Thursday, December 15, 2011

Giữa Vùng Nắng Gió

Nguyễn Thị Kim Hòa
Giữa Vùng Nắng Gió

Út nhìn theo cái dáng tất tả của chị mà nghe cay cay sống mũi. Chị giờ đâu khác gì dâu con nhà người ta. Cái gì cũng một tay chị, cũng đổ hết trên đôi vai đã gầy càng gầy hơn của chị. Ai nói con gái đẹp thì an nhàn sung sướng. Chị của Út đẹp mà có được mấy ngày không vất vả lo toan.

Ba nói chị giống má y khuôn đúc. Hồi con gái, má đẹp nhất làng, ba cưới được má làm lắm người tức đến mất ăn mất ngủ, râm ran lời chọc khuấy "bông hoa lài cắm bãi cứt trâu"...


 Má đẹp nhưng Út chưa một lần gặp má. Nghe cô Ba kể năm đó làng có dịch thương hàn… Tròn ba tháng, Út uống sữa bò thay sữa má, nằm võng chị Hai đưa cọt kẹt, nghe chị hát ru em vấp váp chưa tròn chữ thay lời má ngọt ngào ầu ơ.

Út còn nhỏ, chị Hai làm má. Út lớn lên, thường hình dung má qua gương mặt chị Hai. Má hồi đó chắc cũng có đôi mắt nhung, lúc nào cũng đượm buồn, có hai lúm đồng tiền duyên ơi là duyên hai bên má như chị Hai. Mỗi lần hai chị em cùng ngồi soi gương, Út hay rờ rờ hai lúm đồng tiền trên má chị rồi phân bì: "Thiệt hổng công bằng! Má để Hai hết cả hai cái đồng tiền, em thì chẳng có cái nào, ghét ghê!" – "Út lấy hông? Hai cho một cái nè. Gỡ được thì lấy!", chị Hai nheo mắt cười, hai cái đồng tiền cũng cười lấp lánh.
Chị Út đẹp nhất mỗi lúc cười. Út biết điều đó hồi thấy anh Nam đứng nói chuyện với chị bên giàn nho. Chị vừa nói vừa cười, còn ảnh cứ lặng phắt ngẩn ngơ nhìn chị, ảnh nhìn sao đó mà Út nghe chị Hai cự nự:
– Ông nhìn gì mà nhìn thấy ghê!
– Tại… tại tự nhiên thấy Ngọc cười đẹp quá. Tui… tui…
"Tui thương Ngọc quá chớ gì!" – Út thình lình hét toáng lên, chen vô câu lúng ba lúng búng của anh Nam rồi khanh khách cười chạy biến. Chị Hai dậm chân bình bịch, rượt bắt Út đến cuối rẫy, mặt đỏ còn hơn nho đương chín tới trên giàn.
Chị Hai với anh Nam biết nhau từ cái hồi còn nằm trong bụng mẹ. Lúc đó chắc má Út với bác Ba hay ngồi nói sau này kết sui, nên từ nhỏ đến lớn hai anh chị lúc nào cũng kết thành một cặp.
Chị kể hồi chăn cừu trên gò Đống, anh Nam biết chị thích ăn chùm ruột, trèo cây hái để té lọi tay. Rồi thêm cái lần chị hái xoài khèo trúng tổ ong, anh Nam xô chị xuống cái hố của mấy người đào dông bỏ lại, còn mình nằm che lên trên cho ong đốt sưng vù mình mẩy. Có thể chị thương anh Nam đâu cái thời xa lăng lắc đó.
Út nằm nghe chị kể miết chuyện anh Nam mà mỏi cả tai, díu hết hai mắt lại. Út ngủ rồi mà chị còn rù rì kể. Lâu lâu lại làm mặt giận: "Con khỉ! Chị nó kể chuyện mà nó nằm ngủ khì". Út cười giả lả ôm chị Hai năn nỉ: "Hai đừng giận nữa mà. Tại cả ngày Út rượt mấy con cừu mệt quá à Hai". Chị Hai ngẩn người ra như sực nhớ điều gì rồi đôi mắt mướt buồn nhìn Út thương thương: "Út ráng phụ Hai thêm mấy bữa. Chờ dì Ba khoẻ hơn, Hai đi chăn, để Út ở nhà còn ôn bài mà thi cử với người ta". Mỗi lần như thế lại thấy tội chị không nói sao cho hết. Hai lo chi đủ người mà khổ vậy Hai.
Mấy năm ba bệnh nằm liệt giường, cả rẫy nho rộng mênh mông mình chị Hai coi sóc. Cũng mình chị lo tắm rửa, đút cơm đút cháo cho ba. Ba mất mà cứ nắm riết lấy bàn tay chị xương xương, trào nước mắt.
Anh Nam rồi cũng đi thành phố học, ngày anh đi chị Hai không ra tiễn. Út ra gò Đống tìm, thấy chị ngồi bên cây chùm ruột già thân sâu lỗ chỗ. Chị cười với Út, hai cái đồng tiền lún sâu tròn trĩnh mà mắt hoe hoe đỏ. Không vì lo cho ba, cho Út, chắc chị Hai không bỏ ngang năm học cuối cấp. Chắc giờ chị đang ngồi chung xe với anh Nam vào thành phố.
Dì Ba sức yếu, trái gió trở trời là bủn rủn chân tay, tụt huyết áp té xỉu. Cả bầy cừu tơ bên nhà dì đang tới tuổi lớn thả ra là rửng mỡ chạy tuốt lên mấy đám cỏ trên gò Đống. Con bé Ty mới đứng cao hơn con cừu đầu đàn một tẹo chạy đuổi theo không kịp, ngày nào cũng nước mắt nước mũi tèm lem cầm cái roi chạy về réo chị Hai.
Út thấy mồ hôi mốc trắng lưng áo nâu chị mặc mỗi trưa gắt nắng lùa bầy cừu trở về. Út nghe mùi thuốc sâu trộn mùi nắng khét mũi trên người chị mỗi lần mang bình xịt thuốc nho. Cái bình xịt to đầy ứ kéo oằn cả tấm lưng con gái. Đêm nằm nghe tiếng chị trở mình mệt mỏi, Út không chịu nổi. Càng thương chị càng giận mình vô dụng, giận anh Nam học gì mà đi biền biệt ba bốn năm để mình chị gánh cả hai gia đình.
Mới đó mà cũng gần tới ngày Út thi đại học. Út nôn một mà xem chừng chị Hai nôn mười. Chị cấm tiệt Út mó tay vô công chuyện nhà, bận túi bụi đi nữa cũng ra vô ngó nhắc chừng Út học bài.
Nho nhà Út đợt này trúng vụ, cả giàn trĩu trịt những chùm trái. Chùm nào chùm nấy chắc nịch những trái to căng mọng, sắc đỏ long lên, ứa tràn. Để mỗi lần Út từ cửa sổ nhà dòm ra lại thấy xen lẫn trong màu lá xanh mướt mát thứ lấp lánh mê hoặc như phát ra từ muôn vàn viên hồng ngọc đẹp nhất trần gian.
Chị Hai tranh thủ lùa cừu về khi chiều còn chưa tắt nắng, xách cái kéo đi giáp giàn nho tỉa bớt trái cho đều chùm: "Đợt này có tiền, thi xong Hai cho Út ở thành phố chơi lút luôn nhen!" – nhác thấy Út lom lom nhìn ra sau khung cửa, chị cười trêu. Nụ cười hồng lên trong ánh nắng cuối ngày đang rây hạt dìu dịu trong không gian chiều tím thẫm. Bóng chị đổ dài đứt đoạn lên những thân nho khẳng khiu mốc thếch nâu nâu màu cánh gián. Cả đến cái bóng cũng gầy gò, còm cõi, thương quá là thương.
Bán hết cả giàn nho cho chủ vựa trên dốc cầu, chị Hai xin lại gần chục ký đem bỏ rượu.
Không giống thứ rượu nho ngọt gắt hay chát đắng để hơn nửa tháng bắt đầu chua loét, bán nhan nhản ở mấy quán rượu hai bên đường quốc lộ, hương rượu chị ủ càng lâu càng nồng, vị ngọt chỉ phơn phớt đầu lưỡi mà dễ làm say người với cảm giác ấm nồng êm ái len lỏi đến từng thớ thịt. Út yêu lắm màu chát đỏ sóng sánh nồng nàn khi rượu ra khỏi hũ lần đầu. Hai ngồi chắt rượu, dòng nồng nàn đỏ chảy vào chai, chảy cả vào trong mắt long lanh. "Út vào thì ghé đem cho anh Nam mấy chai rượu. Ảnh thích rượu nhà nấu lắm!" Út rúc đầu vào vai chị rinh rích cười: "Thích rượu hay thích người, ai biết!"
Anh Nam (rốt cuộc Út cũng biết rồi) không thích rượu cũng chẳng thích người.
Ảnh không nhìn thấy Út tay xách hai chai rượu nho đứng chết lặng bên ngoài căn phòng xôn xao tiếng người. Ảnh bận ôm hôn cô gái tóc uốn lọn mì tôm trong tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo hoen hoét lẫn tiếng ly thuỷ tinh va vào nhau lanh canh.
Bia tràn bọt trắng hếu trên những miệng ly, những miệng người chúc tụng nhau một đêm sinh nhật tưng bừng. Trắng xoá cả những bãi cỏ mướt xanh trên gò Đống, trắng xoá cả tổ ong rớt xuống từ cây xoài, cả những câu chuyện đêm ngày chị Hai kể về một người con trai luôn đi bên chị trên quãng đường đầy ký ức ngọt ngào. Bọt bia trắng tràn, ai cũng nói cũng cười mà sao Út nghe tim mình thắt lại đau đến vậy.
Út về nhà trọ, đổ hết hai chai rượu ra mấy cái ly nhựa uống nước to đùng, nhét tay hết tụi bạn: "Uống đi bây! Uống để uổng công Hai tao ủ, Hai tao chắt. Uổng công Hai tao thương, Hai tao chờ, Hai tao đợi. Bây uống rồi sẽ thích. Rượu Hai tao nấu đó. Hai tao sao mà khổ quá, sao mà tội quá bây ơi!"
Cả đám con gái xúm vào ôm Út khóc ròng. Lần đầu tiên cả đám con gái uống rượu. Lần đầu tiên Út đau nỗi đau không phải của mình.
Đám rước dâu nối thành một vệt dài sắc đỏ trên con đường cát lầm lũi nắng. Cây chùm ruột trên gò Đống chết khô, gió tung lá héo vàng quẩn quanh, mềm oặt dưới chân chú rể. Bầy cừu mắt tròn ngơ ngác trong chuồng nhìn những gương mặt xa lạ ướp trộn lẫn lộn đủ thứ mùi xa lạ.
Bé Ty áo đầm trắng, tóc thắt bím buồn hiu ngồi bó gối sau nhà, thoáng thấy Út ra rửa chân nó thò đầu qua kêu nhỏ nhỏ:
– Chị Út! Chị Út…
– Sao hổng ra trước coi cô dâu, ngồi chi đây vậy nhóc? – Út xoa cái đầu nhỏ mềm tóc.
Con bé ngước đôi mắt tròn xoe trong vắt, giọng nửa như hờn mát nửa buồn xo:
– Em thích coi chị Hai làm cô dâu à, mà sao chỉ hổng làm hả Út? Má em tối qua khóc miết, má chửi anh Hai. Phải ảnh không cho chị Hai làm cô dâu không Út?
Út mím môi lắc đầu. Tiếng thở dài không nén nổi vụt bung ra. Trong nhà tiếng võng chị Hai nằm đưa kẹt kẹt, tóc đen dài Hai thả đung đưa theo nhịp võng, đung đưa cả nỗi buồn.
Chị Hai và Út ra mả ba má lúc bên nhà hàng xóm tiếng bong bóng nổ bộp bộp thay tiếng pháo.
Mả nằm trên gò cát cao chênh vênh cuối làng. Đứng bên này nhìn về gò Đống xanh ngút cỏ, bóng mấy con cừu nhà ai thả như mấy đụn mây tròn trắng xốp lơ đãng trôi. Màu xanh kéo dài miên man từ trên gò cao xuống tận những giàn nho rợp lá nằm san sát nhau.
Màu xanh chảy đến tận chân đồi cát ba má Út nằm. Vắng màu xanh, cả vùng gò bên này là cả một đồi nắng. Nắng rót mật vàng ruộm hanh hao mặt cát, nắng làm những giọt mồ hôi non đậu lấm tấm trên vầng trán chị Hai đỏ bừng.
– Mai mốt để Hai kiếm mấy cây bạch đàn về trồng cho mát. Để vầy trưa muốn trốn nắng cũng không có chỗ nào…
– Mình Hai làm cực lắm. Chừng Út nghỉ tết về rồi hai chị em mình làm đi Hai.
– Có chi đâu mà cực! Hai quen rồi mà…
Quen rồi mà, câu nói chị Hai buông nhẹ hẫng mà sao Út nghe quá đỗi ngậm ngùi. Nhường em cái mềm bông ấm sực để mình nằm co ro lạnh cóng, Hai cũng nói quen rồi mà. Em ngồi trong mát học bài còn mình giang đầu ra giữa nắng cột giàn nho, Hai cũng nói quen rồi mà. Thay người ta lo cho mẹ già em dại, để tảo tần chừng oằn gãy một bên vai, Hai cũng cười mà nói quen rồi mà. Giờ thì người ta xênh xang khăn áo nói cười… lẽ nào ông trời cũng nghĩ Hai quen rồi với những vất vả nhọc nhằn, nay thêm một chút đau thì có là gì. Thẻ nhang trên tay chưa cháy mà Út nghe cay xè như cả mớ khói thi nhau chui vào trong mắt.
"Ba má, mốt Út nó vào thành phố học rồi. Con dắt em lên thắp ba má nén nhang. Ba má phù hộ em mạnh giỏi để học hành cho tốt nghen ba má". Bên cạnh, Út nghe vẳng lời chị Hai thì thầm khấn nguyện.
Út dập đầu trước tấm bia mộ xanh đen, nước mắt đọng vệt tròn trên nền ximăng xây nhô ra phía trước.
– Con nhỏ này. Lớn ngồng sắp làm sinh viên rồi mà mít ướt – chị Hai làm bộ dài giọng chọc quê, rồi choàng tay ôm vai Út vỗ về. Hình như bên khoé mắt chị cũng ươn ướt.
Gió lên. Tóc hai chị em quyện gió, quyện nắng bay bay.
Phan Rang 3.2010
Nguyễn Thị Kim Hoà
Từ đầu tôi đã biết rồi, chàng trai trong truyện này sẽ chẳng quay về đâu, biết cô gái cho đi mà chẳng nhận lại được gì, biết cô sẽ lỡ mất thời xuân sắc bởi mối tình đầu vô vọng... Nhưng tôi vẫn dõi theo truyện ngắn đến những dòng cuối cùng, chữ cuối cùng, bởi những thân phận ấy sao mà run rẩy, bởi tình chị em ấy sao mà thương, bởi cái không gian tràn đầy nắng gió ấy sao mà sống động. Những bầy cừu cuốn bụi mù trên đồi cát, những chùm nho xanh mọng nước, những ngôi mộ nằm dưới cái nắng vàng như mật...
Tác giả sinh năm 1984, đang là giáo viên dạy kèm tại nhà, sống ở Phan Rang, Ninh Thuận. Bắt đầu viết năm 2009 với những truyện ngắn đầu tiên đăng trên Áo Trắng, đã in riêng tập truyện dài thiếu nhi Tay chị, tay em (NXB Kim Đồng), có mặt trong hai tuyển tập truyện ngắn khác của nhà xuất bản Trẻ. Sống chung với những di chứng của cơn sốt bại liệt từ nhỏ, cô nói với tôi rằng "bao giờ em khoẻ em sẽ viết thật nhiều..."
Nguyễn Ngọc Tư (giới thiệu)
..................................................................................
Thơ:

Hà Nguyên Dũng
Thầm Mong

Sắp sửa đến giáng sinh rồi đó bé
Gió se buồn trên mấy ngọn sầu đông
Trên vạt áo trắng thơm men sữa mẹ
Làn da thơm hồng phấn lạnh buồn không?


Bé có thấy lòng trời mây xám tái
Như lòng anh buổi bé hẹn quên lời
Để anh đứng dưới tàn cây ngóng mãi
Nghe thu tàn, đông chớm lá mưa rơi…
...........................................................................
Trần Viết Dũng

Giáng Sinh Trên Đồi

Những tiếng chuông dịu dàng rơi xuống cỏ
Mắt Giáng Sinh cũng rất dịu dàng
Đêm thánh vô cùng có con chim nhỏ
Ngơ ngác mùa đông lạc cả đàn.


Em ngoan nhé, hãy tìm sẽ gặp
Giấc mơ hiền một ánh sao sa
To, nhỏ ngàn sao mang nến thắp
Hợp xướng ngàn thông hát thánh ca
....................................................................................
Trường Giang

Em Đi Một Mùa Đông

Chiều nay mây xám vương lên mắt
Đông đã lại về giăng phố xưa
Cánh hoa sầu khép thêm hiu hắt
Rơi xuống ngập hồn năm tháng qua


Nô-en nơi cũ xa xôi lắm
Vẳng tiếng chim chiều trơ gác chuông
Giáo đường ngày đó nay hiu quạnh
Đâu bóng em buồn – đâu nhớ thương

Tắt nắng… đêm đêm dài cơn lạnh
Chiếc lá thông vàng rụng rớt mau
Em đi mùa ấy sao nhanh quá
Đã mấy đông sang chớm bạc màu.

Để giáng sinh nay sầu thăm thẳm
Con dốc xưa về mãi bấp bênh
Áo em mùa cũ mênh mông lắm
Thoang thoảng vạt hồn – nắng chênh vênh

Có còn gì lại bao đông ấy
Nay tuyết phủ đầy một gác chuông
Em xa xôi quá, thôi đành vậy
Để mãi một mùa đông tiếc thương
.................................................................................
Kính.
NNS


No comments:

Post a Comment