Wednesday, March 30, 2011

30/03 Yếu tố con người trong an toàn công nghiệp

Ngày 30.03.2011, 08:14 (GMT+7)

Yếu tố con người trong an toàn công nghiệp

SGTT.VN - Tại sao ở một nước công nghiệp hùng mạnh có trình độ và phương tiện kỹ thuật hiện đại như Nhật Bản lại có thể để xảy ra tai nạn hạt nhân với hậu quả trầm trọng như tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong những ngày vừa qua?

Sự chủ quan của con người

Nhân viên tổ chức Hoà bình Xanh đang kiểm tra nồng độ phóng xạ tại làng Namie cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 30km, ngày 26.3.2011. Ảnh: Reuters

Thời chiến tranh lạnh, mọi người đều biết rằng những lò phản ứng nước nhẹ PWR và BWR an toàn hơn những lò graphit RBMK trong một nhà máy điện hạt nhân. Thế nhưng các vị lãnh đạo của Liên Xô (cũ) vẫn quyết định xây những nhà máy điện RBMK chỉ vì họ đang có sẵn hoạ đồ của kiểu nhà máy điện loại này. Ngoài ra, việc dời ngày sản xuất điện hạt nhân để có thì giờ nghiên cứu một nhà máy điện loại nước nhẹ an toàn hơn, sẽ là sự thú nhận rằng công nghệ của Liên Xô thua công nghệ các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Chủ quan coi rủi ro mà một nhà máy điện hạt nhân kiểu RBMK mang lại cho con người không quan trọng bằng lợi ích chính trị, chính quyền của nước Nga Xôviết đã khơi nguồn cho thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Trở lại với tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Nếu cách đây 40 năm, công nghệ PWR và BWR được coi là đủ an toàn để có thể xây đại trà những nhà máy điện hạt nhân thì ngày nay, người ta biết thêm rằng công nghệ PWR cho nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn công nghệ BWR, vì công nghệ này có thêm một mạch nước giữa lõi của lò phản ứng và cụm phát điện. Chỉ có điều chi phí cho mạch ngăn cách này chiếm 15 – 20% tổng giá trị cụm hạt nhân của một nhà máy điện! Những người lãnh đạo của tập đoàn TEPCO (Nhật) đã chọn xây những tổ phát điện hạt nhân ở Fukushima theo công nghệ BWR để tiết kiệm vốn đầu tư. Sự lựa chọn này đã khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima càng trở nên thiếu an toàn trong tai nạn sóng thần ngày 11.3.

Trước khi xảy ra tai nạn Fukushima, người ta cũng đã phát hiện một số nhà máy điện hạt nhân ở Nhật bị rút ruột và các công ty điện Nhật Bản khai man trong những báo cáo với chính phủ về an toàn và tai nạn hạt nhân. Những thông tin sai lệch đó, khi tai nạn xảy ra, chắc chắn sẽ khiến những quyết định, giải pháp ứng cứu cũng sai lệch dẫn đến kém hoặc không hiệu quả.

Để giảm ảnh hưởng của tính chủ quan từ con người khi nghiên cứu và thiết kế, người ta tự đặt trước những tiêu chuẩn định giá về an toàn và những phương cách tính toán dẫn tới kết luận. Những tiêu chuẩn và phương cách tính toán đó phải được quy định chặt chẽ, khoa học trước khi bắt tay vào thực hiện để tránh các xúc cảm thời sự chi phối, ảnh hưởng khi tiến hành nghiên cứu.

Rủi ro, hiểm nghèo và tai nạn

Các nhà khoa học đã sáng chế từ “cindynique”, mà chúng tôi không biết dịch sang Việt ngữ ra sao, để chỉ môn quản lý ba khái niệm liên quan đến công nghiệp mà chúng ta thường lầm lẫn: “rủi ro”, “hiểm nghèo” và “tai nạn”.

Trong cindynique, rủi ro là điều bất ngờ không may như một vụ lụt, một cơn bão, một trận động đất; hiểm nghèo là một tình huống có tiềm năng làm hại đến sự toàn vẹn của cơ thể, của tài sản hay của môi trường; tai nạn là một sự kiện không ai muốn xảy ra, nhưng đã xảy ra và xâm phạm sự toàn vẹn đó. Người ta cũng phân biệt ra thảm hoạ, một tai nạn có hậu quả trầm trọng với sự cố, một tai nạn có hậu quả không đáng kể trong cindynique.

Để được – thua một điều gì đó trong cuộc sống, chúng ta thường chấp nhận cuộc sống có những rủi ro với hậu quả có thể chấp nhận được nếu tai nạn xảy ra. Chính vì vậy, các chuyên gia về cindynique nghiên cứu việc xác định, định giá và quản lý rủi ro để giảm xác suất xuất hiện, giảm tình huống hiểm nghèo và giảm hậu quả của tai nạn. Họ vận dụng những môn khoa học tự nhiên (chủ yếu là địa chất, thiên văn, thuỷ văn), khoa học chính xác (chủ yếu toán học, vật lý học và hoá học) và khoa học nhân văn (chủ yếu là tâm lý học, xã hội học và kinh tế học) để thực hiện điều này. Trong số ba ngành khoa học nói trên, ngành khoa học nhân văn có vẻ khó nhất vì liên quan đến yếu tố con người. Đây là yếu tố rất quan trọng vì hậu quả của tai nạn do con người gây ra có thể rất lớn, rất lâu dài và cái chính là khó tiên đoán được hết các tình huống tai nạn mà con người có thể gây ra do vô tình hay hữu ý.

Con người là quan trọng nhất

Bản chất con người là không thể tiêu chuẩn hoá được bởi dù có được đào tạo theo những tiêu chuẩn chung đi nữa thì mỗi con người vẫn có những phản ứng riêng rất khác nhau.

Một cỗ máy luôn làm đúng theo quy định thiết kế cho tới khi hỏng hóc. Còn con người thì có thể làm đúng hoặc sai, sai ít hay sai nhiều tuỳ vào tâm trạng, sức khoẻ... Chưa kể chuyện đúng, sai của con người còn thường xuyên bị chi phối bởi những yếu tố khác: chủ quan và hiếu thắng (như trường hợp thảm hoạ Chernobyl) hay lợi ích, thiếu trách nhiệm (trường hợp chọn công nghệ BWR tại nhà máy Fukushima; thông tin sai lệch về an toàn và tai nạn tại một số nhà máy điện hạt nhân khác tại Nhật) v.v.

Kinh nghiệm cho thấy những đất nước có nền công nghiệp mạnh cần ít nhất một thế hệ để có thể hình thành được nền văn hoá an toàn công nghiệp thông qua giáo dục, rèn luyện, thực tập. Trên cái nền văn hoá xã hội về an toàn công nghiệp đó, mới mong kiến thức khoa học cũng như ý thức cá nhân của từng con người về an toàn công nghiệp được nâng cao, được hoàn chỉnh – yếu tố rất quan trọng góp phần đảm bảo an toàn cuộc sống của toàn xã hội.

Một nước công nghiệp tiên tiến như Nhật mà an toàn công nghiệp vẫn chưa đảm bảo, vẫn bị đe doạ bởi yếu tố con người – thể hiện qua vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima – thì mọi dự đoán lạc quan hay chắc chắn về tương lai hạt nhân an toàn đều cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.

ĐẶNG ĐÌNH CUNG, KỸ SƯ TƯ VẤN

Xem thêm:

Người dân Đức cương quyết đòi bỏ điện hạt nhân

Từ nửa tháng nay, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật, tại các thành phố Berlin, Munich, Cologne, Hamburg… liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ đòi bỏ điện hạt nhân. Ước tính khoảng 250.000 người xuống đường đòi Chính phủ Đức đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử ngay lập tức. Nhóm vận động môi trường BUND truyền tải thông điệp: “Chúng ta không thể chịu đựng rủi ro tai hoạ nguyên tử hơn nữa”. Các nhà lập pháp phe đối lập cũng kêu gọi đóng cửa tất cả lò phản ứng trước năm 2020.

Trước sức ép ngày càng tăng của công luận, Berlin đã ra lệnh tạm đóng cửa bảy nhà máy điện hạt nhân trong ba tháng chờ thẩm định tình trạng an toàn, nhưng 70% người Đức cho rằng đó chỉ là biện pháp mang tính đối phó, nhằm phục vụ mục đích tranh cử. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Vụ khủng hoảng hạt nhân tại Nhật đã thay đổi cái nhìn của tôi về năng lượng hạt nhân. Tuy vậy, chưa phải lúc thích hợp để bàn về việc thay đổi chính sách hạt nhân”. Chính phủ Đức muốn kéo dài thời gian sử dụng 17 nhà máy điện hạt nhân thêm 12 năm. Từ năm 1986, sau khi thảm hoạ Chernobyl khiến phóng xạ tràn vào Ðức, vấn đề điện hạt nhân đã trở đi trở lại trên bàn nghị sự. Người dân Đức đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình thường xuyên nhằm gây áp lực với chính phủ. Cách đây mười năm, chính quyền tả khuynh đã đưa ra kế hoạch ngưng sử dụng năng lượng nguyên tử trước năm 2021. Tuy vậy, chính quyền bà Merkel đã tu chính lại quyết định này năm ngoái.

NGÔ BÁ (INDEPENDENT, AFP, AP)

No comments:

Post a Comment