Theo tiết lộ của một chủ buôn thịt lợn tại chợ Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội): Việc biến thịt lợn thành thịt bò không quá khó khăn. Nhiều chủ quán cơm, quán nhậu vẫn thường trà trộn thịt lợn vào đĩa thịt bò để tăng thêm lợi nhuận về kinh tế.
Những ngày vừa qua, báo chí Trung Quốc liên tục đưa tin về công nghệ “phù phép” thịt lợn thành thịt bò nhờ vào một chất phụ gia có khả năng gây ung thư. Thông tin trên khiến nhiều người tiêu dùng (NTD) Việt không khỏi lo lắng: liệu thị trường trong nước có hay không chất phụ gia này và thực sự có món thịt bò nào đã bị “hô biến” từ thịt lợn hay chưa? Theo tiết lộ của một chủ buôn thịt lợn tại chợ Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội): Việc biến thịt lợn thành thịt bò không quá khó khăn. Nhiều chủ quán cơm, quán nhậu vẫn thường trà trộn thịt lợn vào đĩa thịt bò để tăng thêm lợi nhuận về kinh tế. Tuy nhiên, không phải loại thịt lợn nào cũng có thể “làm giả” thành thịt bò, chủ buôn này bật mí: Chỉ có thịt lợn sề mới có thể nhào trộn với thịt bò và đánh lừa thị giác cũng như khứu giác của NTD. Lý giải cho điều này, chủ buôn thịt nói: “Vì thịt lợn sề đỏ, thịt dai gần giống thịt bò nên khi cho lẫn vào đĩa thịt bò, người ăn rất khó phát hiện”. Bản thân giá của thịt lợn sề cũng rẻ hơn thịt lợn bình thường khoảng 5.000 – 7.000 đồng/kg nên lợi nhuận thu về cho người chế biến là không nhỏ.
Tuy vậy, vấn đề đặt ra ở đây là: Phải chế biến như thế nào không chỉ làm mất mùi hôi vốn có của thịt lợn sề mà có thể có thơm của thịt bò, chủ buôn lợn này chưa trả lời được. Trong khi đó, tại Trung Quốc, với chai phụ gia ghi hãng sản xuất Thiên Tân, loại "hương vị thịt bò", chỉ sau nửa giờ ướp tẩm, những miếng thịt lợn tươi trắng trẻo đổi sang màu nâu, còn nước sốt chuyển sang màu đen và có mùi vị thịt bò. Sau đó, khi cho thịt vào nồi hầm lửa nhỏ khoảng 1 giờ, miếng thịt lợn đổi màu sẫm hơn và bằng mắt thường, người ăn sẽ rất khó có thể nhận ra rằng đó là thịt lợn vì các thớ thịt của nó trông chẳng khác gì như món bò bít tết.
Chủ tiệm shop Phương L., chuyên bán Vani, hóa chất, tinh dầu thơm, phẩm màu thực phẩm,… không khỏi ngạc nhiên: “Làm sao có thể biến đổi thịt nọ sang thịt kia được. Chúng tôi chỉ có hương thịt lợn, hương thịt bò cho thêm vào thức ăn để tăng vị đậm đà, chứ không thể nào biến đổi bản chất của thịt được”. Tuy nhiên, khi pv gặng hỏi lại một lần nữa, chị L.: ngần ngừ: Nếu thực sự người mua muốn thịt lợn có mùi thơm của thịt bò thì chỉ cần cho 1 chén nước nhỏ hương bò vào 1kg thịt lợn sẽ biến đổi mùi vị, còn màu sắc thì phải dùng phụ gia màu khác. Tại cửa hàng số 11x Hàng Buồm, khi nghe khách hàng giãi bày mục đích của mình, chị H. chào hàng chúng tôi bằng một chai nước 1 lít có xuất xứ từ Trung Quốc với giá 350.000 đồng. Chị H. nói: “Loại nước này được gọi là tinh bò, đem lại cho thức ăn mùi vị của thịt bò, nhưng không làm biến đổi màu sắc của thức ăn”. Khách hàng thường mua về cho thêm vào thịt bò, chứ ít ai cho vào thịt lợn. “Việc cho tinh bò vào thịt lợn có làm biến đổi 100% thịt lợn thành thịt bò hay không, tôi cũng không biết vì tôi chưa từng làm thử bao giờ”, Chị H. phân trần.
Tìm hiểu thêm về vấn đề này, pv tìm đến cửa hàng chuyên bán phụ gia thực phẩm ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Chủ cửa hàng là một bà lão trạc ngoài 60 tuổi, sau khi hỏi rõ nhu cầu về sản phẩm mà chúng tôi muốn mua, bà đưa ra một túi bột trắng, trên bao bì không hề có nhãn mác sản phẩm cũng như bất kỳ một hướng dẫn sử dụng nào. Thoạt nhìn,loại bột này giống bột chua nhưng khi nếm thử thì lại nó lại không có vị chua và tan nhanh trong miệng. Theo bà lão bán hàng: Sau khi cho một lượng bột khoảng 2 thìa cà phê này vào 1kg thịt lợn, pha thêm một ít rượu, ngâm tẩm trong một thời gian ngắn thịt lợn sẽ tự khắc biến đổi thành màu đỏ giống như món lạp sườn mà các bà nội trợ vẫn thường thấy ngoài chợ. Tuy nhiên, khi chúng tôi mua về sử dụng thử, ngâm bột với thịt lợn và rượu như hướng dẫn của người bán hàng nhưng sau nhiều giờ đồng hồ, thịt có cứng hơn nhưng khi cho lên rán thì vẫn không hề thay đổi về màu sắc.
Như vậy có thể thấy, ngay cả người bán hàng cũng không hiểu hết công dụng cũng như cần phải có những hiểu biết tối thiểu về sản phẩm hàng hóa của mình. Điều này sẽ khiến không ít người tiêu dùng nghi ngờ: biết đâu, loại phụ gia thực phẩm có khả năng gây ung thư “hô biến” thịt lợn thành thịt bò đang được điều tra tại Trung Quốc này vẫn đang nằm ở đâu đó trên kệ bán hàng của các cửa tiệm buôn bán phụ gia thực phẩm ở Việt Nam mà chính người bán cũng không biết công dụng? Trong khi đó, khuyến cáo về vấn đề sử dụng phụ gia thực phẩm bày bán trôi nổi tại các chợ đầu mối, không rõ nguồn gốc xuất xứ, BS. Nguyễn Xuân Mai - Nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM - luôn lưu ý: Loại hóa chất mua ở chợ trời, không phải phụ gia thực phẩm hỗ trợ cho quá trình chế biến đều rất độc hại, mức độ nặng – nhẹ tùy thuộc vào thời gian ngâm tẩm ngắn hay dài. “Đó là những hóa chất nhiễm tạp chất rất nhiều, khi ăn vào, những tạp chất đó đều rất độc cho cơ thể” – BS. Mai không quên nhấn mạnh. |
No comments:
Post a Comment