Tuần này, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ vừa bắt giữ 35 phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan âm mưu đảo chính và ám sát những nhân vật có ảnh hưởng lớn. Chúng bỏ ra 2 triệu YTL (hơn 27 tỷ đồng) để thuê người giết Nobel Văn học 2006.
35 kẻ bị bắt giữ đều là người của tổ chức Ergenekon do một cựu sĩ quan quân đội cầm đầu. Chúng dự định tiến hành một loạt vụ đánh bom và giết người nhằm tạo ra sự hỗn loạn trước khi tiến hành cuộc tấn công lật đổ chính phủ Thổ vào năm 2009. Ergenekon là khái niệm xuất phát từ tên gọi của một thung lũng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thung lũng này chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết của phe dân tộc chủ nghĩa nên không ai biết chính xác nó nằm ở đâu.
|
Nhà văn Orhan Pamuk. Ảnh: timeinc.
|
Pamuk - tác giả của những cuốn sách như Tên tôi là Đỏ, Istanbul, Tuyết... là một trong những mục tiêu của Ergenekon. Chúng thuê một người đàn ông tên là Selim A. để ám sát nhà văn. Ngoài khoản tiền kếch xù Selim sẽ nhận được sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tên này còn được trang bị một khẩu súng lục ổ quay Glock. Selim A. bị bắt sau khi cảnh sát theo dõi được một cuộc điện thoại trao đổi về vụ giết người.
Pamuk trở thành kẻ thù của những nhà dân tộc chủ nghĩa sau khi ông công khai phát biểu về vụ sát hại hàng triệu người Armenia tại Thổ Nhĩ Kỳ đầu thế kỷ 20. Năm 2005, trong khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Thụy Sĩ, nhà văn nói: "Chúng ta đã giết hại 1 triệu người Armenia và 30.000 người Kurd trên đất này. Và không ai ở Thổ Nhĩ Kỳ ngoài tôi dám nói lên sự thật này". Lời phát biểu đó khiến Pamuk bị buộc tội sỉ nhục quốc thể và phải liên miên hầu tòa ròng rã 2 năm trời. Cuối cùng, một tòa án ở Istanbul tuyên ông trắng án và bãi bỏ mọi cáo buộc. Nhưng mới đây, Tòa án tối cao Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ quyết định của tòa địa phương. Theo đó, vụ kiện đối với Orhan Pamuk có thể sẽ được mở lại. Trước thông tin này, nhà văn đã rất sốc.
|
Pamuk và con gái. Ảnh: viewimage.
|
Năm 2006, sau khi thoát khỏi nguy cơ tù tội, nhà văn trở thành người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đoạt giải thưởng Nobel Văn học. Nhưng giải thưởng danh giá này càng khiêu khích những phần tử cực đoan, khiến Pamuk luôn phải sống trong tình trạng bị đe dọa. Trở về quê nhà, Pamuk được cảnh sát bảo vệ từ sân bay, nhưng may mắn không có chuyện gì xảy ra. Tháng 1/2007, Hrant Dink - chủ bút báo Agos - một trong những người bạn của Pamuk - bị bắn chết. Khi Yasin Hayal - kẻ ám sát - bị bắt giữ, hắn gào lên trước đông đảo cánh phóng viên rằng: "Orhan Pamuk, coi chừng đấy! Coi chừng”. Lo lắng trước lời đe dọa này, nhà văn đã phải sang Mỹ lánh nạnmột thời gian. Nhưng Pamuk khẳng định, ông không chọn con đường lưu vong mà sẽ sống chết với mảnh đất quê hương Istanbul. Mới đây, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ hy vọng việc bắt giữ các thành viên thuộc tổ chức Ergenekon sẽ góp phần làm rõ cái chết của nhà báo Hrant Dink. "Việc mổ xẻ Ergenekon đang được tiến hành. Chúng tôi rất mong có thể soi sáng những bí ẩn trong vụ ám sát Hrant Dink và nhiều trường hợp khác nữa", một tờ báo dẫn lời của cảnh sát cho biết. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định, chính phủ nước này cũng sẽ làm hết sức để tuyên chiến với các nhóm cực đoan. Ông cho rằng, đây là những kẻ đang cản trở con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Turkish Daily News) |
No comments:
Post a Comment