Monday, October 10, 2011

10/10 Việt Nam đứng trước bài toán "nhập khẩu cô dâu"

10/10/2011 | 15:22:00
Hình ảnh một lớp học có các bé trai chiếm số đông đã trở nên khá quen thuộc. (Nguồn: hungyentv.vn)
Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho hay, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra muộn nhưng tăng nhanh trong những năm gần đây.

Các chuyên gia quan ngại rằng, nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn thì hàng triệu nam giới Việt có nguy cơ "ế vợ" và Việt Nam phải  “nhập khẩu" cô dâu.

Việt Nam đang thiếu 139.000 phụ nữ

Theo thống kê của Tổng cục Dân số đưa ra tại Hội thảo quốc tế và mất cân bằng giới tính vừa diễn ra tại Hà Nội, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã và đang xảy ra ở 5 trong tổng số 6 vùng kinh tế xã hội và 45/63 tỉnh, thành phố.

Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện đang ở mức cao, 111 trai/100 gái (vượt so với mức sinh học chuẩn là 104-106/100). Đặc biệt, ở một số địa phương con số này đã lên đến 130/100.

Các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng là nơi có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất với mức trung bình là 115 bé trai/100 bé gái. Trong đó, Hưng Yên là tỉnh nằm trong diện đáng báo động nhất khi chênh lệch về tỷ số giới tính khi sinh cao nhất trên toàn quốc, ở mức 130 bé trai/100 bé gái. Đứng sau Hưng Yên là các tỉnh như Hải Dương 120/100, Hải Phòng 115/100, Bắc Ninh 119/100 và Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình đều ở mức 116/100...

Ông Nguyễn Văn Tân cho hay: “Hiện Việt Nam đang thiếu khoảng 139.000 phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành. Theo dự báo, con số thiếu hụt này sẽ còn tiếp tục lớn hơn nếu không có các biện pháp can thiệp giảm tỷ số giới tính khi sinh.”

Ông Tân phân tích, nếu trong phương án có sự can thiệp tích cực để tỷ số giới tính khi sinh tăng chậm lại rồi sau đó sớm trở lại mức bình thường vào khoảng năm 2025, 2030 tỷ số này quay trở lại mức bình thường và khi đó Việt Nam sẽ thừa hàng triệu đàn ông.

Còn nếu như không có sự can thiệp, phương án tiêu cực nhất thì tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục cao cho đến giữa thế kỷ và Việt Nam cũng sẽ thừa khoảng vài triệu đàn ông, chênh lệch từ 2-3 triệu đàn ông ở lứa tuổi trưởng thành.

"Thật khó khẳng định được chúng ta thành công vào lúc nào nhưng ở phương án trung bình, có thể can thiệp tốt nhất tỷ số giới tính khi sinh có thể tăng chậm lại sẽ đạt được mức 115 vào năm 2020 chứ không phải năm 2015, sau đó nó sẽ giảm dần và đi xuống" - ông Tân cho hay.

Nguyên nhân gốc rễ của tính trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tăng cao là do tư tưởng ưa chuộng con trai vẫn còn phổ biến và sâu đậm trong tiềm thức của người dân. Việc lựa chọn những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính khi sinh cũng là một nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng không nhỏ tới sự mất cân bằng này.

Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển, nhiều người lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai như việc phụng dưỡng, thờ tự...

Theo các chuyên gia, mất cân bằng giới tính nếu không kịp thời giải quyết sẽ để lại tai họa cho dân tộc và đất nước, trong đó vấn đề kết hôn sẽ trở thành một nỗi lo lắng, hiểm họa có thực đối với nhiều nam giới.

Nguy cơ “nhập khẩu cô dâu”

Theo dự báo dân số, nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn thì mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ đạt 113 năm 2015 và 115 năm 2020. Như vậy, đến năm 2020 có số lượng nam sẽ nhiều hơn nữ từ 2,3 đến 4,3 triệu người.

Hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam có thể sẽ dẫn tới những thay đổi trong hệ thống hôn nhân và gia đình, trong đó quan trọng nhất là sẽ có hàng triệu nam giới sẽ không lấy được vợ và tạo ra nhiều vấn đề về xã hội.

Một bộ phận nam giới có thể sẽ phải kết hôn muộn và không có khả năng kết hôn, tạo ra các luồng di cư quốc tế mới, các biến thái mới của nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và nguy cơ “nhập khẩu cô dâu.” Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn ở phụ nữ sẽ tăng cao.

Những người chịu tác động nhiều nhất là đàn ông nghèo không có khả năng tìm vợ và phụ nữ nghèo có nguy cơ bị buôn bán, đôi khi được “mua” để làm vợ chung cho các anh em trai trong cùng một gia đình.

Phân tích về nguy cơ nhập khẩu cô dâu, các chuyên gia cho rằng đây là một việc không hề dễ dàng. Bởi Việt Nam không thể thu hút phụ nữ từ các quốc gia khác vì rất nhiều các quốc gia trên thế giới cũng đang gặp phải các vấn đề về mất cân bằng giới tính.

Thêm nữa, trong những năm gần đây xu hướng phụ nữ lấy chồng nước ngoài cũng đang gia tăng. Do vậy, tình trạng thiếu phụ nữ mà Việt Nam phải đối mặt dường như ngày càng khó khăn hơn.

Thống kê của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, đến ngày 31/12/2010, Việt Nam đã có hơn 30.000 phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, 85.000 người lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc... Những con số này vẫn không ngừng gia tăng và theo đó, càng tăng mối lo ngại về tình trạng mất cân bằng của thị trường hôn nhân trong nước.

Ông Tân phân tích, đây quả là một thách thức lớn bởi chúng ta vẫn chưa thể mường tượng ra được cách nào để sau này thu hút được cô dâu ở các nước láng giềng đến Việt Nam.

Do vậy, "giải pháp vàng" tháo gỡ cho bài toán mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay tại Việt Nam không phải là câu chuyện của riêng ai, một ngành cũng không thể đơn độc làm được mà cần cả xã hội cùng vào cuộc, cùng chung tay góp sức, thậm chí phải huy động cả hệ thống chính trị./.

Trao đổi về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam và hướng giải quyết, tiến sỹ Khuất Thu Hồng-Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển xã hội Việt Nam bày tỏ quan điểm: Nhiều người dân Việt Nam hiện nay quan niệm chỉ có con trai mới nối dõi tông đường nên dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Những gia đình mà ngày hôm nay họ làm mọi cách để đẻ được con trai thì 20 năm nữa họ sẽ hối hận khi con trai của họ gặp khó khăn trong việc kết hôn và xây dựng gia đình.

Vì vậy, mỗi gia đình phải suy nghĩ về vấn đề ấy một cách thấu đáo. Nếu như họ cứ khư khư quan điểm đó thì vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ không bao giờ giải quyết được. Số lượng con trai thừa sẽ cứ dồn ứ lại qua nhiều thế hệ và cái hệ lụy kéo dài hằng mấy chục năm...

Thùy Giang (Vietnam+)

No comments:

Post a Comment