Tác giả: NGUYỄN CHÍNH TÂM
Bài đã được xuất bản.: 27/05/2011 06:00 GMT+7
Trong bài toán nhân sự sau Strauss-Kahn, tiếng nói của chú Sam vừa là chiếc vé, vừa cũng là dấu chấm hết cho những giấc mơ.
Nhìn cơ cấu phân chia quyền lực hiện tại tại Quỹ tiền tệ thế giới IMF, có thể nói nước Mỹ là người có tiếng nói cuối cùng. Với 16,7 % phiếu trong tay, và quy định bất kỳ quyết định quan trọng nào của IMF cũng phải đạt con số đồng ý trên 85%, chống lại ý muốn của Hoa Kỳ là chống lại sự hình thành một đồng thuận chung.
Hy sinh ai trong tâm bão?
Từ nhiều thập kỷ qua, thế phân tranh thiên hạ giữa thế giới "Phương Tây" định hình bằng phương thức: Người đứng đầu IMF đến từ châu Âu, và Ngân hàng Thế giới được lãnh đạo bởi một người Mỹ. Nếu cơ cấu quyền lực này tiếp tục, Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò cấp phó, và ủng hộ châu Âu ở cuơng vị tổng giám đốc IMF, điều mà trong thời điểm này dưới góc nhìn các lãnh đạo EU là cần thiết. Từ thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đến Bộ trưởng tài chính Pháp Christine Lagarde tuần qua đều bày tỏ nguyện vọng: kế nhiệm Strauss-Kahn phải là một nhân vật đến từ lục địa già. Lập luận đưa ra là các nước châu Âu cộng lại là người đóng góp nhiều nhất cho IMF và nhiệm vụ trước mắt của tân tổng giám đốc đang đương đầu cũng tập trung ở khu vực này.
Lần đầu tiên kể từ cuối Thế chiến II, một trong những vùng kinh tế mạnh nhất thế giới đang trải qua khủng hoảng. Chung vai sát cánh cùng EU vượt qua tâm bão, lãnh đạo mới của IMF không chỉ giải quyết vấn đề nợ công, mà còn góp phần tạo dựng lại sự ổn định vĩ mô cho đồng euro.
Strauss-Kahn từng được tín nhiệm rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong các chính sách đối phó khủng hoảng vì ông biết cách đàm phán giữa trung tâm quyền lực, phân hoà các nhóm khác biệt về lợi ích. Một tổng giám đốc như madam Christine Lagarde sẽ không còn xa lạ với toàn bộ hệ thống, cũng như sẽ tiết kiệm được một lượng thời gian học việc.
Góc nhìn từ Washington, trong ngắn hạn, Mỹ vẫn không gặp vấn đề lớn về lợi ích vì phần trăm phiếu của Mỹ vẫn như cũ. Về lâu dài, cái giá phải trả đắt hơn. Lựa chọn giữ nguyên cơ chế quyền lực cũ sẽ tiếp đẩy nước Mỹ về câu hỏi chính đáng của toàn bộ hệ thống quản trị toàn cầu, mà chú Sam đang giữ vai trò lãnh đạo.
Nhìn vào tương lai của IMF ngay cả trước và sau thời đại Strauss-Kahn, cải cách tập trung vào hai tồn đọng chính được xem là lỗi hệ thống của tổ chức có chức năng giám sát hệ thống tài chính toàn cầu: Đầu tiên là về sự phân bố quyền đại diện trong ban hội đồng quản trị IMF, cho đến nay -theo ý kiến chỉ trích - vẫn là một trật tự bất đối xứng giữa các nước phát triển phương Tây, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và phần còn lại. Nôm na quyền quyết sách thì trong tay một nhóm nước, trong khi ảnh hưởng sau đó lại mang tính toàn cầu. Tỷ lệ này đã được điều chỉnh phần nào sau hội nghị G20 tại Seoul.
Thứ nhì, tính chính đáng của IMF đang bị xói mòn, khi cơ chế quản trị tiền tệ-tài chính toàn cầu bị chỉ trích không thiếp lập được một hệ thống phòng ngừa và giải quyết các cuộc khủng hoảng, điều được xem là nhiệm vụ chính. Dẫn chứng cho lập luận này là dòng chảy cuồn cuộn từ những sáng kiến khu vực hay tổ chức hợp tác vùng. Từ sáng kiến Chiangmai đến nổ lực của Venezuela kêu gọi liên kết nhiều quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ La Tinh thay thế đồng đô la bằng đồng Sucre. Từ hợp tác tiền tệ khu vực Tây Phi đến sự ra đời của đồng Khaleeji (đồng tiền chung của quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác các nước Ả-rập vùng Vịnh).
Kinh tế gia từ Viện Nghiên Cứu Phát Triển Đức (DIE) Ulrich Volz lập luận rằng: Hợp tác tài chính khu vực có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, bổ sung các nhiệm vụ cho IMF. Nhưng nếu IMF không có một chính sách quản trị hợp lý, các liên minh tiền tệ này sẽ cạnh tranh và thay thế.
Viễn cảnh này càng trở nên thực hoá trước sức trỗi dậy của các cường quốc mới nổi với tài khoản thặng dự lên đến con số ngàn tỷ đôla. Nếu họ không cảm thấy hài lòng với cách điều hành của IMF, các diễn đàn khu vực có khả năng sẽ được "công cụ hoá" thành những đối trọng. Điều này dẫn đến sự suy yếu của IMF về mặt vai trò, lẫn cấu trúc.
Hai mặt của vấn đề lợi ích
Theo những gì Tổng thống Obama và Bộ trưởng Ngân khố Mỹ đồng thuận tại G20 tại Seoul, thì cuộc bầu cử lãnh đạo lần sau của các định chế thế giới nên diễn ra minh bạch mà mở rộng cơ hội cho mọi ứng viên. Tuy vậy, mở rộng phạm vi lựa chọn ủng hộ ứng cử viên xuất thân đến từ các nước đang phát triển lại dẫn đến một thế lưỡng nan khác cho nước Mỹ. Nếu châu Âu không được phép giữ độc quyền lãnh đạo IMF, thì ai cho phép chính quyền Washington độc quyền trong việc bổ nhiệm Ngân hàng thế giới World Bank.
Quan sát mục tiêu của Mỹ trong thời gian gần đây, hai ưu tiên chiến lược được tập trung thành tâm điểm chính (i) cố gắng duy trì lâu nhất có thể hề thống quản trị toàn cầu theo mô hình Bretton Woods -thiết chế được thành lập từ sau thế chiến thứ hai, (ii) dung hòa và gắn kết các cường quốc trỗi dậy vào hê thống, sau cho "rượu mới nhưng bình vẫn cũ". Một mặt kêu gọi trách nhiệm từ các nước đang trỗi dậy trong bài toán quản trị thế giới, chấp nhận san sẽ lợi ích trong điều kiện hai bên hợp tác cùng có lợi. Mặt khác lại trì hoãn quá trình tái phân bố lại trật tự tổ chức toàn cầu nhìn về phương diện cải cách thể chế, theo xu hướng "tối thiểu hóa" thấp nhất khả năng giảm bớt sức ảnh hưởng của mình.
Một thay đổi cấu trúc, mặc dù chỉ mang tính phi chính thức, chẳng hạn như trong bài toán bổ nhiệm nhân sự lần này, sẽ là một bước tăng tốc quá trình giải bá quyền hóa sức mạnh Hoa Kỳ.
Thế giới mà nước Mỹ giữ vai trò lãnh đạo sẽ đi về đâu, khi hai trân trụ cuối cùng buộc phải "đa cực hóa"?
Nhưng: phân tích một góc nhìn khác, bức tranh không phải một màu xám xịt. Xét trên bình diện chiến lược, chính phủ Obama có lợi thế, trước khả năng khó đạt đồng thuận chung từ nhóm nước đang muốn thách thức trật tự cũ. Về mặt nguyên tắc, tất cả các nước BRICS (viết tắt của năm nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đồng lòng trên ba điểm chính: (i) Tranh cử tân tổng giám đốc IMF sắp tới nên là một cuộc cạnh tranh cởi mở và minh bạch; (ii) Tình hình kinh tế thế giới đang đòi hỏi một cấu trúc mới, trong đó các nước đang phát triển đóng góp một vai trò quan trọng hơn. Vì thế trong câu hỏi nhân sự, (iii) một ứng cứ viên không phải đến từ châu Âu như trật tự truyền thống sẽ là biểu hiện quan trọng nhất của chuyển đổi này.
Thế nhưng, để xây dựng con đường chung từ cấu trúc hợp tác bắt nguồn chủ yếu thông qua ý chí chính trị thượng tầng không phải dễ. Phân tích từ góc độ cạnh tranh quyền lực, nếu BRICS tìm cách gây thêm ảnh hưởng, thì chiếc ghế tổng giám đốc IMF là một cuộc chạy đua chiến lược, trong đó một chiến thắng cuối cùng mang tính biểu tượng rất cao, yếu tố rất cần thiết trong các dự án trỗi dậy của mỗi cường quốc. Vì thế bất kỳ đề cử ứng cử viên cụ thể nào chưa chắc sẽ được đồng thuận nội khối cao, dẫu đó có là thống đốc ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên hay Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Ấn Độ Montek Singh Ahluwalia.
Vì lẽ đó, một lựa chọn ủng hộ của Mỹ cho ứng cử viên vừa không phải đến từ châu Âu, vừa không phải đến từ các cường quốc mới nổi BRICS (đặc biệt là không đến từ Trung Quốc và không đến từ Nga) được xem là một giải pháp dung hòa. Con đường thứ ba trong thế ghìm nhau giữa các cường quốc có thể mở đường cho một nhân vật "trung dung" giữa các thái cực.
Khác với những câu hỏi tại sao đơn thuần, có thế tìm được lời giải, hoặc mãi mãi là ẩn số, những lựa chọn của nước Mỹ trong bài toán này luôn di động. Đằng sau nó là hai biến số nhất định giao thoa với nhau qua câu hỏi mở.
Thứ nhất, giữa cuộc khủng hoảng niềm tin và tính chính danh của IMF, để cải cách Hoa Kỳ nên hy sinh ai, đồng minh thân thiết bên bờ Đại Tây Dương hay lợi ích của bản thân mình.
Thứ nhì, liệu siêu cường toàn cầu -người được kỳ vọng cầm cân nảy mực trong các vấn đề quốc tế- có khả năng vượt qua những lợi ích phân khúc của mình trong cái được ngắn hạn, và cái được lâu dài.
Một câu trả lời tạm thời khả dĩ: khi cái ngắn hạn cũng là dài hạn, thì ở bất kỳ lựa chọn nào, nước Mỹ của chính phủ Obama cũng phải trả một giá. Đắt ở hiện tại, lẫn ở tương lai...
No comments:
Post a Comment