Tác giả: HẢI TÂM (TỔNG HỢP)
Bài đã được xuất bản.: 26/05/2011 06:00 GMT+7
Có quan điểm cho rằng tiền bạc chứ không phải các khác biệt văn hóa hay luật pháp là nguyên do chính đằng sau sự miễn cưỡng “ra mặt” của báo chí Pháp khi viết về đời sống riêng tư của những nhà chính trị tầm cỡ.
Tính "bao dung" và luật bảo vệ quyền riêng tư
Vụ việc Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn đã gợi lại một quan điểm lâu nay rằng người Anh hay gặp bê bối về tình dục, trong khi người Pháp hay có vấn đề về tiền bạc. Có lẽ cơ sở của quan điểm này là trong khi người Anh rất nghiêm ngặt về chuyện tình dục, thì người Pháp lại khá cởi mở về nó.
Vì vậy khó có thể tạo ra một vụ bê bối về tình dục với người Pháp, bởi vì ở nước này không ai cảm thấy nó bị sốc khi những nhân vật nổi tiếng dính líu vào các vụ ngoại tình.
Đây là đất nước vẫn thường "nhắm mắt bịt tai" làm ngơ trước những chuyện phiêu lưu tình ái của các chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng. Một đất nước có "truyền thống" lập luận rằng đời sống riêng tư chẳng can hệ gì đến thành tựu sự nghiệp của mỗi cá nhân.
Trong quá khứ, đời sống riêng của các chính trị gia Pháp đã được giữ kín theo cách đó, và nếu lỡ có bị rò rỉ ra, thì những bê bối này cũng sẽ không bị đối xử theo lối lá cải như vẫn thường thấy ở các quốc gia như Anh hay Mỹ.
Cựu tổng thống Pháp Francois Mitterrand từng nổi tiếng với lời đáp "Thế thì sao?" khi một phóng viên hỏi ông về lời đồn ông có con riêng với người tình là Anne Pingeo. Câu chuyện đến đây chấm dứt!
Eric Besson, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp, luôn nói: "Sự trung thực ư, không" (Fidelity, non) khi đọc các lời thề ước trong đám cưới của ông. Câu chuyện này được ghi lại trong cuốn sách do vợ cũ của ông - người phụ nữ đã phá vỡ một chủ đề cấm kị của xã hội Pháp - viết.
Và tổng thống Pháp đương nhiệm, Nicolas Sarkozy, đã trở thành tổng thống đầu tiên li hôn và tái hôn ngay khi còn tại nhiệm. Điều này khiến ông mất điểm trong lòng công chúng Pháp, nhưng không đủ sức đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông.
Thật khó có nơi nào mà thái độ công chúng đối với những chuyện tình "ngoài luồng" của chính trị gia lại "bao dung" như tại nước Pháp.
Cựu tổng thống Pháp Francois Mitterrand |
Tại Anh, cựu Bộ trưởng Nội vụ David Blunkett đã buộc phải từ chức sau khi một cơn bão truyền thông nổ ra xung quanh phi vụ tình ái của ông này với Kimberly Quinn, Tổng biên tập tạp chí The Spectator,cùng lời buộc tội ông đã lạm dụng quyền hạn để cô vú nuôi của cậu con riêng được nhanh chóng định cư vĩnh viễn ở Anh.
Còn sự nghiệp của cựu tổng thống Mỹ đào hoa Bill Clinton cũng từng nổi sóng khi vụ bê bối của ông với Monica Lewinsky vỡ lở. Cuối cùng, ông đã phải xin lỗi người dân trong nước nhằm giành lại sự ủng hộ của công chúng.
Phẩm chất đạo đức và các giá trị gia đình bền vững được coi là điều kiện tiên quyết đối với các nhà lãnh đạo tại nhiều quốc gia. Nhưng, có vẻ người Pháp thường "trải đời hơn" trước những chuyện yêu đương ngoài vợ ngoài chồng.
Nhà báo, kiêm nhà bình luận chính trị Agnes Poirier nhận xét: "Từ cuộc sống của mình, họ hiểu rõ con đường hôn nhân rất phức tạp. Trong con mắt người Pháp, bạn có thể vô cùng thành đạt dù vẫn là một kẻ đa tình".
Người Pháp cũng vốn có truyền thống về các luật bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt, tạo thành tấm chắn ngăn các tờ báo và tạp chí xuất bản các tình tiết riêng tư về đời sống của nhân vật nổi tiếng. Chẳng hạn, báo chí Pháp đã giấu kín câu chuyện tình ái của cựu tổng thống Mitterrand trong suốt nhiều năm. Tương tự như vậy, nhiều bê bối tình ái cũ mèm khác của các chính trị gia cũng đã được báo chí Pháp bỏ qua.
Nhà báo - cây bút bình luận Stephen Glover cho rằng sự im lặng của truyền thông Pháp trước những sự vụ như vậy là do các luật bảo vệ quyền riêng tư chặt chẽ của nước này.
Vấn đề tiền bạc
Phát biểu với tờ Guardian, Tổng biên tập tờ Liberation (Pháp) Nicholas Demorand, từng khẳng định tờ báo của ông sẽ tiếp tục tôn trọng sự riêng tư của các chính trị gia. "Đó là một nguyên tắc dân chủ căn bản - dù một số người có thể nghĩ nó đạo đức giả. Từ bỏ nguyên tắc này sẽ dẫn đến việc khuyến khích tin đồn nhất thời và phí phạm không gian cho những tin tức giá trị".
Có vẻ như đặc tính lãng mạn nổi tiếng thế giới, hay những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ quyền riêng tư thường được viện đến để lý giải sự trầm tĩnh của truyền thông Pháp trước các vụ bê bối tình ái của giới chính trị gia nước này. Tuy nhiên đó có phải là tất cả hay chí ít là những căn nguyên chính?
Hãng phân tích tài chính GaveKal (Hồng Kông) không nghĩ thế. Hãng này cho rằng tiền bạc chứ không phải các khác biệt văn hóa hay luật pháp là nguyên do chính đằng sau sự miễn cưỡng "ra mặt" của báo chí Pháp khi viết về đời sống riêng tư của những nhà chính trị tầm cỡ.
GaveKal đưa ra quan điểm này sau khi quan sát sự ơ hờ của truyền thông Pháp trong lúc báo chí thế giới đang sôi sục về vụ Tổng giám đốc IMF bị cáo buộc tấn công tình dục tại New York.
Ông Dominique Strauss-Kahn (trái) ngồi trong ô tô cùng người thân của mình |
Louis-Vincent Gave, vị giám đốc điều hành người Pháp của GaveKal nói: "Chỉ cần nhìn qua bất cứ tờ báo hay kênh truyền hình Pháp nào, cũng có thể thấy có đến 50-75% quảng cáo trên đó là dịch vụ hay sản phẩm thuộc về hoặc là một công ty sở hữu nhà nước (như EDF, SNCF, Gaz de France, La Poste...) hoặc một công ty do chính phủ sở hữu một phần (như Air France, Renault...).
"Với sự phụ thuộc công khai và chặt chẽ của giới truyền thông vào doanh thu từ chính phủ, làm sao nước Pháp có thể thực sự chờ đợi các nhà báo đủ khả năng để xông pha 'bắn súng vào mặt hồ đang yên ả'"
Ông Gave cho biết rất nhiều công ty sở hữu nhà nước của Pháp là các công ty độc quyền, nghĩa là các khách hàng không thể chuyển nhà cung cấp như tại Anh. Vì thế chi tiêu quảng cáo cũng có thể coi như một khoản hỗ trợ nhà nước cho báo chí Pháp.
Gave cũng chỉ ra hai tập đoàn truyền thông hàng đầu của Pháp - nơi hiện đang xuất bản những tựa báo, tạp chí nổi tiếng như Le Figaro, Paris Match, France-Soir và Journal du Dimanche - thuộc sở hữu của hai công ty quốc phòng lớn nhất Pháp.
Gave nói: "Có một mối xung đột quyền lợi muôn đời ở đây. Làm sao anh có thể xông vào cắn nghiến bàn tay cho anh ăn".
"Các chính trị gia Pháp được cấp rất nhiều "giấy thông hành" miễn phí mà các đồng sự của họ ở hầu hết các nước khác không có được. Tôi cho rằng đó là lý do vì sao người dân Pháp không đọc báo." Gave chỉ ra số lượng phát hành đang ngày càng giảm sút của 3 cây đại thụ làng báo Pháp: Le Monde, Le Figaro và Liberation. "Không tờ báo nào có mức phát hành trên 1 triệu".
"Mọi bê bối chính trị của các nhân vật tầm cỡ tại Pháp chỉ bị đưa ra ánh sáng hoặc là nhờ những thẩm phán có tư duy độc lập hoặc bởi tờ Le Canard Enchaine (tờ báo duy nhất không chạy quảng cáo)" Gave nhận xét.
No comments:
Post a Comment