Thứ hai, 14/03/2011, 23:59 (GMT+7)
Trong hơn một thế kỷ qua, thế giới đã hứng chịu vô số những thảm họa thiên tai kinh hoàng, một trong những thảm họa có sức tàn phá lớn là động đất. Việc tái thiết sau động đất còn là một vấn đề lớn hơn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của toàn bộ người dân trong nước.
Thành phố Kobe năm 1995.
Kobe: sức mạnh phục hồi thần kỳ
Trận động đất diễn ra vào 1-1995 tại thành phố cảng Kobe, Nhật Bản. Tại tâm chấn sâu cách mặt đất 16 km, trận động đất có cường độ 7,2 độ richter đã làm rung chuyển cả vùng Kobe và đảo Awaji. Chỉ chốc lát, một trong những thành phố cảng sầm uất nhất Nhật Bản chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát, số người thiệt mạng là 6.433 người. Đây là một trong những thiệt hại lớn nhất về người kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Trận động đất cũng làm thiệt hại lớn chưa từng thấy. Một triệu tòa nhà bị sập hoàn toàn, hơn 300.000 người lâm vào cảnh mất nhà cửa, sống tạm bợ trong các trạm trú ẩn. Các tuyến đường giao thông đường sắt, đường bộ bị hư hỏng, các tuyến đường cao tốc bị phá sập làm cho giao thông trên các tuyến đường bị ngừng trệ. Đây là trận động đất còn được ghi chép lại trong sách Kỷ lục Thế giới như là một thảm họa tự nhiên gây tốn kém nhất từng xảy ra ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thiệt hại 10.000 tỷ yên (100 tỷ USD), tức tương đương 2,5% GDP của Nhật.
Ngay sau động đất, chính phủ Nhật, thành phố Kobe và các ban ngành liên quan đã đề ra những biện pháp khẩn cấp để giải quyết hậu quả trận động đất kinh hoàng. Với ý chí và tinh thần vượt khó mãnh liệt của người dân Nhật Bản, chỉ trong vòng 6 ngày sau trận động đất, mạng lưới điện được phục hồi, hệ thống khí đốt và nước cũng trở lại bình thường trong vòng 3 tháng. Hệ thống đường bộ, đường sắt được khôi phục trong vòng 1 năm. Đống bê tông đổ nát từ nhà ở và các công trình khác đổ sập lên đến 14,3 triệu tấn. Việc dọn sạch đống đổ nát này cũng phải mất 3 năm 2 tháng. Các đội cứu trợ tình nguyện trong cả nước tích cực hoạt động để giúp đỡ người dân trong thời tiết giá lạnh của tháng và tiếp tục hoạt động tích cực trong một năm sau đó.
Chỉ tính riêng năm 1995, có đến gần 138 vạn lượt người tình nguyện tham gia công tác cứu trợ cho trận động đất này. Bưu điện chuyển miễn phí toàn bộ những gói hàng gửi đến những vùng bị động đất. Đồ dùng hàng ngày, chăn màn, quần áo và các vật dụng khác đã được người dân cả nước nhanh chóng gửi đến cho những người bị nạn. Đến tháng 11-1995, chính quyền đã xây dựng xong 40.000 căn nhà và đến tháng 1 năm 2000 đã hoàn thành việc giải quyết vấn đề nhà ở cho những người mất nhà. Các công ty kiến thiết, xây dựng, điện nước và cả nước dồn sức khắc phục hậu quả của động đất. Ngày lại ngày, các tòa nhà mới lại mọc lên thay thế cho một thành phố đổ nát bằng một thành phố kiến trúc hiện đại và năng động.
Về kinh tế, hoạt động sản xuất của thành phố gần như trở lại bình thường trong vòng 15 tháng, còn sản xuất công nghiệp của Nhật nói chung cũng không sụt giảm quá nhiều: giảm 2,6% vào tháng 1-1995 nhưng sau đó đã tăng trở lại 2,2% vào tháng 2 và 1% vào tháng 3.
Thành phố Kobe hiện nay.
Chỉ sau 3 năm, cảng Kobe, bộ mặt của thành phố đã trở lại là một cảng biển sầm uất, chiếc cầu treo Akashi như cánh cửa mở tới tương lai đã được đưa vào sử dụng. Cầu treo này cho đến năm 2003 vẫn là cầu treo giữ kỷ lục dài nhất thế giới. Người ta không còn nhận ra một Kobe đổ nát ngày nào, mà thay vào đó là một thành phố được xây dựng lại xinh đẹp hơn. Một góc trong công viên Mariken cạnh bờ biển vẫn được giữ lại như một minh chứng cho sức tàn phá của trận động đất ngày nào. Sau trận động đất,chính quyền tỉnh đã thiết lập Học Viện Hồi phục con người và giảm bớt thảm họa ở Kobe. Học viện có 11 trung tâm nghiên cứu được mở để nghiên cứu về thảm họa, chia sẻ những nghiên cứu trong và ngoài nước.
Tứ Xuyên: có diện mạo mới trong 3 năm
Thảm kịch động đất mạnh 7,9 độ richter đã xảy ra tại Bắc Xuyên, Vấn Xuyên thuộc tỉnh Tứ Xuyên, một phần ở tỉnh Sơn Đông và tỉnh Cam Túc vào ngày 12-5-2008, làm hơn 80.000 người thiệt mạng, trong đó có 10.000 trẻ em chết trong các trường học bị sụp đổ, dẫn tới một cuộc điều tra bất thường của chính phủ cho thấy khoảng 20% các trường tiểu học ở nước này được xây trong tình trạng không an toàn. Gần 5 triệu người mất nhà cửa, 18.000 người mất tích.
Với sức tàn phá lớn, trận động đất đã gây ảnh hưởng trên diện rộng nhất và công tác cứu hộ gặp khó khăn nhất xảy ra tại Trung Quốc trong vòng nửa thế kỷ qua. Trận động đất đã phá hủy hàng triệu công trình giao thông, điện lực, viễn thông, cấp nước, gây ra thiệt hại ước tính 122 tỷ USD. Số người bị mất nhà ở lên tới 11 triệu người. Ngoài những thiệt hại kể trên, các di sản văn hóa cũng chịu chung số phận. Hàng trăm di sản văn hóa vô giá đã bị phá hủy trầm trọng khi động đất và dư chấn xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên và Cam Túc.
Ngay sau xảy ra khi xảy ra động đất, chính phủ Trung Quốc đã đề ra “Pháp lệnh tái thiết sau động đất Tứ Xuyên”. Theo đó, việc tái thiết vùng động đất sẽ kiên trì phương châm lấy dân làm gốc, quy hoạch một cách khoa học, tiến hành theo từng bước, nhà nước và nhân dân cùng chung tay tái thiết. Các hoạt động ra soát công trình, cứu hộ, xây dựng lại các công trình nhà ở, thiết lập lại hệ thống điện, viễn thông đã diễn ra khẩn trương. Quân đội được điều đến những nơi chịu tổn thất lớn nhất để cứu nạn và hướng dẫn người dân di chuyển vào những nơi dành cho trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó là sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong các hoạt động cứu trợ, quyên góp tiền hỗ trợ nạn nhân động đất. Tổng số tiền hỗ trợ của quốc tế là 11,2 tỷ USD.
Hơn 2 năm sau, vào ngày 12-9-2010, từ một đống đổ nát, thành phố Bắc Xuyên đã xây dựng mới lại hoàn toàn với đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhà ở, bệnh viện, nhà trẻ và trung tâm văn hóa-thể thao. Thành phố mới đã đón hơn 40.000 cư dân đến trú ngụ. Các hoạt động du lịch văn hóa đã có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều công trình di tích văn hóa được khôi phục, tôn tạo đã trở nên hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tính đến đầu tháng 3 năm nay, quá trình tái thiết lại các vùng chịu ảnh hưởng động đất được đánh giá là đã cơ bản được hoàn thành. Như vậy, chỉ chưa đầy trong 3 năm, chính phủ Trung Quốc đã tái thiết xong thành phố Tứ Xuyên, vượt mức kế hoạch dự kiến 5 năm mới có thể hoàn thành.
Haiti: ngổn ngang sau 1 năm
Nếu sự hồi phục nhanh diễn ra tại Nhật Bản, Trung Quốc thì ở Haiti điều này hoàn toàn trái ngược. Trận động đất mạnh 7,3 độ richter ngày 12-1-2010, với hơn 30 đợt dư chấn đã khiến thủ đô Port au Prince của Haiti rơi vào tình trạng hỗn loạn với hàng ngàn người thiệt mạng và con số này đã lên tới 200.000 người chỉ trong thời gian ngắn. Hầu hết các công trình lớn của Port au Prince, trong đó có Dinh Tổng thống, tòa nhà Quốc hội bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng. Sau trận động đất, hàng triệu người dân ở Haiti đã sống trong cảnh không nhà, thiếu lương thực, thiếu nhiên liệu, nước uống. Là quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, Haiti phải nhờ đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nhiều hội nghị thảo luận việc tái thiết tại Haiti đã diễn ra, bên cạnh đó là nhiều lời cam kết của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ. Thế nhưng, một năm sau Haiti vẫn là một quốc gia ngổn ngang với dịch bệnh hoành hành, tình trạng bạo loạn diễn ra thường xuyên khiến làn sóng phản đối chính phủ dâng cao.
Theo thống kê của LHQ, khoản viện trợ khẩn cấp tới Haiti từ cộng đồng quốc tế trong một năm là 1 tỷ USD, chỉ đáp ứng được chưa tới 70% nhu cầu cần hỗ trợ. Kết quả là những khoản tiền viện trợ đã không được cung cấp đầy đủ cũng như các hoạt động cứu hộ đã giảm bớt rất nhiều. Hơn một năm đã trôi qua, thủ đô Port au Prince của Haiti nay vẫn là một thành phố đổ nát với hơn 810.000 người sống trong những căn lều tạm trú xiêu vẹo, các ngôi nhà tạm dựng trên các ngả đường.
Bên cạnh những khó khăn chồng chất, người dân Haiti còn đang phải đối mặt với dịch tả với quy mô chưa từng có. Đến nay, đã có khoảng 3.600 người tử vong vì dịch bệnh này. Quy mô của dịch bệnh ước tính sẽ còn lan rộng hơn nữa, do điều kiện sinh hoạt của người dân sau động đất vẫn vô cùng thiếu thốn.
Thanh Hằng (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment