Thursday, December 22, 2011

Chuyện người đánh cọp


 
Vào cuối năm 1975, số người Việt sống tại Paris tuy không nhiều như sau này, nhưng vì  có nhiều nhân vật quái kiệt, mang ít nhiều huyền thoại lịch sử, còn sống tại Pháp, nên giới truyền thông Pháp thỉnh thoảng cho đăng tải trên báo chí một vài điều lạ lùng liên quan đến Việt Nam, coi như một thứ “đặc sản” vùng thuộc địa Đông Dương. Nhiều người Pháp còn mê cái loại hương đế quốc ấy lắm, vì nó nhắc nhở đến giai đoạn “vàng son” của họ tại Á Châu. Giai đoạn mà đồng tiền Đông Dương có giá trị ngang với đồng tiền hoa xoè (con cò) tức ngang giá trị với 1 quan tiền An Nam *
 
Vào khoảng cuối tháng 12 năm đó, một số bạn của tôi kiếm được một công việc thợ trong một hãng xe hơi Mỹ tại ngoại ô Paris. Lương khá, điều kiện tương đương với thợ “Tây” là một giải pháp tuyệt hảo cho đám cựu sinh viên du học tại Nhật đang đến Pháp tìm nơi định cư. Nhóm anh em trên Paris gọi điện thoại kêu gọi đám “thôn quê” Strasbourg lên gấp, nếu muốn có việc làm “đàng hoàng”. Nhóm thôn quê chia làm hai, một số quyết định vẫn ở lại Strasbourg, hy vọng thành công trong việc xin quay lại học tại đại học, tôi trong số không mấy tin tưởng vào việc này, lại cần tiền, nên đã xoay sở mua vé xe điện lên ngay thủ đô ánh sáng đi làm “thợ chuyên môn” phục vụ ráp xe hơi trong giàn dây chuyền.
 
Sau khi được nhận vào làm, vấn đề tài chánh tương đối ổn thoả, bọn tôi kiếm được một căn phòng khá tươm tất để 5-7 người sống chung. Đời sống tương đối ổn định, cuối tuần, mạnh ai nấy tìm thú vui cho riêng mình.
 
Không hiểu sao, tôi lại thích lăng quăng mua vé đi lên khu St Michel, rồi lang thang thả bộ dọc con sông Seine, ghé coi ké mấy quầy bán sách, ngắm nghía cây, phố, người, nhà cửa, rồi quay về mua bánh giò chả tại quán Thanh Bình ăn. Vào những năm ấy, quán bán thức ăn Việt Nam cực hiếm, muốn ăn bánh giò chả , phải đến quán Thanh Bình.
 
0o0
 
Ăn xong, thường tôi không về ngay, mà ghé quán cà phê trong khu Maubert Mutualité uống bia. Chính tại đây, tôi được nghe “hóng” nhiều chuyện thuộc loại “Lĩnh Nam Chích Quái” tân thời.
 
Những khuôn mặt người Việt tới Maubert thường lại từ những khu Quartier Latin- Saint Germain-Sorbonne. Có những người trẻ, có những người trung niên, và thỉnh thoảng có cả những cụ già. Người thì ăn mặc rất nghệ sỹ, nón cát két, cổ buộc phu la, miệng ngậm bíp. Người lại chỉnh tề như một nhà ngoại giao, còm lê, cà vạt, lưng thẳng, giầy đánh bóng. Người lè phè, kẻ kỹ lưỡng. Họ như biết nhau cả, nhưng thân mà không thân. Đủ mọi thứ được họ nói ra bàn cãi, người chừng mực, kẻ báng bổ, người bênh cộng sản, kẻ chửi cộng sản. Người nói, có kẻ nghe và phản bác tại chỗ. Xong một đề tài gay gắt, mạnh ai nấy mắt lườm lườm có vẻ tức tối, nhưng kềm hãm, tìm ra một cái bàn rồi ngồi trầm ngâm trước khi trở lại tranh luận một đề tài khác. Ngày đó, cái cộng đồng người Việt cũng phức tạp như đất nước quê hương xa tít đang tù mù ở cõi hỗn mang thời cuộc, nhưng nhờ có luật pháp xứ người nên ít chuyện bạo lực xảy ra hơn.
0o0
 
Tôi thường chọn cái bàn xa chỗ họ tranh luận, gần vừa đủ để có thể theo dõi những tin tức, nhưng không bị vướng buộc vào câu chuyện. Nhờ đó, vừa nhâm nhi cốc bia sủi bọt lạnh, tôi đã biết được bằng cách nào mà người ta có thể gặp, và chiêm ngưỡng cựu hoàng Bảo Đại rất lâu, khoảng 1 đến 2 tiếng, mà chỉ tốn khoảng vài quan; trong khi có nhiều người muốn gặp “Ngài” phải mất cả mấy ngàn quan, chỉ được “Ngài” tiếp khoảng 10 phút, mà đã coi như được diễm phúc, thoả mãn cả đời. Rồi từ chuyện con gái Đề Thám hiện nay ở đâu, lan đến câu chuyện  muốn “đi chơi” một đêm với một ca sỹ nổi tiếng mới từ VN trốn qua, tốn bao nhiêu tiền. Qua tới chuyện từ ga St Michel đi metro nào để đến quận 13, ghé thăm ngôi nhà cũ của luật sư Phan Văn Trường, ở chung với Phan Chu Trinh, và cho Nguyễn Tất Thành ở tạm,  tại đường Gobellins…
 
Hầm bà lằng mọi chuyện như vậy được quán cà phê loại này tại Maubert tung ra, nghe như hổ lốn khó tin, nhiều khi vớ vẩn, nhưng chúng thỏa mãn được cơn buồn nhớ quê hương, sự khát tin, nỗi cô đơn, sự xa lạ … trong cuộc sống xứ người của họ.
 
Có một ông trung niên, nói giọng tiếng Nam, vào khoảng giờ tôi đến đây, thường đẩy chiếc xe lăn chở một vị hòa thượng già lắm, ít nhất là trên dưới 80 tuổi.  Ông này lúc nào cũng ngồi uống bia trong khi cụ hòa thượng chỉ ngồi lần tràng hạt. Nhưng không phải ông kia muốn đến quán uống bia, mà chính vị hòa thượng muốn đến để hóng chuyện quê hương như tôi vậy.
 
0o0
 
Một hôm, tôi nghe ông kia nói với vị hòa thượng:
 
-         Bạch thầy, con cám ơn thầy vẫn không nài tuổi tác cao, tuần nào cũng tới châm cứu cho cha của con. Nhưng sao thầy không chịu cho con đẩy thầy về chùa nghỉ , thầy đang mệt lắm, ra đây nghe toàn mấy chuyện khoác lác, đầu gà đít vịt, làm sao mà tin cho được.
 
Vị hòa thượng lắc đầu, trả lời:
 
-         Không có đâu, chuyện họ nói, 10 phần thật tới 7, 8, có đâu khoác lác. Họ đâu có thì giờ huởn mà ra đây kể bậy, kể bạ. Đó là một cách kể chuyện ngày xưa, nói chuyện đời nay, mà ở quê mình vẫn có đó.
-         Trời ơi, chuyện gì chứ mấy cái chuyện “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” đó ai mà tin được. Ở Việt Nam làm gì mà có chuyện có võ nghệ cao đến nỗi đánh được cọp. Thầy đừng tin, con thấy báo chí đăng, người Việt lên võ đài đấu lần nào, thua lần đó. Kiểu như kể chuyện lịch sử vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh vậy. Chắc có ít xít ra to, quân Thanh chắc mang chừng vài ngàn quân qua đánh thôi à…
-         Chuyện vua Quang Trung thầy không rõ, chứ chuyện đánh cọp thì có thật. Mà là nhà sư đánh cọp nữa. Nhờ đó mới có thầy, rồi tới giờ này vẫn tuần nào cũng tới nhà con mà châm cứu đó. Thầy chắc cũng có duyên ngày hôm nay, muốn kể cho con và cậu nhỏ này nếu muốn, nghe luôn
 
Vị hòa thượng chậm rãi nói rồi quay qua tôi. Tôi bối rối vì bị bắt gặp đang nghe trộm, nhưng trả lời:
 
-         Dạ, con xin nghe hòa thượng.
 
-         Vậy thì, các con đẩy ta từ từ ra  ga đi. Từ đây đến đó đường đủ dài cho xong câu chuyện
0o0
 
-         Cách đây chừng gần 80 năm ở gần núi Ổ Gà (mà bây giờ người ta gọi là Phú Như) gần tỉnh lỵ Nha Trang bây giờ, có một cái làng gồm chừng mấy chục nóc gia. Trong làng có một gia đình họ Đặng chuyên sống bằng nghề mua bán gỗ và trầm hương. Họ có tám người con gái và 1 người con trai. Người làng gọi người con trai là cậu Tám Hoang. Cậu Tám Hoang nhờ vào sự giầu có của gia đình, nên ăn chơi bặt thiệp. Mấy thanh niên trong làng vì muốn theo đuôi, ăn ké tiền cậu Tám Hoang nên cậu ta bảo gì cũng nghe. Họ thường tụ họp nhau, chạy ngựa lên huyện, lên phủ ăn chơi, nhậu nhẹt. 
 
Cậu Tám Hoang phải lòng một cô gái trong làng tên là Yến, cô này tuy nhỏ con, nhưng đẹp lắm, mắt to, mũi cao. Mà cô Yến đặc biệt cái là tính nết kiêu kỳ, thích học và đọc sách. Hai nhà coi như đã đồng ý chuyện cưới hỏi. Chỉ chờ cậu Tám thi xong, đậu rớt gì cũng làm đám cưới.
 
Cậu Tám lên kinh học thi tại một nhà họ với một quan lớn thuộc giòng phụ của hoàng tộc. Chẳng ngờ cậu Tám ham chơi hơn học, cậu thường tuyên bố với các bạn: “Mấy ông học cho lắm, đậu cao thì cũng chỉ làm quan, lương bổng được bao nhiêu, quyền hành còn phải phụ thuộc quan Tây. Như nhà tôi đây, làm việc thẳng với nhà buôn Tây, quen biết rộng, tiền bạc còn với rừng, chỉ khi nào rừng hết cây, nhà mới hết tiền…”. Bạn bè ai cũng bực mình, ghét trong lòng, nhưng chỉ để bụng. Cậu Tám thấy vậy càng hách dịch, tự mình coi như là trưởng tràng.
 
Tới sau cậu Tám Hoang vài tháng, có một thư sinh từ Thanh Hóa vào kinh trọ học. Thư sinh họ Lê này trắng trẻo, thông minh, đẹp trai nhưng phải tội nghèo. Thày nhận học không lấy tiền ăn, tiền trọ, vì quen với cha của anh ta thuở ông này còn sống làm quan tại kinh.  Một buổi nọ, thư sinh này vào lớp, chào hỏi nhiều người, nhưng sót cậu Tám Hoang, vì cậu Tám vắng học nhiều ngày trước nên không nhớ mặt. Cậu Tám Hoang tuy không nói ra, nhưng trong lòng để bụng thù họ Lê.
 
Cậu Tám ăn chơi quá, tối ngày ngủ đò rồi uống rượu, sinh ra bệnh thương hàn mê man. Thày đành phải cho người đi cùng để đưa cậu Tám về làng. Người được chọn, chẳng ai khác lại là Lê Sinh.  
 
Lê Sinh biết nghề thuốc và có võ nghệ, đi đường chăm sóc cho cậu Tám, nên bệnh tình cậu này thuyên giảm mau. Nhưng cậu Tám, không vì thế đổi lòng thù thành tình bạn.
 
Về đến làng quê cậu Tám, Lê Sinh được nhà cậu này cho ở một túp lều tranh nhỏ, chờ khi cậu Tám khoẻ hẳn sẽ cùng về kinh lại . Lê Sinh chăm đèn sách, và tối nào cũng mang thanh tre của mình ra tập võ nghệ.
 
Có hai thiếu nữ trong làng có cảm tình với người thư sinh nhưng giỏi võ, mà trắng trẻo đẹp trai này. Đó là cô Yến và cô út  em cậu Tám.
 
Cô Yến thường hay qua nhờ Lê Sinh giải nghĩa cho những sách học, và truyện của mình. Cô út em cậu Tám, năm đó 17 tuổi, học võ với nhà sư trụ trì ngôi chùa tên là Thanh Minh Tự, đêm nào cũng lén qua nhìn Lê Sinh luyện võ.
 
0o0
 
Người dân tại làng hầu hết đều làm việc cho gia đình cậu Tám và gia đình cô Yến. Làm cho nhà cô Yến tuy mệt và chân lấm tay bùn, nhưng ít bị nguy hiểm. Nhóm người làm việc cho gia đình cậu Tám phải vào rừng tìm gỗ quí và trầm hương, công việc gian nan, nguy hiểm, nhưng thù lao lớn. Gặp may, chỉ cần vào rừng vài tháng là đủ sống sung túc cả năm.
 
Lần đó, Lê Sinh nghe tin toán đi vào rừng đốn củi và tìm trầm hương bị cọp tấn công tại thung lũng Buồng Tầm. .  
 
Một người thợ bị thương nặng được mang về chùa nằm, sư phụ trụ trì chùa Thanh Minh vì biết Lê Sinh có nghề thuốc cao tay, nên cho người mời Lê Sinh lên cùng chữa cho bệnh nhân.
 
Trong lúc chung tay chữa bệnh, nhà sư và Lê Sinh trò chuyện rất tâm đắc. Lê Sinh biết được nhà sư họ Trần, chắc phải có một quá khứ đặc biệt, vì mặc dù rất thông bác, võ thuật tuyệt cao, y học cũng vào mức cao thủ, nhưng sư không màng gì chuyện nhân thế. Sự khác biệt giữa Lê Sinh và nhà sư ở chỗ nhà sư đã nhập vào cõi ngoài sự sống người thường. Nhà sư cho rằng: “Cái họa mà con người bị hổ vồ và giết, là do từ chính người ta. Vì tham tiền, đã vào rừng sâu, chỗ sinh sống của hổ, nên bị hại, là cái nhân xấu …”. Lê Sinh nghĩ khác: “Đành rằng là vậy, nhưng con người vì nghèo quá mà phải chấp nhận nguy hiểm nhằm nuôi sống vợ con. Bảo vệ sinh mạng của người vẫn quan trọng hơn là bảo vệ sinh mạng của hổ”.
0o0
 
Toán người vào rừng tìm gỗ lại lên đường trở lại núi Ô Gà trong vài ngày nữa. Lần này Lê Sinh tình nguyện đi theo để bảo vệ người đi rừng, vì đám cọp đói đã lâu, vừa bắt hụt người, hẳn kỳ này rất hung dữ. Cô Yến nghe tin, không màng lời dị nghị tới tận túp lều của Lê Sinh tìm cách cản ngăn. Cô không ngần ngại tỏ lòng đã yêu thương và kính phục Lê Sinh. Cô khóc lóc, và cho biết, nếu Lê Sinh rút lại quyết định không đi theo đoàn, cô sẽ xin với cha mẹ hủy lời hứa hôn nhân với Tám Hoang, và theo Lê Sinh về kinh.
 
Lê Sinh tuy trong lòng đã yêu cô Yến, nhưng khi nghe cô Yến thố lộ rằng hai gia đình bạn mình và cô Yến đã hứa kết thông gia với nhau, chàng đã phải dứt khoát nói với cô Yến rằng, chàng sẽ giữ ý định vào rừng và sau đó sẽ lên đường về kinh cho kịp ngày giờ chuẩn bị kỳ thi.
 
Cô Yến nghe vậy, ngỡ là Lê Sinh khinh rẻ mình, đổi tình thành oán, về nói với cậu Tám Hoang rằng Lê Sinh đã tìm cách tán tỉnh cô ta, và  rủ rê cô trốn nhà về kinh.
 
Cậu Tám Hoang nghe kể, máu ghen hòa nỗi ghét bốc lên ngùn ngụt. Cậu nghĩ ngay ra độc kế để hại Lê Sinh kỳ này  không trọng thương cũng chết mất xác vì hổ. Chiều hôm đó, cậu cho người kêu toán thanh niên tình nguyện đi bảo vệ đoàn với Lê Sinh vào, dặn họ chờ khi vào gần lũng Buồng Tầm, thì bỏ nấm độc liều nhẹ vào thức ăn của Lê Sinh. Rồi khi gặp cọp phải ùa chạy đi, bỏ Lê Sinh  lại một mình, đã yếu lại cô thế, kỳ này chắc chắn phải bỏ xác cho cọp ăn.
 
Toán thanh niên trong lòng bất nhẫn nhưng không dám trái lời cậu Tám Hoang. Họ lắc đầu than thở, rồi rủ nhau lên chùa khấn vái, xin thứ cho cái tội bất đắc dĩ mà phải đồng lõa với vụ sát nhân này.
 
Mọi điều kể trên đều không qua khỏi mắt cô em út của cậu Tám Hoang. Cô này vì yêu thương Lê Sinh, đã theo dõi hành tung cô Yến ngay từ phút đầu.
 
Cô út suy nghĩ rất lâu, phân vân giữa chuyện báo cho anh trai mọi chuyện, hoặc báo cho Lê Sinh biết chuyện. Cách nào rồi thì cũng gây hậu quả nghiêm trọng cho một ai đó, kể cả cô, mà chưa chắc người ta đã tin lời cô kể.
 
Cô út bí quá, đành phải đến chùa, tỏ hết mọi chuyện cho nhà sư, và xin ông giúp cho cách gỡ rối hay nhất. Nhà sư nghe xong, nhắm mắt ngẫm nghĩ, rồi bảo: “Con cứ về thu dọn quần áo, rồi xin với cha mẹ vắng nhà vài hôm, để lên chùa luyện võ, thày trò mình sẽ đi theo đoàn mà bảo vệ cho Lê Sinh”.
 
Cô út nghe xong, mừng rỡ lắm, cứ theo kế đó mà làm.
0o0
 
Mọi chuyện diễn ra gần như cậu Tám Hoang đã tính và xếp đặt. Chỉ có điều khác biệt là đám thanh niên đã cho rất ít nấm độc vào phần ăn dành cho Lê Sinh   
 
Quả là con hổ đói vẫn còn đó để rình mồi. Khi nó nấp trong rừng xông ra, Lê Sinh vác thanh côn chạy lên thì bị cơn đau bụng đến bất chợt. Mặc dù mồ hôi tuôn ra đầy trán, nhưng Lê Sinh vẫn gắng chạy tới đối đầu với con mãnh thú.
 
Đúng lúc thập tử nhất sinh đó, nhà sư và cô út xuất hiện ngay, vì hai người đã giả trang thành hai người thợ đi theo sau đoàn.
 
Nhà sư thét bảo cô út lo cho Lê Sinh, còn nhà sư tìm cách đánh chận và đưa con hổ ra xa đoàn người.
 
Chẳng ngờ, khi Lê Sinh đã tìm cách nôn thức ăn ra, uống kịp thuốc giải độc, thấy nhà sư vừa đánh vừa dẫn con hổ chạy ra xa, chàng hiểu ngay là nhà sư không muốn ra hết sức đánh hổ. Như vậy thật là nguy hiểm cho nhà sư.
 
Mặc dầu cô út tìm cách ngăn cản, Lê Sinh cũng chạy đuổi theo con hổ và nhà sư. Đến sát bìa rừng, chàng thấy nhà sư đã không còn đánh nữa mà chỉ tìm cách tránh né. Lê Sinh vác thanh côn đến rồi lừa thế đập mấy đòn chí tử vào con cọp. Con mãnh thú đã mệt lả, nay bị thêm vài cú, không còn sức đâu mà đánh đành lùi lại bỏ chạy vào rừng.
 
Lê Sinh, nhà sư cùng cô út về lại chùa, còn đoàn người lại tiếp tục vào sâu trong núi. …”
 
0o0
 
Vị sư cụ kể đến đó rồi hơi quay đầu nói với người đàn ông:
 
-         Con và ta đều là cháu chắt của cậu Tám và Lê Sinh hết, con biết không? Lê Sinh sau này lấy cô út, một thời làm quan rồi dời vào Nam sinh sống và qua Pháp, cha của con chính là con của Lê Sinh. Còn ta là con út của cậu Tám Hoang và cô Yến. Chuyện này là do má ta, tức cô Yến kể lại đầu đuôi cho ta, lúc sắp chết, nên không thể nào sai hay bịa được. Oan nghiệp trùng trùng, có cột phải có gỡ. Như chuyện ngày nay ta kể cho con và cậu nhỏ này nghe cũng chỉ nằm trong dòng duyên nghiệp karma mà thôi
0o0
 
Tôi chia tay với vị sư cụ và ông họ Lê kia, và lần đó là lần cuối tôi gặp lại họ. Nhưng vài năm sau, đọc báo thấy có hình ông họ Lê với hàng chú thích là một giáo sư đại học  khá nổi tiếng trong giới nghiên cứu khoa học.
 
 Phạm Thế Định
(Tháng Chạp năm 2011)
 
 
* “1 quan là 600 đồng, chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi”, câu thơ của Nguyễn Bính cho thấy 1 tháng mà để dành được 1 quan tiền là lớn lắm.




From: Dzung T
Thursday, December 22, 2011 9:14 AM
Subject: [Exryu-ww-Forum] Truyện mời đọc ngày nghỉ lễ Giáng Sinh

No comments:

Post a Comment