Wednesday, March 30, 2011

18/03 Kỳ 1: Phóng xạ ở Nhật có lan đến nước ta không?

Ngày 18.03.2011, 11:00 (GMT+7)

Nhật ký Fukushima

Kỳ 1: Phóng xạ ở Nhật có lan đến nước ta không?

SGTT.VN - Để kịp thời cập nhật thông tin, và nhận diện đúng mức nguy cơ hạt nhân Fukushima, Sài Gòn Tiếp Thị đã mời giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên viện trưởng viện Hạt nhân Đà Lạt giữ chuyên mục Nhật ký Fukushima.

Ảnh 1: Đường đi của bụi phóng xạ theo hướng bắc – đông bắc và vị trí của Việt Nam. Ảnh:

Phóng xạ đang tăng lên ở Fukushima, vượt lên trên ngưỡng gây tác hại rõ rệt đến sức khoẻ con người, nhất là các nhân viên trụ lại tại cơ sở hạt nhân Fukushima, và chắc còn tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

Ngày 12.3, sau khi có tin phóng xạ đã tung ra môi trường bên ngoài nhà máy, được hỏi liệu nó có lan đến Việt Nam không và tác hại thế nào, một chức sắc đã nhanh nhảu: “Chúng tôi đang theo dõi... nhưng chưa thấy gì!” Thật ra, quan trắc phóng xạ trong môi trường không đơn giản như ngồi ở nhà bật tivi lên để “theo dõi” trận đá bóng trên sân vận động Mỹ Đình. Đây là một khoa học liên ngành, khá phức tạp.

phóng xạ không đi nhanh như ánh sáng để chưa đầy tích tắc đã đến Việt Nam. Thậm chí, nó lan truyền còn chậm hơn sóng thần, khoảng 800km/h. Bụi phóng xạ lan theo các khối không khí, mỗi ngày chỉ đi được vài trăm cây số, tựa như gió mùa đông bắc lan đến miền Bắc nước ta trong các bản tin thời tiết hàng ngày.

Kiểm tra phóng xạ cho người dân tại Nhật Bản. Ảnh: AFP

Thứ hai, “có mời” chưa chắc nó đến. Mà nó đã không đến thì máy móc có tối tân bao nhiêu cũng không phát hiện ra, nói chi đến tác hại lên sức khoẻ con người. Ở một thời điểm nhất định sau khi bốc lên, nó lan truyền theo một quỹ đạo nhất định.

Trong sáu ngày qua và mấy ngày tới nó thường đi thẳng ra biển phía đông Fukushima, trong vòng cung đông nam – bắc. Vì chưa có số liệu khí tượng cho nhiều ngày tới, nên để hình dung chất phóng xạ sẽ lan theo hướng nào, ta có thể nhờ cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ, nơi có cơ sở dữ liệu quan trắc khí tượng đầy đủ từ trước đến giờ, tính giúp quỹ đạo lan truyền cho cùng thời kỳ này năm ngoái, từ 15.3 đến 10.4.2010.

Trên ảnh 1 là các quỹ đạo lan truyền trong 96 giờ (bốn ngày), mỗi ngày bắt đầu từ 0 giờ GMT. Ta thấy chúng chỉ đi về hướng bắc – đông bắc. Kết quả tính toán cho thấy nếu lan đến nước ta, nó phải mất không ít hơn năm ngày.

Thứ ba, trên đường lan truyền nồng độ phóng xạ trong không khí bị pha loãng rất nhanh, nên khi đến nước ta tác hại sẽ giảm hẳn so với điểm xuất phát (hôm qua Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã trấn an dân Trung Quốc đừng quá lo chuyện này!). Ảnh thứ hai giúp ta hình dung quá trình pha loãng này. Sau một ngày lan truyền, nồng độ phóng xạ trong không khí giảm đi 1.000 lần so với vị trí ban đầu. Sau bốn, năm ngày sẽ còn giảm nhiều hơn nữa. Lại phải giả thiết thêm là nếu có mưa trên đường lan truyền, nhất là ở điểm xuất phát, nồng độ còn pha loãng thêm. Điều kiện thời tiết ở điểm xuất phát ảnh hưởng rất lớn, có thể làm cho mức độ phóng xạ tại đó thăng giáng nhiều lần giữa buổi trưa (lúc phóng xạ thường bốc lên rất cao), và ban đêm (phóng xạ thường lẩn quẩn trong tầng khí quyển sát đất).

Rất tiếc, hiện nay chưa có thông tin về lượng chất phóng xạ thoát ra từ nhà máy nên ảnh 2 chỉ cho ta ấn tượng về mức độ pha loãng phóng xạ trong quá trình lan truyền, không thể nói gì cụ thể và thực tế hơn.

Ảnh 2: Nồng độ phóng xạ trong không khí giảm dần trên đường lan truyền (màu biểu thị nhạt dần).

Thứ tư, nó có đến, chưa chắc đã phát hiện được. Trong nhiều năm gần đây, rất nhiều dự án về phóng xạ môi trường được nhà nước tài trợ, nhưng kết quả khoa học quá ít ỏi. Nhớ lại hơn 25 năm trước, chúng ta là nước độc nhất trong vùng Đông Nam Á ghi được phóng xạ từ Chernobyl và nghiên cứu quy luật của chúng, kết quả khoa học này vẫn còn lưu giữ trong các tạp chí quốc tế.

Các hãng thông tấn hôm 16.3 đưa tin tình trạng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima là “gần Chernobyl”. Một số chuyên gia đã nâng tai nạn lên cấp 6 theo thang quốc tế, chỉ dưới Chernobyl (cấp 7, cao nhất) (xem box). Mong cho điều tồi tệ nhất không xảy ra. Nhưng nếu lò bị nổ do áp suất và nhiệt độ quá cao (tuy vẫn chưa phải là Chernobyl), thì phóng xạ sẽ nhiều hơn và bốc lên cao hơn, nên hoàn toàn có thể phát hiện được ở Việt Nam bằng những thiết bị hiện có.

Trong bất cứ tình huống nào, nhân cơ hội này phải tổ chức nghiêm túc lại công tác quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Đây không phải là lúc nói mà không làm gì đúng thực chất. Fukushima cách ta hơn 5.000km, nhưng rồi đây nhà máy điện hạt nhân sẽ ở ngay trong nước ta, hoặc chỉ cách biên giới 60km phía bên Trung Quốc.

GS. PHẠM DUY HIỂN

Tai nạn ở lò phản ứng Fukushima khác với Chernobyl thế nào?

Hôm 13.3, chủ tịch cơ quan An toàn hạt nhân Pháp đánh giá tai nạn ở các lò phản ứng Fukushima phải được xếp cấp 6 trên thang sự cố hạt nhân quốc tế (INES) thay vì cấp 4 do cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật xếp trước đó. Nếu thế, tai nạn ở Fukushima nghiêm trọng hơn Three Mile Island (cấp 5), tuy vẫn chưa bằng Chernobyl (cấp 7). Vậy tai nạn ở Fukushima khác Chernobyl ở chỗ nào?

Bản chất cơ chế tan chảy lõi lò rất khác nhau: Ở lò phản ứng Fukushima và Chernobyl đều có hiện tượng tan chảy lõi lò, có thể ở Fukushima chỉ mới tan chảy một phần, khác với toàn phần ở Chernobyl. Nhưng cho dù ở Fukushima có tan chảy toàn phần đi nữa, thì hai cơ chế tan chảy vẫn khác nhau về bản chất, từ đó quy mô tác hại cũng hết sức khác nhau.

Tai nạn ở Chernobyl được gọi là tai nạn tới hạn: lò đang dừng ở chế độ dưới tới hạn (gần như bom nguyên tử đang cất trong kho) để sửa chữa hệ thống điện, bỗng nhiên được đưa lên trạng thái quá tới hạn (giống như bom nguyên tử sắp nổ) do một loạt sơ suất của tổ vận hành.

Ở Fukushima, lò đã được đưa vào chế độ dưới tới hạn nhờ có hệ thống dập lò khẩn cấp khi xảy ra động đất. Nhưng các bó nhiên liệu không được tải nhiệt do hệ thống bơm nước không hoạt động nên nhiệt còn dư do phóng xạ (6% công suất trước khi lò dừng) làm chúng lên quá 2.000oC, các viên gốm nhiên liệu đã nóng chảy, bằng chứng là xêsi phóng xạ đã thoát ra ngoài môi trường do thùng lò bị hư hại. Thùng lò ở đây rất dày, khác với Chernobyl là loại lò kênh, lõi lò kích thước rất lớn, nhà lò lại không kiên cố nên không chống đỡ nổi với vụ nổ có sức công phá lớn. Nhưng không loại trừ khả năng thùng lò ở Fukushima tiếp tục hư hại thêm, làm cho mức phóng xạ bên ngoài cao lên.

Hậu quả cũng rất khác nhau: mức phóng xạ quanh khu vực lò ở Fukushima thấp hơn ở Chernobyl rất nhiều lần, và chúng không lan truyền xa như trường hợp Chernobyl do được bốc lên tầng khí quyển cao bởi nhiệt độ và áp suất gây ra vụ nổ rất lớn. Trên tầng cao ấy, chúng di chuyển “thoải mái”, nhất là theo dòng xiết tây hướng (westerly jet stream) sang tận phía đông, rồi tiếp tục hành trình sang Bắc Mỹ. Ngược lại, bụi phóng xạ từ Fukushima bốc lên không cao lắm, khó di chuyển đi xa, và dễ bị tiêu tán do mưa cùng các xáo trộn thường xuyên trong tầng đối lưu thấp.

No comments:

Post a Comment