Cập nhật: 10:43 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011
Media Player
Các ban châu Á tại BBC World Service tuần trước đã tổ chức thảo luận về đề tài Sức mạnh Châu Á: Dân chủ hay Phồn vinh Kinh tế?
Năm ban gồm các ngôn ngữ Hindi, Indonesia, Miến Điện, Trung và Việt đồng tổ chức sự kiện này vào ngày 29/06/2011 tại Sở Chứng khoán London.
Các khách mời có giáo sư Athar Hussain, Giám đốc Viện nghiên cứu Á châu, trường Kinh tế Luân Đôn (LSE); giáo sư Lưu Thược Giai (Guy Liu), Trưởng khoa Kinh tế học và Tài chính, Đại học Brunel; sử gia Martina Nguyễn, Đại học University of California, Berkeley; tiến sĩ Intan Ichsan, nhà nghiên cứu Indonesia, Đại học Exeter và ông Van Biak Thang, phó chủ biên trang chinlandguardian.com của người Miến Điện.
Chủ tọa chương trình thảo luận (bằng tiếng Anh) là Nguyễn Hoàng, BBC tiếng Việt và Britt Yip từ BBC tiếng Trung.
Trong phần ba của loạt bài tường thuật về buổi tọa đàm này, BBC Việt ngữ xin lược dịch và tổng hợp các ý kiến thảo luận xoay quanh câu hỏi do nữ khán giả Hồi giáo người Indonesia nêu ra.
Khán giả này hỏi Giáo sư Lưu Thược Giai rằng "Ông nói dân chủ nghe chừng như là dự án của phương Tây, vốn xa lạ đối với Châu Á. Nhưng tôi là người Hồi giáo và tôi luôn nhớ điều học được từ người thầy Hồi giáo của mình là: 'Một trong ba hồng ân quan trọng nhất Thượng Đế ban cho con người là tự do'. Và theo tôi dân chủ là hệ thống chính trị có nhiều khả năng đem lại tự do cho chúng ta nhất'.
Tôi muốn nghe thêm ý kiến bình luận của quý vị về vấn đề này, nhất là các cử tọa và khán giả Trung Quốc."
Tôi là người Hồi giáo và tôi luôn nhớ điều học được từ người thầy Hồi giáo của mình là một trong ba hồng ân nền tảng nhất Thượng Đế ban cho con người là tự do.
Nữ khán giả người Indonesia
GS Lưu trả lời: "Theo ý tôi, khi đề cập đến chuyện giá trị của dân chủ nằm ở chỗ nó đặt nền tảng cho tự do thì trong một chừng mực nào đó, người Trung Quốc bây giờ có nhiều tự do hơn bao giờ hết.
Về mặt tự do ngôn luận, họ muốn nói gì thì nói trên đường phố. Còn về tự do lựa chọn, họ có thể chọn nhiều rất nhiều thứ trên thế giới. Họ có thể đến nước Anh này để mua sắm. Thực ra chính phủ nước Anh mới là không dân chủ khi không cấp visa cho họ."
GS Lưu thách thức: "Vậy nếu nước Anh nói là mình dân chủ hơn thì sao không cấp thị thực cho người ta đến nước này, miễn sao người ta trả đủ tiền cho thị thực thôi chứ."
Và ông kết luận: "Nói tóm lại, nếu nói về tự do không thôi thì người Trung Quốc bây giờ đã thực sự có nhiều tự do hơn rồi."
Tuy nhiên, quan điểm này của GS Lưu đã bị Martina Nguyễn thách thức lại khi cô hỏi ông: "Nếu ông nói là người Trung Quốc hiện giờ có nhiều tự do hơn lúc nào hết và đó là cái thước mà ông đem ra để định nghĩa dân chủ thì tôi xin hỏi, thế còn những thuộc tính khác của về dân chủ thì sao? Chẳng hạn như tính chịu trách nhiệm, minh bạch, và sự tham gia của người dân vào chính trị?"
GS Lưu trả lời cần phải có luật lệ. Theo ông, cần phải xây dựng hệ thống luật pháp rõ ràng để nói rõ với thế giới rằng đây là luật của tôi trong thời kỳ chuyển đổi quyền lực từ điểm A đến điểm B.
Đến đây, GS Hussain chen vào và đổi hướng cuộc thảo luận đang có vẻ nghiêng về mối quan hệ một chiều giữa dân chủ và phồn vinh kinh tế sang việc phát triển kinh tế mang lại những tiến bộ về mặt dân chủ.
Ông nói: "Tôi muốn chỉ ra rằng, trong trường hợp của các nước Đông Á, phồn vinh kinh tế đã mang lại nhiều thay đổi trên chính trường. Nếu các bạn nhìn vào ví dụ của Đài Loan, Nam Hàn. Lúc họ đang phát triển nhanh thật nhanh thì họ đâu có phải là các quốc gia dân chủ. Nhưng sau khi họ đạt tới một tầm phát triển nào đó thì chính sự phát triển đó đã mang lại tiến bộ trong hệ thống chính trị của các nước này."
Ông nói tiếp: "Thế nên chúng ta không nên xem mối liên hệ giữa dân chủ và phồn vinh kinh tế như thể đây là quan hệ một chiều".
"Tôi nghĩ chắc chắn là ở Trung Quốc cũng thế, với sự phát triển kinh tế như hiện nay, rất có nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy, thậm chí chúng ta đã thấy nhiều sự thay đổi quan trọng trong cơ cấu chính trị nước này sắp tới."
Nguyễn Hoàng đặt câu hỏi cho GS Hussain: "Nói như vậy có phải ông đang cho rằng các nước như Việt Nam, Trung Quốc hãy tạm gác lại việc cải cách chính trị và dân chủ, và tập trung vào giải quyết những việc cấp bách hơn như kiểm soát lạm phát chẳng hạn?"
Ai mà không chọn dân chủ thì chẳng khác gì bôi nhọ lên mặt mũi mình
Giáo sư Athar Hussain, Giám đốc Viện nghiên cứu Á châu, LSE
GS Hussain trả lời "À, đấy có thể là lập luận khá thuyết phục đấy. Nhưng điều tôi muốn nói là anh đâu có bị đối mặt với sự lựa chọn đó đâu. Anh thử cho tôi một ví dụ mà người ta được chọn một bên là lạm phát thấp và một bên là dân chủ xem.
Dĩ nhiên là nếu cho người ta chọn thì chắc chắn người ta nhắm mắt cũng chọn dân chủ rồi. Dân chủ tốt mà. Ai mà không chọn dân chủ thì chẳng khác gì bôi nhọ lên mặt mũi mình."
Tiến sĩ Ichsan bổ sung thêm ý này bằng cách chia sẻ kinh nghiệm đã sống qua thời Suharto của ông. Ông nói nhiều khi dân đen lầm than không có ý thức được tầm quan trọng của tự do chính trị quan trọng như thế nào cho con người.
Ông kể: "Từ giai đoạn 1970 đến 1977 người dân Indonesia được ổn định phát triển kinh tế và nhờ đó tạo ra được một tầng lớp người có thu nhập trung bình trong xã hội. Chính những người này đã nhận ra tự do chính trị là một giá trị quan trọng đối với con người.
Từ đó họ mới đòi hỏi tự do chính trị. Vì thế tôi đồng ý kiến cho rằng có thể mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển kinh tế không chỉ một chiều, dân chủ trước rồi phát triển kinh tế sau mà nó có thể là chiều ngược lại nữa. Và tại Châu Á, chúng ta thấy nhiều ví dụ tại đây, nhất là khi nói về mô hình phát triển kinh tế Châu Á."
Ông Van Biak Than nhận xét thêm về quá trình chuyển đổi dân chủ tại Trung Quốc: "Sự ảnh hưởng hay là sự nổi trội của mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc, nhất là ở Miến Điện, không chỉ là mối đe dọa đối với môi trường, xã hội, kinh tế mà còn đe dọa cả sự ổn định chính trị của nước này. Vì thế khi GS Lưu nói Trung Quốc đã phần nào có được tự do và pháp trị thì tôi nghĩ rất có thể Trung Quốc không ý thức được quá trình chuyển đổi dân chủ này. Thế nên điều quan trọng là phải có một hệ thống trước để từ từ đưa vào dân chủ vào.
Ý tôi là phồn vinh kinh tế thì rất quan trọng để duy trì dân chủ nhưng chỉ với điều kiện dân chủ đã là tiền đề rồi."
GS Hussain bổ sung thêm về ý kiến này: "Tôi nghĩ điều kiện kinh tế xã hội của các nước Châu Á khác nhau nhiều lắm. Vì thế hệ thống Trung Quốc có thể hoạt động rất tốt ở Châu Á, nhưng nó không thể được xuất khẩu như một thứ hàng hóa sang Ấn Độ. Thế nên chúng ta hãy nhìn nhận rằng điều kiện kinh tế xã hội của Ấn Độ rất khác so với Trung Quốc.
Phồn vinh kinh tế thì rất quan trọng để duy trì dân chủ nhưng chỉ với điều kiện dân chủ đã là tiền đề rồi
Van Biak Thang, Phó chủ biên chinlandguardian.com
"Bởi thế chúng ta chỉ nên phán xét nền dân chủ của Ấn Độ không chỉ qua khả năng phát triển kinh tế mà còn qua những thành tự phi kinh tế như thành lập nên một quốc gia từ nhiều nhóm sắc tộc rất đa dạng. Ấn Độ về mặt chủng tộc thì hơn hẳn Trung Quốc nhiều".
"Thế nên, việc Ấn Độ tạo ra được một quốc gia bao gồm nhiều văn hóa sắc tộc khác nhau, tự bản thân nó, là một tài sản quý báu của Ấn Độ trên bình diện dân chủ. Và đừng quên rằng, nước Pakistan kế bên Ấn Độ, vốn là hệ thống không có dân chủ đồng thời phát triển kinh tế cũng chẳng tốt gì.
"Câu hỏi nên đặt ra là: Nếu Ấn Độ đã không có nền dân chủ đó thì đất nước này đã ra làm sao? Và không có bất cứ điều gì có thể đảm bảo là khả năng phát triển kinh tế của Ấn Độ có thể cao hơn bây giờ cả."
Nguyễn Hoàng đặt câu hỏi cho Martina Nguyễn: Các quốc gia Đông Nam Á có vẻ không muốn xen vào chuyện nội bộ quốc gia của nhau. Đấy có phải là do văn hóa hay giá trị của Châu Á hay không? Hay đây chỉ là cái cớ để các nước trốn tránh các vấn đề của chính họ như vi phạm nhân quyền, tham nhũng v.v.?
Martina Nguyen trả lời: "Tôi nghĩ rằng ý tưởng tạo nên khối các nước Đông Nam Á suy cho cùng là để các nước nhỏ đoàn kết chống lại bá quyền của Trung Quốc, bởi Trung Quốc ngày càng ảnh hưởng lớn trong khu vực này.
Nói cách khác đó là cách các quốc gia này bảo vệ nhau, hơn là che dấu mấy chuyện không hay như vi phạm nhân quyền... Nói vậy chứ cũng còn nhiều tranh cãi liệu các nước Đông Nam Á có phát triển kinh tế thành công không và các nước này cũng bị chỉ trích nhiều vì không tuân theo các quy định về nhân quyền. Đó là vấn đề còn phải xem xét."
No comments:
Post a Comment