Nhật Bản vừa nâng mức khủng hoảng hạt nhân ở nước này lên mức cao nhất trong thang đo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.
Dư chấn mạnh liên tục
Sáng qua, một trận dư chấn 6,4 độ Richter xảy ra ngoài khơi thành phố Chiba, phía đông thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, tâm chấn nằm ở độ sâu 13 km và cách Tokyo khoảng 123 km về phía đông nam. Nhiều tòa nhà ở Chiba, Tokyo và các tỉnh lân cận rung lắc dữ dội.
Không lâu sau đó, đến lượt tỉnh Fukushima rung chuyển vì cơn dư chấn thứ 2 mạnh 6,3 độ Richter. CNN dẫn thông báo từ lực lượng cứu hỏa thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima thông báo chấn động gây lở đất khiến 3 ngôi nhà bị chôn vùi và 6 người thiệt mạng. Một số người bị thương đã được đưa tới bệnh viện và nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm những nạn nhân bị chôn vùi. AFP dẫn thông cáo của TEPCO cho biết Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 không bị tổn thất nào từ các trận dư chấn hôm qua nhưng toàn bộ nhân viên tại đây đã được sơ tán để đảm bảo an toàn.
Trước đó, ít nhất 3 người thiệt mạng và nhiều căn nhà bị phá hủy cũng tại Iwaki trong trận dư chấn 6,6 độ Richter chiều 11.4, AFP dẫn lời giới chức cho hay.
Trả lời phỏng vấn của tờ Le Monde, chuyên gia địa chấn học Jérôme Vergne của Viện Vật lý địa cầu Strasbourg nhận định: “Trận động đất hôm 11.3 không chỉ rất mạnh mà còn có tâm chấn không quá sâu nên chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều dư chấn có cường độ đáng kể”. Theo ông Vergne, từ một tháng qua, các nhà khoa học đã đo được hơn 400 cơn dư chấn trên 5 độ Richter tại Nhật. Hiện tượng này có thể còn kéo dài nhiều tuần lễ nữa tuy nhiên cường độ sẽ giảm dần. Dù được chuẩn bị rất tốt để đối phó với động đất từ 5-7 độ Richter nhưng các trận dư chấn liên tục như hiện nay có thể gây nhiều thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của Nhật, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ thảm họa hôm 11.3.
Phóng xạ đã vượt cấp độ 7
Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật (NISA) hôm qua nâng mức khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1 từ mức 5 lên 7 theo thang đo sự cố hạt nhân quốc tế, theo Kyodo News. Động thái này được đưa ra sau khi giới chức Nhật ước tính lượng phóng xạ thải ra môi trường từ nhà máy trên đã vượt cấp độ 7.
Theo đó, mức khủng hoảng hạt nhân cấp 7 được áp dụng cho trường hợp lượng phóng xạ thoát ra môi trường tương đương hàng chục ngàn terabecquerel đồng vị phóng xạ iodine-131. Theo NISA và Ủy ban An toàn hạt nhân (NSC) của Chính phủ Nhật, từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra đến nay, khoảng 370.000 - 630.000 terabecquerel phóng xạ đã rò rỉ vào không khí từ các lò phản ứng 1, 2 và 3 của Nhà máy Fukushima số 1. “Theo đo đạc của chúng tôi, lượng phóng xạ thải ra không khí đặc biệt tăng cao vào các ngày 15-16.3 sau khi lò số 2 gặp vấn đề”, Kyodo News dẫn lời ông Kenkichi Hirose, cố vấn Văn phòng nội các làm việc tại NSC, nhận định.
Ngày 18.3, NISA thông báo mức khủng hoảng hạt nhân ở cấp độ 5. Giải thích về việc gần một tháng sau mới nâng mức khủng hoảng, phát ngôn viên Hidehiko Nishiyama của cơ quan này cho hay các chuyên gia phải xem xét kỹ càng dữ liệu đo phóng xạ thoát ra từ nhà máy. Theo NISA, khủng hoảng cấp 7 cho thấy mức độ rò rỉ phóng xạ cao có ảnh hưởng rộng tới môi trường và sức khỏe con người, trong khi cấp độ 5 có nghĩa là phóng xạ thoát ra ngoài có giới hạn với vài trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, giới chức Nhật khẳng định đến nay, lượng phóng xạ rò rỉ đang có chiều hướng giảm dần. AFP hôm qua dẫn lời Thủ tướng Naoto Kan nhận xét tình hình tại Nhà máy Fukushima số 1 đang dần ổn định.
Bằng 10% thảm họa Chernobyl
Về mặt con số, mức khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1 tương đương vụ Chernobyl (Ukraine), thảm họa hạt nhân dân sự tồi tệ nhất từ trước đến nay, cùng ở mức 7. Tuy nhiên, giới chức Nhật khẳng định phóng xạ rò rỉ hiện chỉ bằng 10% mức phóng xạ thoát ra trong vụ nổ nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl năm 1986. Phát ngôn viên Nishiyama của NISA nhận định hai sự kiện có nhiều điểm khác nhau. Theo ông, đến nay chưa có ai ở Fukushima thiệt mạng tức thời do nhiễm phóng xạ nồng độ lớn trong khi khoảng 30 người tử vong tại chỗ trong vụ Chernobyl. Ngoài ra, các lò phản ứng tại Nhà máy Fukushima số 1 không tự nổ như ở Chernobyl.
Nhiều chuyên gia cũng có ý kiến tương tự. “Khủng hoảng hạt nhân ở Nhật không thể nào bằng vụ Chernobyl. Lò phản ứng nổ ở Chernobyl không thể ngăn chặn được trong khi Nhật đang từng bước chặn đà khủng hoảng”, Reuters dẫn lời giáo sư Murray Jennex tại Đại học San Diego ở California, Mỹ, nhận xét.
Chuyên gia hạt nhân Kenji Sumita tại Đại học Osaka thì lo ngại việc nâng mức khủng hoảng hạt nhân sẽ gây căng thẳng ngoại giao mới giữa Nhật và các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc, vốn đang rất lo lắng về tình hình ở Fukushima. Hôm qua, ngay sau thông báo của Tokyo, Bắc Kinh lên tiếng yêu cầu láng giềng nhanh chóng cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng về sự cố hạt nhân, theo AFP.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, lửa bùng lên tại lò phản ứng số 4 của Nhà máy Fukushima số 1 nhưng nhanh chóng bị dập tắt, theo Kyodo News. TEPCO cho hay vụ cháy không liên quan đến các trận dư chấn mạnh từ hôm 11.4 và mức phóng xạ xung quanh lò phản ứng không thay đổi.
Văn Khoa - Lan Chi
No comments:
Post a Comment