thống của người Nhật. Nếu cá biển bị nhiễm xạ thì biết quê quán nó ở đâu mà cấm.
Cho đến ngày 20.3, tình hình phóng xạ ở Fukushima được mô tả là không xấu đi. Nhưng nếu tình hình “không xấu đi” này cứ tiếp diễn trong một vài tháng nữa thì môi trường sinh thái sẽ bị ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng trên diện rộng, nhất là nếu gió chuyển hướng thổi vào đất liền đến vùng Tokyo. Cầu trời cho nền lò và các bể chứa không bị nứt nẻ để phóng xạ không chui xuống nước ngầm. Hôm trước, một chuyên gia Mỹ đã cảnh báo bể chứa nhiên liệu nhà số 4 có thể đã bị thủng đáy nên nước trong bể mới cạn nhanh như thế.
Đừng vay lòng tin không thế chấp
Thật khó cho nhà chức trách mỗi lần giải thích cho người dân rõ tác hại của phóng xạ đến sức khoẻ con người. Làm sao tránh gây hoang mang mà không sai sự thật. Rất khó phân định ranh giới giữa hai mục tiêu này. Bởi đến nay khoa học vẫn chưa có câu trả lời rành rọt tác hại của phóng xạ đối với sức khoẻ con người. Đương nhiên tác hại càng tăng khi liều xạ do cơ thể hấp thụ càng cao. Để thấy khó khăn này ta hãy lần theo các cọc mốc sau đây (tính tròn cho dễ nhớ) trên thang liều xạ hiệu dụng đo bằng miliSivơ (mSv) (xem bảng dưới).
Trong xã hội hiện đại chúng ta phải sống với quá nhiều rủi ro. Đi lên máy bay là chấp nhận rủi ro, một trăm nghìn lần có thể một lần bị rơi. Nhưng ta không thể dẹp bỏ ngành hàng không ngày mai nếu hôm nay có máy bay rơi. Tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta làm tử vong hơn 30 người trong một này. Cho nên trước khi leo lên xe máy đi xa, ta nên thắp nén hương trước bàn thờ tổ tiên cầu mong xác suất tệ hại đừng rơi vào mình.
Ngưỡng liều đặt ra chỉ là ngưỡng pháp lý để quản lý hành chính, và có thể rất khác nhau tùy theo từng quốc gia, từng thời kỳ, tuyệt nhiên không phải là ngưỡng an toàn. Chưa vượt ngưỡng không có nghĩa là an toàn. Liều 100 mSv trong một năm là ngưỡng đặt ra về hành chính và pháp lý cho nhân viên vận hành và cứu hộ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trước diễn biến phức tạp trong mấy ngày gần đây, chính phủ Nhật đã phải nâng ngưỡng này lên 250 mSv. Một thí dụ khác. Liều xạ cao nhất ghi được ở Fukushima là 400 mSv trong một giờ. Nhà chức trách yêu cầu sơ tán dân ra khỏi bán kính 20 km. Trong khi đó, hôm 15/3 chính phủ Mỹ phát lệnh sơ tán mọi công dân Mỹ ra khỏi bán kính 80 km. Một số nước khác theo chân Mỹ. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thắc mắc ai đúng, ai sai. Rất khó nói.
Ủy hội quốc tế về bảo vệ bức xạ (ICRP) xem tác hại của phóng xạ không có ngưỡng và khuyến cáo các hoạt động gây ra phóng xạ phải được minh chứng lợi hại rõ ràng, ngoài ra phải dùng mọi biện pháp có thể để giảm thiểu tối đa cho dân chúng và nhân viên hàng nghề.
Trước tình hình trên về khoa học phóng xạ, có hai thái độ ở hai thái cực, cả hai đều gây khó khăn cho điện hạt nhân. Thứ nhất, sợ phóng xạ như sợ ma, một triệu chứng bệnh lý và tâm lý được gọi là radiophobia. Tia phóng xạ không sờ thấy, nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, thế mà gây ra ung thư, chết chóc, giống như bị ma bắt. Nhớ lại, tại cuộc họp đại hội đồng IAEA tháng 9 năm 1986, các nhà khoa học đã ngồi lại trong một cuộc hội thảo để tìm cách giải quyết triệu chứng radiophobia đang tăng lên sau thảm họa Chernobyl xảy ra trước đó 5 tháng. Ai cũng thấy khó khăn này đang cản trở sự phát triển điện hạt nhân trên toàn thế giới.
Nhưng thái cực thứ hai còn đáng trách hơn nhiều, bởi đây là cách hành xử của một số người dán mác hạt nhân. Họ tuyên truyền điện hạt nhân hiện nay an toàn tuyệt đối. Thuyết phục những người có học này còn khó hơn thuyết phục những người sợ ma. Nhưng hoạt động thoe kiểu này đã gây phản tác dụng. Có thể số người sợ ma sẽ đông hơn sau cái họa hiện hữu ở Fukushima. Tôi đã từng nói với họ, phải nói đúng sự thật và minh bạch với dân. Bảo điện hạt nhân là an toàn tuyệt đối chẳng khác nào đi vay lòng tin của dân mà không có thế chấp.
Tin giờ chót 8 giờ sáng 22.3. Khói xám bốc lên từ hai nhà lò số 2 và 3. Vẫn chưa rõ nguyên nhân. Tình hình dường như chưa được cải thiện.
GS PHẠM DUY HIỂN
Một số cột mốc trên thang liều xạ hiệu dụng (đo bằng miliSivơ - mSv) 2mSv trong 1 năm: là liều nhận được từ các nguồn phóng xạ tự nhiên xung quanh ta và ngay trong cơ thể mỗi người. Không ai tránh khỏi các nguồn phóng xạ này cả. Ngồi lỳ trong nhà đóng cửa kín lại có khi còn chịu phóng xạ nhiều hơn bởi khí radon phóng xạ từ nền, trần và tường lát đá hoa cương bố ra. 1mSv trong 1 năm là liều trung bình từ những nguồn xạ do con người tạo ra như chụp X-quang, đi máy bay (tia vũ trụ), hay sống gần các cơ sở hạt nhân. Vậy 3mSv trong 1 năm có thể xem là mốc liều phía dưới mà người dân phải chấp nhận để sống và làm việc. 100mSv trong một năm là liều tối đa cho nhân viên vận hành và cứu hộ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Những nhân viên này được chăm sóc y tế đặc biệt và được bồi thường nếu bị vượt ngưỡng vì lý do bất khả kháng. 6.000mSv trong một giờ là liều mà những người lính cứu hỏa trong thảm họa Chernobyl đã chịu, phần lớn đã lìa đời trong vòng một tháng. Chúng ta chỉ biết tương đối chắc tác hại của phóng xạ ở hai cọc mốc dưới cùng và trên cùng. Về phía dưới, 2 mSv là liều “chạy trời không khỏi nắng”, 100 mSv là liều một số người hành nghề phải chấp nhận vì mục đích phát triển năng lượng hạt nhân. Về phía trên, 6000 mSv/giờ là suất liều tử vong đã xảy ra trong thực tế. Giũa hai mốc này là một khoảng rộng khá bất định. Ta chỉ có thể nói theo xác suất như thế này. Giả sử có 100 người bị chiếu xạ ở mức liều giống nhau nào đó, trong số này có m người bị nôn mửa (xác suất m%), n người bị ung thư (xác suất n%)..., nhưng không thể biết trước ai bị triệu chứng nào, vào lúc nào. Ngay cả những con số m, n cũng không chính xác. Đây là nhiệm vụ còn dở dang của khoa học. |
No comments:
Post a Comment