Wednesday, March 23, 2011

18/03 Mua sắm cộng đồng ở Việt Nam: Chưa “gặp thời”

18/03/2011 09:00:27 AM


ICTnews - Dù đã xuất hiện tại Việt Nam khoảng hơn 6 tháng với sự ra đời rầm rộ của rất nhiều website nhưng người dùng Việt Nam vẫn chưa quen với hình thức mua sắm này.

Chỉ Muachung.vn là có lãi


Sau khi mô hình mua sắm cộng đồng bùng nổ với sự thành công của website đầu tiên trên thế giới áp dụng mô hình này là trang Groupon ở Mỹ, và rất nhiều người đã học tập, làm theo mô hình của họ. Cụ thể, ở Việt Nam, bắt đầu từ khoảng tháng 9-10/2010, mô hình này đã được áp dụng ở Việt Nam với sự ra đời của rất nhiều website, như Phagia.com.vn (Phá giá) của mạng xã hội PhuNuNet, Muachung.vn (Mua chung) của VC Corp và Cucre.vn (Cực rẻ) của công ty Vatgia, nhommua.com (Nhóm mua) của công ty diadiem.com… hay mới nhất là GoDeal (ra mắt vào tháng 2/2011).

Sau gần 6 tháng tháng hoạt động, Cucre đã cung cấp trên 250 sản phẩm, dịch vụ khác nhau tới tay hơn 20 nghìn khách hàng với hơn 400 phiếu giảm giá (coupon) mỗi ngày. Tổng giá trị giao dịch tính đến nay đã lên tới 4 tỷ đồng. Phagia cũng đã bán được hơn 20 nghìn coupon cho khoảng 12 nghìn khách hàng. Doanh số của Phagia hiện đạt khoảng 500 triệu đồng và có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Giám đốc Mạng xã hội PhuNuNet cho biết, hiện Phagia mới chỉ ở mức hòa vốn và dự kiến phải sau khoảng 6 – 12 tháng nữa thì mới có thể có lãi. Còn với Muachung, trang web này có khoảng 100 nghìn khách hàng đã mua sản phẩm và hơn 500 nghìn người dùng đăng ký nhận email theo dõi giảm giá. Mỗi ngày, Muachung bán được khoảng từ 1-2 nghìn coupon và có khoảng 80-90 nghìn lượt khách hàng truy cập. Doanh số trung bình mỗi tháng đạt khoảng 1 tỷ đồng. “Với những kết quả đạt được, Muachung đã có lãi chỉ sau 2 tháng hoạt động và là trang web mua sắm cộng đồng đầu tiên có lãi tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Thương mại điện tử Công ty VC Corp khẳng định.

Hiện đa phần các trang web mua sắm cộng đồng mới chỉ có mặt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

“Loay hoay” giải bài toán giao hàng

Dù đã hoạt động được nửa năm, đại diện của Cucre cho rằng, mua sắm cộng đồng vẫn là một dịch vụ rất mới mẻ và người Việt Nam vẫn chưa quen với hình thức mua sắm này. Thói quen mua hàng trao tay kiểu truyền thống cũng khiến các website mua sắm cộng đồng gặp khó khăn trong việc giao nhận coupon với những khách hàng ở xa. Còn theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Giám đốc Mạng xã hội PhuNuNet, người dùng hiện vẫn còn rất ngần ngại khi sử dụng, bởi sau khi đặt mua online trên các trang web mua sắm cộng đồng thì phải đến 5-7 ngày sau mới có thể giao hàng được cho khách hàng. Ngoài ra, 90% khách hàng của Phagia vẫn lựa chọn hình thức giao hàng và nhận tiền trực tiếp. Điều này đã dẫn đến chi phí phát sinh khá lớn trong việc quản lý đội ngũ giao nhận, tiền công vận chuyển… và rất khó để mở rộng thị trường trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Thương mại điện tử Công ty VC Corp tính toán, với hình thức giao hàng và nhận tiền truyền thống, trung bình mỗi địa chỉ khách hàng, các trang web mua sắm cộng đồng mất khoảng 15-20 nghìn đồng chi phí. “Đây là nguyên nhân chính khiến cho đa phần website theo hình thức này ở Việt Nam chưa thực sự có lãi”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn tâm lý sợ mua hàng giảm giá vì cho rằng “của rẻ là của ôi”. Họ không biết rằng giá giảm (từ 30-90%) như vậy là do các doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ để quảng bá thương hiệu, sản phẩm tới người tiêu dùng.

Tiếp tục mở rộng thị trường

Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, cả ông Hưng, ông Tuấn và đại diện của Cucre cho biết, các trang web này sẽ cố gắng mở rộng thị trường nhánh tại các tỉnh, TP khác để khách hàng ở xa, khách hàng tại mọi miền trên toàn quốc đều có thể sử dụng dịch vụ, sản phẩm giá rẻ.

Trong đó, Phagia sẽ mở rộng thị trường tới 4 tỉnh, TP gồm Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Hải Phòng. Xa hơn nữa, Phagia sẽ vươn tới tất cả các tỉnh còn lại và miễn phí cho các doanh nghiệp, cơ sở có thể tự đăng các sản phẩm phá giá của riêng mình. Ngoài ra, cuối tháng 3, Phagia sẽ thử nghiệm hình thức thanh toán giao nhận qua thẻ cào và tin nhắn SMS. Khách hàng chỉ việc mua thẻ cào và nạp tiền vào để mua các sản phẩm và Phagia sẽ gửi các mã coupon qua SMS. Đồng thời, Phagia cũng sẽ có thêm các sản phẩm phá giá với giá thấp chỉ khoảng từ 10-20 nghìn để thu hút thêm khách hàng. “Hi vọng rằng những hình thức thanh toán mới sẽ đem lại tiện lợi, giá trị cho khách hàng cũng như chủ cơ sở, doanh nghiệp”, ông Hưng nói.

Thời gian tới, Muachung cũng có kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thêm 4 địa điểm là Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Cần Thơ. Về doanh thu, dự kiến trong 6 tháng tới, Muachung sẽ tăng trưởng 100% và đạt khoảng 2 tỷ đồng/tháng. Đặc biệt, Muachung đã cho phép khách hàng có thể mua hàng qua Gold bằng mã thẻ cào điện thoại để mở rộng thêm đối tượng khách hàng như giới trẻ, người thu nhập thấp.

Thế Phương

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 33 ra ngày 18/3/2011.

No comments:

Post a Comment