Monday, April 11, 2011

10/04 Trương Ngọc Ánh: "Nếu còn ở tuổi 18..."

Cập nhật lúc 10/04/2011 11:57:00 AM (GMT+7)
Thông minh, sắc sảo, rất thực tế nhưng cũng rất "đằm", đó là cảm nhận về cuộc trò chuyện với một người phụ nữ đẹp và thú vị như Trương Ngọc Ánh.


Đây là một trường hợp đặc biệt. Không được đào tạo chính quy về điện ảnh, số lượng phim cũng đếm được chưa hết 10 đầu ngón tay… nhưng Trương Ngọc Ánh vẫn đường hoàng đứng ở vị trí của một diễn viên hạng A trong thế giới điện ảnh.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện đúng vào thời điểm Ánh trở lại trường quay sau 5 năm im ắng kể từ khi đóng máy “Áo lụa Hà Đông”.

Tôi không mơ mộng


Vai diễn mới của Ánh trong bộ phim truyền hình “Tình yêu và tham vọng” khiến tôi rất bất ngờ trước hình ảnh một cô gái tuổi đôi mươi. Cuộc lột xác này của chị diễn ra thế nào?


Trước khi nhận lời, tôi đã phải suy nghĩ rất lâu. Một vai diễn trải dài từ lúc 18 đến hơn 50 tuổi. Đó là một chặng đường dài lột xác từ ngoại hình nhân vật cho đến những biến chuyển trong tâm lý. Vì vậy mà trước khi phim bấm máy, tôi đã phải yêu cầu được làm việc với đạo diễn và các bạn diễn rất kỹ càng, chuẩn bị từng phân cảnh, thoại và diễn biến nội tâm để tìm phương án thuyết phục nhất.

Anh thấy đó, bản thân tôi cũng không còn trẻ nữa nhưng trên hình ảnh đã phát tán thì những nhận xét cũng làm tôi cảm thấy vui và yên tâm phần nào. Đã lâu mới trở lại trường quay, nhất là được làm việc lại với một êkíp sản xuất phim truyền hình theo công nghệ mới, thu tiếng trực tiếp, tôi lại như một người mới vào nghề.

Mọi việc tiến hành rất nhanh, với khối lượng công việc lớn và diễn viên thì phải có cường độ thay đổi tâm lý nhanh, đột ngột. Tôi lúc nào cũng phải chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng, phân cảnh ở độ tuổi nào là phải diễn với con người và thái độ của lứa tuổi ấy...

Lâu không làm phim, hào hứng thì chắc rồi, nhưng có lẽ phải nói thật, tôi không đặt kỳ vọng đâu. Trong điều kiện làm phim truyền hình hiện nay thì không thể đòi hỏi mọi chi tiết đều kỹ lưỡng bởi như thế thì sẽ rất mất thời gian của đoàn. Bản thân mình mà cứ kỳ vọng hay mong muốn nọ kia, rồi do nhiều hoàn cảnh khách quan không được như mong mỏi của mình thì phí lắm. Trăn trở thì tốt thôi, nhưng tôi không mơ mộng.


Một vai diễn trải dài nửa đời người hẳn cũng cho diễn viên nhiều đất diễn đấy chứ?

Đúng như anh nói, đây là một vai có nhiều đất diễn. Nhưng một cánh én chẳng làm nên mùa xuân, mà trong một bộ phim, mọi nhân vật đều phải là những cánh én chứ. Thói quen đọc kịch bản của tôi không chỉ để phân tích vai của mình mà còn để liên hệ cả với các tuyến nhân vật khác. Với bộ phim này thì mọi thứ tương đối ổn, các nhân vật khác cũng có rất nhiều đất diễn, đường dây, tình tiết và lời thoại đều được đầu tư tốt.

Chị không kỳ vọng, nhưng trong tâm mình có quyết tâm nắm bắt được cơ hội trở lại nghệ thuật này bằng mọi giá không?

Thực ra từ nhà sản xuất, đạo diễn đều thuyết phục tôi rất nhiều. Họ cho rằng nhân vật này khó diễn, phải diễn bằng cả nội tâm, kinh nghiệm và làm việc trong cường độ nặng chứ không như làm phim nhựa có nhiều thời gian để làm đi làm lại. Họ cần một diễn viên có khả năng. Đây là một phim đinh của nhà sản xuất nên họ cũng muốn đầu tư để làm một cái gì đó tử tế và mới mẻ. Tôi nhận lời vì điều đó chứ không phải vì bản thân mình.

Trở lại phim trường sau nhiều năm vắng bóng, cảm giác của chị?


Trở lại trường quay rồi, tôi mới thấy phục các diễn viên trẻ, họ chạy sô hai, ba phim một lúc. Tôi nói với họ: “Chị không thể làm như bọn em được”. Bản thân tôi, để nhập tâm được vào nhân vật là tôi phải nuôi nó dần dần, không để cảm xúc thoát ra ngoài. Làm phim truyền hình, đang ở tập này lại quay cảnh của tập khác, phải thay đổi tâm lý là tôi đã thấy sợ rồi, huống chi thay đổi từ nhân vật này sang nhân vật khác. Nhưng các em diễn viên trẻ ấy nói, với họ thời điểm này được các nhà làm phim nhớ đến và mời đã là mừng lắm rồi. Họ không dám từ chối. Tôi thấy chính trong sự thật thà của họ là một nỗ lực cố gắng lớn hơn cả chúng tôi, đó mới thực sự là nỗ lực để nắm bắt cơ hội.


“Học tài thi phận”

Xem Dần trong “Áo lụa Hà Đông”, tôi luôn thường trực suy nghĩ đó là Trương Ngọc Ánh chứ chưa làm tôi nghĩ thực sự đến cô Dần. Liệu có phải là quá cực đoan đối với chị?

Tôi nghĩ một phần do cá tính mạnh của mình có thể đã ghi dấu ấn trong nhiều người. Hoặc đôi khi nhiều người không theo suốt mình nên có thể có cảm nhận như thế. Chẳng có gì đáng trách cả. Nhưng nếu cứ xem cả một chuỗi những vai diễn của tôi, chắc chắn mọi người sẽ thấy mỗi nhân vật đều có những sự khác biệt. Xem phim, cảm nhận là quyền và cách của mỗi người.

Nhưng Dần và Lý An trong “Hạt mưa rơi bao lâu” thì tôi vẫn cứ bị gợn và ám ảnh bởi các cô ấy đẹp và hiện đại hơn hình dung về phụ nữ Bắc ngày xưa. Bởi thế tôi cũng khó để tập trung vào diễn xuất của chị?

Nói thật là vào cả hai vai ấy, tôi cũng chẳng phấn son gì để làm mình đẹp hơn, mà thậm chí các hóa trang cũng đã làm xấu đi rất nhiều. Bộ dạng tôi thế này, biết phải làm sao đây?

Nhưng tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là tạo hình nhân vật trong con mắt đạo diễn. Họ cảm thấy được, cộng với diễn xuất và thái độ làm việc của mình làm cho họ yên tâm, tin tưởng, cuối cùng là hài lòng với đứa con của họ. Quan điểm của người xem cho rằng tôi đẹp hơn vai diễn thì cũng đã có nhiều tranh cãi. Nhưng có lần tôi nói chuyện với một chị giám đốc công ty chuyên chào bán phim Việt ra nước ngoài thì chị lại nói rằng, phim việt cần có những diễn viên sáng sủa cho dù là vai diễn trong hoàn cảnh sang hay hèn, giàu hay nghèo mới dễ bán.

Quan niệm của người xem trong nước thường nghĩ, cứ gái quê thì phải nhem nhuốc, thấp thấp, nhỏ nhỏ. Nhưng chính chị ấy bảo, chị muốn người nước ngoài nghĩ về phụ nữ nông thôn nước mình không hề xấu...

Nghe nói, vai Dần đã ấn định cho NSƯT Thu Hà. Đó có phải là một áp lực cho chị bởi nếu so sánh, chị gần như là một nhan sắc cá tính ngược với chị Thu Hà. Mặt khác, vai Dần rõ ràng là tuýp nhân vật sở trường của chị ấy?

Chị Thu Hà sở hữu một gương mặt rất việt Nam và có lối diễn rất sâu sắc mà tôi thực sự thích. Tôi yêu chị từ thời còn đi học. Nếu “Áo lụa Hà đông” mời chị Hà cho vai dần thì tôi cũng nghĩ là hoàn toàn chính xác. Nhưng đấy là “nếu”, còn tôi có duyên để được giao vai diễn thì phải cố gắng và nắm bắt nó thôi. Tôi không đặt điều này làm áp lực. Càng bị áp lực thì tôi càng không đóng được. Tôi đã nghĩ rằng, vai diễn này mình rất yêu thích thì tôi đóng theo cách nghĩ của mình chứ tôi không đóng theo kiểu sở trường của chị Thu Hà.

Nghe chị nói thế, tôi hiểu là chị đã đặt nhiều niềm tin vào vai “Áo lụa Hà Đông”?

Đây là một bộ phim nặng, nên tôi chỉ cảm thấy tiếc một điều là nhà sản xuất để thời lượng hơi dài. Nếu là tôi, tôi sẽ cắt bớt đi, chỉ cần vừa đủ. để người xem dễ đồng cảm nhiều hơn với vai dần ngay từ lúc cao trào, thì sự tiếc nuối và xót thương cũng như ám ảnh với nhân vật nhiều hơn.

Khá nhiều giải thưởng đã dành cho bộ phim, chị cũng có tiếng tăm từ nó nhiều nhưng giải thưởng cá nhân từ vai Dần lại không đến, chẳng hạn ở giải Cánh diều vàng hoặc Liên hoan phim quốc gia?

Thành công của một vai diễn không phụ thuộc vào bản thân sự nỗ lực của mình. Sau khi đóng máy, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Đi thi thố, chẳng phải đã thành câu “học tài thi phận” đó sao, mình sống và làm việc cứ chăm chỉ cố gắng là một chuyện, còn giải thưởng hay đỗ đạt còn phụ thuộc vào may mắn của số phận.

Tôi vẫn nhớ ngày đó, trước khi trao giải cũng có nhiều dư luận đặt niềm tin vào vai Dần của tôi. Sau khi tôi lỡ mất nó, cũng lại sôi sục lên những bàn cãi. Như vậy, điều quan trọng chính là người xem đã công nhận sự nỗ lực của tôi, nó quý giá hơn nhiều chứ! sau “Áo lụa Hà đông” tôi đã tự thấy rằng, làm phim không cần phải chăm chăm vào giải thưởng này nọ nữa, bởi nó hoàn toàn là sự may mắn gọi tên.

Ngược lại, chồng chị - Trần Bảo Sơn - diễn viên tay ngang với điện ảnh lại có duyên với các giải thưởng. Hơi buồn cười nhỉ?


Thì vậy mới nói là khó nói được điều gì. Đó là cái duyên, trời cho ai thì người đó nhận và bản thân mình thì không thể tự kiểm soát được duyên số. Chính qua kinh nghiệm của bản thân, tôi cũng nói với anh Sơn khi anh ấy đóng phim đầu tay “Huyền thoại bất tử” là đừng kỳ vọng, nhưng hãy làm hết sức, cho bản thân mình và tìm thấy đồng cảm với người xem chứ đừng vì một giải thưởng nào hết... và kết quả đúng như thế, may mắn đã đến với anh ấy.

Thất bại của “Sài Gòn nhật thực” có làm chị buồn, trong khi những phim khác của chị đều rất thành công về tiếng tăm?

Buồn chứ! Vì tôi chỉ biết mình đã làm tốt nhất và từng kỳ vọng rất nhiều vào nó. Lúc đọc kịch bản thấy hay, xem bản nháp cũng thấy rất đẹp. Nhưng lúc ra phim thì nó khác hoàn toàn, theo một tư duy khác của người dựng phim. Âm nhạc cũng không phù hợp nữa.

Thất bại của bộ phim này cũng là một bài học với cá nhân tôi, là hy vọng quá rồi khi không thành lại cảm thấy tiếc như kiểu công sức mình ra sông ra biển vậy. Nhưng bây giờ thì phải nghĩ thế này. Đừng nghĩ kiểu ấy nữa, tham vọng quá làm gì trong khi mình cũng chỉ là một phần của một sản phẩm tập thể, mình cũng không kiểm soát được hết, diễn xong một vai là số phận ngoài tầm với của mình rồi.

Tôi cảm thấy đóng phim bây giờ cũng giống như chơi xổ số vậy. Đôi khi diễn xuất chưa hẳn xuất sắc nhưng trong bộ phim ấy có nhiều yếu tố khác tốt đều cũng làm vai diễn hay hơn rất nhiều, PR tốt thì vai diễn cũng được tiếng hơn.

Nghe chị nói ngậm ngùi quá, chứ thực ra tôi thấy sự nghiệp điện ảnh của chị cũng màu hồng đấy chứ, kể từ “Em còn nhớ hay em đã quên”?

Thuận lợi hết thì không phải đâu. Tôi phải từ bỏ nhiều cái cá nhân, chấp nhận hiện tại để đi theo con đường đã chọn, thậm chí bỏ đi rất nhiều cơ hội nữa. chẳng hạn cũng có một thời gian dài tôi đã rẽ hẳn sang kinh doanh, hoặc nghỉ dài ở nhà để làm vợ làm mẹ...

Tôi ngẫm ra rằng phải bỏ qua những yếu tố bên ngoài tác động đến mình, vui vẻ với chọn lựa của mình. Mình vui vẻ thì mình thấy cuộc đời màu hồng thôi. Bất cứ lựa chọn nào cũng có hai mặt cả, mình thấy đủ thì nó đủ. Đừng nghĩ đến việc chọn lựa, kiểu được cái này thì mất cái kia để thành ra nó dằn vặt mình, vô hình trung không còn cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình nữa.

Tôi đã từng trải qua những giai đoạn như vậy mới có được suy nghĩ này cho ngày hôm nay.


Nhưng rõ ràng thực tế là chị suôn sẻ cả duyên lẫn nghiệp cơ mà?

Thực ra không hẳn 100% là thế. Tôi đã chọn con đường mình cho là đúng, nhưng thực tế cũng có những cái mất chứ. Suôn sẻ hay không là do mình bước đi. Những cái mất chẳng hạn như khi còn trẻ mình hoài bão nhiều, tham vọng nhiều, nhưng lại lập gia đình và dành nhiều thời gian cho nó. Rồi chẳng hạn như có một số phim nước ngoài đã mời tôi đóng, và nếu nhận lời thì có thể tôi đã đổi đời được luôn, nhưng vẫn phải cân đo đong đếm xem có nên làm hay không. Nếu mà còn ở tuổi 18, chắc tôi cũng sẽ gật đầu đấy, chẳng cần biết vai diễn đó sexy quá miễn sao phim chiếu ở nước ngoài, mình sẽ nổi tiếng, mặc kệ trong nước sẽ bị chửi thậm tệ.

Nhưng ở vị trí mình khi ấy khác, đã là người trưởng thành, có danh có phận nên không thể bồng bột được nữa. Cũng có thể có người sẽ suy nghĩ khác, rằng có cơ hội tại sao không nắm bắt. Nhưng còn bố mẹ, gia đình, văn hóa mình đang sống nữa chứ, làm cái gì cũng phải nhìn trước nhìn sau... còn nếu nói là xuôi chèo mát mái thì không đúng, vì cũng đã có những lúc thần may mắn đâu có mỉm cười với tôi đâu (cười).

Tuy nhiên, nhìn nhận lại thì may mắn nhất chính là mình đã gặp được toàn những đạo diễn giỏi và các nhà làm phim nước ngoài hoặc Việt kiều. Từ ấy có nhiều cơ hội cho tôi học hỏi và nắm bắt.

Khôn khéo khác với khôn lỏi

Chị đẹp, sang trọng và sắc sảo. Nhận xét này theo chị có chính xác?

Mọi người nói cũng đúng.

Rất dễ nhận ra chị là một cô gái Bắc vì đặc điểm ấy, không cần phải đợi chị cất lời. Có đúng không?

Đúng. Vì người Nam thường hay bảo, con gái Bắc khéo léo quá… Nói chung gái Bắc là khôn khéo, khôn ngoan. Nó khác với khôn lỏi. sự khéo léo là để người đối diện nhìn thấy sự thật trong sự khéo léo chứ không phải để người ta rùng mình.

Tại sao chị lại chọn Sài Gòn để lập thân?

Cũng là cái duyên. Khi tôi ở tuổi mới lớn, cũng được giải này giải kia. Rồi được đóng vai chính đầu đời từ lời mời của các nhà sản xuất phía Nam, hợp đồng quảng cáo đầu tiên cũng thế. Lần đầu tiên vào Sài Gòn, tôi đã nhìn thấy ngay cơ hội mình có thể phát triển độc lập ở đây.

Giọng Bắc có là rào cản của chị?

Hồi xưa, thì giọng Bắc cũng hơi khó để làm nghề nhưng dần dần thì chuyện đó cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa.

Truyền hình giờ người ta cũng coi nhiều, giống như người Bắc vẫn coi phim giọng Nam thì ở Sài Gòn, người xem cũng dần quen với các nghệ sĩ nói tiếng Bắc.

Bây giờ, đài từ của chị dường như bộc lộ ra một chút nhược điểm, nó hơi pha…?


Ừ, đúng là giọng tôi sau nhiều năm sống ở Sài Gòn đã thành giọng pha tiếng. Nhưng tôi cũng không cho đó là cản trở quá nhiều. Khá nhiều diễn viên miền Bắc đã thành công ở đây như Thanh Phương hay Bình Minh... Thậm chí có cả một sân khấu kịch với các diễn viên miền Bắc nữa.

Trước đây, phim ảnh thường được lồng tiếng nên giọng nói cũng dễ xử lý. Tuy nhiên, tôi vẫn thích những bộ phim thu tiếng trực tiếp hơn. Giọng nói có thể không hay, nhưng đặc trưng và đúng nhất với cảm xúc diễn của họ trong phim. Xem phim quốc tế, có rất nhiều diễn viên được ấn tượng bởi những giọng nói địa phương hoặc không bình thường đấy chứ. Đó là một sự đặc biệt. Bởi thế nên bây giờ với những bộ phim thu tiếng trực tiếp của Việt Nam, tôi lại càng thích thú bởi mình được diễn bằng giọng nói của mình, có thể nó chưa hay nhưng nhất định nó có cảm xúc nhất.

Giờ tôi biết sẵn sàng cầm cái gì lên và cái gì thì nên hạ xuống


Chị có cảm thấy tiếc, khi vừa bén duyên điện ảnh thì phong trào“phim mì ăn liền” kết thúc?


“Phim mì ăn liền” đúng là tôi chưa trải nghiệm nhiều nhưng nó kết thúc cũng có cái tốt chứ. Hồi ấy, kết thúc lại mở ra một phong trào phim chiếu rạp. Người ta bắt đầu quen với phim điện ảnh. Phim điện ảnh đầu tay của tôi là “Em và Michael Jackson” vì thế mà đưa tên tuổi tôi đi nhanh, đó cũng là một cái may. Bây giờ, công bằng mà nói người ta nhắc đến “phim mì ăn liền” là nói đến “nhiều và nhanh” chứ chất lượng nó không cao.

Thời gian ấy tôi thấy chị cũng phải nỗ lực ở nhiều lĩnh vực: Thời trang, điện ảnh, âm nhạc… thậm chí cả thi sắc đẹp nữa? Trong những nỗ lực đó, có cái nào chị thấy quá sức mình?

Hồi đó tôi làm việc còn để kiếm sống nữa. Thị trường nó cuốn mình đi. Mình còn trẻ nên cứ có cơ hội là thể hiện thôi à, không còn cảm giác là cái gì nó vừa vặn với mình. lịch làm việc của tôi dày đặc đến mức chóng mặt, chụp hình từ áo dài chuyển qua áo tắm, đi diễn thời trang, làm Mc, đi hát, đóng phim...

Trong việc kiếm sống thì cũng có những đam mê nhất định, nhưng thực tế là tôi cũng không kịp để định hình mình. Nhưng rồi thì cái gì mình làm mà nó thành công nhất, dành nhiều thời gian cho nó nhất, và nó làm mình trăn trở nhiều đêm không ngủ nhất thì đó chính là cái mà mình yêu nhất. Và tôi đã chọn điện ảnh, một cái nghề có hào quang nhưng thực ra không phải để kiếm ra được nhiều tiền. Nhưng rõ ràng, phải yêu thì mới có thể sống chết vì nó được.

Nếu tôi nói phim truyền hình “Đồng tiền xương máu” là dấu ấn đầu tiên và tuyệt vời của chị, thì đó có phải là một sự phủ nhận những cố gắng khác của chị không?


Thì cả đời một diễn viên chỉ cần được nhớ đến một hay hai vai diễn là mừng quá đi rồi. Tôi thì chẳng kỳ vọng phim nào, vai nào cũng được nhớ đến cả. Anh nói đến một phim mà khen tôi như thế, tôi đã quá hạnh phúc rồi. Nhưng tôi luôn có tình cảm đặc biệt với phim này, vì sau vai diễn Lan Anh, tôi đã được quá nhiều. Hàng ngày thư viết tay của các bạn sinh viên gửi đến tâm sự giống như tôi là chị Thanh Tâm vậy. Bởi vai diễn đó là một hình mẫu của thanh niên thời ấy, dám làm dám sống vì tình yêu. Nó như một mẫu nhân vật có tầm ảnh hưởng vậy. Một bộ phim mà người ta xem xong, có tinh thần hơn hoặc tìm thấy mình trong đó đúng là một bộ phim thành công. Tôi bỗng nhiên cảm thấy mình thật có ích.

Thì đó, một vai diễn càng gai góc, cá tính mạnh rất dễ để chị bung phá vì nó gần với con người chị hơn là một vai diễn chỉ khai thác ngoại hình của chị?

Tôi cũng thích những vai khó, phải được chiến đấu với nó, chiến đấu với chính bản thân mình vậy. Nhưng để có một vai như thế đâu có dễ, kịch bản ở đâu ra? Chẳng có cái gì 100% đúng như thứ mình muốn cả.


Chị làm kinh doanh, cũng làm phim thương mại. Vậy tại sao chị không tìm cách tiếp tục chủ động để làm phim và tạo ra những vai diễn cho bản thân?

Ai cũng nghĩ tôi làm kinh doanh để tự làm phim và tự đóng. Nhưng không phải. Tôi đặt kinh doanh là kinh doanh, nghệ thuật là nghệ thuật. làm kinh doanh là phải có lời, tính toán rất nhiều thứ. còn với bản thân tôi, cũng có thể tôi sẽ cố tìm cho mình một vai diễn nào đó nhưng chưa có kịch bản. Đó cũng là dự kiến chứ không gấp và quá bức thiết. Tôi cũng thấy phim thương mại không phù hợp với tôi. Trong khi bản thân tôi muốn làm nghệ thuật lại cứ mong có được khán giả. Hai điều này khó mà song hành được với nhau. Đấy, đặt vị trí của tôi vừa làm diễn viên vừa làm kinh doanh sẽ hiểu. Có thể cái đích của mình sẽ là được tự làm một bộ phim nghệ thuật lại có được nhiều khán giả, nhưng phải chờ cái duyên xem mình có tìm được kịch bản tốt không.

Tuổi trẻ bắt đầu qua và lứa diễn viên mới lại xuất hiện nhiều - đó có phải là một áp lực cho chị?


Tôi cảm nhận được điều ấy chứ, bởi trong đoàn phim tôi đang tham gia chỉ có tôi và Quốc Thái thuộc cùng một lứa, còn lại là các diễn viên trẻ. Bởi thế mình còn tồn tại được lại càng phải trân trọng cái mình đã có. Thời gian trôi đi, mình có thêm được kinh nghiệm sống để đưa vào kinh nghiệm diễn. Sự nghiệp mình đã có không phải một sớm một chiều mà có được nên càng phải thận trọng và cố gắng nhiều hơn. Còn để cạnh tranh với ai đó thì không, tôi tham vọng nhiều nhưng cũng biết lượng sức mình. Giờ tôi biết sẵn sàng cầm cái gì lên và cái gì thì nên hạ xuống.

Có một điều lạ, chị không hẳn đóng phim nhiều, nhưng đẳng cấp nghề nghiệp vẫn được khẳng định. Đẳng cấp đó liệu có phải được chị xây dựng bằng chính con người và thái độ cầu tiến?

Cả hai. Đúng là tôi làm phim không nhiều, bởi tôi cũng phải biết lựa chọn. Quan điểm của tôi là nghiêm túc và hết mình. Còn cách làm việc và thể hiện bản thân mình, chính tôi cũng phải đưa mình vào những khuôn khổ và quy tắc mình đặt ra. Vị trí mình đã đặt chân đến tự mình thấy là không đơn giản, thì mình càng phải trân trọng nó.

Theo Đẹp

No comments:

Post a Comment