TT - Cảnh Bob Dylan xuất hiện năm 1963 ở Newport Festival quá giống cảnh chàng trai Trịnh Công Sơn lần đầu tiên ôm đàn hát tại quán Văn phía sau Ðại học Văn khoa Sài Gòn năm 1967. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, hai con người ấy, theo một cách khác, sẽ "gặp nhau" tối 10-4 tại TP.HCM.
>> Read this on Tuoitrenews.vn
Năm 1963, ca sĩ Joan Baez (trái) đã giới thiệu về Bob Dylan - chàng trai ôm đàn bên cạnh: “Anh ấy có cái tai lắng nghe thế hệ của mình” - Ảnh: Life |
Thuở ban đầu ấy ở Newport, Bob Dylan cũng có cái bóng một nữ ca sĩ luôn bên cạnh anh, như anh chàng họ Trịnh. Người nữ ấy, ca sĩ Joan Baez, giới thiệu Bob Dylan như sau: "Mỗi thời đại, mỗi thế hệ đều có những người hùng. Mỗi nhu cầu đều có một giải đáp. Báo chí thường nói rằng những người hùng của giới trẻ chọn lựa vai trò dẫn dắt. Tôi lại nghĩ thật ra những người hùng ấy đã lớn lên từ nhu cầu của thế hệ mình. Và bây giờ là một người thanh niên đã lớn lên từ nhu cầu ấy. Anh đến đây vì có những điều cần được nói, vì có những người cần nghe anh ấy nói, nói theo cách của họ. Anh ấy có cái tai lắng nghe thế hệ của mình" (He has an ear on his generation). Thật đúng với ca khúc Blowin’ in the wind hôm ấy Bob Dylan hát. Trong ca khúc này có câu: And how many ears must one man have, before he can hear people cry? (Phải có bao nhiêu đôi tai, trước khi nghe thấy thiên hạ khóc?).
Thảo nào Bob Dylan vừa hát vừa đàn, ngón tay anh luôn trên những dây đàn và một người dẫn chương trình đã nhận xét Bob Dylan "đặt ngón tay nghe nhịp đập của thế hệ mình" (He has the finger on the pulse of our generation).
Từ đâu "lỗ tai nghe ngóng thế hệ" và "ngón tay nghe nhịp đập của thế hệ" ấy, nếu như không từ cái nền học vấn? Người cựu sinh viên Ðại học Minnesota tên Robert Allen Zimmerman vốn mê thi ca cũng thế. Mê đến nỗi năm 21 tuổi (1961) xin đổi tên thành Bob (rút ngắn từ Robert) Dylan do mê mẩn thi sĩ Dylan Marlais Thomas chết trẻ năm 39 tuổi (1953). Những năm đầu thập niên 1960 ấy, ảnh hưởng triết học, văn chương Pháp, đặc biệt là tinh thần "dấn thân" của nền "thi ca dấn thân" (poésie engagée), vẫn còn lan tỏa khắp thế giới.
Thái độ "dấn thân" này sẽ tạo nên các ca khúc phản kháng (protest songs) của Bob Dylan. Cũng thế, ở VN, người sinh viên sư phạm Quy Nhơn từng đậu bậc Philo (tú tài Pháp ban triết), tất nhiên từng phải học cả Huyền thoại (đội đá vá trời) của Sisyphe (le Mythe de Sisyphe) lẫn Con người phản kháng (L’homme révolté), có sáng tác Trường ca dã tràng hay dòng "nhạc Trịnh" đầy tính phản chiến cũng là điều tất yếu.
Trong những năm đầu đó của cuộc chiến tranh VN, Bob Dylan đã biết "lắng nghe nhịp đập của thế hệ mình" lắm mới có thể khởi xướng làn sóng nhạc phản chiến. Vào những năm đầu thập niên 1960, lớp binh sĩ Mỹ đầu tiên qua VN còn lý tưởng, hăng hái lắm. Trong bối cảnh đó, những ca khúc như: The times they are a changin (Thời khắc của đổi thay) hay Masters of war (Chúa tể chiến tranh), Chimes of freedom (Thanh âm của tự do) của Bob Dylan chính là những "phát đạn" đầu tiên bắn vào "tinh thần chiến đấu của binh sĩ" Mỹ, làm họ sớm ngộ ra chiến tranh là gì.
Thật vậy, vào những năm 1962-1963 ấy, còn gì lay động tinh thần hơn khi nghe How many times must a man look up, before he sees the sky? And how many deaths will it take till we know, that too many people have died? (Phải ngước cổ nhìn lên bao nhiêu lần trước khi trông thấy bầu trời? Phải mất bao nhiêu mạng người, để chúng ta mới vỡ lẽ được rằng đã có quá nhiều người chết rồi?).
Tác động phản chiến không đợi lâu: ngày 2-5-1964, sinh viên Mỹ đã lần đầu xuống đường chống chiến tranh tại quảng trường Times Square ở New York và tại San Francisco. Mười ngày sau, tại New York, 12 thanh niên Mỹ đầu tiên đốt thẻ động viên, một hành động bị xem là phạm pháp, để khỏi vào tù thì trốn qua Canada.
Và 12 năm sau, Bob Dylan viết tiếp một Knockin’ on heaven’s door để kết thúc chiến tranh. Còn gì tang tóc hơn?
Mama, take this badge off of me
I can’t use it anymore
It’s gettin’ dark, too dark for me to see I feel like I’m knockin’ on heaven’s door.
(Má ơi, hãy gỡ cái thẻ bài này ra cho con.
Con đâu có xài nó được nữa.
Tối mù mắt con rồi, không thấy gì hết.
Giống như con đang gõ cửa thiên đàng vậy đó).
DANH ÐỨC
Bob Dylan và “căn phòng có hai cửa sổ” Sau đêm diễn vào tối 8-4 tại Thượng Hải, Trung Quốc, ca sĩ/nhạc sĩ huyền thoại người Mỹ Bob Dylan cùng êkip khoảng 20 người có mặt tại VN vào hôm nay (9-4). Ban tổ chức chương trình cho biết Bob Dylan cùng các cộng sự đến bằng máy bay riêng và yêu cầu không đón tiếp rình rang tại sân bay. Danh ca này cũng không đòi hỏi phải được phục vụ như "thượng khách", phải ở khách sạn 5 sao mà chỉ mong muốn được ở một nơi tương đối yên tĩnh, thoáng mát với căn phòng có hai cửa sổ. Cũng theo ban tổ chức, số lượng vé đã bán ra cho đêm diễn duy nhất của Bob Dylan tại VN tuy chưa hết nhưng khá khả quan và vẫn sẽ được bán đến tận giờ diễn (nếu còn vé). Do bãi giữ xe tại Ðại học RMIT (702 đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7), không đủ rộng nên chỉ phục vụ nhu cầu gửi xe của khách mua vé VIP (2.500.000 đồng). Với loại vé phổ thông (900.000 đồng), khán giả sẽ phải gửi xe tại khu hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng và được đi xe buýt miễn phí đến RMIT. Như đã thông tin, một chương trình nhạc Trịnh dài 60 phút (bắt đầu từ 19g) với sự tham gia của Cẩm Vân, Thanh Lam, Mỹ Linh, Quang Dũng, Hồng Nhung, Ðức Tuấn, Trần Mạnh Tuấn... sẽ mở màn cho buổi hòa nhạc của Bob Dylan tại VN. Riêng Bob Dylan cùng ban nhạc của ông sẽ trình diễn tùy hứng trong khoảng 2 giờ với hơn 20 ca khúc, tiết mục.
Q.N. |
No comments:
Post a Comment