Thursday, May 19, 2011

16/05 Tổng giám đốc IMF bị bắt vì “cưỡng bức tình dục”

Thứ Hai, 16/05/2011, 06:02 (GMT+7)

TT - Vụ cưỡng bức này diễn ra tại phòng có giá 3.000 USD/đêm ở New York (Mỹ). Tổng giám đốc IMF, ông Dominique Strauss-Kahn, đã bị bắt ở New York (Mỹ) chỉ vài phút trước khi lên đường về Pháp vì bị cáo buộc “tấn công, cưỡng bức tình dục và toan tính hãm hiếp” một cô hầu phòng khách sạn Sofitel ở Manhattan.

>> Read this on Tuoitrenews.vn

Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn - Ảnh: Reuters

Thông tin chấn động này được báo New York Post tiết lộ đầu tiên, sau đó được khẳng định trên báo New York Times.

“Ông Dominique Strauss-Kahn đã bị các nhân viên của cảng vụ New York và New Jersey bắt giữ trên một chuyến bay của Hãng Air France và giao cho các nhà điều tra của Manhattan - báo New York Times viết, dẫn lời người phát ngôn của cảng vụ - Ông ta bị cáo buộc là tấn công tình dục đối với một cô hầu phòng của một khách sạn ở quảng trường Thời Đại tại New York vào sáng 14-5”.

Chuyện xảy ra ở phòng 2806

Theo New York Times, vào lúc 16g40 (giờ Mỹ), các nhân viên điều tra của cảng vụ New York và New Jersey mặc thường phục đã bắt giữ ông Dominique Strauss-Kahn trên chuyến bay số 23 của Hãng hàng không Air France và “việc bắt giữ này chỉ diễn ra 10 phút trước khi máy bay cất cánh”, như người phát ngôn của cảng vụ cho biết.

Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn, 62 tuổi, đi một mình, và khi bị các nhân viên điều tra bắt giữ ông không hề có hành động kháng cự nào và không bị còng tay.

Các nhân viên điều tra đã ra tay dựa trên một thông tin của cảnh sát New York khi họ điều tra về “một vụ tấn công tình dục thô bạo đối với một cô hầu phòng 32 tuổi tại phòng 2806 khách sạn Sofitel ở Midtown Manhattan lúc 13g ngày 14-5”.

Khách sạn Sofitel gần quảng trường Thời Đại, nơi ông Strauss-Kahn đã lưu trú - Ảnh: Reuters

Ông Dominique Strauss-Kahn hẳn đã vội vã rời khỏi khách sạn, bỏ quên cả điện thoại di động. Ông đã đăng ký căn phòng này từ hôm 13-5 với giá 3.000 USD/đêm và đây là một căn phòng bất khả xâm phạm.

Cô hầu phòng kể lại với cảnh sát khoảng 13g (giờ Mỹ) ngày 14-5, cô vào dọn phòng của ông tổng giám đốc vì nghĩ là phòng đã trống. Theo AP mô tả, khi cô đang dọn phòng thì ông tổng giám đốc bước ra từ phòng tắm, trên người không một mảnh vải che thân. Ông đã tấn công và rượt cô trong hành lang rồi vồ lấy cô, lôi cô vào phòng ngủ và đẩy cô lên giường, khóa trái cửa phòng lại.

Cô đã vùng vẫy và bị đẩy đến trước cửa phòng tắm. Ở đó, cô bị lột hết quần áo. Cô hầu phòng đã vùng thoát chạy được khỏi phòng, báo động cho một nhân viên ở khu vực tiếp tân của khách sạn. Nhân viên này đã báo ngay cho cảnh sát New York. Cô hầu phòng đã được đưa đến bệnh viện với nhiều vết trầy sướt trên người, có lẽ do kháng cự quyết liệt.

Nhân viên điều tra cho biết đã phát hiện chứng cứ có thể chứa ADN và đem đi kiểm định.

“Vụ bê bối ở New York” đúng là thảm hại hơn cả vụ lăng nhăng năm 2008 của tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn đối với Piroska Nagy, vốn là trợ lý văn phòng châu Phi của ông cựu bộ trưởng tài chính này. Ông Dominique Strauss-Kahn đã chạy êm vụ bê bối này, và IMF dù khẳng định ngài tổng giám đốc của họ không lạm dụng quyền hạn để quấy rối, nhưng không thể không phê phán ông là đã phạm “một sai lầm nghiêm trọng về phán đoán”.

Vợ ông, nhà báo Anne Sinclair, là người đắc lực giúp ông “lật qua trang phiêu lưu một đêm” này. Dư luận Pháp sau đó dường như cũng mau quên, mãi cho đến khi ông Strauss-Kahn lại như ngựa quen đường cũ ở New York. Và lần này IMF cho biết thể chế tài chính này vẫn hoạt động bình thường dù tổng giám đốc bị bắt, cũng như IMF “không có phản ứng gì” về vụ việc trên và mọi thông tin ông Strauss-Kahn bị bắt sẽ do luật sư riêng của ông này cung cấp.

Theo lịch trình, tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 15-5, sau đó tham dự một cuộc họp các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu ở Brussels (Bỉ) trong hôm nay (16-5), và ngày 19-5 ông sẽ nói chuyện trước Học viện Peterson, một trung tâm nghiên cứu ở Washington về kinh tế thế giới với đề tài “Hồi phục và hợp tác thế giới: những thách thức phải đối mặt”. Nhưng giờ ông đang phải đối mặt với chính mình.

Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn đã bị bắt ngày 14-5 tại Mỹ với cáo buộc cưỡng bức tình dục - Ảnh: AFP

“Sét đánh” trên chính trường Pháp

Vụ bê bối của ông Strauss-Kahn trên đất Mỹ như một tiếng sét nổ vang trên chính trường Pháp, bởi kết quả thăm dò mới nhất cho thấy ông đang là ứng cử viên sáng giá của Đảng Xã hội trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012. Dư luận mô tả ông Hollande, ứng viên số 2 của Đảng Xã hội, là “một doanh nghiệp nhỏ so với một tập đoàn đa quốc gia” là ông Strauss-Kahn.

Sau vụ việc ở New York, các chính trị gia, giới bình luận ở Pháp và khu vực châu Âu đã lên tiếng. “Đây là một thảm họa cho đất nước chúng tôi và hình ảnh của nước Pháp, bởi ông ấy là tổng giám đốc của IMF và ông ta hoàn toàn có thể xoay chuyển cục diện trong cuộc bầu cử sắp tới” - ông Renaud Muselier, phó chủ tịch Đảng UMP của Pháp, nói.

Từ khi bị bắt giữ, ông Strauss-Kahn đã từ chối trả lời mọi câu hỏi của các nhà điều tra thuộc cơ quan cảnh sát New York và New Jersey.

Benjamin Brafman, một trong những luật sư của ông Strauss-Kahn, cho biết thân chủ của ông sẽ không nhận tội và họ đang phải chờ đợi trong thận trọng cho đến khi mọi việc được rõ ràng. Theo Reuters, sáng 15-5 các công tố viên ở New York đã khởi tố ông Strauss-Kahn về tội cưỡng dâm. Cơ quan cảnh sát New York cũng cho biết thêm ông Strauss-Kahn sẽ không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như mọi chính khách khác.

MỸ LOAN

No comments:

Post a Comment