06:59 | 21/09/2011
Một số đồng minh cũ của Israel tuyên bố sẽ ủng hộ chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas tìm kiếm sự công nhận của LHQ đối với Nhà nước độc lập Palestine với đầy đủ tư cách thành viên. Hơn nữa, khu vực Trung Đông đã thay đổi nhiều sau Mùa Xuân Ảrập. Có lẽ, đã đến lúc người Israel cần nhận ra rằng không thể phớt lờ nguyện vọng của người Palestine.
Băng-rôn kêu gọi LHQ công nhân Nhà nước Palestine Nguồn: Reuters |
Viễn cảnh một Nhà nước Palestine được LHQ công nhận trở thành hiện thực dường như làm các quốc gia phương Tây hoảng sợ. Mỹ đã liên tiếp gửi đi các thông điệp đến nhà lãnh đạo Palestine, Mahmoud Abbas nhằm thuyết phục họ lùi bước. Không chỉ có Mỹ, gần đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, đại diện của nhóm Bộ Tứ về Trung Đông gồm Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga cũng theo đuổi nỗ lực này. Các nước phương Tây hiểu được nỗi thất vọng của chính quyền ông Mahmoud Abbas, nhưng tất cả đều không đưa ra sự trợ giúp thích đáng nào khi nhà lãnh đạo Palestine đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này trên trường quốc tế trong vài năm trở lại đây.
Vấn đề chính là bởi mọi nỗ lực của phương Tây nhằm khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông đều bị chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phớt lờ. Điều đó cho thấy, phương Tây e ngại một cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng LHQ khai mạc hôm 20.9 sẽ càng làm rạn nứt nội bộ - điều mà họ không muốn phải lặp lại sau quyết định can thiệp quân sự vào Libya. Không chỉ có vậy, điều đó còn cho thấy sự thiếu thống nhất trong đường lối ngoại giao giữa Mỹ và châu Âu. Washington tuyên bố sẽ sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết của mình với tư cách thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn cản việc Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ. Còn về phía Anh, ông Tony Blair khẳng định với ông Abbas rằng nếu Palestine thực hiện theo những đề xuất của nhóm Bộ Tứ về cuộc bỏ phiếu ở LHQ, Israel sẽ theo đuổi những cuộc thảo luận nghiêm túc. Tuy nhiên, với những gì ông Netanyahu đã làm khi giải quyết vấn đề này trong quá khứ, thêm vào đó là việc không ngừng mở rộng một cách bất hợp pháp các khu định cư của người Do Thái trên phần lãnh thổ chiếm đóng, người Palestine không thể tin tưởng vào lời hứa đó thêm được nữa.
Trong khi đó, Mùa xuân Ảrập đã và đang vẽ lại bản đồ địa chính trị của khu vực. Chính quyền Netanyahu có vẻ không tin vào điều đó khi đe dọa sẽ không ngần ngại sử dụng mọi biện pháp có thể nhằm chống lại những nỗ lực ngoại giao đơn phương của ông Abbas tại LHQ. Đó có thể là sự kết hợp giữa các lệnh trừng phạt về kinh tế nhằm chống lại người Palestine ở Bờ Tây, với việc làm gia tăng tình trạng bạo lực bất ổn nếu ông Abbas giành được thắng lợi tại Đại hội đồng LHQ. Tuy nhiên, ông Netanyahu phải biết mình đang đùa với lửa.
Trên thực tế, yêu cầu chính đáng của người Palestine đã được cộng đồng quốc tế cũng như của các chính quyền Israel tiền nhiệm hứa hẹn đáp ứng từ lâu. Giải pháp hai nhà nước với đường biên giới năm 1967 là lập trường và quan điểm lâu nay của nhóm Bộ Tứ, trong đó có châu Âu và chính quyền ông Obama. Việc ông Netanyahu liên tiếp phớt lờ những nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình hòa bình đã đặt Israel vào thế cô lập trong khu vực và trên trường quốc tế. Các cuộc nổi dậy của người Ảrập thời gian qua đã lật đổ nhiều trụ cột chiến lược về an ninh của Israel. Thêm vào đó, cuộc tấn công vào đại sứ quán của Israel tại Cairo hồi cuối tuần trước khiến Tel Aviv hiểu rằng họ không còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Cairo được nữa. Sự xáo trộn ở Syria cũng đang đe dọa gây bất ổn cho miền Bắc. Còn ở miền Nam, Hamas vẫn tổ chức các cuộc tấn công vào lãnh thổ của Israel. Không chỉ các nước Ảrập, ngay cả ở châu Âu, sự kiên nhẫn của thủ tướng Đức Angela Merkel đã hết. Ngoại trưởng Anh William Hague, người bạn lâu năm của Israel, tỏ ra bực tức với thái độ của ông Netanyahu. Không những thế quan hệ của ông với Tổng thống Mỹ Obama đang dần trở nên lạnh nhạt. Trong chuyến thăm gần đây đến Cairo, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng lên tiếng chỉ trích Israel hành động như một nhà nước khủng bố đối với người Palestine.
Sự cô lập của Israel sẽ càng trở nên rõ nét hơn trong phiên họp của Đại hội đồng LHQ tới đây. Hiện tại, hầu hết các nỗ lực ngoại giao đều hướng tới khả năng Palestine chấp nhận tư cách là một Nhà nước quan sát – mục tiêu có thể đạt được trong tình hình hiện nay. Quyết tâm nộp đơn lên Hội đồng Bảo an LHQ của ông Mahmoud Abbas chắc chắn không bị suy chuyển và đến thời điểm này, có 126 quốc - tương đương 75% dân số trên thế giới - ra tuyên bố ủng hộ nỗ lực này.
Một nền hòa bình thực sự với người Palestine sẽ là chìa khóa cho sự hòa bình và ổn định lâu dài cho Israel, cho dù đó có thể dẫn tới việc Palestine trở thành một Nhà nước có chủ quyền trong tương lai. Việc chính quyền Netanyahu tiếp tục đường lối cứng rắn sẽ chỉ đẩy Israel vào thế bất lợi, như người tiền nhiệm của ông Netanyahu, Ehud Olmert đã kết luận “Chiến thắng bằng quân sự với các nước láng giềng là không đủ”. Tínhå cấp thiết của việc Israel chung sống hòa bình với Palestine đang ngày càng trở nên khẩn cấp hơn và nếu Israel không điều chỉnh kịp thời, an ninh của chính họ sẽ bị đe dọa. Đã đến lúc Israel cần phải ủng hộ cho Nhà nước độc lập của người Palestine.
Hoàng Long
Theo FT
Theo FT
No comments:
Post a Comment