TT - Luật đời tư của Pháp thuộc hàng nghiêm khắc nhất thế giới, và từ rất lâu người Pháp tự hào là không “đập cửa phòng ngủ của các chính trị gia để xem họ làm gì trong đó”. Do vậy, “vụ DSKgate” đang gây nên một “cú sốc văn hóa” giữa Pháp và Mỹ cũng như giữa báo chí hai nước.
Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss - Kahn bị áp giải rời khỏi cơ quan cảnh sát New York ngày 15-5 - Ảnh: Reuters |
Các quan chức và dư luận Pháp tỏ ra cực kỳ bức xúc với các bức hình chụp cảnh ông Dominique Strauss-Kahn (DSK) bị còng tay khi bị cảnh sát Mỹ áp giải. Dù cảnh sát New York cho phép báo chí chụp hình nghi can, luật pháp Pháp nghiêm cấm hành vi công bố ảnh nghi can bị còng tay trong khi chưa bị kết án là có tội.
Nhà triết học người Pháp Bernard-Henri Lévy, cũng là nhà báo và tác giả nhiều cuốn sách bán chạy nhất, viết trên trang The Daily Beast (Mỹ) cảnh báo: “Không gì trên thế giới có thể biện minh cho việc một con người đang bị ném cho một bầy chó cấu xé”. Ông tuyên bố “khinh bỉ” báo chí lá cải New York, gọi đó là một “sự xấu hổ nghề nghiệp”.
Người Pháp bức xúc
“Các bức hình chụp cảnh ông DSK bị còng tay cho thấy một sự thô bạo chưa từng có, và tôi lấy làm hạnh phúc là nước Pháp không có hệ thống tư pháp giống như Mỹ” - cựu bộ trưởng tư pháp Pháp Elisabeth Guigou nhận định.
Theo bà Guigou, hình ảnh ông DSK mỏi mệt, râu ria lởm chởm, ăn mặc lôi thôi đã xâm phạm nhân phẩm và phẩm giá con người. Các chuyên gia Pháp cáo buộc hệ thống tư pháp Mỹ “mang tính kết tội”, trong khi hệ thống Pháp dù mất nhiều thời gian để xét xử hơn nhưng luôn bảo vệ quyền cá nhân. Cựu bộ trưởng văn hóa Jack Lang cáo buộc thẩm phán Tòa án hình sự New York có vẻ như quyết tâm “bắt gã người Pháp này phải trả giá” khi không cho ông DSK được tại ngoại.
Hervé Gattegno, tổng biên tập báo Le Point của Pháp, cũng cho rằng ông DSK chưa bị kết án nhưng đã bị xử tội bằng... hình ảnh. Đề cập khoảng cách giữa công lý Pháp và công lý Mỹ, ông nhìn nhận người Pháp nói chung có sự “tôn kính” đặc biệt với các nhân vật quyền cao chức trọng trong khi người Mỹ thì ngược lại, họ muốn cho thấy họ không hề ưu ái ai.
Theo ông, ở Paris, ông DSk hẳn sẽ được đưa đến tòa án từ dưới một đường hầm, trong một ôtô bít bùng để không ai nhìn thấy. Còn ở New York, thay vì kiềm chế và dè dặt, cảnh sát lại cho phép truyền hình quay phim thoải mái.
“Mỹ đúng là đất nước của điện ảnh, của dàn dựng. Thế nhưng, nền dân chủ lớn này đôi khi lại không hành xử một cách thật dân chủ cho lắm” - ông kết luận.
Luật Mỹ cho phép chụp ảnh nghi can tội phạm. Một số nhà bình luận truyền thông cho rằng đây là chiêu để nhà chức trách Mỹ sỉ nhục và dằn mặt nghi can để ép nghi can nhận tội. “Ở nhiều nơi tại Mỹ đây là biện pháp được nhà chức trách áp dụng để làm bẽ mặt nghi can - Reuters dẫn lời luật sư Mỹ Graham Wisner ở New York bình luận - Trong vụ này (DSK) ít nhất là có sự nhận định nghi can có tội khi ông ta bị đẩy ra trước ống kính máy ảnh”.
Luật sư của ông DSK, Dominique de Leusse, tỏ ra bức xúc: “Chúng ta thấy hình ảnh ông DSK trên các chương trình truyền hình vào giờ vàng, trên trang nhất tất cả tờ báo, tay bị còng, bị cảnh sát dùng vũ lực tống vào xe, và điều này đi ngược với tinh thần luật pháp. Ngay cả khi hình ảnh chiếc còng không rõ ràng, ông ấy rõ ràng đã bị xử tội”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sau “vụ DSK”, cách thức thông tin sẽ thay đổi.
Luật liên quan tới hình ảnh của nghi can được thông qua năm 2000 ở Pháp nhằm mục đích đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội. Thế nhưng Rachid Arhab, thành viên của Cơ quan Giám sát các kênh truyền hình Pháp (CSA), cho biết luật này áp dụng đối với những hình ảnh phát ở Pháp “không kể các hình ảnh đó được quay hay chụp ở nước ngoài”.
Báo Anh - Mỹ “ngạo” báo Pháp
“Luật im lặng đã bảo vệ ông tổng giám đốc IMF” - báo The Australian của Úc chạy tít và viết: “Khi đề cập vấn đề tình dục, những điều dối trá trong giới chính trị, người Pháp và người anglo-saxon như đến từ hai hành tinh khác nhau”.
Nhận định này có thể tóm tắt khá đầy đủ thái độ công khai của báo chí Anh - Mỹ và sự dè dặt của báo chí Pháp đối với đời tư của những quan chức hay chính trị gia như tổng giám đốc IMF DSK.
“Giới chính trị và báo chí Pháp từ lâu đã biết tỏng cái gót chân Achille của ông DSK đối với phụ nữ - báo The Guardian (Anh) viết - “Vụ DSKgate” này đã xới lên trong giới báo chí và chính trị Pháp một câu hỏi phiền toái của hai thế giới: cái gì được viết, cái gì đằng sau và cái gì chính thức không được nói”.
Báo Times cũng viết: “Từ bao năm rồi cả Paris đều nằm lòng cái ái lực với đàn bà không sao kiềm chế được của ông DSK. Những câu chuyện sàm sỡ của ông ta đối với các nữ đồng nghiệp, các nhà báo nữ và những người ông ta quen biết thì đầy rẫy. Thế mà người ta vẫn cứ nhắm mắt làm ngơ, nhờ truyền thống khoan dung theo kiểu xí xóa cho nhau trong giới quyền lực”.
Từ đó, báo New York Times kết luận “người Pháp đã trở nên đồng lõa” khi chấp nhận giữ bí mật kiểu như thế”.
Báo Daily Mail cũng không ngần ngại đề cập đến thái độ “đồng lõa” này khi viết: “Nếu như ông DSK là một nhà lãnh đạo Anh hay Mỹ thì những chuyện lăng nhăng tày đình của ông ta đã bị phơi bày trước công luận và luận bàn trên báo chí từ lâu rồi”, trong khi đó, ngược lại, “báo chí Pháp lại chẳng mảy may quan tâm đến những thành tích tình ái này của ông ta, có lẽ là vì những điều này không thể được đề cập đến trong mùa bầu cử tổng thống”.
Nói chung, báo chí Anh - Mỹ nhấn mạnh: “Đây không là cú sốc của các nền văn minh giữa người Pháp và người Anh - Mỹ mà là quyền được biết của công chúng”.
Về điều này, ngay một tờ báo Pháp như Mediapart cũng đồng tình khi viết: “Sự tôn trọng đời tư sẽ phải dừng lại khi có vi phạm pháp luật, càng không thể bao che cho tội phạm hay các hành vi phạm pháp quả tang. Thế mà từ nhiều năm qua, nhiều nhà báo Pháp đã né tránh đề cập đến đời tư của ông DSK: phải chăng họ đã đánh mất đi một trong những sứ mệnh của họ là cảnh báo xã hội?”.
H.TRUNG - K.LOAN - T.N.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
>> Giới chính khách muốn tổng giám đốc IMF từ chức
>> Người tù mang số 1225782
>> Tổng giám đốc IMF bị bắt vì cáo buộc tình dục
>> Tổng giám đốc IMF bị bắt vì “cưỡng bức tình dục”
>> IMF chỉ định quyền tổng giám đốc
>> Tổng giám đốc IMF bị gài bẫy?
No comments:
Post a Comment