TS NGUYỄN THỊ CHÂN QUỲNH (PARIS)
HỌA SĨ CÁT TƯỜNG CÓ PHẢI LÀ CHA ĐẺ RA CHIẾC ÁO DÀI HIỆN ĐẠI?
Năm 2006, sau khi đọc trong Thế Kỷ 21 (số 201 & 202) loạt bài khẳng định ông Cát Tường - Lemur (1911- 1946) là “cha đẻ ra chiếc áo dài hiện nay”, “chính ông là người đầu tiên đã biến chiếc áo tứ thân thành áo hai vạt” và “trước đó phụ nữ Việt Nam đều mặc áo tứ thân”… tôi sững sờ.
Rõ ràng, mẹ tôi (sinh năm 1900) và bà ngoại, bà nội tôi đều chưa bao giờ xỏ tay vào chiếc áo tứ thân, toàn mặc áo hai vạt, mà mãi đến năm 1934 ông Cát Tường mới đưa ra “bản tuyên ngôn” về vấn đề cải cách y phục, nói rõ quan niệm căn bản của ông trong báo Phong Hóa. Ngoài ra, trong tay tôi ngay lúc ấy còn có mấy bằng chứng cho thấy áo dài hai vạt đã xuất hiện từ trước năm 1934:
- Ảnh năm 1922 của Busy, đen trắng, chụp một thiếu nữ đóng vai quân cờ người ở vùng phụ cận Hà Nội (tôi đã cho in lại trong bài Tết Nguyên đán và Lễ Nghênh xuân, sách Lối xưa xe ngựa…, tập II, 2002). Thiếu nữ mặc áo dài hai vạt không nối sống, cổ áo không gài khuy, quần đen;
- Ảnh khoảng 1915-1920, chụp bảy thiếu nữ cũng đóng vai quân cờ người tại vùng ngoại ô Hà Nội, mặc áo hai vạt màu hồng, cổ áo không gài khuy, vấn khăn xanh lam hoặc xanh nõn chuối, quần đen. Đấy là những chiếc ảnh màu đầu tiên trên thế giới, của A. Kahn;
- Tranh của bà de Bassilan vẽ một phụ nữ miền Nam mặc áo hai vạt trông rõ cả đường khâu nối hai thân ở chính giữa vạt trước, in kèm bài Des habitants de la Cochinchine viết ngày 8/1/1859, không đề tên tác giả, được in lại trong L’Indochine, Illustration.
Như vậy đủ chứng tỏ, trước ông Cát Tường, phụ nữ Việt Nam không phải ai cũng mặc áo tứ thân và người biến cái áo tứ thân ra áo hai vạt không phải là ông Cát Tường.
Vậy ông Cát Tường đã đem lại những gì cho chiếc áo dài để được hầu hết những người tôn vinh áo dài khẳng định ông chính là “cha đẻ” ra chiếc áo dài hiện đại? Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu y phục phụ nữ Việt Nam thời xưa qua sử sách.
Đám cưới Nguyễn Cát Tường, Bắc Ninh, 1936. Chú rể đứng bên trái, đang dang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng đi cạnh cô phù dâu. Cô dâu và phù dâu đều mặc áo kiểu Lemur.
I. SƠ LƯỢC CÁC KIỂU Y PHỤC TRƯỚC ÁO LEMUR
Không ai biết áo dài xuất hiện từ bao giờ và những chiếc áo dài đầu tiên hình dáng ra sao.
- THẾ KỶ XVII - Những chi tiết ghi chép trong sách sử xưa nhất tìm được về y phục thường dân là từ thế kỷ XVII.
* Áo mớ ba, mớ bảy: Thuở nhỏ, tôi từng nghe nhắc đến áo mớ ba, mớ bảy song chỉ được thấy mẹ tôi mặc áo mớ đôi hoặc mớ ba, chưa bao giờ trông thấy áo mớ bảy. Đó là những chiếc áo dài mặc lồng vào nhau, áo ngoài thường màu sẫm như nâu, đen, có thể là hàng trơn hay dệt hoa bóng trên nền mờ hoặc ngược lại, những chiếc áo mặc trong toàn màu tươi vui như hồ thủy, hồng phấn, hoàng yến… Phong tục muốn dân chúng phải tỏ ra khiêm tốn trong cách ăn mặc, áo ngoài phải dùng những màu nhã nhặn, không được khoe khoang, lộ liễu, áo màu lòe loẹt thì phải giấu bên trong.
Ngày nay, ta còn thấy vết tích kiểu áo này ở những bộ áo tế của nam giới, áo ngoài bằng sa mỏng màu lam hay đen trông suốt qua thấy rõ chiếc áo lót bằng vải trắng bên trong, và chiếc áo kép (đã có từ trước năm 1776, theo Lê Quý Đôn), mặt ngoài vẫn màu đen hay nâu…, áo trong biến thành cái lót (doublure) vẫn dùng những màu sặc sỡ.
* Lê Triều chiếu lịnh thiện chính chép là năm 1665 có sắc lệnh: “Áo đàn ông thì có thắt lưng và quần có ống chân, áo đàn bà con gái thì không có thắt lưng, quần không có hai ống, từ xưa đến nay vốn đã có cổ tục như thế. Bọn hát xướng ở hý trường thì không theo cấm lệnh này. Ai trái lệnh (…) bắt được quả tang sẽ phạt năm quan cổ tiền, nộp vào công khố”.
* Tavernier trong Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tonquin (1681) tả y phục phụ nữ miền Bắc là “trang trọng và nhã nhặn. Nam nữ mặc tựa như nhau. Áo dài chấm gót, giữa có buộc thắt lưng bằng lụa, xen lẫn kim tuyến và ngân tuyến, mặt trái mặt phải đều đẹp như nhau (…). Họ sản xuất rất nhiều tơ tằm, dân chúng giàu cũng như nghèo đều mặc tơ lụa”. Ông còn vẽ cả tranh minh họa. Tavernier đã đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa đặt chân đến Bắc Kỳ, những chi tiết viết trong sách dựa vào sự hiểu biết của người em ông đã nhiều phen đến Đàng Ngoài, và những lần ông nói chuyện với người Bắc mà ông gặp ở Batavia.
Gia đình một ông quan. Ảnh tư liệu năm 1915.
- THẾ KỶ XVIII - cũng vì thế nên S. Baron, sinh trưởng ở Kẻ Chợ (Thăng Long), trong Description du Royaume de Tonquin, dịch sang tiếng Pháp năm 1751, tuy công nhận người Việt thời ấy, giàu hay nghèo, đều mặc tơ lụa vì giá rất rẻ, nhưng chỉ trích Tavernier là viết sai sự thật. Theo Baron thì y phục người Việt là những chiếc áo dài, tựa như áo Trung Quốc, hoàn toàn khác với áo Nhật Bản. Tranh của Tavernier vẽ cho thấy người Việt có dùng thắt lưng, đó là điều hoàn toàn xa lạ đối với họ. Baron là con lai, mẹ người Việt, tất hiểu rõ phong tục Việt Nam hơn.
* Một số người viết về lịch sử áo dài đại khái như sau: “Chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) được coi là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam… Cho đến thế kỷ XVIII, người Việt thường hay bắt chước lối ăn mặc của người Phương Bắc (Trung Quốc)…
Để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng, Vũ Vương ban hành sắc dụ về ăn mặc, lấy thể chế áo mũ trong Tam Tài Đồ Hội làm kiểu mà tạo ra chiếc áo dài, cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong theo đó thi hành. Đại Nam thực lục tiền biên có chép sắc dụ này: “Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay rộng hay hẹp tùy tiện. Áo thì hai nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn, ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép”. Và còn thêm là Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục, chép rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy. Do đó có thể khẳng định chiếc áo dài với hình thức cổ truyền, cố định đã ra đời”.
Một thiếu phụ miền Nam. Tranh vẽ của bà de Bassilan 1859.
- THẾ KỶ XIX - Năm 1828 vua Minh Mệnh xuống chiếu bắt phụ nữ bỏ váy mặc quần, đã làm đề tài cho ra đời bốn câu thơ giễu cợt ai cũng biết:
Tháng tám có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?
Rành rành “chiếu vua” như thế mà cũng còn có người dạy học trò là lệnh này do thực dân Pháp ban hành!
* Michel Đức Chaigneau là con lai, mẹ người Việt, cha là một trong hai người Pháp làm quan với nhà Nguyễn thời Gia Long, Minh Mệnh. Sinh trưởng ở Phú Xuân, Chaigneau Đức viết trong Souvenirs de Huê khá tỉ mỉ về y phục phụ nữ: “Vợ những người buôn bán hay công chức nhỏ thì mặc một áo vải ngắn, màu đen hay màu sô cô la, quần lụa đen hay vải trắng. Dân chúng, thợ thuyền giới hạ lưu, đàn ông như đàn bà, ăn mặc rất tồi tệ. Đàn ông chỉ đánh một cái quần vải trắng hay màu cháo lòng, dài tới đầu gối, buộc ngang lưng bằng một cái dải rút dài, buông thõng hai đầu ở trước bụng… Có người mặc áo vải ngắn màu trắng hay nâu, thường là rách rưới, vá víu, dài chưa tới đầu gối, để lộ ống chân rám nắng. Phụ nữ ăn mặc cũng tựa như thế, chỉ khác áo dài hơn, ống tay áo rộng, quần và nón rộng hơn. Tầng lớp trưởng giả sang trọng thì mặc áo mớ đôi bằng tơ lụa trông suốt qua được, quần lụa đến bụng chân”.
* Thái Đình Lan (1801-1859), người Đài Loan, năm 1835 đi thi Hương rồi về bằng đường thủy, gặp bão tố, trôi dạt tới Quảng Ngãi, năm sau mới theo đường bộ trở về. Đi từ mùa thu năm trước đến mùa hè năm sau mới về đến Phúc Kiến, qua 14 tỉnh nước An Nam như Phú Xuân, Nghệ An, Thanh Hóa, Thường Tín, Lạng Sơn, Thái Bình… qua Trung Quốc rồi mới về được quê nhà.
Ông viết quyển Hải Nam tạp trứ, ghi chép những điều mắt thấy tai nghe ở nước Nam. Về y phục ông cho biết: “Có hai quan chức đến áp mạn thuyền chúng tôi (để kiểm tra). Họ đều chít khăn lụa đen, mặc áo tay hẹp, quần lụa điều, đi chân trần (các quan Việt Nam đi đâu đều đi chân đất), áo mặc không phân biệt nóng lạnh, ngay giữa mùa đông cũng mặc áo quần lụa mỏng. Người quyền quý phần nhiều dùng hai màu xanh lam và đen; khăn chít đầu cũng thế, quần thì đều mặc quần lụa điều” (trang 171); “Đàn bà ra ngoài buôn bán, để búi tó, chân đất, dùng vải đũi vấn quanh đầu, đội nón bằng đấu, mặc áo lụa đỏ thẫm, ống tay áo hẹp, áo dài chấm đất; không mặc váy, không thoa son phấn, tay đeo chuỗi ngọc, hạt mã não hoặc vòng đồng” (trang 243).
Quân cờ người, 1915-1920. Ảnh: A.Kahn.
* Áo giao lĩnh - Chưa rõ xuất hiện từ bao giờ, tôi tạm xếp vào thế kỷ XIX vì được coi là “xưa nhất”, đã ra đời trước áo tứ thân, tuy không ai đưa ra bằng chứng cụ thể. Áo giao lĩnh giống áo tứ thân, chỉ khác hai vạt đằng trước buông thõng, giao nhau chứ không buộc vào nhau ở trước bụng. Có lẽ người ta thấy áo giao lĩnh “lụng thụng”, bất tiện cho người làm việc lao động nên sau đó mới chế ra kiểu áo tứ thân gọn ghẽ hơn.
* Áo tứ thân - Là kiểu áo có bốn thân, hai thân của vạt sau nối sống theo chiều dọc, hai thân đằng trước buộc vào nhau ở trước bụng, để hở cho thấy yếm bên trong. Thắt lưng các màu tươi thắm như hồng đào, hồ thủy, hoàng yến, xanh nõn chuối, lá mạ… luồn dưới vạt sau, buộc múi trước bụng rồi thả xuống. Cái thắt lưng này có thể là cái “ruột tượng” hay “hầu bao” hình cái ống dài, ngoài tác dụng trang trí và giữ áo cho khỏi lòe xòe còn dùng để đựng tiền, bằng cách thắt một nút rồi đút tiền vào, lại thắt một nút khác để giữ cho tiền khỏi tuột ra, buộc vào lưng thì không sợ tiền rơi hay bị kẻ cắp.
Có người giảng “tứ thân” tượng trưng cho phụ mẫu đôi bên, hai thân trước buộc vào nhau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng thắm thiết, quấn quýt lấy nhau… Thú thật bây giờ tôi mới được biết những lời giảng giải uyên bác này. Thoạt nghe cũng thấy hữu lý nhưng tôi ngờ là do người đời sau bịa đặt thêm vào cho văn vẻ chứ không chắc người sáng chế ra áo đã nghĩ thế, trừ phi là bắt chước Trung Quốc. Nếu hai thân trước buộc vào nhau tiêu biểu cho tình nghĩa vợ chồng thắm thiết thế thì khi hai vạt áo (giao lĩnh) buông thõng, rời nhau ra, chắc hẳn tượng trưng cho hai vợ chồng đã ly thân? Thế thì áo giao lĩnh phải xuất hiện sau áo tứ thân, không ai ly dị trước khi yêu nhau thắm thiết!
* Áo đổi vai - Gần giống áo tứ thân, khác ở chỗ vạt sau không phải chỉ giản dị nối hai thân, mà mỗi thân lại gồm hai mảnh: phía trên vai mỗi thân có chắp một mảnh vải dài độ vài gang tay, nhưng đôi bên so le cái dài, cái ngắn chứ hai mảnh vai trái và vai phải không đều nhau, và thường là vải màu đậm hơn thân áo, thí dụ áo màu nâu non thì mảnh trên vai màu nâu sẫm hay đen. Thời tôi, cũng như áo tứ thân, áo đổi vai đều bằng vải, do người miền quê mặc chứ không phải người thành thị.
* Áo ngũ thân - Hai vạt trước và sau đều do hai thân nối sống, dưới vạt cả đằng trước còn một vạt con nhỏ hẹp, dài bằng vạt cả. Ở lưng chừng vạt con khoảng ngang đầu gối, có đính một cái dải để buộc vào vạt cả, chỗ đường nối sống. Thuở nhỏ, tôi đã từng mặc áo “ngũ thân” mà không biết, chỉ biết gọi là “áo dài”, màu áo thế nào cũng không nhớ nhưng nhớ như in là phải “vất vả” buộc dải vạt con vào vạt cả mỗi khi mặc áo.
Có người đoán áo ngũ thân xuất hiện từ thời Gia Long vì mặc nó thì phải mặc với quần chứ không mặc với váy. Nhưng theo Phan Khoang thì loại áo ngũ thân gài khuy mặc với quần đã do Đào Duy Từ (1572-1634) khuyên Chúa Nguyễn nên bắt dân mặc để khác với tập tục miền Bắc của Chúa Trịnh.
Ý nghĩa của áo ngũ thân: bốn thân tượng trưng cho đôi bên phụ mẫu, vạt con tượng trưng cho người mặc áo, năm cái khuy tượng trưng cho ngũ thường của đạo Nho (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Sinh cha mẹ (tứ thân) rồi mới sinh con là hợp lý. Có điều chiếc vạt con này về sau bị cắt ngắn đến thắt lưng, rồi bây giờ biến mất chỉ giữ lại cái mép đủ chỗ để đính khuy thì phải giảng ý nghĩa thế nào cho hợp lý? Tôi đề nghị là tại người mặc áo đã ngả theo đạo Phật nên “có cũng như không” mà “không cũng là có”, “sắc sắc không không”.
II. THẾ KỶ XX - ÁO LEMUR VÀ ÁO “TÂN THỜI”
* Áo Lemur - Năm 1934, họa sĩ Cát Tường Lemur đã đưa ra “bản tuyên ngôn” nói rõ quan niệm căn bản của ông về cải cách áo dài, trên tờ Phong Hóa: “Các nhà đạo đức thường nói quần áo chỉ là những vật dùng để che mưa nắng, nóng lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái sang cái đẹp của nó làm gì (…). Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Trước hết phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, mực thước của thân hình mỗi bạn. Sau nữa phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự (…) cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”. Đó là phần thuyết lý. Xin sơ lược sau đây những đặc điểm cụ thể của áo dài Lemur:
1- Cổ áo: Cổ bẻ ra theo kiểu Tây phương, góc nhọn thì gọi là “cổ lưỡi dao”, tròn gọi là “cổ bánh bẻ”, cổ khoét hình quả tim, buộc giây…, đều mở ở giữa ngực, duy cổ lọ vai bồng mở ở vai bên phải, gài khuy từ cổ tới vai. Hồi nhỏ, khoảng đầu thập niên 40, tôi đã từng mặc áo cổ lọ vai bồng bằng len đỏ, khuy nhựa của Tây, hình vuông cùng màu đỏ như áo.
2- Khuy áo bằng nhựa của Tây, hình vuông, tròn, bầu dục… và có hoa nổi hay chìm, đủ các màu để chọn tùy theo màu áo.
3- Tay áo: Ông Cát Tường nhận xét là tay áo cổ truyền chật hẹp rất bất tiện mỗi khi co tay, và không hợp với khí hậu nóng bức… Tuy nhiên, ông có vẽ một kiểu áo dạ hội tay cắt ngắn ở khoảng giữa cánh tay rồi đeo găng tay dài đến tận giữa cánh tay. Có người khen là trông “rất sang trọng”. Với tư cách là người mặc áo dài, tôi cảm thấy thay thế cái tay áo dài bằng cặp găng dài còn nóng bức và bất tiện hơn.
4- Thân áo: Ông Cát Tường cho rằng áo cổ truyền lụng thụng quá, cần phải ôm sát thân người mặc áo thì mới đẹp.
Trên thực tế, áo Lemur chỉ ôm hờ thân người mặc chứ không ôm sát, cứ xem ảnh cưới của chính ông Cát Tường (1936) cũng thấy rõ cả cô dâu lẫn các cô phù dâu đều mặc áo Lemur nhưng nó không ôm sát thực sự như áo dài ngày nay, mà chỉ bớt lụng thụng nhờ cắt lượn theo thân hình chứ xếp nếp (plis) không sâu, có khi không có cả plis nữa. Từ áo Lemur đến áo dài hiện đại có một khoảng xa cách không kém gì từ áo dài lụng thụng tới áo Lemur.
5- Viền tà: Tà áo cổ truyền phải mất 3 đường khâu và một cái nẹp dài để viền tà cho cứng cáp, vạt áo sẽ đứng chứ không cong queo. Ông Cát Tường tung ra lối viền tròn như con giun bằng một thứ hàng và màu khác hẳn màu áo, giống kiểu viền quần áo ngủ pyjama, đỡ tốn công hơn và lạ mắt. Màu viền tà cũng như màu khuy giống nhau.
Áo dài Lemur rất được hoan nghênh, thậm chí có chị Phan Thị Nga ở Hội An ca tụng không tiếc lời: “Kiểu quần áo Cát Tường đã làm cho chị em thêm diễm lệ ở nét mặt…” (Ngày Nay, số 13, 1935)
* Áo Lê Phổ - Áo Lemur tuy được hoan nghênh nhưng cũng bị chê là “lai căng”. Theo Wikipedia thì ông Lê Phổ, cũng năm 1934, “đã sửa bớt những nét lai căng, đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn, dung hợp hài hòa. Áo dài đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó”.
Mốt năm 1952, khi tôi sang Pháp, là áo rộng và ngắn đến đầu gối nhưng ngực vẫn xẹp. Mãi khoảng giữa thập niên 50, mới có cô ca sĩ từ Sài Gòn sang Pháp, lên sân khấu mặc áo dài thực sự ôm sát người, ngực nở nhờ có đeo soutien nâng cao lên và áo chiết plis sâu nên bụng thon. Chúng tôi đều xuýt xoa là đẹp và… bạo!
Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân duyên dáng với áo dài. Ảnh: 2Sao.
III - TỪ ÁO LEMUR ĐẾN ÁO DÀI HIỆN ĐẠI
* Áo dài có thắt lưng - Khi tôi sang Paris được xem bà Anh Trần (sau này làm điêu khắc) mới chế ra kiểu áo dài có thắt lưng sau khi học một lớp dạy cắt quần áo Tây phương. Kiểu áo này không mấy người biết có thể vì không gặp cơ hội thuận tiện.
* Áo dài kiểu bà Nhu tức bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu. Năm 1958, bà Nhu xuất hiện trước công chúng với chiếc áo dài cổ hình thuyền và tay ngắn. Đấy cũng là một cải cách quan trọng đáng kể vì trời nóng bức mặc áo cổ đứng rất khó chịu.
* Áo tay giác lăng (raglan) - Khoảng thập niên 60, hiệu may Dung Dakao ở Sài Gòn tung ra kiểu áo dài tay giác lăng, ráp tay xéo vai khiến cho chỗ nách không còn những đường nhăn nhúm như trước… vải may thân áo dày nhưng tay với ngực lại bằng vải mỏng hoặc thân áo và hai tay là hai màu, nút cài từ cổ xéo xuống ôm sát thân hình người mặc từ nách đến eo. Sau đó còn kiểu mini và maxi raglan nữa.
* Áo ba tà - Một số nhà may ở Sài Gòn tung ra vào thập niên 70 kiểu áo ba tà gồm một vạt sau và hai vạt trước với nút gài từ cổ xuống eo mặc với quần ống voi.
* Áo dài hiện nay - Việt Nam hiện nay cũng có những nhà thiết kế vẽ các kiểu áo dài “mới” như áo không cổ hoặc thân áo một thứ hàng, hai tay dùng hàng mỏng trông suốt qua được. Phần nhiều mặc áo trơn hay thêu chứ không dùng áo vẽ, và thêu gần kín ngực không còn chỗ để đeo nữ trang. Cũng có kiểu áo dài chui đầu, không khuy… Quần đồng màu với áo hay màu khác hẳn như đỏ, vàng, xanh…
KẾT LUẬN
Ông Cát Tường - Lemur có nhiều sáng kiến và tài năng, song những cải tiến mà ông đã thực hiện chưa hẳn theo sát “bản tuyên ngôn” năm 1934 của ông và trừ ý kiến áo dài phải ôm sát thân người thì những cải tiến khác của ông không để lại dấu vết gì nữa. Áo hai vạt, quần trắng, áo màu đều đã xuất hiện từ trước 1934, ông không phải là người đầu tiên đã “biến cái áo tứ thân ra áo hai vạt” hiện nay.
Áo dài hiện nay có vẻ đẹp riêng của nó nhưng ta cũng không nên quá tôn vinh nó, các nước khác cũng có nhiều áo đẹp. Áo dài đẹp nhưng chỉ khi đi tha thướt, ung dung chứ đem nó lên sân khấu nhảy múa, giơ chân lên cao hay chạy nhanh, chân một nơi, áo một nẻo thì không đẹp chút nào. Người ngoại quốc khen áo dài vì thực sự thích nó cũng có và có khi vì họ rất lịch sự, hễ gặp là khen bất cứ áo gì mình mặc chứ không chê bao giờ.
Tóm lại, ông Cát Tường không phải là người đã biến cái áo tứ thân thành áo hai vạt, ông thực sự có công đóng góp cho áo dài hiện đại song ông chỉ là một mắt xích trong chuỗi dài những người không để lại tên tuổi nhưng cũng góp phần cải sửa, giúp cho cái áo dài mang hình dáng hiện nay.
Năm 2006, sau khi đọc trong Thế Kỷ 21 (số 201 & 202) loạt bài khẳng định ông Cát Tường - Lemur (1911- 1946) là “cha đẻ ra chiếc áo dài hiện nay”, “chính ông là người đầu tiên đã biến chiếc áo tứ thân thành áo hai vạt” và “trước đó phụ nữ Việt Nam đều mặc áo tứ thân”… tôi sững sờ.
Rõ ràng, mẹ tôi (sinh năm 1900) và bà ngoại, bà nội tôi đều chưa bao giờ xỏ tay vào chiếc áo tứ thân, toàn mặc áo hai vạt, mà mãi đến năm 1934 ông Cát Tường mới đưa ra “bản tuyên ngôn” về vấn đề cải cách y phục, nói rõ quan niệm căn bản của ông trong báo Phong Hóa. Ngoài ra, trong tay tôi ngay lúc ấy còn có mấy bằng chứng cho thấy áo dài hai vạt đã xuất hiện từ trước năm 1934:
- Ảnh năm 1922 của Busy, đen trắng, chụp một thiếu nữ đóng vai quân cờ người ở vùng phụ cận Hà Nội (tôi đã cho in lại trong bài Tết Nguyên đán và Lễ Nghênh xuân, sách Lối xưa xe ngựa…, tập II, 2002). Thiếu nữ mặc áo dài hai vạt không nối sống, cổ áo không gài khuy, quần đen;
- Ảnh khoảng 1915-1920, chụp bảy thiếu nữ cũng đóng vai quân cờ người tại vùng ngoại ô Hà Nội, mặc áo hai vạt màu hồng, cổ áo không gài khuy, vấn khăn xanh lam hoặc xanh nõn chuối, quần đen. Đấy là những chiếc ảnh màu đầu tiên trên thế giới, của A. Kahn;
- Tranh của bà de Bassilan vẽ một phụ nữ miền Nam mặc áo hai vạt trông rõ cả đường khâu nối hai thân ở chính giữa vạt trước, in kèm bài Des habitants de la Cochinchine viết ngày 8/1/1859, không đề tên tác giả, được in lại trong L’Indochine, Illustration.
Như vậy đủ chứng tỏ, trước ông Cát Tường, phụ nữ Việt Nam không phải ai cũng mặc áo tứ thân và người biến cái áo tứ thân ra áo hai vạt không phải là ông Cát Tường.
Vậy ông Cát Tường đã đem lại những gì cho chiếc áo dài để được hầu hết những người tôn vinh áo dài khẳng định ông chính là “cha đẻ” ra chiếc áo dài hiện đại? Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu y phục phụ nữ Việt Nam thời xưa qua sử sách.
Đám cưới Nguyễn Cát Tường, Bắc Ninh, 1936. Chú rể đứng bên trái, đang dang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng đi cạnh cô phù dâu. Cô dâu và phù dâu đều mặc áo kiểu Lemur.
I. SƠ LƯỢC CÁC KIỂU Y PHỤC TRƯỚC ÁO LEMUR
Không ai biết áo dài xuất hiện từ bao giờ và những chiếc áo dài đầu tiên hình dáng ra sao.
- THẾ KỶ XVII - Những chi tiết ghi chép trong sách sử xưa nhất tìm được về y phục thường dân là từ thế kỷ XVII.
* Áo mớ ba, mớ bảy: Thuở nhỏ, tôi từng nghe nhắc đến áo mớ ba, mớ bảy song chỉ được thấy mẹ tôi mặc áo mớ đôi hoặc mớ ba, chưa bao giờ trông thấy áo mớ bảy. Đó là những chiếc áo dài mặc lồng vào nhau, áo ngoài thường màu sẫm như nâu, đen, có thể là hàng trơn hay dệt hoa bóng trên nền mờ hoặc ngược lại, những chiếc áo mặc trong toàn màu tươi vui như hồ thủy, hồng phấn, hoàng yến… Phong tục muốn dân chúng phải tỏ ra khiêm tốn trong cách ăn mặc, áo ngoài phải dùng những màu nhã nhặn, không được khoe khoang, lộ liễu, áo màu lòe loẹt thì phải giấu bên trong.
Ngày nay, ta còn thấy vết tích kiểu áo này ở những bộ áo tế của nam giới, áo ngoài bằng sa mỏng màu lam hay đen trông suốt qua thấy rõ chiếc áo lót bằng vải trắng bên trong, và chiếc áo kép (đã có từ trước năm 1776, theo Lê Quý Đôn), mặt ngoài vẫn màu đen hay nâu…, áo trong biến thành cái lót (doublure) vẫn dùng những màu sặc sỡ.
* Lê Triều chiếu lịnh thiện chính chép là năm 1665 có sắc lệnh: “Áo đàn ông thì có thắt lưng và quần có ống chân, áo đàn bà con gái thì không có thắt lưng, quần không có hai ống, từ xưa đến nay vốn đã có cổ tục như thế. Bọn hát xướng ở hý trường thì không theo cấm lệnh này. Ai trái lệnh (…) bắt được quả tang sẽ phạt năm quan cổ tiền, nộp vào công khố”.
* Tavernier trong Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tonquin (1681) tả y phục phụ nữ miền Bắc là “trang trọng và nhã nhặn. Nam nữ mặc tựa như nhau. Áo dài chấm gót, giữa có buộc thắt lưng bằng lụa, xen lẫn kim tuyến và ngân tuyến, mặt trái mặt phải đều đẹp như nhau (…). Họ sản xuất rất nhiều tơ tằm, dân chúng giàu cũng như nghèo đều mặc tơ lụa”. Ông còn vẽ cả tranh minh họa. Tavernier đã đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa đặt chân đến Bắc Kỳ, những chi tiết viết trong sách dựa vào sự hiểu biết của người em ông đã nhiều phen đến Đàng Ngoài, và những lần ông nói chuyện với người Bắc mà ông gặp ở Batavia.
Gia đình một ông quan. Ảnh tư liệu năm 1915.
- THẾ KỶ XVIII - cũng vì thế nên S. Baron, sinh trưởng ở Kẻ Chợ (Thăng Long), trong Description du Royaume de Tonquin, dịch sang tiếng Pháp năm 1751, tuy công nhận người Việt thời ấy, giàu hay nghèo, đều mặc tơ lụa vì giá rất rẻ, nhưng chỉ trích Tavernier là viết sai sự thật. Theo Baron thì y phục người Việt là những chiếc áo dài, tựa như áo Trung Quốc, hoàn toàn khác với áo Nhật Bản. Tranh của Tavernier vẽ cho thấy người Việt có dùng thắt lưng, đó là điều hoàn toàn xa lạ đối với họ. Baron là con lai, mẹ người Việt, tất hiểu rõ phong tục Việt Nam hơn.
* Một số người viết về lịch sử áo dài đại khái như sau: “Chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) được coi là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam… Cho đến thế kỷ XVIII, người Việt thường hay bắt chước lối ăn mặc của người Phương Bắc (Trung Quốc)…
Để gìn giữ bản sắc văn hóa riêng, Vũ Vương ban hành sắc dụ về ăn mặc, lấy thể chế áo mũ trong Tam Tài Đồ Hội làm kiểu mà tạo ra chiếc áo dài, cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong theo đó thi hành. Đại Nam thực lục tiền biên có chép sắc dụ này: “Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay rộng hay hẹp tùy tiện. Áo thì hai nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn, ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được phép”. Và còn thêm là Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục, chép rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy. Do đó có thể khẳng định chiếc áo dài với hình thức cổ truyền, cố định đã ra đời”.
Một thiếu phụ miền Nam. Tranh vẽ của bà de Bassilan 1859.
- THẾ KỶ XIX - Năm 1828 vua Minh Mệnh xuống chiếu bắt phụ nữ bỏ váy mặc quần, đã làm đề tài cho ra đời bốn câu thơ giễu cợt ai cũng biết:
Tháng tám có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?
Rành rành “chiếu vua” như thế mà cũng còn có người dạy học trò là lệnh này do thực dân Pháp ban hành!
* Michel Đức Chaigneau là con lai, mẹ người Việt, cha là một trong hai người Pháp làm quan với nhà Nguyễn thời Gia Long, Minh Mệnh. Sinh trưởng ở Phú Xuân, Chaigneau Đức viết trong Souvenirs de Huê khá tỉ mỉ về y phục phụ nữ: “Vợ những người buôn bán hay công chức nhỏ thì mặc một áo vải ngắn, màu đen hay màu sô cô la, quần lụa đen hay vải trắng. Dân chúng, thợ thuyền giới hạ lưu, đàn ông như đàn bà, ăn mặc rất tồi tệ. Đàn ông chỉ đánh một cái quần vải trắng hay màu cháo lòng, dài tới đầu gối, buộc ngang lưng bằng một cái dải rút dài, buông thõng hai đầu ở trước bụng… Có người mặc áo vải ngắn màu trắng hay nâu, thường là rách rưới, vá víu, dài chưa tới đầu gối, để lộ ống chân rám nắng. Phụ nữ ăn mặc cũng tựa như thế, chỉ khác áo dài hơn, ống tay áo rộng, quần và nón rộng hơn. Tầng lớp trưởng giả sang trọng thì mặc áo mớ đôi bằng tơ lụa trông suốt qua được, quần lụa đến bụng chân”.
* Thái Đình Lan (1801-1859), người Đài Loan, năm 1835 đi thi Hương rồi về bằng đường thủy, gặp bão tố, trôi dạt tới Quảng Ngãi, năm sau mới theo đường bộ trở về. Đi từ mùa thu năm trước đến mùa hè năm sau mới về đến Phúc Kiến, qua 14 tỉnh nước An Nam như Phú Xuân, Nghệ An, Thanh Hóa, Thường Tín, Lạng Sơn, Thái Bình… qua Trung Quốc rồi mới về được quê nhà.
Ông viết quyển Hải Nam tạp trứ, ghi chép những điều mắt thấy tai nghe ở nước Nam. Về y phục ông cho biết: “Có hai quan chức đến áp mạn thuyền chúng tôi (để kiểm tra). Họ đều chít khăn lụa đen, mặc áo tay hẹp, quần lụa điều, đi chân trần (các quan Việt Nam đi đâu đều đi chân đất), áo mặc không phân biệt nóng lạnh, ngay giữa mùa đông cũng mặc áo quần lụa mỏng. Người quyền quý phần nhiều dùng hai màu xanh lam và đen; khăn chít đầu cũng thế, quần thì đều mặc quần lụa điều” (trang 171); “Đàn bà ra ngoài buôn bán, để búi tó, chân đất, dùng vải đũi vấn quanh đầu, đội nón bằng đấu, mặc áo lụa đỏ thẫm, ống tay áo hẹp, áo dài chấm đất; không mặc váy, không thoa son phấn, tay đeo chuỗi ngọc, hạt mã não hoặc vòng đồng” (trang 243).
Quân cờ người, 1915-1920. Ảnh: A.Kahn.
* Áo giao lĩnh - Chưa rõ xuất hiện từ bao giờ, tôi tạm xếp vào thế kỷ XIX vì được coi là “xưa nhất”, đã ra đời trước áo tứ thân, tuy không ai đưa ra bằng chứng cụ thể. Áo giao lĩnh giống áo tứ thân, chỉ khác hai vạt đằng trước buông thõng, giao nhau chứ không buộc vào nhau ở trước bụng. Có lẽ người ta thấy áo giao lĩnh “lụng thụng”, bất tiện cho người làm việc lao động nên sau đó mới chế ra kiểu áo tứ thân gọn ghẽ hơn.
* Áo tứ thân - Là kiểu áo có bốn thân, hai thân của vạt sau nối sống theo chiều dọc, hai thân đằng trước buộc vào nhau ở trước bụng, để hở cho thấy yếm bên trong. Thắt lưng các màu tươi thắm như hồng đào, hồ thủy, hoàng yến, xanh nõn chuối, lá mạ… luồn dưới vạt sau, buộc múi trước bụng rồi thả xuống. Cái thắt lưng này có thể là cái “ruột tượng” hay “hầu bao” hình cái ống dài, ngoài tác dụng trang trí và giữ áo cho khỏi lòe xòe còn dùng để đựng tiền, bằng cách thắt một nút rồi đút tiền vào, lại thắt một nút khác để giữ cho tiền khỏi tuột ra, buộc vào lưng thì không sợ tiền rơi hay bị kẻ cắp.
Có người giảng “tứ thân” tượng trưng cho phụ mẫu đôi bên, hai thân trước buộc vào nhau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng thắm thiết, quấn quýt lấy nhau… Thú thật bây giờ tôi mới được biết những lời giảng giải uyên bác này. Thoạt nghe cũng thấy hữu lý nhưng tôi ngờ là do người đời sau bịa đặt thêm vào cho văn vẻ chứ không chắc người sáng chế ra áo đã nghĩ thế, trừ phi là bắt chước Trung Quốc. Nếu hai thân trước buộc vào nhau tiêu biểu cho tình nghĩa vợ chồng thắm thiết thế thì khi hai vạt áo (giao lĩnh) buông thõng, rời nhau ra, chắc hẳn tượng trưng cho hai vợ chồng đã ly thân? Thế thì áo giao lĩnh phải xuất hiện sau áo tứ thân, không ai ly dị trước khi yêu nhau thắm thiết!
* Áo đổi vai - Gần giống áo tứ thân, khác ở chỗ vạt sau không phải chỉ giản dị nối hai thân, mà mỗi thân lại gồm hai mảnh: phía trên vai mỗi thân có chắp một mảnh vải dài độ vài gang tay, nhưng đôi bên so le cái dài, cái ngắn chứ hai mảnh vai trái và vai phải không đều nhau, và thường là vải màu đậm hơn thân áo, thí dụ áo màu nâu non thì mảnh trên vai màu nâu sẫm hay đen. Thời tôi, cũng như áo tứ thân, áo đổi vai đều bằng vải, do người miền quê mặc chứ không phải người thành thị.
* Áo ngũ thân - Hai vạt trước và sau đều do hai thân nối sống, dưới vạt cả đằng trước còn một vạt con nhỏ hẹp, dài bằng vạt cả. Ở lưng chừng vạt con khoảng ngang đầu gối, có đính một cái dải để buộc vào vạt cả, chỗ đường nối sống. Thuở nhỏ, tôi đã từng mặc áo “ngũ thân” mà không biết, chỉ biết gọi là “áo dài”, màu áo thế nào cũng không nhớ nhưng nhớ như in là phải “vất vả” buộc dải vạt con vào vạt cả mỗi khi mặc áo.
Có người đoán áo ngũ thân xuất hiện từ thời Gia Long vì mặc nó thì phải mặc với quần chứ không mặc với váy. Nhưng theo Phan Khoang thì loại áo ngũ thân gài khuy mặc với quần đã do Đào Duy Từ (1572-1634) khuyên Chúa Nguyễn nên bắt dân mặc để khác với tập tục miền Bắc của Chúa Trịnh.
Ý nghĩa của áo ngũ thân: bốn thân tượng trưng cho đôi bên phụ mẫu, vạt con tượng trưng cho người mặc áo, năm cái khuy tượng trưng cho ngũ thường của đạo Nho (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Sinh cha mẹ (tứ thân) rồi mới sinh con là hợp lý. Có điều chiếc vạt con này về sau bị cắt ngắn đến thắt lưng, rồi bây giờ biến mất chỉ giữ lại cái mép đủ chỗ để đính khuy thì phải giảng ý nghĩa thế nào cho hợp lý? Tôi đề nghị là tại người mặc áo đã ngả theo đạo Phật nên “có cũng như không” mà “không cũng là có”, “sắc sắc không không”.
II. THẾ KỶ XX - ÁO LEMUR VÀ ÁO “TÂN THỜI”
* Áo Lemur - Năm 1934, họa sĩ Cát Tường Lemur đã đưa ra “bản tuyên ngôn” nói rõ quan niệm căn bản của ông về cải cách áo dài, trên tờ Phong Hóa: “Các nhà đạo đức thường nói quần áo chỉ là những vật dùng để che mưa nắng, nóng lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái sang cái đẹp của nó làm gì (…). Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Trước hết phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, mực thước của thân hình mỗi bạn. Sau nữa phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự (…) cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”. Đó là phần thuyết lý. Xin sơ lược sau đây những đặc điểm cụ thể của áo dài Lemur:
1- Cổ áo: Cổ bẻ ra theo kiểu Tây phương, góc nhọn thì gọi là “cổ lưỡi dao”, tròn gọi là “cổ bánh bẻ”, cổ khoét hình quả tim, buộc giây…, đều mở ở giữa ngực, duy cổ lọ vai bồng mở ở vai bên phải, gài khuy từ cổ tới vai. Hồi nhỏ, khoảng đầu thập niên 40, tôi đã từng mặc áo cổ lọ vai bồng bằng len đỏ, khuy nhựa của Tây, hình vuông cùng màu đỏ như áo.
2- Khuy áo bằng nhựa của Tây, hình vuông, tròn, bầu dục… và có hoa nổi hay chìm, đủ các màu để chọn tùy theo màu áo.
3- Tay áo: Ông Cát Tường nhận xét là tay áo cổ truyền chật hẹp rất bất tiện mỗi khi co tay, và không hợp với khí hậu nóng bức… Tuy nhiên, ông có vẽ một kiểu áo dạ hội tay cắt ngắn ở khoảng giữa cánh tay rồi đeo găng tay dài đến tận giữa cánh tay. Có người khen là trông “rất sang trọng”. Với tư cách là người mặc áo dài, tôi cảm thấy thay thế cái tay áo dài bằng cặp găng dài còn nóng bức và bất tiện hơn.
4- Thân áo: Ông Cát Tường cho rằng áo cổ truyền lụng thụng quá, cần phải ôm sát thân người mặc áo thì mới đẹp.
Trên thực tế, áo Lemur chỉ ôm hờ thân người mặc chứ không ôm sát, cứ xem ảnh cưới của chính ông Cát Tường (1936) cũng thấy rõ cả cô dâu lẫn các cô phù dâu đều mặc áo Lemur nhưng nó không ôm sát thực sự như áo dài ngày nay, mà chỉ bớt lụng thụng nhờ cắt lượn theo thân hình chứ xếp nếp (plis) không sâu, có khi không có cả plis nữa. Từ áo Lemur đến áo dài hiện đại có một khoảng xa cách không kém gì từ áo dài lụng thụng tới áo Lemur.
5- Viền tà: Tà áo cổ truyền phải mất 3 đường khâu và một cái nẹp dài để viền tà cho cứng cáp, vạt áo sẽ đứng chứ không cong queo. Ông Cát Tường tung ra lối viền tròn như con giun bằng một thứ hàng và màu khác hẳn màu áo, giống kiểu viền quần áo ngủ pyjama, đỡ tốn công hơn và lạ mắt. Màu viền tà cũng như màu khuy giống nhau.
Áo dài Lemur rất được hoan nghênh, thậm chí có chị Phan Thị Nga ở Hội An ca tụng không tiếc lời: “Kiểu quần áo Cát Tường đã làm cho chị em thêm diễm lệ ở nét mặt…” (Ngày Nay, số 13, 1935)
* Áo Lê Phổ - Áo Lemur tuy được hoan nghênh nhưng cũng bị chê là “lai căng”. Theo Wikipedia thì ông Lê Phổ, cũng năm 1934, “đã sửa bớt những nét lai căng, đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn, dung hợp hài hòa. Áo dài đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó”.
Mốt năm 1952, khi tôi sang Pháp, là áo rộng và ngắn đến đầu gối nhưng ngực vẫn xẹp. Mãi khoảng giữa thập niên 50, mới có cô ca sĩ từ Sài Gòn sang Pháp, lên sân khấu mặc áo dài thực sự ôm sát người, ngực nở nhờ có đeo soutien nâng cao lên và áo chiết plis sâu nên bụng thon. Chúng tôi đều xuýt xoa là đẹp và… bạo!
Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân duyên dáng với áo dài. Ảnh: 2Sao.
III - TỪ ÁO LEMUR ĐẾN ÁO DÀI HIỆN ĐẠI
* Áo dài có thắt lưng - Khi tôi sang Paris được xem bà Anh Trần (sau này làm điêu khắc) mới chế ra kiểu áo dài có thắt lưng sau khi học một lớp dạy cắt quần áo Tây phương. Kiểu áo này không mấy người biết có thể vì không gặp cơ hội thuận tiện.
* Áo dài kiểu bà Nhu tức bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu. Năm 1958, bà Nhu xuất hiện trước công chúng với chiếc áo dài cổ hình thuyền và tay ngắn. Đấy cũng là một cải cách quan trọng đáng kể vì trời nóng bức mặc áo cổ đứng rất khó chịu.
* Áo tay giác lăng (raglan) - Khoảng thập niên 60, hiệu may Dung Dakao ở Sài Gòn tung ra kiểu áo dài tay giác lăng, ráp tay xéo vai khiến cho chỗ nách không còn những đường nhăn nhúm như trước… vải may thân áo dày nhưng tay với ngực lại bằng vải mỏng hoặc thân áo và hai tay là hai màu, nút cài từ cổ xéo xuống ôm sát thân hình người mặc từ nách đến eo. Sau đó còn kiểu mini và maxi raglan nữa.
* Áo ba tà - Một số nhà may ở Sài Gòn tung ra vào thập niên 70 kiểu áo ba tà gồm một vạt sau và hai vạt trước với nút gài từ cổ xuống eo mặc với quần ống voi.
* Áo dài hiện nay - Việt Nam hiện nay cũng có những nhà thiết kế vẽ các kiểu áo dài “mới” như áo không cổ hoặc thân áo một thứ hàng, hai tay dùng hàng mỏng trông suốt qua được. Phần nhiều mặc áo trơn hay thêu chứ không dùng áo vẽ, và thêu gần kín ngực không còn chỗ để đeo nữ trang. Cũng có kiểu áo dài chui đầu, không khuy… Quần đồng màu với áo hay màu khác hẳn như đỏ, vàng, xanh…
KẾT LUẬN
Ông Cát Tường - Lemur có nhiều sáng kiến và tài năng, song những cải tiến mà ông đã thực hiện chưa hẳn theo sát “bản tuyên ngôn” năm 1934 của ông và trừ ý kiến áo dài phải ôm sát thân người thì những cải tiến khác của ông không để lại dấu vết gì nữa. Áo hai vạt, quần trắng, áo màu đều đã xuất hiện từ trước 1934, ông không phải là người đầu tiên đã “biến cái áo tứ thân ra áo hai vạt” hiện nay.
Áo dài hiện nay có vẻ đẹp riêng của nó nhưng ta cũng không nên quá tôn vinh nó, các nước khác cũng có nhiều áo đẹp. Áo dài đẹp nhưng chỉ khi đi tha thướt, ung dung chứ đem nó lên sân khấu nhảy múa, giơ chân lên cao hay chạy nhanh, chân một nơi, áo một nẻo thì không đẹp chút nào. Người ngoại quốc khen áo dài vì thực sự thích nó cũng có và có khi vì họ rất lịch sự, hễ gặp là khen bất cứ áo gì mình mặc chứ không chê bao giờ.
Tóm lại, ông Cát Tường không phải là người đã biến cái áo tứ thân thành áo hai vạt, ông thực sự có công đóng góp cho áo dài hiện đại song ông chỉ là một mắt xích trong chuỗi dài những người không để lại tên tuổi nhưng cũng góp phần cải sửa, giúp cho cái áo dài mang hình dáng hiện nay.
Bài liên quan:
No comments:
Post a Comment