Tác giả: EBEN HARRELL
Bài đã được xuất bản.: 27/05/2011 07:00 GMT+7
Trên thế giới, cuộc đấu tranh nhằm cân bằng quyền riêng tư cá nhân và quyền tự do báo chí ngày càng trở nên phức tạp hơn bởi định nghĩa mập mờ của Internet về “báo chí”. Tại Anh, khoảng cách giữa hai quyền đối lập này càng lớn.
Cấm báo, có cấm nổi mạng xã hội?
Chuyện "ăn vụng" của chàng tiền vệ người xứ Wales Ryan Giggs cuối cùng cũng đã bị phanh phui. Trước đó, danh thủ này dã viện tới lệnh cấm tiết lộ của tòa án để ngăn báo chí "vạch mặt chỉ tên". Tuy nhiên người dân Anh đã đưa tin lên Twitter. Đến ngày 21/5, chi tiết về vụ ngoại tình được tiết lộ rộng rãi trên Internet tới mức hơn 50.000 người dùng Twitter đã viết tên của cầu thủ đó trên trang cá nhân của mình.
Thứ 2 vừa rồi, một thành viên của Nghị viện Anh cảm thấy tình hình lố bịch tới mức ông đã sử dụng đặc quyền của nghị sĩ để chỉ đích danh Giggs trong một phiên họp Nghị viện. Nhờ đó, truyền thông Anh được tự do đưa những tiêu đề giật gân về vụ ngoại tình của Giggs, bật mí một bí mật tồi tệ trong giới thể thao.
Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của Anh là một trong số những đạo luật quyền lực nhất trong các nước phát triển và cũng là một trong những đạo luật non trẻ nhất. Kể từ khi đạo luật chính thức có hiệu lực vào năm 2000, các nhân vật nổi tiếng có thể xin lệnh của tòa án nghiêm cấm xuất bản thông tin cá nhân, từ những câu nói hớ hênh cho tới những vấn đề nghiêm trọng hơn, miễn là tòa án đồng ý rằng những thông tin đó vi phạm quyền riêng tư và không được dư luận thật sự quan tâm. Trong một số trường hợp, tòa án thậm chí còn nghiêm cấm giới báo chí thừa nhận sự hiện diện của lệnh đó.
Tuy nhiên, trong khi giới truyền thông truyền thống Anh phải miễn cưỡng chịu đựng vòng kiềm tỏa của những điều luật này, thì giới truyền thông mới đã chứng tỏ bản lĩnh không chịu khuất phục. Trong trường hợp của Giggs, rất nhiều thẩm phán kết luận rằng người dùng Twitter tỏ ra coi thường tòa án - tuy nhiên làm thế nào có thể truy tố hàng chục nghìn người mà trong đó có rất nhiều người vô danh?
Về phía mình, Giggs đã kiện Twitter vì không tiết lộ danh tính của người dùng mà anh cho rằng là người đầu tiên phát tán thông tin về vụ ngoại tình. Tuy nhiên để lấy được thông tin từ công ty mạng xã hội này thực sự là một ác mộng tư pháp.
Phát biểu về nhiệm vụ gai góc phải cân bằng giữa quyền riêng tư với quyền tự do ngôn luận, Thủ tướng David Cameron vào thứ 2 đã thừa nhận nước Anh nên xem xét lại đạo luật về quyền riêng tư và nói rằng: "Thật là khó chấp nhận tình hình hiện nay. Báo chí không thể đăng những thông tin mà tất cả mọi người đều biết là ai."
Theo một nghiên cứu về lịch sử đạo luật bảo về quyền riêng tư, lệnh cấm của của tòa án lần đầu tiên được sử dụng tại Anh là vào năm 2009 khi công ty dầu Trafigura xin được lệnh cấm báo chí không đăng tin về vụ đổ chất thải độc hại trên bãi biển của Bờ Biển Ngà, thậm chí không được đăng cả thông tin rằng có lệnh cấm này. Vụ việc được đưa ra ánh sáng khi một nghị sĩ cảm thấy lệnh này vi phạm lợi ích của công chúng và đưa vụ việc lên nghị viện.
Ảnh Ryan Giggs trên trang nhất Sunday Herald hôm 22/5 với phần mắt được che đi |
"Cuộc chiến" phức tạp
Hiện nay, khi cuộc tranh luận về quyền tự do báo chí một lần nữa lại được hâm nóng, những chính trị gia Anh thông cảm với phàn nàn của giới báo chí đã sử dụng đặc quyền dành cho nghị viện để công bố nhiều thông tin cấm khác.
Tuy nhiên, sự can thiệp của các nghị sĩ cũng lại gây ra tranh cãi về sự phân quyền. Thẩm phán tối cao của Anh - Chánh án Thượng viện Igor Judge gần đây đã chỉ trích các nghị sĩ lạm dụng đặc quyền để vi phạm đạo luật về quyền riêng tư. Ông phát biểu: "Hãy nghĩ xem liệu những người hoạch định luật pháp có nên coi thường lệnh của tòa án vì không đồng tình với lệnh đó hoặc không đồng tình với đạo luật về quyền riêng tư."
Để tránh mâu thuẫn này, ngày 20/5 vừa qua, một hội đồng về lệnh cấm của tòa án đã công bố một báo cáo. Theo đó, các tổ chức truyền thông nên được thông báo trước về những lệnh cấm có thể ảnh hưởng tới họ để có thời gian phản đối. Tuy nhiên điều này chỉ dẫn tới nhiều thủ tục tố tụng tốn kém và cũng không thể hạn chế những người dùng mạng xã hội.
Trên thế giới, cuộc đấu tranh nhằm cân bằng quyền riêng tư cá nhân và quyền tự do báo chí ngày càng trở nên phức tạp hơn bởi định nghĩa mập mờ của Internet về "báo chí". Tại Anh, khoảng cách giữa hai quyền đối lập này càng lớn: Quốc gia này sở hữu rất nhiều báo lá cải xông xáo và đói tin vịt nhất thế giới cũng như có những thẩm phán sẵn sàng cân bằng nền văn hóa "lá cải" bằng những đạo luật hà khắc về quyền riêng tư.
Ngược lại, tại Mỹ, rất nhiều bang có các đạo luật nghiêm khắc về quyền riêng tư, nhưng lại thi hành một cách lỏng lẻo bởi nhìn chung, giới truyền thông Mỹ có khả năng tự kiểm duyệt - một phẩm chất có vẻ báo chí viên Anh chưa có được. George Brock, giám đốc trường báo chí tại Đại học City, từng chứng kiến giới báo chí Mỹ tự nguyện giữ kín thông tin về vụ ngoại tình của John Edwards, một ứng cử viên cho chức tổng thống, dù tin đồn này lan khắp trên Internet. Brock nhận xét: "Tại Anh, ngay cả các ấn phẩm truyền thông lớn cũng không hề dè dặt khi tích cực theo đuổi câu chuyện đó."
Tuy nhiên trong khi báo chí Anh phải đeo "vòng kim cô" - nguy cơ bị phạt vì vi phạm quyền riêng tư - thì rất nhiều người dùng Twitter lại tự tin rằng họ có thể đăng tải thông tin mà không sợ gì. Ngay thời điểm này, rõ ràng như lời nghị sỹ Hemming phát biểu tại Nghị viện vào thứ 2, "với hơn 75.000 người chỉ đích danh Ryan Giggs trên Twitter thì không thể bỏ tù tất cả số đó."
Theo Joshua Rozenberg, một nhà bình luận luật pháp của Anh, nhận định đó có thể đúng, nhưng khi đạo luật về quyền riêng tư của Anh trưởng thành hơn - và khi các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội bị giám sát chặt hơn thì có thể tấm áo choàng vô danh của Internet sẽ bị cởi bỏ. "Chỉ vì đó là Internet và bạn nghĩ rằng mình vô danh cũng không có nghĩa là trong tương lai sẽ không ra đời một loại công nghệ cho phép tòa án tìm ra bạn là ai, cũng như một số cơ chế luật pháp có thể bắt Twitter và các trang khác tiết lộ danh tính của bạn", ông nói. "Tôi xin đưa ra lời cảnh báo với những người dùng Twitter đang phá vỡ đạo luật về quyền riêng tư - hãy cẩn thận."
Linh Giang (theo TIME)
No comments:
Post a Comment