BÙI PHONG KHÊ
Nằm trên cong đường thiên lý Bắc Nam, Đèo Ngang thuộc Hoàng Sơn, một nhánh của dãy Trường Sơn chạy thẳng ra biển làm ranh giới cho hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình...
Nếu có ai hỏi chúng ta bây giờ tuổi già sống xa xứ, có còn nhớ bài thơ cũ nào nói về cảnh Đèo Ngang không? Hẳn là nhiều người sẽ nhắc đến bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:
Qua đỉnh Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Đây là một bài thơ nổi tiếng, viết theo thể Đường Luật, xưa nay nhiều người tán thưởng. Bài thơ mượn cảnh Đèo Ngang gởi gắm tâm sự nhớ nước, thương nhà giữa lúc tác giả rời xa mái ấm gia đình để về kinh đô nhận một chức vụ không thể chối từ. Tâm sự của tác giả thật là "ngổn ngang trăm mối", có lúc còn tiết chế, che đậy nhưng có lúc rào rạt tuôn tràn, không cầm giữ nổi cảm xúc. Chúng ta còn nhớ bài"Chiều hôm nhớ nhà" của Bà: ngoại cảnh lần lượt gieo nỗi buồn bơ vơ xa cách vào lòng thi nhân và khi đến mức độ đỉnh điểm, không còn nén nổi niềm cảm xúc chân thật riêng tư, lời thơ đã bật ra như tiếng nấc nghẹn ngào:
Kẻ chốn Chương đài, người lữ thứ
Lấy ai mà ngỏ nỗi hàn ôn!
Từ đó ta nghĩ rằng, trên đường vào "đàng trong", lòng tác giả luôn trĩu nặng niềm nhớ thương "người ở chốn Chương đài" và cảnh nhà êm ấm.
Mấy câu "Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia" dù ai đó giảng giải bằng những lời lẽ nào đi nữa thì cũng không vượt khỏi cái ý tứ cốt lõi: tiếng chim chốc gợi nhớ nước và tiếng chim gia gia gợi nhớ nhà. Chuyện "nhớ nước" có thể chỉ là tấm mộc che chắn cho nỗi "nhớ nhà" đang tràn đầy và lấn lướt trong tình cảm nhà thơ.
Bà Huyện Thanh Quan là một nhà thơ hoài cổ theo cách nói ngày trước, ngày xưa và chuyện quá khứ. Cái nhớ ấy là bình thường, nằm trong cái nhớ chung chung của những tâm hồn lãng mạn, dửng dưng hay ít mặn nồng với hiện tại. Ý thức và tâm trạng đó bàng bạc trong văn thơ cổ điển, trong tâm sự của người xưa.
Qua những nét tiểu sử của Ông Bà Huyện Thanh Quan thì họ không trưởng thành thời Vua Lê, Chúa Trịnh, chỉ thấy hàm chức tước ở triều đại cũ.
Dựa vào chừng ấy sự kiện có người đã nhận định: Bà Huyện Thanh Quan mang tâm trạng của người bị mất nước - đất nước xưa cũ của nhà Lê đã đổi chủ mới mà lòng người miền Bắc thì không ưu thích, không muốn hợp tác với dân trào. Do đó, nhậm chức "Cung trung giáo tập" là sự bắt buộc, sự bất đắc dĩ chứ trong thâm tâm bà đó là một điều tủi nhục. Cũng theo nhận định trên, bài Qua Đèo Ngang còn cho ta thấy rõ phong hóa miền Bắc bao giờ cũng trù phú hơn miền Nam: Đàng trong là nơi mới khai khẩn, hoang hóa chưa có văn chương nghệ thuật, không có nề nếp qui củ như ở miền Bắc, cuộc sống nghèo nàn cả về vật chất lẫn tinh thần v.v...
Tôi trân trọng những khám phá mới của nhà nghiên cứu văn học, nhưng đến giờ này chưa nhận thấy được sự thuyết phục trong các suy luận nhận định trên.
Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) có bài thơ Qua Đèo Ngang:
Bãi thẳm ngàn xa cảnh vắng teo
Đèo Ngang lợi bể nước trong veo.
Thà là cúi xuống cây đòi sụt,
Xô xác trông lên, sóng muốn trèo.
Lảnh chảnh đầu mầm chim vững tổ,
Lanh chanh cuối những nũng cá ngong triều.
Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả,
Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu.
Lê Thánh Tông có hồn thơ, nhận xét khéo, lựa chữ tài, lời có khi linh động, điêu luyện. Một nhà nghiên cứu văn học có uy tín bảo rằng bài thơ của Lê Thánh Tông có phần hơn bài của Bà Huyện Thanh Quan.
Không hiểu có do tự ti mặc cảm nào không mà trong những bài vịnh người, vịnh vật như Anh thợ cạo, Người ăn mày, Thằng bù nhìn, Cái cối xay, Cái chổi... Ông cứ thích tỏ cái khí tương đế vương của Ông, cố gò chỉ những cái phàm tục nhất thành tôn kính nhất. Ngôi báu của Lê Thánh Tông đã làm hại sự nghiệp văn chương của ông.
Ngoài bài Qua Đèo Ngang dẫn trên, Lê Thánh Tông còn cho chúng ta thưởng thức thi tài của ông qua những bài thơ khác giàu hình ảnh, cảm xúc, thành thật và nhiều tình người như các bài: Lời Mẹ Vương Lăng Tiễn Sứ Giả, Đề Miếu Vũ Nương (Vợ chàng Trương), Đến Làng Tam Chế...
Sau hết tôi gởi đến các bạn bài Qua Đèo Ngang của Đặng Trần Thường, trên đường vào Nam theo Nguyễn Ánh:
Quốc bộ gian nan lặn lại trèo.
Bắc Nam đôi ngã lối quanh queo.
Một hơi kéo miết chân chồn dại.
Nửa chữ không còn bụng đói meo.
Hoa chửa tan sương cười dở khóc.
Nước còn vướng đá, chảy rồi reo.
Ước gì thân hóa ra chim nhỉ.
Muôn dặm đồ nam nhẹ cánh vèo.
Bài thơ diễn tả cảnh một người bộ hành trên đường từ Bắc lội bộ (quốc bộ: cuốc bộ) vào Nam vì mục đích mưu cầu danh lợi nhưng không bộc lộ chút gì về chuyện đó mà chỉ nói chuyện bình thường. Lời lẽ có vẻ chân chất, thành thật, gần gũi với lối nói của người bình dân.
Một hơi kéo miết chân chồn dại,
Nửa chữ không còn bụng đói meo.
Đi bộ đói khát, mỏi mệt quá nên ước mơ hóa thành chim để "nhẹ cánh vèo". Ý nghĩ đó cũng tự nhiên, đại chúng và kể cũng... tội nghiệp!
Nếu không có tựa đề đố ai biết là tác giả Qua Đèo Ngang - Một đoạn nào có dốc, có nước trên con đường Bắc Nam cũng được.
Đặng Trần Thường (1759-1813) người huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, có tài văn học nhưng tâm địa không tốt. Sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc Hà lần thứ hai, Đặng Trần Thường trình diện xin phục vụ nhà Tây Sơn nhưng Ngô Thì Nhiệm không thu nhận. Bất mãn, Đặng Trần Thường trốn vào Gia Định theo giúp Nguyễn Ánh. Khi chiêm được Bắc Hà, Gia Long cử nguyễn Văn Thành làm Tổng Trấn và đặt các Tào Hộ, Tào Binh, Tào Hình giúp Nguyễn Văn Thành. Đặng Trần Thường coi Tào Binh. Những văn thần nhà Tây Sơn như Ngô Thì Nhiệm, Phan Huy Ích... ra hàng bị đem nọc ra đánh ở trước văn miếu rồi tha cho về. Ngô Thì Nhiệm vì trước có hiềm với Đặng Trần Thường nên bị Thường sai người đánh đến chết. Một giai thoại kể rằng khi Ngô Thì Nhiệm trình diện, Thường có ra câu đối:
Ai công phần, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?
Ông Nhiệm đối lại:
Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Đặng Trần Thường làm đến Binh Bộ Thượng Thư. Sau vì làm gian sắc phong thần cho Hoàng Ngũ Phúc là tướng nhà Trịnh vào bậc Phúc thần, triều đình làm án phải tội chém nhưng rồi được tha. Thường vốn có hiềm với Lê Chất nên Lê Chất mới bới những việc như khi Thường coi Tào Binh ở Bắc thành có chiếm giữ đầm ao và ẩn lậu đinh điền.v.v.... Thường lại bị bắt bỏ ngục và xử tội giảo. Thương truyền khi ở trong ngục, Thường có làm bài "Hàn Vương Tôn Phú" bằng Quốc âm để ví mình như Hàn Tín đời Hán!
Đèo Ngang đã đi vào văn học lịch sử với những bài thơ nói trên. Ngày nay khách du quan đặt chân đén Đèo Ngang nếu không ngâm câu"cuộc cờ kim cổ chừng bao nả" thì cũng thấy bâng khuâng "một mảnh tình riêng ta với ta", và lại càng ngao ngán cho thế thái nhân tình khi nghĩ về Đặng Trần Thường: "Trong trần ai, ai dễ biết ai". Trang sử lật qua, ai lưu phương và ai lưu xú?
Nam California tháng tư buồn 2003
BÙI PHONG KHÊ
No comments:
Post a Comment