Về việc thải nước nhiễm phóng xạ nồng độ thấp ra biển, nhà báo Osaki Yoichiro của đài chúng tôi cho rằng: ''Công ty Điện lực Tokyo TEPCO không thể tìm được nơi nào phù hợp để chứa chỗ nước đã bị nhiễm phóng xạ nồng độ thấp, vì vậy, họ không còn cách nào khác ngoài cách thải ra biển.
TEPCO giải thích rằng, họ buộc phải làm như vậy là để lấy chỗ chứa lượng nước nhiễm phóng xạ cao hơn, và để tránh nguy hiểm. Ngoài ra, cũng cần phải cho thoát hết chỗ nước ngầm nhiễm phóng xạ nồng độ thấp, đang rỉ ra gần các lò phản ứng số 5 và số 6, để chỗ nước này không làm hư hại các bộ phận quan trọng của nhà máy.
Mặc dù biện pháp thải nước ra biển là không tránh khỏi trong tình hình hiện tại, nhưng rõ ràng, việc thải nước nhiễm phóng xạ ra biển sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với môi trường.
Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp và Hội đồng An toàn Hạt nhân của chính phủ Nhật Bản phải giải thích kỹ càng chuyện này cho dân chúng, vì hai cơ quan này chính là nơi cho phép áp dụng biện pháp khẩn cấp nói trên.''
Về việc phát hiện có phóng xạ iodine trong cá Kounago ngoài khơi tỉnh Ibaraki, cạnh Fukushima, nhà báo Osaki nói: ''Nồng độ phóng xạ nhiễm trong cá không gây nguy hiểm lập tức cho sức khỏe con người. Theo các chuyên gia, chu kỳ bán rã của iodine khá ngắn, chỉ khoảng 8 ngày, nên đến lúc đến tay người tiêu dùng thì chất này không còn gây hại gì nữa.
Tuy nhiên, việc phát hiện ra 4.080 becquerels chất phóng xạ iodine trong cá Kounago đã khiến Bộ Y tế cũng phải lập ra một bộ tiêu chuẩn an toàn đối với cá.
Một vấn đề khác là sự ô nhiễm phóng xạ cesium và các chất phóng xạ khác mà chu kỳ bán rã dài hơn chu kỳ của iodine. Người ta lo sợ rằng, ô nhiễm có thế kéo dài và những con cá lớn sẽ ăn thịt những con cá bé, như cá Kounago Nhật Bản chẳng hạn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải theo dõi chặt chẽ các loại thủy hải sản, trong đó có cả các loại rong tảo biển.''
No comments:
Post a Comment