Monday, October 10, 2011

10/10 Cuộc sống của những gia đình một con ở Trung Quốc


Thứ hai, 10/10/2011, 17:04 GMT+7

Chính sách một con đã kiềm chế làn sóng sinh đẻ ở quốc gia đông dân nhất thế giới, và sau vài thập kỷ nhìn lại, người nước ngoài vẫn tự hỏi "họ sống thế nào với chính sách một con?".
Người Trung Quốc do dự sinh con thứĐua uống thuốc đa thaiNới lỏng chính sách một con

Hơn 30 năm trôi qua kể từ khi chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách một con, nhằm kiểm soát dân số. Mặc dù hầu hết các cặp vợ chồng hiện nay vẫn chỉ được phép sinh một - nếu không muốn bị phạt hoặc bỏ tù - thì giờ đây, những cặp mà cả vợ và chồng đều là con một sẽ được phép sinh hai, giống như những gia đình ở nông thôn mà con đầu là gái, và một vài tộc người thiểu số.
Không ai nghi ngờ hiệu quả của chính sách này - dân số Trung Quốc hiện là 1,4 tỷ người, cách xa so với dự báo 2 tỷ trước khi chính sách đó được đưa ra. Tuy nhiên, dưới cái nhìn dò xét của phương Tây, nó bao gồm cả việc triệt sản trên quy mô lớn và phá thai cưỡng bức. Bài viết dưới đây trên Telegraph về vấn đề này.

"Nếu bạn có nhiều hơn một đứa con, bạn sẽ không bận tâm lắm đến nghề nghiệp của mình".

Shu Tia Chen, 32 tuổi, là kế toán và chồng, anh Gan Yafei, 33 tuổi, một giám đốc dự án của IBM cùng con trai 3 tuổi Gan Muze đang sống ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Họ làm việc 10 giờ mỗi ngày, vì thế ông bà nội chăm sóc bé Muze trong tuần. Vì cả hai đều là con độc nhất, nên cặp vợ chồng này được quyền sinh thêm một con nữa, nhưng giờ đây, họ quyết định dừng lại.
"Người phương Tây nghĩ rằng chính sách một con là sự xúc phạm quyền con người, nhưng ở các quốc gia đang phát triển, người ta còn nhiều thứ phải lo lắng - chẳng hạn phải có thức ăn để trên bàn", Gan Yafei cho biết.
Còn Shu Tia Chen nói: "Chúng tôi nhớ con trai khi bé ở với ông bà, nhưng chúng tôi cảm thấy áp lực phải làm việc chăm chỉ. Chúng tôi không muốn bé cảm thấy phải trả nợ cha mẹ khi chúng tôi về già, và chúng tôi muốn con đi học trường tốt nhất để nó có thể mang lại cuộc sống tốt cho gia đình nó. Điều đó cần đến tiền. Tôi thích một công việc khác bớt áp lực, nhưng điều đó không dễ dàng. Chúng tôi đã nghe về hội chứng 'ông vua con' - về những đứa con một trong gia đình - nhưng với những người trung lưu có giáo dục, đó là một quan niệm lỗi thời.
Có một con đã trở thành phong cách sống trong các bạn bè tôi. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đáp ứng được với một số tiêu chuẩn sống nhất định. Thật chẳng đáng nể nếu bạn chỉ là bà nội trợ. Nếu bạn có nhiều hơn một con, nó chứng tỏ bạn không quan tâm đến nghề nghiệp của mình", chị nói.

"Tôi nhìn những đứa trẻ khác và khát khao"

Zeng Shao Lin, 43 tuổi, làm nội trợ, và chồng, Yang Wei Jun, 42 tuổi, tài xế cho một công ty Hong Kong. Họ có một con trai 12 tuổi Yang Heng, và sống ở Thâm Quyến.
"Chúng tôi thích có nhiều con hơn. Ở Thâm Quyến bạn có thể có 2 con nếu trả tiền (khoảng 32.000 bảng Anh), nhưng số đó bằng lương vài năm của chúng tôi. Thật khó để thích nghi với điều này, vì cả vợ tôi và tôi đều xuất thân trong những gia đình đông anh em - Tôi có 6 anh chị em và vợ tôi có 5 - Tôi lo rằng cho trai mình sẽ không có tình cảm tốt", Yang Wei Jun nói.
Zeng Shao Lin thì cho biết "Tôi yêu con trai tôi nhưng tôi sợ rằng mình sẽ luôn thất vọng, bởi tôi không thể có thêm một đứa con nữa. Tôi nhìn các em bé khác và khao khát. Con trai tôi không có ai để chia sẻ những thăng trầm của cuộc sống. Chúng tôi lo lắng nó sẽ cảm thấy áp lực để thành công vì nó là con độc nhất. Chúng tôi không có nhiều tiền nhưng vẫn phải cố gắng lo bằng bạn bằng bè, bởi xã hội Trung Quốc rất cạnh tranh. Tôi muốn Heng đi học nước ngoài để thoát ly. Tôi chỉ muốn nó hạnh phúc".
Cậu bé Yang Heng: "Khi lớn lên, cháu mong chính sách này thay đổi để cháu có thật nhiều con! Cháu muốn là một quan chức chính phủ, vì họ có quyền lực hơn người khác".

"Trong tương lai, tôi sẽ chỉ có con gái chăm sóc mình".

Ly hôn 2 năm trước, Sun Linang, 30 tuổi, là bà mẹ độc thân nuôi con, bé Du Jing Peng, 5 tuổi. Họ sống ở Thâm Quyến.
Sun Linang: "Tôi may mắn vì được sống với cha mẹ và con gái tôi vẫn có thể gặp cha nó, nhưng tôi lo lắng cho tương lai. Tôi chỉ có con gái chăm lo cho mình - chuyện gì xảy ra nếu nó đi xa hoặc chúng tôi không hòa thuận?
Tôi chưa quyết định liệu có thêm con hay không, nhưng sẽ là tốt nhất nếu bạn đời mới của tôi chưa có con, nếu không chúng tôi sẽ phải trả tiền để có thêm bé khác. Vấn đề kinh tế nảy sinh ở đây: Nếu bạn có đủ tiền nộp phạt, bạn có thể sinh thêm, mặc dù một số bạn bè tôi đã du lịch sang Hong Kong để có con thứ hai. Nếu bạn làm điều đó, con bạn sẽ là công dân Hong Kong, nghĩa là bạn không vi phạm chính sách và không phải nộp phạt. Nhưng mặt trái là con bạn sẽ không phải là công dân Trung Quốc. Với tôi, tôi chỉ muốn được yêu".

"Chồng tôi chỉ về nhà vài lần mỗi năm"

Wan Yuanxiu, 39 tuổi, một nông dân ở một ngôi làng tại tỉnh Quảng Tây, làm việc 12 giờ mỗi ngày. Một người bạn đón hộ con cho chị, bé Xi Chuanjun, 6 tuổi vào lúc 4 rưỡi chiều từ trường về. Bé sẽ ở cùng mẹ trên cánh đồng cho đến 8 giờ tối.
"Tôi sinh bé năm tôi 33 tuổi, đã khá giá rồi nhưng đây là cuộc hôn nhân thứ hai. Tôi có một con trai khác 20 tuổi với người chồng đầu tiên, nhưng anh ấy đã chết khi con tôi 11 tuổi. Khi bạn đời chết, bạn có thể có thêm một đứa con khác, nhưng chỉ khi người chồng mới chưa có con.
Bây giờ thì tôi triệt sản rồi. Ở cái tỉnh này, sau khi bạn có đứa con thứ hai, chính quyền sẽ yêu cầu bạn tới bệnh viện để triệt sản. Tôi thấy bớt lo. Tôi sẽ không đủ khả năng nuôi thêm một đứa con nữa, và giờ tôi không phải lo lắng về điều đó. Chồng tôi làm khuân vác trong thành phố, và chỉ về nhà vài lần mỗi năm. Con trai tôi muốn gặp bố nhưng không nhớ khi ông ấy đi xa. Tôi lo con sẽ cô đơn khi đi theo mình trên các cánh đồng.

"Tôi không muốn con trai mình được nuông chiều vì là con duy nhất"

Wei Fengxiu, 28 tuổi và chồng, cả hai đều làm nông, sống trong một ngôi làng cùng con trai 2 tuổi ở tỉnh Quảng Tây.
Cô nói: "Tôi và chồng gặp nhau trong một nhà máy điện ở Quảng Đông và yêu nhau, nhưng giống như hầu hết phụ nữ Trung Quốc khác, tôi chuyển đến sống với nhà chồng. Tôi làm việc trong nông trại lợn của họ. Tôi may mắn là thích nghi với nhà chồng, vì có rất nhiều người vợ Trung Quốc mâu thuẫn với mẹ chồng, thậm chí ly dị vì điều đó. Tôi nghĩ đó là vì hầu hết thế hệ tôi là con độc nhất. Không có cô con dâu nào đủ tốt cho con trai của một bà mẹ, vì thế khi cô gái chuyển đến sống cùng, nó sẽ gây ra sự oán giận.
Tôi lo điều tương tự sẽ xảy ra với con trai mình - tôi không muốn nó hư hỏng. Đó là một lý do khiến tôi muốn có thêm con. Tuy nhiên, vì con đầu của chúng tôi là trai, nên chúng tôi sẽ phải nộp phạt, và tôi không nghĩ vợ chồng mình đủ khả năng đó.

"Tôi thấy may mắn vì mình có một cô con gái"

Huang Jen, một người lính và vợ, Ha Ping, cả hai đều 24 tuổi, có một con gái 2 tuổi. Họ sống ven sông Li, ở thị trấn Fuli, tỉnh Quảng Tây.
Ha Ping cho biết: "Chồng tôi đóng quân ở Hồ Nam, cách nhà khoảng 500 km, và tôi ở với gia đình chồng để làm ruộng. Nếu bạn có con đầu là gái, bạn sẽ được phép sinh thêm một bé khác sau 4 năm. Chúng tôi sẽ thử trong 2 năm tới.
Con trai vẫn được ưa chuộng ở Trung Quốc. Nhưng tôi lại thấy may mắn vì có con gái. Nó có nghĩa là giờ đây chúng tôi không phải trả tiền để được sinh thêm con nữa, và nếu chúng tôi lại tiếp tục có con gái, ít nhất con gái tôi sẽ có chị em. Tôi có những người bạn đã phải bán trâu để trả tiền sinh thêm con. Chúng tôi kiếm được 60 tệ mỗi ngày trên đồng, và một con trâu giá khoảng 6.000 tệ, một khoản tiền rất lớn với chúng tôi.

"Tôi chọn sự nghiệp thay vì sinh thêm con"

Chen Qianlei, 40 tuổi, điều hành một công ty tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vợ của anh, Gou Xia, 40 tuổi, là một phóng viên văn hóa. Họ sống ở Bắc Kinh với con trai 7 tuổi.
Gou Xia cho biết: "Tôi luôn cố gắng đền bù cho con trai tôi bằng cách dạy bé về sự tự lập và kỷ luật. Các bậc cha mẹ Trung Quốc thường quá che chở con -chẳng hạn họ không cho con uống thẳng nước từ tủ lạnh vì sợ hại dạ dày. Tôi muốn con mình gai góc hơn, có thể đi ra thế giới và làm những gì nó muốn. Khi bé còn nhỏ tôi luôn gọi nước lạnh cho bé uống trong nhà hàng, và luôn nhận được cái nhìn tò mò của mọi người.
Lý tưởng nhất tôi thích có hai con, nhưng tôi làm việc cho chính phủ, vì thế tôi sẽ bị sa thải. Tôi ước rằng mình có thể rời đi, nhưng tôi lại yêu công việc của mình. Tôi nghĩ điều quan trọng với những phụ nữ có nền tảng giáo dục tốt như tôi là không được bỏ phí nó. Theo cách này, tôi chọn công việc hơn con cái.

"Tôi phải chăm sóc cả cha mẹ lẫn cháu"

Zhou Chun Ying, 60 tuổi, đã nghỉ hưu và đang trông cháu, Han Lin, 2 tuổi, ở tỉnh Sơn Đông, trong khi bố mẹ của bé Han Lin đi làm ở nhà máy cách đó 60 km.
Zhou Chun Ying cho biết: "Hầu hết các bạn bè tôi đều đang trông cháu. Con trai và con dâu tôi cứ hai tuần lại về một lần và mỗi lần như thế, khi bố mẹ đi, cháu tôi đều bảo "con nhớ mẹ!". Nhưng ở các thành phố, cha mẹ đều phải đi làm, đôi khi ở rất xa, vì cuộc sống rất đắt đỏ. Chúng tôi may mắn là con trai tôi đi làm không quá xa. Tôi biết một người mẹ chỉ được gặp con mình 2 lần mỗi năm.
Tôi chỉ có một con trai và đáng lẽ đã có thể sinh thêm - trước khi chính sách một con ra đời - nhưng không có thời gian và có tiền. Tôi chịu áp lực hơn con trai mình: Tôi phải trông nom cả cha mẹ mình lẫn cháu, và phải giúp trả tiền căn hộ của con trai. Điều tốt là đây là cơ hội thứ hai tôi được đóng vai cha mẹ. Tôi rất gần gũi với bé Lin - chậm chí chỉ xa cháu 2 ngày, tôi đã nhớ nó".
Lin Chun Mei, mẹ bé: "Tôi rất nhớ con gái khi trở về nhà sau mỗi ngày làm việc. Tôi gọi điện và nghe con gái gọi 'mẹ', tôi khóc - điều đó làm tôi ấm áp. Tôi thích chính sách một con. Tôi muốn dành mọi thứ mình có cho Han Lin, vì thế con bé có thể đi học đại học khi lớn lên, nhưng phải ở chỗ gần thôi để tôi có thể thường xuyên được gặp con. Chúng tôi không thể làm ở quê, vì những công việc tốt nhất là ở các vùng đang phát triển.
Tôi không thể đợi đến khi bé được 3 tuổi và có thể trở về với chúng tôi, đi nhà trẻ, nhưng tôi cũng lo rằng sợi dây liên hệ của chúng tôi sẽ yếu đi và bé sẽ nhớ bà. Dù vậy, tôi không thể nghĩ nhiều về chuyện đó, vì không còn lựa chọn nào khác".
Thuận A
n

1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete